Chiều 15, tôi có biên thơ cho Vàng. Theo đó, tôi hé lộ rằng thứ bảy này 19.8, tôi sẽ đi coi kịch. Điểm đến của tôi là sân khấu Hoàng Thái Thanh. Vở diễn mà tôi trông ngóng là Nửa Đời Hương Phấn và Nửa Đời Ngơ Ngác.
Điệp khúc “Nửa Đời” trở thành giai điệu tháng 8, thứ thanh âm thôi miên tâm trí, đẩy đưa hành động. Tôi rút ra khỏi ngăn kệ một quyển sách in hằn vết dấu thời gian:
- “Hơn Nửa Đời Hư”.
Tôi đã từng thấy tiêu đề này. Chẳng biết từ bao giờ. Nhưng phải là lâu, rất lâu. Có lẽ chưa độ nào hợp lẽ như bây giờ để bắt đầu thẩm thấu. Và ngay ở trang thứ 23, tôi bàng hoàng khi đọc dòng viết về Sóc Trăng của hai thế kỷ trước.
Thuở ấy, họ Vương từ Phúc Kiến đến lập nghiệp ở đất lạ. Tứ bề chưa bằng an, công cuộc khẩn hoang chưa tất thành. Vì phải chung đụng với người Miên, người Thổ, giống loài ưa dùng tà thuật bùa ngải mà những người Huê kiều đã phải giấu tên, giấu họ, không lập gia phả…Chỉ một đoạn rất ngắn mà ngay lập tức tôi quay trở lại với vũ trụ của Đỗ Phước Tiến. Truyện ngắn Đảo Của Dân Ngụ Cư lấy bối cảnh cũng chính tại Sóc Trăng. Cũng có một ông Huê Kiều họ Vương. Và trong số gia nhân có một người tựa như dã nhân, tên thường gọi là Miên.
Văn chương đối với tôi dù cho hư cấu đến cấp bậc nào thì hẳn chắc cũng phải dựa trên vốn sống nơi đời thực. Hai con người, hai tác phẩm không liên quan gì nhau. Hai không thời xa cách. Vậy mà vẫn hàm tàng một nguồn mạch không ngờ.
Hồi ký 1978. Truyện ngắn 1992. Và điện ảnh 2017. Suýt xoát 40 năm. Đời đã qua mấy lần hư hao?
Và tôi...
từ bao giờ đã chỉ dùng mắt Đảo để nhìn Đời?
Nhiên