27.7.18

Nghĩ về sự báo thù | Kfc#2

Kfc, Lê Bình Giang, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên

Đúng và đầy đủ hơn là nghĩ về nguồn gốc của những cơn hiềm hận, hiềm hận cá nhân, hiềm hận tập thể và hiềm hận của một đất nước.


Kfc là một câu chuyện lấy xuất phát điểm từ nữ nhân viên của một cửa hàng thức ăn nhanh. Cái chết oan ức và bi thảm của cô đã đưa tới sự báo thù tàn khốc của người tình. 

Tôi có nghe loáng thoáng những lời bình luận về tên của một đạo diễn người Hàn Quốc hay Nhật Bản nào đó. Một người sành phim hẳn là đã xếp tác phẩm này vào một đúc kết ngắn gọn: “dòng phim báo thù”. Tôi chưa được dịp xem hết những tác phẩm đặc sắc nhất trong một sự phân định như trên. Nhưng tôi cạn nghĩ tôi hay một khán giả thông thường nào đó đều có thể không khó để đoán ra diễn biến tâm tư của một con người khát khao đòi lại ân oán công bằng.

Nguồn sống của họ nằm ở báo thù. Trí thông minh, sự định tâm, tất cả những gì tinh túy nhất trong trí lực và thể lực gom thâu vào kế hoạch báo thù. Báo thù là chiếc xe, là động cơ, là tay lái và cũng là nhiên liệu. Và đến khi tất cả những cừu nhân đã giãy nảy, đã ói máu, đã bay đầu thì kẻ sát nhân chìm rơi trong một trạng thái vô định, băng giá. Hắn ta hay chị ta dù đã tiêu diệt mọi mục tiêu thì vai trò nạn nhân từ ban đầu vẫn không đổi. Báo thù không thể giải thoát linh hồn, không thể chữa lành những thương tích trong tâm lý.

Đó có phải là những gì sẽ xảy ra trong Kfc không? Rất tiếc là không. Phim kết thúc khi mà hành trình tìm giết vẫn chưa dừng lại. Chàng trai đã tìm hết những con người liên quan để thanh toán nhưng vòng tròn đã rộng mở. Và có lẽ cái vòng tròn oan oan tương báo đó sẽ không bao giờ dừng lại. Cơn hiềm hận của anh có lý do. Sự ra đi của người tình là nguyên cớ cho hành vi tàn bạo. Vậy còn băng đảng đang chém giết nhau trên cầu? Vậy còn những trẻ em trên đường phố? Chúng đánh nhau phụt máu vì cái gì? 

Cứ như thế, một chuỗi những xung đột, những trận chiến, những màn tra tấn, hãm hiếp giăng ngang xẻ dọc màn hình. Tôi tìm thấy nguyên nhân ngay tức thì hay sau vài hồi luận giải. Có những điều lớn, có những điều nhỏ. Và rồi bất chợt tôi bàng hoàng nhận ra có những xung đột chẳng vì một nguyên nhân nào. 

Cơn hiềm hận khởi đi từ một cá nhân. Nó lớn dần, nó lan ra, nó bùng tỏa thành cơn hiềm hận của một nhóm người, một tập thể. Họ tùng xẻo nhau, họ cắn xé nhau, họ nuốt thịt, phanh thây nhau. Đến một thời khắc, bỗng chốc căn nguyên bốc hơi. Hiềm hận giờ là một thói quen, một nếp sống, một thú tiêu khiển. Từ cha mẹ, cơn hiềm hận chuyển giao đến những đứa con. Từ những đứa con, hiềm hận chuyển giao sang bạn bè. Từ ngôi nhà, hiềm hận chuyển giao ra con phố. Hiềm hận giờ là thời tiết, là nhựa sống, là chìa khóa mở tung mọi cánh cửa.

Câu chuyện đó, con người đó, thành phố đó là không thật. Không có trong quá khứ. Không có trong hiện tại. Không có trong tương lai. Nhưng hóa hiện của những trạng thái tâm lý đó liệu có hiện hữu hay không giữa đời sống này?

Hãy cùng lắng đọc một trích đoạn của một người Hàn Quốc viết về đất nước mình.

 “Trong tiếng Hàn, han là một từ không thể chuyển ngữ. Han không chỉ có nghĩa là bạn ghét những người đã làm sai với bạn đời đời kiếp kiếp mà bất kỳ người nào đó trong cuộc sống của bạn cũng có thể thổi bùng lên ngọn lửa của han. Những người chen lấn với bạn trong lúc tham gia lưu thông hoặc làm bạn thất vọng về mối quan hệ bạn bè với họ cũng có thể mở khóa sự giận dữ tích tụ qua nhiều thế hệ. Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào có nhiều trận đánh đấm trên đường phố, hay nhiều người tuyệt giao với bạn bè mình như ở Hàn Quốc”.

(Trích từ trang 86, quyển “Giải mã Hàn Quốc sành điệu”, Euny Hong, NXB Thế Giới, 2016)

Nếu được hỏi một người Hàn, tôi sẽ không hỏi về dòng phim báo thù. Tôi muốn hỏi, han là như thế nào? Và han có diễn ra trên đường phố hay không?

À mà thôi, việc gặp một người Hàn có lẽ cũng không thật. Tôi đang ở trong dòng suy tưởng về Kfc, một bộ phim Việt Nam. Ngay lúc này, cái thật chính là những hiềm hận trầm tích trong tôi. Ngay lúc này. 

Và chúng không hề là hư cấu.