15.7.18

Bỏ xuống những phù hoa | WWM#10A


Em cố gắng đi tìm tác phẩm gốc. Phải là lần in đầu tiên, bìa tím, có nét thư pháp NẺO VỀ CỦA Ý của chính tác giả. Em tìm chị và chị đã chụp lại bìa quyển sách mà chị đang có. 

Không phải bản em tìm. Đó là bìa của lần tái bản thứ 2. Em nhớ tới một hiệu sách quen. Khi đến thì cũng chỉ tìm được quyển đúng y như của chị. Không phải là “đầu tiên” mà là phận “thứ hai”. Em có chút buồn nhưng ngay sau đó lại rất ưng lòng với bản in 2011 này. Sách chia thành hai phần và một đoạn kết. Phần đầu gồm 5 chương. Phần hai gồm 9. Sau từng chương có một bức tranh vẽ. Có 10 bức tất cả. Riêng điều này, trong văn có họa, với em đã là một điểm cộng rất lớn.

Cấu trúc của tác phẩm là một dạng cấu trúc không phải cấu trúc. Vì cấu trúc không phải cấu trúc nên thực là cấu trúc. Đó là gợi ý của tác giả. Thế nên em cũng đọc không tuân theo cấu trúc.

Phần đầu em đọc thử vài chương và thấy văn phong rất lạ. Sự khác biệt so với các tác phẩm về sau là rất rõ ràng. Em nhận ra là vì em đã đọc vài quyển khác, được viết vào thời gian sau này, em nghĩ là những năm 1990-2000. Còn NẺO VỀ CỦA Ý viết trong khoảng cuối thập niên 1960, nghĩa là ở khoảng ở lưng chừng 40. Bốn mươi, sau cột mốc bốn mươi ấy có lẽ có những điều người ta không thể nào tái hiện hoặc không muốn tái hiện.

Ở phần thứ hai, em tô màu những câu chữ đã xuất hiện trong bộ phim. Em từng suy nghĩ đi tìm kịch bản của WALK WITH ME. Nhưng ngay sau đó, em lại nghĩ rằng một bộ phim tài liệu thì có lẽ sẽ không quá đặt nặng vào kịch bản. Bộ phim này tạo ra hai dòng chuyển động. Thứ nhất là các hoạt động của cộng đồng thiền tập có trung tâm chính đặt tại Pháp. Máy quay đi theo đúng dòng thời gian của 2 khóa An Cư Kiết Đông và Kiết Hạ trong 1 năm. Người xem theo gót những bàn chân thầm thì của sư thầy, sư cô, cận sự nam, cận sự nữ từ tu viện đến thành thị, từ Âu Châu đến Mỹ Châu. 

Dòng chuyển động thứ hai của bộ phim là vòng cung cảm xúc của tác giả NẺO VỀ CỦA Ý. Ở dòng chuyển động thứ hai này, người đạo diễn can dự nhiều hơn. Vì ông là người quyết định những trích đoạn nào sẽ xuất hiện và sắp đặt chúng thành một nẻo về. Qua sự sắp đặt đó, người xem sẽ nhìn rõ đạo diễn đã hiểu NẺO VỀ CỦA Ý hay là tâm thức tác giả ở tầng mức nào.

Với cây bút chì xanh màu cỏ cây, em tô lại những đoạn trích đã xuất hiện trên phim. Em đã tô ở chương VI, VII, IX và chương XIV. Như một nhà thống kê không chuyên, em phát hiện chương VII là nơi tập trung nhiều mảng xanh nhất. Có lẽ chương thứ 7 là nơi đã khơi gợi cho đạo diễn hay biên kịch rất nhiều cảm hứng.

Trình tự của các trích đoạn cũng đã xáo trộn không theo đúng số trang sách. Khi nhìn lại quyển sách với các đoạn màu, đánh số thứ tự và ghi chú của riêng mình, em tưởng như mình đã đến gần hơn với những người làm phim. Có một sự lay động nào đó trong tâm trí. Em cảm thấy yêu quý quyển sách hơn dù là chưa đọc trọn vẹn. Em không hiểu khi phim được trình chiếu tại Việt Nam, những người đang thực hành theo hay có tình cảm với dòng truyền thừa này sẽ cảm thụ ra sao, họ sẽ nhìn thấy được điều gì. Còn với em, điều em thấy rõ nhất là một người Anh, hay một nhóm làm phim Âu Châu, chẳng biết họ rèn luyện nội tâm thế nào, đã tham thiền đến đâu nhưng họ đã có một cách hiểu và lối diễn đạt cách hiểu của mình rất đẹp, rất riêng và vô cùng giản dị. Thế nên…

…tình cảm với thiền tập không biết tăng thêm bao phân li. Nhưng tình cảm với điện ảnh trong em chắc chắc đã không còn là cánh cửa khép.

Có một trích đoạn, em đánh dấu là con số 2 tính theo trình tự xuất hiện trong phim, viết về mùa đông. Em rất thích.

“Một mùa Đông băng giá sẽ tới và không thể dung tha những gì non nớt, bé bỏng và phù hoa. Phải vượt qua những giai đoạn non nớt bé bỏng phù hoa đi để mà chịu đựng. Phải già dặn, phải cô độc, phải sẵn sàng nghiến răng mà chịu đựng. Nhìn những hàng cây trụi lá đứng đợi chờ một cách anh dũng và bền bỉ mùa Đông sẽ tới, tôi cảm nhận được tất cả ý nghĩa của bài học về sự chuẩn bị chịu đựng.”

Không hiểu sao âm vang của 2 tiếng “phù hoa” khiến cho lòng em se sắt. Văn chương sao mà quyến rũ con tim đến vậy? Hẳn là vì người viết đã sống, đã bước trong đời không khác những gì mình viết nên. Càng đi xa, càng tận thấu một quãng đường dài, có lẽ người ta sẽ nhận ra rằng bớt đi những quang gánh là điều cần thiết nhất. Đó cũng sẽ là lựa chọn, là nẻo về của em. 

Bỏ xuống những phù hoa.

#VânNhiên