28.7.18

Nghĩ về âm thanh | Kfc#3

Kfc, Đạm Nhiên

Hay đúng và đầy đủ hơn là nghĩ về chiếc tai nghe, giá trị sử dụng thật sự của nó, nghĩ về nguyên cớ đằng sau việc chúng ta sử dụng chúng hằng ngày.


Kfc có cột mốc thời gian khởi đi từ việc một thanh niên đến đón người yêu đang làm việc cho một cửa hàng thức ăn nhanh. Trong lúc chờ cô tan ca, anh đeo chiếc tai nghe. Trong lúc chở cô về nhà, anh vẫn đeo chiếc tai nghe. Cô gái ngồi sau cũng có một chiếc của riêng mình. Giữa họ không có một lời thoại nào. Ngồi chung một xe, mỗi người chìm trong một dòng suy tưởng riêng biệt. Người nam có vẻ thư giãn. Người nữ ẩn bày lo âu. Ngay sau đó là một vụ tai nạn giao thông. Kể từ đây, công cuộc trả thù tàn bạo và phi nhân khai màn. Xuyên suốt hành trình săn giết, chiếc tai nghe vẫn không rời khỏi vùng đầu của nhân vật.

Tần suất xuất hiện chiếc tai nghe để lại một thông tin rất rõ ràng. Đây, một con người say mê âm nhạc. Anh tìm thấy trong vùng miền đó một sự êm ấm, tiêu khiển. Và có khi đó cũng là cách để ly biệt hiện thực đời mình (?). Không còn muốn nghe âm thanh nào khác (?). Hay những âm thanh tự nhiên không khiến mình vui, không đem tới cho mình ý nghĩa, ta đi tìm một thanh âm khác, ta trốn vùi trong một tình tang nhân tạo?

Rồi đến khi mất đi người thương trong một hoàn cảnh kinh hoàng nhất, hiện thực điêu tàn góp phần đưa âm nhạc trong chiếc tai nghe trở thành lối thoát độc đạo, trở thành cõi thoát duy nhất để anh băng bó tâm hồn. Trong lúc kế hoạch lưỡi đền lưỡi, mạng đền mạng thăng tiến đến ngưỡng cực đại, ngay khi ấy, kẻ sát nhân đang say sưa suy tưởng trong một bản nhạc không lời du dương. Chiếc tai nghe không còn là một công cụ tiêu khiển mà đã trở thành đồng lõa cho sự vô nhân, cho tội ác.

Tôi hiếm khi và nếu không muốn nói rằng chẳng bao giờ đeo tai nghe khi đang tham gia giao thông. Tôi không hề ưa thích xuất hiện trên đường phố với chiếc tai nghe trên đầu. Nhưng rõ ràng, chắc chắn tôi đã từng dùng nó để nghe nhạc. Thật may mắn, tôi không hề lạm dụng. Nhưng hẳn đã có ít nhất một lần, vì bên ngoài có quá nhiều tiếng ồn, tôi đã dùng tai nghe, bật lên một đoạn âm thanh của suối reo hay sông chảy để tìm lại sự thăng bằng. Khi bị vùi dập bởi những tạp âm mà tôi không muốn thâu nhận, khi bị cưỡng bức bởi dòng âm thanh không ưa thích, gắn vào vùng đầu một chiếc tai nghe là một cách phòng vệ, một sự phản kháng để đạt tới một khoái cảm tạm bợ, một thứ bình yên trong lồng kín.

Có một lần tôi gắn chiếc tai nghe vào đầu suốt một đêm vì lẽ bên ngoài quá ồn, một đám tiệc nào đó, cả vui lẫn buồn đều có thể trở thành một thảm họa âm thanh. Và gắn chặt tai nghe, bít chặt nhĩ thức là sự lựa chọn khả dĩ nhất.

Khi nhân vật buông tai nghe xuống cũng là lúc hiện thực lùa về. Và chúng ta thấy anh khóc. Không thể nào trì hoãn, không thể nào tránh né, đến một lúc nào đó, cả anh, trong phim, và cả tôi, nơi đời thực, hai thân phận đều sẽ phải đối diện với sự khốn cùng và bi ai của riêng mình.

Những ô nhiễm này, tất cả những cưỡng bức âm thanh này đến bao giờ sẽ được công lý đền bồi? Hay trong một không thời nào đó, tôi và gã sát nhân sẽ là một, để cùng hợp lực trong một biển máu thanh trừng?