1. Lần thứ nhất
Tôi biết thầy Nguyễn Nam từ một buổi xem phim và giao lưu với đạo diễn của trường Đại Học Fulbright. Đó là thứ 7, ngày 25.5.2019.
2. Lần thứ hai
Tháng 2 năm nay (2022), LHP Nhật Bản trực tuyến được tổ chức. Tôi không xem hết mà chọn lọc. Trong danh sách cần xem có Rashomon. Tôi chưa bao giờ xem phim này cả. Mấy năm trước tôi thấy phim đã từng được chiếu tại rạp trong khuôn khổ LHP Nhật Bản tại Việt Nam. Tiếc là khi đó tôi chưa gầy thói quen xem phim tại rạp.
Lần xem này là xem qua màn hình máy tính. Tôi cứ nghĩ chỉ xem tham khảo vì nghĩ mình không có điều kiện vật chất tốt để tối ưu việc thưởng thức. Nào ngờ dù chất lượng âm thanh và màn hình có hạn từ chiếc máy của tôi nhưng ấn tượng về phim là rất lớn.
Sau buổi xem vào thứ 5 (24.2.2022), tôi dành hơn 2 tuần của tháng 3 chỉ để tìm hiểu thông tin nền. Câu hỏi chìa khóa của tôi là "Rashomon đã được trình chiếu tại Việt Nam từ bao giờ?". Từ đó tôi đi đến sự liệt kê về dòng thời gian của các bản phim, sách dịch, báo dịch, ca kịch chuyển thể từ phim Rashomon tại Việt Nam. Sự tra cứu của tôi tựu chung xoay quanh 2 cái tên Akutagawa Ryunosuke và Kurosawa Akira.
Có thể đúc kết là từ sau khi xem phim tôi đã tìm đọc các bản sách dịch và báo dịch tại miền Nam thập niên 1950, 1960. Tôi tìm thêm bản cải lương chuyển thể rồi dẫn đến lịch sử của đoàn Kim Chung. Tiếp đó tôi đi đến hiện trường tức là rạp Aristo ngày xưa nơi đã từng trình diễn vở này. Trong số khối chữ và ảnh ngổn ngang thu thập được tôi thích nhất là bài viết của thầy Nguyễn Nam.
3. Lần thứ ba
Sáng thứ 7 vừa rồi (25.6.2022) thông qua màn hình trực tuyến, tôi lần đầu trực tiếp được nghe thầy Nguyễn Nam giảng giải. Đề tài là "Drive My Car - tính cách Nhật trong thời đại toàn cầu".
Nếu ở lần 2, tôi mới dừng lại ở cảm giác thích thú mơ hồ, tôi thích cách thầy xử lý dữ liệu thì đến lần 3 này tôi trực tiếp chứng kiến cách thầy tạo trình ảnh, cách thầy thiết lập mở-thân-kết cho một bài thuyết trình, cách thầy tôn trọng nguồn cấp.
Tôi ngồi nghe và ghi chú những lời thầy nói. Tuy đã có ý giản lược, nhưng nhìn lại thì thấy tôi ghi đầy 1 trang A4. Buổi nói chuyện của thầy giúp tôi củng cố những nhận định của mình về "tính cách Nhật". Thật kỳ lạ! Nhưng tôi thấy căn tính mình có khá nhiều tương đồng. Những buổi như thế này giống như một sự xác nhận.
Tôi rất trân trọng phần nội dung mà thầy đã truyền tải. Quan trọng hơn hết, tôi đã học được rất nhiều từ thầy. Quả là một trải qua sống động giúp tôi thấy rõ hơn tư duy phân tích, tổng hợp của thầy trong việc nghiên cứu và giảng giải! Thật may mắn cho tôi trong hành trình tìm hiểu về Nhật Bản một cách tự phát và lặng lẽ thì lại gặp được một người đi trước như thầy Nam.
#vudamnhien
27.6.2022
*Ghi chú ảnh:
Ảnh đầu bài được chụp từ một thước phim quay vội tại Đại Học Fulbright ngày 25.5.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét