Trang

15.6.22

Đánh giá về 2 phim Trịnh Công Sơn

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Góc Nghệ, đánh giá Phim Em Và Trịnh, Đánh giá phim Trịnh Công Sơn

Phim. Phải là một phim gây cho tôi hứng thú lớn thì tôi mới ngồi soạn chữ! Bởi lẽ sự viết khi ấy sẽ ngốn hết thì giờ. 

2 phim về Trịnh Công Sơn mới đây là ngoại lệ. 

Tôi không nghĩ bài của mình dưới đây đã đạt phẩm chất của một bài cảm nhận. Tôi chỉ viết và để cho tâm tư mình có bao nhiêu tuôn bấy nhiêu. Tôi không chờ thời gian chưng cất hay làm thành bản nháp như mọi khi nữa. 

Vì âm nhạc của ông là một điều thân quen, một sự hiển nhiên trong đời tôi. Thế nên, một dự án điện ảnh về ông chắc chắn không thể không khiến tôi lưu tâm và bắt buộc phải viết.

Gia đình tôi đã mua 6 vé rồi. Số vé chắc chắn còn tăng vì chưa tính những người ở địa phương khác. Chúng tôi xem ngay trong tuần đầu phim ra mắt. Đây đã là tuần thứ 2. Tôi đã xem đủ cả 2 bản.

Khi xem bản dài, tôi nghĩ ngay đến bộ Sunny của Hàn mà khi về Việt Nam đã chuyển thành Tháng Năm Rực Rỡ. 2 phim có cách chọn dựng cắt giống nhau. Theo tôi biết, việc có 2 tuyến truyện song song (quá khứ / hiện tại) trong phim là một việc nên tránh. Biên tập cả 2 tuyến sao cho mượt là chuyện rất khó. Sunny đã làm được. Còn với bản dài "Em và Trịnh" theo tôi là chưa đạt. 

Tôi ngẫm về việc chưa đạt thì nhớ tới nhân vật trung tâm Trịnh Công Sơn. Tôi không rõ hành trình của nhân vật này. Bộ phim gây ra sự nhiễu nhân vật trung tâm. Thật khó để tôi ghi nhận được sự biến chuyển về mặt nhận thức của nhân vật từ đầu phim đến cuối phim!

Nếu đây là phim âm nhạc thì tôi nghĩ phần nhạc nếu có gây ấn tượng cũng là điều bình thường. Điều còn lại là phim. Đây có phải là phim điện ảnh không? Đâu là giây phút khiến tôi rung động về yếu tố lời ngầm của điện ảnh? 

Dường như không có giây phút nào cả! Chỉ là phần nhạc làm dấy lên trong tôi những thiện cảm, những cú kích thích thính giác vỗn dĩ đã có sẵn từ trước! Tôi tưởng như mình đang vào Nhà Hát Bến Thành để mua 1 vé xem đêm nhạc Trịnh. Các ca sĩ như Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Trần Thái Hòa... cứ thế thay phiên nhau trình diễn. 

Phim chênh vênh giữa việc giải mã các "nàng thơ" - nguyên lý sáng tác hay đúng hơn là nguồn cảm hứng sáng tác và chuyện tình ái đơn thuần, một đề tài có thể rất dễ thu hút sự tò mò của số đông "khát máu" chuyện đời tư của người nổi tiếng. Tôi nghĩ với những gì mình nhìn thấy phim đã nghiêng đổ về vế sau. Nếu thực vậy có thể phim sẽ gây tác dụng ngược. Và điều đó sẽ làm buồn lòng những người yêu một tình yêu thủy chung với nhạc Trịnh.

Người yêu thủy chung chắc không phải là tôi. Họ có thể là lớp người ở tuổi sau 40 hoặc lớn hơn ở tầm 50 trở lên. Hình dung của tôi về lớp người này (nếu họ nhận được một nền giáo dục đầy đủ hoặc tự giáo dục mình suốt đời) là sự nhã nhặn. Họ cũng có thể không dùng mạng xã hội nhiều. Thế nên sự không hài lòng của họ không dễ được nhận ra ở mặt chữ và cũng không có hiện tượng tập kết thành không khí độc tố tập thể rất dễ thấy ở thời này. 

Bản thân tôi cũng không thể làm một cuộc điều tra diện rộng. Tôi chỉ có những mẫu thu thập xung quanh mình và một vài người mà tôi biết. Tôi thấy tính từ "hẫng" được lập lại nhiều hơn một lần. Còn chi tiết hơn nữa thì tôi xin không ghi rõ ra ở đây vì tôi không phản bội chính tôi, một người không bao giờ muốn trích dẫn lại những điều tra riêng tư của mình. 

Trước khi đến rạp, tôi không có kỳ vọng nào. Tôi xem bản ngắn trước. Sau đó thì tôi xem bản dài. Tôi thấy thật kỳ lạ khi bản ngắn sắp tới sẽ không còn chiếu nữa. "Lạ" là theo lý luận của tôi. Chứ nếu xét theo sự trần trụi của những số vé doanh thu thì cũng không có gì lạ. 

Rạp chiếu bây giờ ai đi? Có phải chỉ là người ở tuổi dưới 30? Tôi hy vọng không có sự thật đó. Với những phim khai thác cái tên như "Trịnh Công Sơn" tôi mường tượng lớp khán giả trên 30 và ngưỡng trung niên trên 40 sẽ đến rạp. Ở các thành phố mang nhiều vết dấu của ông như Đà Lạt, Huế, thị trường cũng sẽ được kích cầu một lượng người tiêu dùng đến rạp mua vé. Tôi nghĩ từ khóa "Trịnh Công Sơn" vẫn mang một ý nghĩa như "Thần Tài" của bất kỳ dự án nào. Chỉ cần đừng làm quá ẩu và thô thiển là vẫn sẽ được chấp nhận!

Bản ngắn "Trịnh Công Sơn" khiến tôi có vài phút giây nuôi giữ được sự thổn thức. Giữa u ám của chiến tranh, giữa những thất vọng, thất tình của tuổi trẻ thì Dao Ánh xuất hiện. Đúng như mặt trời hồng xua tan tuyết đông! Hay một khoảng lặng mùa thu khi chàng ca sĩ cất giọng ở quán Tùng. Bản ngắn nuôi giữ được cảm xúc dù không được lâu, được tròn đầy nhưng nếu chuyển qua bản dài thì cảm xúc của tôi lạc hẳn, không một vết dấu. Ít ra với bản ngắn, nếu trở lại là một khán giả dễ cho qua, dễ chấp nhận thì tôi nghĩ mình vẫn có thể mạnh dạn mà nói rằng, "phim đáng để thử xem ít nhất 1 lần!".

Đó là về mặt tình. Tôi muốn ủng hộ những dạng phim này. Tôi thấy phim có một thời điểm trình chiếu lý tưởng. Các phim bom tấn của Mỹ đã ít nhiều giảm nhiệt. Các phim thực lực của Hàn sắp đổ bộ. Phim tiểu sử này có 1 tuần ghi nhận tốt doanh số và hiện ở tuần 2 lịch chiếu rất dày. Tôi mong phim tiến nhanh đến ngưỡng hòa vốn để bắt đầu có chuỗi ngày thu lời!

Còn về mặt logic của tư duy, tôi nhận thấy nếu phim có một cách quảng bá khác đi thì có lẽ sự thuyết phục với tôi sẽ nhiều hơn. Ví như tên phim tôi nghĩ chỉ "Sơn Ánh" là được. Ví như không có sự nói quá lên về 2 bản. Thời này tôi thấy đã khác. Quyền lực đang dần chuyển giao về số đông. Mà số đông bây giờ dường như rất dễ phẫn nộ. Có lẽ đời sống đã khó khăn hơn. Cơn bão giá đang hoành hành. Giá sàn của cột giá cũng đang tăng rồi. Mua vé với tôi giờ cũng là chuyện rất cân nhắc. Và về mặt truyền thông xã hội, dường như người nào cũng có thể đóng vai tổng biên tập 1 tờ báo. Sự phóng chiếu bóng râm tiêu cực dễ xảy ra hơn là những khối tình tươi sáng. Thế nên, tôi cầu mong dự án này không rơi vào ma trận của những tranh cãi theo chiều công kích cá nhân. Dù đã muộn nhưng tôi vẫn hy vọng bản ngắn sẽ xuất hiện trở lại. 

Về việc biên tập các cảnh phim tài liệu vào phim, tôi thấy rằng phần radio hát Nối Vòng Tay Lớn có lẽ chưa phù hợp. Trịnh Công Sơn tạo nên khối dư luận chia 2 trong những quyết định "đi-ở" trong đời ông. Đặt thêm đoạn này vào phim tôi nghĩ rất không nên vì rất dễ dấn sâu vào những hố sâu chia tách cho đến bây giờ vẫn chưa thể san lấp được. 

Về mặt đài từ, tôi không có ý kiến. Về mặt tạo hình, tôi tin ông Trịnh Công Sơn nghiện rượu. Trong tôi, hình dáng trung niên của ông là sự hom hem, gầy gò. Còn diễn viên Trần Lực thì không hiểu có ép cân không nhưng khi lên hình tôi vẫn thấy một cảm giác "lực điền" trong mọi phân đoạn. Nhưng tôi cũng bỏ qua ấn tượng thị giác này. Trở lại với những nghi vấn ban đầu. Hành trình nhân vật trung tâm. Quả thật tôi lạc lối!

Tôi nhớ đến một phim khác tôi xem cuối năm 2020 tại Rạp Quốc Gia. Cũng là dạng phim tiểu sử của người nổi tiếng. Đó là Stefan Zweig. Hình như là phim Đức trong liên hoan phim Châu Âu tại Việt Nam. Phim cũng chọn cách chia ra nhiều trích đoạn ứng với từng thời điểm trong đời nhà văn. Xem phim điều đọng lại trong tôi là "nỗi buồn xa xứ", tất cả sự trọng vọng của ngoại nhân cũng không thể lấp đầy sự u hoài của một người đã lạc mất quê hương. Và cái kết để lại dư vị trong tôi cho đến tận giờ. Không có âm nhạc, không có nhan sắc, không có những cảnh đẹp mê ly! Sự nhất quán trong cảm xúc được giữ từ đầu đến cuối phim! Phim không đến nỗi day dứt nhưng khiến tôi nhớ và thấy mình đã ở trong nhân vật!

Còn với tất cả trải qua với cả 2 bản phim Việt, thật sự dò xét, thật sự trung thực tôi không ghi nhận điều tương tự. Có một sự mến, sự yêu, sự rung, sự chùng rất nhẹ, chỉ thoáng qua rồi biến mất đi cùng cái kết! 

Phải chăng tôi đòi hỏi nhiều quá cho 1 buổi chiếu? Hoặc nghĩ ngợi nhiều quá chăng? Khán giả đến rạp có khi cũng chỉ cần một khoảng thư giãn. Nhạc hay, người đẹp! Vậy là đủ. Nếu thực vậy thì bản ngắn và kể cả bản dài của phim này sẽ đáp ứng được nhiều hơn một chút. 

Tôi muốn có 1 bài phân tích về diễn xuất của Avin Lu. Hãy chờ xem! Nếu có không gian phù hợp và đủ nguồn cảm hứng, 1 bài chuyên đề như thế và có sự chuẩn bị tốt hơn bài này sẽ ra đời.

15.6.2022

*Ghi chú ảnh:

- Tôi định lấy tất cả tờ rơi của phim vào khung ảnh. Đáng tiếc tôi không tìm đủ ở rạp chiếu! Hồi tháng 5 tôi đã lấy đủ nhưng để ở Hà Nội cả rồi. 

- Trước khi xem phim, tôi có ngồi đọc lại mấy lá thư tình của cặp Sơn Ánh. Trước đây thi thoảng tôi cũng đọc vài lá. Nhưng đột ngột liên tiếp nhiều bức thì tôi thấy mệt. Tôi không hòa vào được khối tình giữa 2 người. Giữa Sơn và Ánh tôi không nghĩ chỉ có chuyện trai gái yêu đương. Tương tự, giữa Trịnh và những Ánh Phẩy, Ánh Phẩy Phẩy... cũng không có mãnh liệt của ái ân, dục tình thúc đẩy. Đây là khoảng mênh mông để giới làm phim khai thác. 2 bộ phim đã không sa vào sự giải mã tầm thường. Rõ ràng phim có một ý hướng khai phá rất chân thiện! Mong rằng dự án điện ảnh này sẽ đạt được doanh số và tạo nên tiền đề cho chuỗi dự án về sau!  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét