(#Nhiên, 7.12.2020)
2016, quyển “Ngẫu Hứng” xuất bản. Tôi đọc được thông tin buổi ra mắt sách trong một buổi chiều mưa. Năm ấy, trước đó 2 năm nữa, khoảng thời gian ấy, các tin tức văn nghệ đương thời không chạm động được tôi.
Nay, 2020, sự khác. Sau khi xem bộ phim Màu Cỏ Úa 2 lần, trí nhớ tôi lần tìm bìa sách…
… màu nâu nâu.
Muốn nhìn lại bóng hình đã xuất hiện, màu áo lính lướt qua rất nhanh trên khung hình:
- Phạm Tiến Duật.
Cấu trúc Màu Cỏ Úa có lẽ không khác với lối kể thông thường của một phim tài liệu. Đó là xen kẽ giữa dòng thời gian tự sự hiện tại bằng các phiên hồi tưởng. Máy quay bám gót nhạc sĩ trong những chuyến lưu diễn 5 năm gần nhất ở khắp các thể dạng sân khấu, khi quy củ, khi dã chiến, lúc đô thị, lúc vùng sâu xa, mới rạp hát bề thế mà loáng sau đã là tiếng ca tung tóe bọt bia vỉa hè.
Trần Tiến chọn những chuyến du hành vào lòng nhân dân làm dưỡng chất cho sáng tác. Liên kết tương hỗ, các sáng tác lại thúc đẩy ông mải miết lên đường. Đi từ tuổi thanh niên, trung niên đi đến tận lão niên mà cuộc lữ vẫn chưa thôi dứt. Hình tượng một người ca /nhạc sĩ như chà xát, quăng quật thân mình với đời sống, với thế sự khiến màn ảnh rung rinh, người xem rung rinh.
Lần đầu đến rạp, cơ chế phòng vệ của tôi còn kiên cố. Tôi cố gắng để hết những tiếng đàn, lời ca, giai điệu ngoài tai mình. Tôi xem, thưởng thức và chỉ mong bắt được những hình ảnh giàu sức gợi. Có khoảnh khắc, tôi thắc mắc chuyện vốn nghề, “Ông đã tích lũy năng lực viết nhạc thế nào? Từ đâu? Nhờ ai?”. Rồi dần dần rõ rệt trong tôi là nhu cầu hình dung về các mốc điểm trong sự nghiệp lừng lẫy của Trần Tiến. Tôi chưa biết và tôi muốn biết.
Phim lưu giữ những cảnh dựng ở biển như một trục kể chuyện giữ vai trò xương sống. Hoạt ảnh chân bước, tay đưa thuốc lá, mắt nhìn chân trời, tuy không mới lạ nhưng vẫn lay động. Thế nhưng mà biển, nguồn cảm hứng, say mê một đời và ngôi nhà nhìn ra biển với những đường cong cong, ôm ôm, vòng vòng, nơi nương náu hiện tại, theo tôi vẫn chưa đủ ý ngầm để phục dựng khối kiến trúc âm nhạc trong tâm hồn Trần Tiến.
Ông mang đặc tính của một người hướng ngoại. Lấy đi, lấy sự tìm, lấy hát rong, lấy phục vụ quần chúng làm niềm vui thỏa. Thế còn những chặng dừng, xuất phát điểm và không gian đã ươm trồng, nuôi dưỡng, tôi luyện nên nét nhạc Trần Tiến thì sao? Nghi vấn đó mờ hiện trong tôi sau đêm trình chiếu. Tôi muốn có một nhóm từ nào đó để khái quát về trái tim của tác phẩm.
Du ca chinh chiến.
Du ca thị trường
Du ca tình yêu.
Đó là ba cây đinh ngôn từ mà tôi bắt được khi ngồi đọc Ngẫu Hứng. Phần cuối sách, trong những đoạn văn sưu tầm viết bởi bạn bè, ngòi bút Phạm Tiến Duật đã khái lược về Trần Tiến như thế. Dù chưa thật sự đồng tình nhưng tôi hài lòng. Ít nhất cũng có một mượn cầm sắc nhọn để mình có thể chọc khoáy vào tường tôn. Qua khe hở, trộm nhìn gia tài ước chừng trên dưới 200 nhạc phẩm từ thuở Zil ba cầu (thơ Phạm Tiến Duật), Đôi mắt hình viên đạn, Trần trụi 87, Tóc gió thôi bay, Tùy hứng lý qua cầu (thơ Bế Kiến Quốc), đến Mưa bay tháp cổ.
Thế rồi theo mạch dẫn của Phạm Tiến Duật tôi chạm tay vào vôi tường đâu đó gần Ga Hàng Cỏ, chỗ ngồi, chỗ tá túc và cũng là nơi đã diễn ra lễ thành hôn của nhà thơ của "Tiểu đội xe không kính". Đó cũng là nhà của gia đình Trần Tiến. Lạ kỳ và ngạc nhiên quá đỗi! Chốn nơi ấy còn được thuật tả trong một tiểu luận của Nguyễn Minh Châu năm 1973, in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tựa đề “Người viết trẻ và cánh rừng già”.
Thời gian đọc của tôi chỉ khoảng 2 giờ. Tôi còn tham khảo một số sách khác nữa do không phải lúc nào cũng tiện đường vào Thư Viện Quốc Gia. Vậy nên chỉ kịp ghi nhớ tên. Chưa biết cách nào để tìm ra văn bản gốc. Nhớ lại ở gác xép có 2 cuốn văn Nguyễn Minh Châu, một khổ cầm tay, một khổ bỏ túi. Về hồi hộp lục tìm nhưng tiếc là cũng không tìm thấy đầu đề trên trong mục lục. Tưởng tượng văn học về căn nhà ấy, nơi Trần Tiến đã sống từ 1954, có lẽ còn phải rất lâu nữa mới thành hình.
Ở Màu Cỏ Úa, hình dáng của căn nhà xưa đã chớp nhá giây lát. Nhưng tôi hồ nghi đó không phải là phố Ga. Cùng với một loạt hình ảnh khác về đường phố Hà Nội không cung cấp thêm dữ kiện, chỉ dừng lại như một thu hoạch minh họa của người cầm máy. Hẳn nhiên cũng chưa thể vén được màn mây của vùng trời quá vãng. Từ Hàng Lọng ngược về Ngõ Gạch, mảng màu ký ức gọi khẽ, “Phố bên sông!”, nhìn thẳng ra sông Hồng, vung chân bước đã có thể chạm vào tuổi thơ trong mát. Thiết tưởng đó hẳn phải là điểm tựa đặc biệt trong ngẫu hứng viết nhạc hoàng kim sau này.
Hà Nội. Chuyến tàu Bắc Nam. Sài Gòn, ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, và còn thêm một tổ ấm nào nữa đã từng là quán trọ để Trần Tiến tạm ngơi những bước giang hồ?Nhà là đó, không gian tích lũy vốn nghề còn có trường học, cánh cổng tri thức mà ông, anh ông, cháu ông, cả một gia tộc họ Trần đã ra vào biết bao lần ở phố Hào Nam nữa.
Những điều chưa thấy...
... tôi đành tiếp tục len lén, trộm nhìn.
***
Bộ phim tài liệu âm nhạc về Trần Tiến đang trình chiếu tại Rạp Quốc Gia và cụm rạp Dcine ngay lúc này, trong tháng 12.2020, một tác phẩm của Lan Nguyên.
MÀU CỎ ÚA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét