#Nhiên (15.11.2020)
1.
Lần đầu xem Đi Tìm Phong, tôi không thích. Phải sau vài lần hít thở không khí rạp chiếu, sự đồng cảm mới hiển hiện.
Đến lần xem này, một bộ phim tài liệu khác, khi câu chuyện xoay quanh 1 đoàn hát với lớp người hôm qua (bà bầu Phương Ánh), hôm nay (cô đào Phương Anh) và ngày mai (người cháu, người con có thể nối tiếp nghề hát), cảm xúc của tôi là trọn vẹn, dù chỉ ngay sau lần đầu đến rạp.
2.
Nhiều lúc xem phim Việt tôi cứ nghĩ bối cảnh đang ở 1 khung trời viễn tưởng nào đó. Những con người, không gian sống, sinh hoạt và tâm tình sao khác xa những gì tôi trải. Tính hiện thực và tính khai phá hiện thực giống như một điều hiếm hoi mà 1 người khán giả như tôi phải chầu chực đợi chờ.
Thì nay, với bộ phim vừa xem đêm 13.11, tôi đã thỏa. Chỉ một cảnh trải chiếu nằm chờ trong bệnh viện là tôi thỏa. Đúng là cảnh mà tôi và có lẽ nhiều người đã kinh qua với hệ thống y tế Việt Nam. Hơn thế và ngoài thế, lựa chọn về góc, về màu của cầu thang, hành lang, khung cửa rất phù hợp với diễn tiến phim. Chúng đem tới độ lặng và chiều sâu trong ngôn ngữ kể chuyện.
Chất tĩnh trong khung hình của tác phẩm này hãy còn nhiều khoảnh khắc khác nữa để lại thiện cảm trong tôi.
3.
Trong hiểu biết ít ỏi của tôi, đình làng là nơi thờ Thành hoàng. Đó là người có thể đã khai hoang, lập ấp, dựng làng hoặc là người mở ra một ngành nghề. Những người thợ giỏi, lành nghề khi lập nghiệp nơi xa có lệ xây đình thờ Tổ nghề cũng như giữ giềng mối với làng nghề.
Một gánh hát cải lương tuồng cổ ca diễn trực tiếp trong không gian đình làng thời nay tựa như một gạch nối giúp tôi hình dung liên kết vô hình giữa 3 ngôi: đình - làng nghề - nghệ nhân. Liên kết này đã mai một. Thật bất hạnh nếu tôi phải hình dung điều này qua 1 trang sách trong thư viện hay qua lời kể của một cụ ông cụ bà! ... Thay vì bằng một tập thể những con người sống động, sử dụng nghệ thuật sân khấu trăm năm.
Công việc của họ vì vậy là quan trọng. Và hơn nữa tự thân họ cũng mang giữ trong lòng liên kết ấy. Là của báu mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần mang giữ: sự biết ơn với tiền nhân.
4.
Lần đầu mua vé tôi còn chưa kịp nhớ tên phim. Chỉ bảo cậu bán vé, "Phim tài liệu gì mà Vinh Hoa cái gì đó..." Cậu còn nhầm tôi đến lấy vé liên hoan phim cũng tổ chức ở đây. Mãi một lúc mới ra đúng tên. Ngay cả người bán vé chắc cũng chưa quen với việc bán vé 1 phim tài liệu. Điều này hẳn phải thay đổi. Một bộ phim cần sức mua của thị trường để đạt sức khỏe tài chính và sống độc lập.
Với phim này, tôi tin phim đáng tiền và mong phim sống khỏe.
Có lẽ tôi cần thêm một lần xem nữa để có thể viết rõ hơn sự đồng cảm của mình về phim này!
Thật may, sau 3 ngày của tuần đầu tiên, phim vẫn còn trình chiếu ở B.H.D vào các ngày trong tuần tới
tại Huế,
Sài Gòn,
Hà Nội!
Tôi đã nhớ tên phim.
Đoạn trường vinh hoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét