2.10.20

2 CÁCH VIẾT VỀ RÒM MÀ TÔI TRÁNH ĐỌC | RÒM#2

Xem phim Ròm ở Đà Nẵng
Ngày 22.6 tôi có đến khoảnh sân thuộc trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội để dự buổi tọa đàm về phim RÒM. Buổi này có sự hiện diện đạo diễn Trần Thanh Huy. Phim ngắn tiền thân của RÒM là 16:30 trước đây tôi đã tình cờ xem (nhớ không lầm là xem trên vimeo). Trong buổi này tôi được xem lại lần nữa.

Đêm 22.6 được tổ chức bởi phía sản xuất phim RÒM. Chắc chắn đây cũng là một nước đi đã lên kế hoạch cẩn thận để truyền thông cho phim. Tôi nghĩ tất cả những gì tôi nghe tại đây là đã đủ để làm thông tin nền. Mọi văn bản bằng hình, bằng chữ mà bộ phận tiếp thị của phim đăng tải sau đó trên mạng lưới viễn liên tôi đều đứng ngoài. Mãi đến tuần thứ 2 trong vòng sống tại rạp của RÒM tôi mới vào đọc tại trang thông tin chính thức của phim.

Trước khi công chiếu toàn quốc, RÒM có buổi chiếu ra mắt báo giới và yếu nhân vào 24.9. Ngay sau đêm 24, đã có thêm nhiều bài truyền thông tự nguyện. Tôi có đọc thử vài bài. Diễn tiến đó giúp tôi nhận ra nội tâm của người viết nhiều hơn là phim. Trừ trường hợp các bài viết từ đối tác truyền thông của RÒM, tôi nghĩ các bài khác chủ yếu do tâm lý đám đông ngay tại buổi 24.9 thúc đẩy. Hoặc là do cảm xúc chủ quan của người xem chi phối. Lúc bây giờ chưa có sự can dự của tri giác, tư duy mà phần lớn là tình cảm hoặc gợi cảm (phim gợi lại ký ức của người xem). Điều này tôi hoàn toàn có thể thông cảm.

Tôi không sợ cách viết về phim do cảm xúc. Đó có thể là nhất thời. Mọi thứ có thể sẽ chính xác hơn (lý tính hơn) nếu có thêm vài lần xem. 

Sau khi thử đọc vài bài của các yếu nhân (Thật may, đó đều là những bài không nhắc gì đến nội dung phim!), tôi dặn mình không đọc bất kỳ bài nào có tính chất cảm nhận về RÒM. Phải sau khi tôi xem RÒM lần 3, tôi mới thử đọc. Chiến thuật của tôi như vậy là cố gắng đứng ngoài mọi hoạt động quảng bá có chủ ý hay vô tư cho RÒM. Tất cả không ngoài mục đích giữ cho sự đánh giá của mình về RÒM được nguyên chất!

Trong số những điều tôi tránh đọc, cần kể ra rõ ràng 2 lối viết mà tôi xa lánh. Xa lánh mà tôi cũng tự hứa cần tránh huân tập vào mình. Không chỉ với RÒM mà với mọi phim.

Thứ nhất, đó là lối viết về phim mà kể lể các tình tiết bên trong. Với tôi, một khi đã thuật lại diễn biến của phim dù chỉ là một phần thì đó không phải là dạng bài phê bình đúng nghĩa. Không nhất thiết phải làm điều đó! Hoàn toàn có thể viết theo lối chỉ đặc tả vào cảm xúc, tri giác, ký ức của bản thân khi xem. Việc chỉ đơn thuần viết ra tình tiết theo dòng tự sự của phim theo tôi là sự làm biếng. 

Tôi chờ được đọc lối viết thuật lại bề nổi của phim (cái mà cả thiên hạ đều thấy) và kèm theo sự phân tích bề sâu ẩn dấu bên dưới từng khung hình và rãnh âm thanh. Nhưng nếu một khi đã đi theo lối này thì thiết nghĩ cũng nên chờ cho qua một vòng sống của phim tại rạp (sớm nhất là sau 1 tuần hoặc tốt hơn là khoảng 1 tháng). Không việc gì phải vội! Nhất là nếu đó là công việc thiện nguyện, không ai trả tiền cho việc phân tích ấy!

Lối thứ hai, đáng ngại hơn lối thứ nhất chục lần, trăm lần. Lối thứ nhất có thể là sự hồn nhiên dễ dàng thông cảm. Nhưng độc tố của lối ấy không nhiều như lối thứ hai. 

Tôi sợ hơn là lối viết không đứng từ bên trong bộ phim mà là đặt tâm thế ở bên ngoài cốt truyện. Người viết không thể đồng nhất với nhân vật trung tâm hoặc không biết cách để tạo ra phản ứng đồng nhất với nhân vật trung tâm, hoặc biết về thuật ngữ “đồng nhất hóa” hay “tự đồng nhất” nhưng chưa tập luyện thuần thục nên không thể hiểu rõ cấu trúc tự sự của phim. Trái lại, họ phóng chiếu những vùng đen trong tâm hồn lên việc nhận định phim. Mà thường hậu quả là gây ra sự ô nhiễm cho bên thứ ba.

Vùng đen là vùng gì? Đó có thể là những mặc cảm thua người, hơn người, bằng người trong đời thực. Đó có thể là những thất vọng, thất bại, thất chí trong sự nghiệp cá nhân. Đó là có thể là những điều bất như ý với thời cuộc, với chính quyền, với địa phương, với hoàn cảnh sống, với chính mình. Đó có thể là những rối nhiễu tâm lý trong quá khứ hay hiện tại, được di truyền từ gia đình hay kết tụ trong quá trình trưởng thành. Bản thân họ vẫn chưa xử lý được, chưa tìm được cách chữa trị hiệu quả. 

Và một bộ phim như RÒM xuất hiện, cách xây dựng nhân vật, chọn lựa bối cảnh của RÒM, những gì xảy ra với RÒM trong dòng thời gian giới thiệu – quảng bá – phát hành – kết quả phòng vé của phim vô tình khơi chạm vùng đen tăm tối nơi nội tâm. Thế nên họ thừa dịp (vô tình lẫn cố ý) phóng chiếu rối nhiễu đó lên những dòng trạng thái được gắn thẻ neo là cảm nhận hay là theo chân thời sự của RÒM. 

Nếu ai đã ý thức về vùng đen và sự phóng chiếu cộng thêm sự tập luyện trong việc xử lý thông tin thì ngay khi bắt gặp những bài viết theo lối thứ hai sẽ nhận ra ngay. Cũng có ngoại lệ, đó là các trường hợp không ý thức, không hề tập luyện nhưng do có trực giác di truyền hay do vốn sống sâu dày mà bồi đắp thì tự dưng cũng đánh hơi, ngửi thấy ngay, phát giác ngay những bài như vậy. 

Bản thân tôi may mắn khi đã vô tình đọc được thuật ngữ về sự phóng chiếu và có ý thức tập luyện. Thế nên trong đợt này cùng RÒM đi theo các thẻ neo liên quan đến phim này tôi cũng đã thấy kha khá các bài theo lối thứ hai. Các bài theo lối thứ nhất thì đã là muôn thuở. 

Với những bài theo lối thứ nhất, tôi tin là chỉ cần gặp được tài liệu điện ảnh, tham gia khóa học hoặc gặp một người có ý thức đào luyện tư duy nghe nhìn phim ảnh, mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Với những bài theo lối thứ hai, tôi nghĩ vấn đề khó khăn hơn rất nhiều. Đáng ngại hơn nữa là lối thứ hai có tính chất rất dễ lây lan. Tôi không biết phải chữa trị như thế nào. Hiện tại, phương pháp khả dĩ nhất của tôi là cách ly với chúng.

#Nhiên
2.10.2020 

*Đặt tiêu đề "2 cách" mà soạn xong thì thấy "2 lối" đúng hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét