Trang

20.9.19

CON ĐƯỜNG TRẦN HỮU TRANG | CLTNNC#29

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Ý Mai, Trần Hữu Trang, Đường Trần Hữu Trang, Lan và Điệp, Đời Cô Lựu,

Chỉ 3 đến 4 bước chân, mà đúng hơn chỉ cần một cú phóng người, từ ngã tư Huỳnh Văn Bánh – Lê Văn Sỹ kẹt kín, bít bùng, nghẹt thở, tôi đã ở trong một cảnh giới khác, trái ngược hoàn toàn.

Giờ là 6 giờ chiều, giờ tan tầm. Nếu đi xe máy hay bất kỳ dạng xe nào có lẽ tôi chẳng thể nào có mặt ở đây, đường Trần Hữu Trang, dễ dàng. Điểm khởi hành là Kệ Sách Ý Mai. Từ 2 tháng trước, cũng là ngày đầu tiên lập kệ sách, cầm quyển Trần Hữu Trang (soạn giả ca kịch cải lương) trong tay tôi đã nảy nở ý nghĩ đến thăm con đường này. Nay thì dự định mới thành hiện thực. 

450m là cách khoảng giữa nơi xuất phát đến ngã tư Huỳnh Văn Bánh – Lê Văn Sỹ. Lách len khỏi dòng xe đông dày, ồn náo, tôi khởi những bước thanh thản và bình yên để vào đầu đường Trần Hữu Trang. Bên phải, bên trái lần lượt xuất hiện những cửa tiệm giày, nhưng nhiều nhất có lẽ là mặt hàng túi xách treo lửng lơ, trưng bày tràn lấp. Đã đi được một đoạn gần 400m mà vẫn chưa khỏi kinh ngạc vì sự trống vắng của xe cộ, con người. Nhiều quầy quán ăn uống nhỏ xinh nối nhau xuất hiện. Mùi vị đưa lan, màu sắc mời gọn, khói bay mịt mờ. Thật tiếc lại không có thói quen ăn chiều! Ham muốn tiêu thụ hoàn toàn nguội lạnh! Khứu giác vẫn thấu hay, thị giác vẫn nhận lãnh nhưng không đẩy tới hành vi! Mà nguyên do quan trọng nhất là cô độc, không một tác nhân xúi giục, không một than vãn thường tình. Thế nên không có cơ may được hưởng những khoái lạc nơi đầu môi chóp lưỡi!

Tôi cứ tiến lên, vượt qua, vượt qua bằng một tốc độ chậm rãi. Chậm vừa đủ để không gây nên sự chú ý vào mình! Đi sao để có thêm một kỷ niệm xê dịch cùng cái tên của người đã tạo ra Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, Đời Cô Lựu. Cái tên đã xuất hiện trên bảng tên ở đầu đường. Đúng lúc này cái tên lại hiện ra, bề thế, ở góc trái, phía trên cao. Ra là vậy! Có hẳn một khu chợ mang tên Trần Hữu Trang. Đây có lẽ là lúc chợ đã vãn. Nếu là buổi sáng, tình hình lưu lượng giao thông sẽ khác hơn chăng? Sẽ là một lần trải nghiệm về sau để nhìn thấy một khuôn mặt khác. Còn lúc này, nội tâm đang phấn khích với sự thật: tên chợ và tên đường là một. Điều này theo lối hiểu của tôi là sự nhất quán. Mà đã có tính nhất quán thì rất tiện lợi để xây dựng nội dung cho một chuyện kể. Một không gian vật chất sở dĩ được bồi đắp, sở dĩ có giá trị cũng là nhờ một phần vào những chuyện kể hôm nay, ngày mai, những câu chuyện lưu truyền. Tôi vô cùng thích thú với chứng kiến này. Ở Lăng Ông cũng từng là thế. Tên lăng, tên đường là một. Chẳng hiểu vì sao lại chuyển sang Đinh Tiên Hoàng?

Đường Trần Hữu Trang đủ cho 2 làn xe, nhưng vẫn nhỏ hơn về bề ngang nếu so với Lê Văn Sỹ hay Huỳnh Văn Bánh. Tổng chiều dài có lẽ chưa tới 1 cây số. Đường bị chia cắt thành 2 phần bởi đường ray xe lửa. Điểm mốc này có một ngôi chùa. Qua chùa là tới đường ray. Qua đường ray thì bề ngang đường thu nhỏ hơn nữa. Giống như từ đường đã thành hẽm. Cảm giác yên lắng cũng theo đó mà tỉ lệ thuận. Đường này có một trường mầm non, mấy căn biệt thự kín cổng cao tường. Và rất nhiều ngách ngã, góc khuất gợi niềm hân hoan khám phá cho khách lạ. 

Chiều nay tôi chỉ đi trục chính như một đường ngang của hình xương cá. Các tuyến phụ, những trục tung chằng chéo sẽ chờ một dịp khác. Giống như đi xem Cải lương – trăm năm nguồn cội vậy! Đi để nắm bắt được nội dung chính chương trình, đi để chú tâm vào cấu trúc trọng yếu của vở diễn. Rồi đi để phân tích vào tư duy không gian, cách dàn dựng, năng lực ca diễn hay các tình tiết. Không thể chỉ đi một buổi mà cần đi nhiều lần. Có thể là 3, 4 lần vẫn chưa là đủ. Lại cần phải tích lũy thêm nhiều tri thức nền bên ngoài được gợi cảm hứng từ vở diễn. Như là hôm nay. Có một Trần Hữu Trang soạn giả trong thế giới sân khấu cần phải nghiên cứu phong cách, nghệ thuật sáng tạo. Và có một Trần Hữu Trang khác thuộc về đời sống trần ai cũng cần phải thấu rõ.

Điều đặc biệt nhất trong chuyến du lịch kỳ thú tinh gọn này có lẽ là sự xuất hiện của những toa tàu, của tiếng còi tàu. Chúng làm tôi nhớ đến những ngày ở Huế, ở ngõ nhỏ trên đường Phan Châu Trinh. Buổi sáng nào tôi cũng ưa len lỏi nhàn tản trong những kiệt nhỏ tin hin, miệng thỏ thẻ mấy lời ca ươm nắng. Rồi một vùng sáng, rộng, xa, dài chắn ngang. Lắm khi trời mưa mà cứ thích náu mình chỉ để chờ được nghe thanh âm của hỏa xa vang dội! Ở Sài Gòn thì chưa từng hoặc đã lâu, rất lâu rồi, chưa được nếm trải thứ hạnh phúc riêng tư đầm ấm này. 

Hẹn lần sau, những đốm hoa sò đo! Hẹn dịp nữa, huỳnh liên nhé! Tôi sẽ dọn lòng mình như là em bé Totto để được trông thấy những bông hoa, để được nhìn ngắm một đoàn tàu, để được lặng nghe bài ca của thiên thâu trên con đường lẩn khuất này, đường Trần Hữu Trang!

#Nhiên
19.9.2019