Trang

3.2.19

10 điểm cần phân tích | Sansho#2

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, phân tích phim Sansho the Bailiff, Trần Anh Hùng, Kenji Mizoguchi, Roma, Alfonso Cuarón
Anh Hùng (đạo diễn Trần Anh Hùng) trong buổi phân tích phim Sansho (Sansho the Bailiff 1954, đạo diễn Kenji Mizoguchi) chỉ bàn đến kỹ thuật dựng hình trong 1 phân cảnh (phần mở đầu của phim). Trọng tâm anh muốn nhấn vào những cú máy dài. Nhưng theo anh phim này không có nhiều điều để anh phân tích. Bất ngờ, anh chuyển sang phim Roma (2018, đạo diễn, Alfonso Cuarón).



Thái độ đối với Netflix

Đêm trước buổi chiếu Sansho thì anh Hùng đã xem Roma và theo lời anh thì anh bỏ xem sau 1 giờ đồng hồ. Anh có phân tích một cú máy dài trong Roma và cho rằng nó không có ý nghĩa. Chuẩn mực, đẹp nhưng thiếu ý nghĩa. Lập luận của anh có lẽ đã gây ra một thoáng bàng hoàng nhất định đối với những người đang ngồi ở Tổ Ong. Roma đang là phim gây được sự chú ý lớn của dư luận thế giới và đã nhận được hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá về mặt chuyên môn ngay trong năm hiện tại. Trong khi đó, nhận xét của anh lại có phần nghịch trái.

Thuật tả lại cú máy trong phim của anh cần phải có 1 lần xem phim để đối chứng. Thế nhưng phim này chỉ chiếu trên Netflix. Hẳn là anh Hùng đã xem bằng tài khoản cá nhân. Khi nghĩ đến trang phim này tôi nhớ đến lần xem Okja vào tháng 10. Đó là một buổi chiếu phim do một nhóm cổ vũ cho việc ăn chay tổ chức. Buổi chiếu diễn ra tại một quán cà phê. Khi chiếu thì hiện lên trên màn hình phần đăng nhập tài khoản Netflix. Tôi không rõ lắm về kỹ thuật sử dụng máy chiếu và bản phim các bạn trình chiếu có nguồn từ đâu. Sau buổi đó về nhà tôi tìm hiểu thì được biết Okja cũng là phim do Netflix phát hành. Phim này vấp phải sự chống đối của quốc tế lẫn sự ghẻ lạnh của khán giả quốc nội (Hàn Quốc). Sự kiện tiêu biểu là tại Liên Hoan Phim (LHP) Cannes, phim vấp phải sự chống đối, la ó từ phía khán giả. [1]

Hiểu đơn giản nhất về xung đột này chính là lợi ích, tính chính danh. Khán giả không muốn một bộ phim chưa hề ra rạp truyền thống lại chính danh tham gia một LHP và có thể còn được vinh danh (trường hợp đoạt giải). Diễn tiến này trái với truyền thống của Cannes. Về phần những doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu, họ nhìn thấy một hiểm họa đằng sau Okja. Đó là phim chỉ chiếu trên trang mạng trực tuyến của Netflix. Một khi Netflix bành trướng sức mạnh, một lượng lớn khán giả là khách hàng của Netflix sẽ không đến rạp. 

Là một khán giả, chưa từng dùng dịch vụ của Netflix, tôi có một suy nghĩ khác. Ở hướng thuận, tôi cũng không hề thích ý tưởng không còn phải đến rạp để thưởng thức 1 tác phẩm điện ảnh trở thành hiện thực. Xem phim đối với tôi là một hoạt động không chỉ mang tính cá nhân. Đó là cách thức con người có thể chan hòa cùng nhau trong một không gian. Nghĩ tới viễn cảnh con người chỉ giam mình trước một màn chiếu thu nhỏ, tôi thấy thật khủng khiếp. Sự xa cách và cô đơn của loài người tỉ luận nghịch với sự phát triển của công nghệ giải trí. Cái gì cũng có ngay tại nhà. Chẳng cần phải đi đâu! Chẳng cần một hoạt động xã hội nào nữa! 

Ở hướng nghịch, sự hình thành Netflix trở thành một lực đẩy tác động đến sự độc quyền hay thống trị thị phần của nhiều doanh nghiệp. Tôi mong rằng sự va chạm 2 hình thức kinh doanh truyền thống và mới nổi này sẽ tạo ra những quy định mới cũng như diễn tiến mới và đem tới lợi ích cuối cùng cho người khán giả. Ví dụ như giá vé xem phim sẽ giảm. Hay các trang web phát phim lậu, phi pháp sẽ giảm.   

Về phần mình, tôi vẫn ưa thích xem phim tại rạp. Màn hình lớn, âm thanh tốt và có phản ứng của khán giả. Đây là không khí tương tự như việc xem bóng đá trực tiếp tại sân vận động. Hiện tại tôi không có kế hoạch gì với việc xem phim trực tuyến. Đầu tư một dàn âm thanh và hình ảnh chuẩn rạp chiếu, tôi không có khả năng. Mảng phim trực tuyến ở Việt Nam đang có nhiều trang web phi pháp. Họ đang hưởng lợi nhuận không phải mình làm ra. Đây là con đường đưa tới sự nghèo và vòng xoáy nghèo-trộm không biết bao giờ mới dừng lại. Tôi không thể làm gì để cải đổi. Tôi chỉ biết cố gắng đứng ngoài. 

Phim không có tại rạp thì tôi không xem. Ngày tôi chỉ ăn 2 buổi. Tôi có thể giảm được 1 buổi ăn chiều. Tôi đã luyện được thói quen này. Không lý gì việc nhịn xem 1 bộ phim hay tôi không làm được! Nếu một phim có phẩm chất không được hệ thống rạp Việt Nam mua về (đây không phải là giả định, điều này thường xuyên xảy ra và tôi phần nào hiểu được vì sao não trạng của họ lại có quyết định như vậy) thì tôi nhịn xem cũng như việc nhịn ăn của mình. Đây là quyết định cá nhân và tôi không cổ súy cho hành vi này của mình. 

Với Roma, phim chỉ chiếu trên Netflix chắc chắn tôi không có cơ hội xem và kiểm chứng những nhận định của anh Hùng. Một dịp nào đó, 70 năm sau (nếu tôi còn sống) hay ngắn hơn như trường hợp của Sansho đêm nay, có thể tôi sẽ được xem, xem với tinh thần học tập và thú vị là xem cùng một đạo diễn đã được minh chứng về tài năng.


Một buổi phân tích phim chuẩn mực

Buổi hôm nay là lần thứ 2 tôi được nghe anh Hùng phân tích phim. Tôi không biết anh có soạn trước phần nội dung hay không? Theo quan sát và lắng nghe của tôi, anh không hề xem phim trước đó. Anh đã xem phim từ rất lâu và anh đã quên đi rất nhiều tình tiết. Buổi hôm nay gần như là xem để phục hồi ký ức. Có thể nói gần như anh không khác với những người lần đầu xem. Thế nên nhiều khả năng là tất cả những gì anh nói sau đó là cảm xúc tươi mới, chân thực, trực tiếp, trực diện và chưa hề qua một sự biên tập ngôn ngữ hay nội dung đã định hướng từ trước. 

Yếu tố cảm xúc đóng vai trò khá lớn ở đây. Hẳn nhiên với tư duy của một người làm phim chuyên nghiệp, những chia sẻ của anh sẽ đi thẳng vào cốt lõi của quá trình làm phim. Tuy nhiên dung lượng của 2 buổi tôi thấy khác biệt rất lớn. Phim phải chinh phục được anh thì anh mới có thể phát biểu. Còn phim gây cho anh một cảm xúc không tròn đầy thì anh cũng không thể nói nhiều được. 

Trong phần luận bàn của mình, anh Hùng chuyên sâu vào phần dựng hình. Cụ thể anh nói nhiều về sự di chuyển của camera. Từ đây anh bắt đầu luận giải những ẩn ý của tác phẩm trong phần dựng hình. Ở buổi 1, anh có nói thêm về chỉ đạo diễn xuất, cũng như một số tình tiết trong cấu trúc tác phẩm. Ở buổi 2, phần chỉ đạo diễn xuất và ẩn ngôn hoàn toàn không xuất hiện. Chỉ có tập trung một đoạn phân tích rất ngắn về cách dùng máy quay diễn tả nội tâm.

Về phần mình, theo tôi cạn nghĩ một tác phẩm điện ảnh cần được soi chiếu ở khía cạnh và trình tự sau đây:

1. Môi trường điện ảnh
2. Chất liệu điện ảnh
3. Kịch bản
4. Quay phim
5. Thiết kế sản xuất
6. Dựng phim
7. Âm nhạc
8. Chỉ đạo diễn xuất
9. Chiến lược quảng bá
10. Hiệu ứng xã hội

Điểm 1, 9, 10 cần có việc thống kê và bổ sung tư liệu thuộc về phía đơn vị phát hành. Từ điểm 2 đến điểm 8 thiết nghĩ anh Hùng hoàn toàn có thể phân tích. Đặt trường hợp như Sansho, theo tôi được biết nếu không lầm, phim lấy ý tưởng từ một truyện ngắn. Thế nên, điểm 2, phần chất liệu, cần tập trung vào tác phẩm gốc này. Phân tích truyện ngắn để thấy những chất liệu hay giản lược ẩn ý văn học nào đã được sử dụng trong tác phẩm phái sinh. Ở điểm 3 là phần đào sâu vào cấu trúc tác phẩm bằng việc mổ xẻ kịch bản điện ảnh. Phần 4 là quay phim bao gồm việc việc vẽ phác thảo kịch bản, lựa chọn góc máy v.v… Đây chính là phần mà anh Hùng đã nói nhiều nhất sau 2 buổi. Các điểm 5, 6, 7 anh đã bỏ qua. Điểm 8 chủ yếu là phần làm việc với diễn viên. Anh nói nhiều trong buổi 1. Buổi 2 thì không.

Sau khi có một thước nhìn tổng kết như vậy thì sự đòi hỏi của tôi với các buổi phân tích phim của anh Hùng cũng bốc hơi hoàn toàn. Lý do thứ nhất. Nếu tiến hành theo đúng trình tự như thế này thì sẽ tốn rất nhiều thời gian chứ không chỉ là 2 tiếng xem phim, 1 tiếng bình luận như đã trải. Hơn nữa, người xem cũng cần có quá trình chuẩn bị, tự mình tổng hợp tư liệu lẫn làm các bước phân tích tương tự để có sự đồng đẳng với người chủ tọa. 

Lý do thứ hai, nếu muốn có một sự giảng giải như 10 điểm trên thì tôi nghĩ sẽ phải trả tiền cho anh Hùng. Đơn giản là không thể ngồi không để hưởng thụ thành quả từ chất xám và công sức lao động của người khác. Số tiền ước tính phải lên đến 4 con số. Như là một khóa học gần đây mà tôi đã thấy vào thời điểm cách đây vài tháng.

Với điều kiện của mình, tôi nghĩ những buổi như 2 lần sống trải vừa qua là vừa vặn. Lần sau nếu vẫn được tổ chức thì tôi sẽ chuẩn bị thông tin nền nhiều hơn, tiếp tục ghi nhận các ý kiến vắn tắt của anh Hùng và tự mình tiến hành các điểm đã nêu trong khả năng chừng mực.

#Nhiên
22.1.2019


*Nguồn cấp