Trang

31.1.19

MỘT THỜI TA ĐÃ SỐNG | TranhTCS#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận lịch Trịnh Công Sơn 2019, lịch Trịnh Công Sơn 2019, Tờ bìa bộ lịch Trịnh Công Sơn 2019
Khoảng 6 giờ sau khi nảy nở ý định, tôi đã giữ được bộ lịch #TrịnhCôngSơn (#TCS) gần kề tim mình. Ngày cuối cùng của tháng 1 có lẽ là đã muộn đối với một người mua lịch. Nhưng bán mua chỉ là phần bề nổi. 

Tổ chức, những toan tính đằng sau cuốn lịch này, tôi không có nhu cầu tìm hiểu. Rốt cuộc họ có in đến 6.000 bản không? Hay là chỉ in 100 để chuyển thành phiên bản hạn chế? Họ sử dụng phần thu từ việc bán lịch vào mục đích thiện nguyện? Những câu hỏi này tôi không có nhu cầu truy vấn. Tôi chỉ biết mình đang muốn học về mỹ thuật, trở thành một người biết xem tranh. Và năm nay có lẽ là thời điểm tốt để tôi tái lập công cuộc xóa mù của mình. 

1 người bạn của tôi, chuyên ngành mỹ thuật, sống tại Huế nói nhỏ rằng, “tranh TCS cũng bình thường thôi, càng về sau thì càng xuống tay”. Đó là một câu được nói rất lâu, rất lâu rồi. Nhưng tôi lưu nhớ và xem như một nguồn phê bình trong dân gian. Một khi tri thức đủ đầy tôi sẽ quay lại chiếc hộp ký ức và đối chứng. Trong hiện tại, cảm xúc của tôi khi nhìn ngắm trực diện, khi xúc chạm trực tiếp là không quá thất vọng.

Về nguồn cấp tôi biết là do nhà Nguyễn Duy thiết kế. Trong trí nhớ của tôi, bộ lịch với dáng hình lá tre, kiểu chữ viết tay kết hợp nét gạch xóa màu đỏ có một sức hút khó cưỡng. Do không phải là người chơi lịch nên tôi không dõi theo sát sao thị trường này. Tôi đứng ngoài mọi huyên náo và biến động. Nhưng với lần hội ngộ trong mắt nhìn thơ ngây ngày ấy, tôi tin rằng đó hẳn phải là xuất phẩm của một nhà làm lịch lành nghề. Giờ thì 10 năm đã qua, người con trai (có vai trò như là giám tuyển hay là giám đốc sáng tạo của dự án) đã ra đi, câu hỏi: Cách nay đến mai sau có còn thêm bộ lịch nào nữa mang thương hiệu này? 

Thời điểm mùa xuân 2019 cũng đồng thời là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ. Hẳn là sẽ có một chuỗi sự kiện liên quan về sau. Có khi tôi sẽ được xem trực tiếp các bức tranh nguyên bản. Còn trước mắt lúc này là hình hài phái sinh dưới dạng bản in trên giấy láng khổ đứng. Kích cỡ ước chừng 35x50cm. Chất liệu giấy tôi không rõ. Chỉ biết khi chạm vào thì mềm, mát và phải cẩn trọng trong việc lần dở.

Bố cục là tranh ở nửa trên khổ giấy, có khi là tranh đứng, có khi là tranh ngang. Phần chân tờ lịch chia thành 2. Bên trái là thủ bút. Bên phải là ngày tháng. Chức năng thông tin vì vậy án giữ 1/3 ánh nhìn. 2/3 còn lại là dành cho những sắp đặt mỹ thuật. Sự nghịch đảo có khi cũng xảy ra. Nghĩa là tranh được chuyển xuống phần dưới. Chữ và con số chuyển di về phía ngược lại. 

12 tranh ứng với 12 tháng. Còn bức tranh thứ 13 đứng độc lập 1 cõi. Vừa là ảnh bìa mà cũng vừa chôn sâu một mật ý nào đó. Trích dẫn bên dưới tôi không rõ từ đâu. Có lẽ là từ nguồn nơi các bức thư tay mà nhạc sĩ đã viết cho cô Dao Ánh. Rà soát trên mạng thì tôi thấy rải rác ở nhiều nơi cũng đã sao chụp và dán lại. Có nhiều bài đăng gần đây, xoay quanh thời điểm chuyển giao năm cũ năm mới, Tết Tây lẫn Tết Ta. Có lẽ là do hiệu ứng từ bộ lịch? 

Tôi có quyển thư tình đó, những lá thư toàn bích trong ngôn ngữ diễn đạt thuộc về một tâm hồn ở một chiều chót vót nào đó mà hẳn chắc tôi và rất nhiều tâm hồn khác không thể nào với chạm. Mỗi lần đọc tôi chọn bất ngờ 1 trang chứ không đi theo trình tự. Hy vọng trong một xác suất kỳ diệu nào đó trong năm nay, tôi sẽ khám phá ra nơi khơi nguồn cho những dòng viết này:

“Sự thăng trầm, con nước ròng con nước lên, sự đầy vơi của mỗi con số trên tờ lịch của mỗi ngày dù sao cũng cho ta một an ủi sau cùng: là có một thời ta đã sống với đầy đủ những buồn vui.”

Bức tranh sánh đôi dòng thủ bút của nhạc sĩ có lẽ thuộc đề tài “trẻ thơ”, ăn khớp với “một thời ta đã sống”. Khung hình vuông, cảnh toàn hẹp. 2 đứa bé, 2 quả bóng tạo nên khối tam giác vô hình. Cảm giác vững chắc được cân bằng với những nét cong uyển chuyển. Hai đứa trẻ nô đùa trong một không thời buồn ít hơn vui. Về phong cách không thể là hiện thực. Trừu tượng cũng không. Tôi vẫn chưa biết đây là nghệ thuật gì, biểu hiện hay tượng trưng?

Không dễ để lật xếp tờ lịch này để bước vào tháng 1 của hôm nay và tháng 2 của ngày mai! Một bức tranh rất xưa, nghìn chín bảy ba, cùng nét chữ mê hoặc thị giác. Và bao nhiêu ẩn ngôn chưa thể giải trình.

#Nhiên
31.1.2019