Trang

18.1.19

Ngôi nhà xưa | ĐNM#2

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Mùa Ổi, cảm nhận truyện ngắn Ngôi Nhà Xưa, Cảm nhận phim Đặng Nhật Minh
Đêm nay, Mùa Ổi được chiếu tại Rạp Quốc Gia. Thật tiếc khi không thể dự phần! 

Sáng cùng ngày, tôi ngồi đọc truyện ngắn Ngôi Nhà Xưa[1]. Đây vốn là tác phẩm gốc để về sau tác phẩm phái sinh (bộ phim) nên hình. Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất với góc nhìn của Thủy, cô gái út trong gia đình có 4 con, gồm 3 trai đầu. Mẹ mất từ năm cô 4 tuổi. Cha hành nghề luật sư, ở vậy, nuôi lớn cả 4 người con. Bối cảnh Hà Nội, thời điểm nghìn chín năm mươi. Diễn tiến chính câu chuyện xảy ra 40 năm sau đó. Lúc này Thủy đã lấy chồng và ra riêng. Gia đình còn lại gồm bố, anh cả và vợ, anh hai và anh ba cùng chung sống trong một căn gác ước chừng 30 mét vuông. Đáng nói nhất là người anh thứ ba tên Hòa. Sau 1 lần ngã từ cây ổi trong vườn nhà ở tuổi 13, ông chịu một dư chấn ở vùng não và ý thức mãi mãi dừng lại ở ngưỡng ấy. 

“Ngôi nhà xưa” ở đây như tiêu đề là ngôi nhà gắn liền với tuổi ấu thơ của Thủy và Hòa. Người cha thuộc lớp người tri thức Hà Nội những năm nghìn chín năm mươi. Họ đứng ngoài cuộc kháng chiếu chống Pháp. Đến cột mốc 1954, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tiếp quản Thủ Đô và bắt đầu thi hành chính sách cải tạo những người được gọi là “trong thành”. Người cha của Thủy thuộc diện trên. Ông phải đi cải tạo và vì có nhà cho thuê nên được xếp vào nhóm “bóc lột”, phải tự nguyện trao trả các phần bất động sản cho phía Chính Phủ. Điều đáng nói là trước khi có lệnh cải tạo, ông đã tự nguyện nhượng lại phần không gian sống đầy kỷ niệm của mình cho cơ quan Nhà nước. Xuất phát điểm là lòng mong muốn được cống hiến cho Cách Mạng ấy vậy mà về sau lại bị liệt vào thành phần bóc lột nhân dân. Từ đây, những đứa con cũng phải chịu chung phận số của một tròng lọng được gọi là “chủ nghĩa lý lịch” đầy tính phân biệt đối xử. Tất cả đều nhẫn nhục, cam chịu. Duy chỉ có Hòa, đứa con tâm thần, vẫn hành xử như trẻ thơ, vẫn luôn dấn bước tìm về ngôi nhà xưa. Và đây cũng là xung lực đẩy câu chuyện đi tới.

Truyện ngắn chỉ dài 15 trang A5, nghĩa là chưa tới 8 tờ A4. Đọc thêm phần hồi ký liên quan[2], tôi được biết là đạo diễn Đặng Nhật Minh đã viết bổ sung 1 tuyến truyện khác, vận động song hành với tuyến của nhân vật Hòa. Ông chủ đích tạo thêm 1 nhân vật để tạo ra thế tương khắc về vị trí xã hội nhưng lại tương sinh về nhân cách và lối sống để tô đậm thêm tư tưởng các tác phẩm. Bối cảnh của phim vẫn là nghìn chín chín mươi. Nhưng hình tượng cây ổi ở vườn nhà trở thành tiêu điểm và được chuyển thành tiêu đề phim. Chưa xem nên tôi không biết ai sẽ là nhân vật trung tâm và cấu trúc của tác phẩm này sẽ chuyển di như thế nào?

Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2001, đạt được giải thưởng Bông Sen Vàng cùng Đời Cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Trước đó, năm 2000, phim đã có mặt tại LHP Locarno uy tín của Thụy Sĩ và giành được 2 giải. Đến 2002, phim được công chiếu tại Pháp. Ngoài ra, phim còn giành thêm vài giải nữa tại Na Uy, Bỉ và Hà Lan. 

Vì sao tác phẩm này được giới chuyên môn Âu Châu đánh giá cao? Phản ứng của khán giả ngày nay như thế nào? Đó là 2 câu hỏi cùng với thắc mắc đã nêu ở trên về nội dung phim của tôi. Những nghi vấn này tôi chỉ biết chờ đợi. Mong một ngày nào đó phim được chiếu tại Sài Gòn. Không chỉ là trình chiếu đơn thuần mà có thể kết hợp thêm những buổi học nhỏ hoặc đối thoại giữa giới phê bình và khán giả. Điện ảnh Việt Nam đã có hẳn 1 dòng phim Đặng Nhật Minh và được nước ngoài chú ý và nghiên cứu. Sẽ là bất thường và đáng trách nếu 1 khán giả như tôi xao nhãng. Xem phim ông chắc chắc giúp ích cho sự hiểu biết về dòng chảy lịch sử điện ảnh nước nhà và cũng là cơ hội nâng cao năng lực cảm thụ.

Đành tiếp tục chờ vậy!

#Nhiên
18.1.2019

| Ghi chú nguồn cấp |
[1] Trang 9, tập truyện "Ngôi nhà xưa" , Đặng Nhật Minh, NXB Trẻ, 2012
[2] Trang 163, "Hồi Ký Điện Ảnh", Đặng Nhật Minh, NXB Văn Nghệ, 2005