Trang

14.1.19

Kim Dung và Đảo | ĐCDNC#71

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo của dân ngụ cư
Trong số truyện Kim Dung, tôi thích nhất Tiếu Ngạo Giang Hồ. Và theo tôi, đây là quyển hay nhất của ông về cả phương diện kỹ thuật lẫn tư tưởng. Ở giá trị văn học, điều lôi cuốn tôi nhất là cách kể. Cụ thể hơn là cách ông giới thiệu nhân vật chính của mình.



Hoán đổi vai chính

Dùng ngôi kể thứ ba, những trang đầu tiên của tác phẩm xoay quanh Lâm Bình Chi cùng gia thế và những biến động giang hồ khởi sinh từ Phước Oai Tiêu Cục. Tiểu thuyết bao gồm 40 hồi. Đến hồi thứ 3 thì Lệnh Hồ Xung mới xuất hiện. Nếu chia theo chương như một số trang lưu trữ trên mạng (mà chẳng biết có hợp pháp về mặt tác quyền hay không) thì chương thứ 15 bắt đầu có bóng dáng của Lệnh Hồ thiếu hiệp. Nhưng phải đến chương 20, danh xưng “Lệnh Hồ Xung” mới chính thức xuất hiện. Đây là tôi vừa kiểm tra. Vì khá lâu rồi không đọc lại tác phẩm. Về con số có thể không chính xác nhưng tôi nhiều phần chắc chắn về sự sớm của Lâm Bình Chi và trễ của Lệnh Hồ Xung.

Kim Dung đã cố tính kéo dãn thời gian ra mắt của nhân vật này. Ông dùng câu chữ miêu tả hàng trạng, nhân tướng, diện mục để cho độc giả có một hình dung về người đại đệ tử của phái Hoa Sơn trước. Sau đó, ông mới đưa ra tên gọi. Nghĩa là tướng trạng đi trước và danh xưng đi sau. Tạo ra phần hình, một ấn tượng thị giác trong tâm tưởng (video) rồi mới có phần thanh (audio). Ông đẽo tạc một thực tại trong lòng người rồi sau đó mới dán nhãn thực tại đó. Và trước đó là một độ dài, một giãn cách đủ lâu trong câu chữ, trong chương hồi, trong thời gian, trong không gian. 

Để làm gì? 

Để người đọc rơi vào một hố sụp của sự bất ngờ. Ông đánh lừa họ về vị trí trung tâm của tác phẩm. Hay nói khác đi nguyên ảnh “anh hùng” trong tác phẩm được ông đánh tráo qua lại giữa Lệnh Hồ Xung và Lâm Bình Chi. 2 hồi đầu tiên, Kim Dung dệt tạo một cảm giác rằng Lâm Bình Chi là tâm điểm của tiểu thuyết. Và càng về sau thì người đọc mới bất giác nhận ra họ đã đặt sự chú tâm, đặt con tim mình nhầm chỗ. Tựa như Nhạc Linh San vậy. Lâm Bình Chi khởi đầu ở 1 cao điểm rồi theo chiều dài tác phẩm, nhân vật này xuống dốc, chuyển động theo hướng hạ. Lệnh Hồ Xung là một hình ảnh tương phản, từ thấp dần lên cao.

Khi tiểu thuyết được chuyển thể lần đầu tiên tại Trung Quốc, Kim Dung đã vô cùng tức tối khi xem bản dựng truyền hình. Biên kịch hay đạo diễn đã thay đổi cấu trúc tác phẩm gốc. Họ giảm thời lượng của phần đầu tiên. Nghĩa là họ rút ngắn dòng tự sự, cho nhân vật Lệnh Hồ Xung xuất hiện từ rất sớm. Tôi không thể kiểm chứng thông tin này. Chỉ nghe qua báo đài. Và tôi không biết có thực không. Và nếu có thì chẳng hiểu là chuyện gì đã xảy ra sau đó giữa Kim Dung và đoàn làm phim? 

Bản phim đó ra mắt năm 2001 (sản xuất bởi đài CCTV). Đây là bản thứ hai mà tôi được xem. Bản đầu tiên là của Hương Cảng năm 1996 (đài TVB). Bản 1996 tôi xem thuở còn đi học trung học cơ sở. Và tôi thật sự đã mê mẩn với câu chuyện này. Âm nhạc, hình tượng do Lữ Tụng Hiền thủ vai gắn liền với 1 phần đời tuổi thơ và rõ ràng đó là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc tạo lập cảm quan mỹ học. Tuy vậy, bản 2001 khi tôi xem thì mặc dù rất mơ hồ nhưng tôi biết rằng bản 2001 hay hơn, trước hết là rất sát với nguyên bản văn học. 

Sự nổi giận của Kim Dung, nếu có, theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Sự đặt để nhân vật trong tác phẩm không bao giờ là ngẫu nhiên. Cách hoán đổi vai chính trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của ông để lại một ấn tượng cực kỳ sắc nét trong lòng tôi về nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn từ. 

Điểm đặc biệt còn lại của tác phẩm là tính mơ hồ về không thời. Điều này là sự khác biệt so với toàn bộ tác phẩm còn lại trong gia tài văn chương của ông. Lối viết tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thường nương theo một sự kiện lịch sử. Nhưng trường hợp Tiếu Ngạo Giang Hồ, ông đã bỏ rơi bước này hoàn toàn. Không một dữ kiện về triều đại, về năm tháng. Ông phủ trùm lên tác phẩm một cảm giác không vô biên xứ. Và nước đi này hẳn là cũng có ẩn ý.


Phước hay là Chu?

Nếu tôi không đặt một phần diễn giải như trên thì hẳn là việc xếp 2 tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ và Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC) vào cùng 1 hàng so sánh chắc chắn sẽ tạo ra những tiếng cười. Cổ kim xa lìa. Bên là văn học, bên là điện ảnh. Thật không có một trùng lắp và logic nào! 

Nhưng với tôi, khi bắt đầu đi sâu vào phân tích bộ phim thì một trong những liên tưởng mạnh nhất của tôi chính là Tiếu Ngạo Giang Hồ. Dĩ nhiên là 2 tác phẩm về hình và về chữ thì sẽ rất khập khiễng và có tính chất cưỡng chế khi xếp chúng vào một ô để so sánh. Nhưng tôi có thể lẩy ra rất dễ dàng 2 điểm trùng phùng trong nghệ thuật kể chuyện.

Như đã nêu ở phần trên. Thứ nhất, đó là tính mờ nhạt trong bối cảnh, về không gian và thời gian. Cả hai đều có chủ đích hẳn hoi trong việc khoác lên một màn sương vô định về năm tháng và bối cảnh. Và theo tôi, tâm ý giữa 2 bên là khác nhau ở điểm này. 

Thứ hai, đó là sự hoán đổi nguyên ảnh “anh hùng” trong cấu trúc tự sự. Ở điểm này, thủ pháp ảnh hưởng rất lớn đến tâm thức người đọc. Dư chấn trong điểm 2 vượt xa so với điểm 1. Về tâm ý giữa nhà văn và đạo diễn theo tôi là đồng chung 1 mục đích. 

Ngôi kể ở tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ là ngôi thứ ba. Ngôi kể ở phim Đảo Của Dân Ngụ Cư là ngôi thứ nhất (được giữ nguyên từ tác phẩm gốc). Từ đầu đến cuối, rất nhiều lần giọng trần thuật của Phước xuất hiện. Mở đầu có. Giới thiệu từng nhân vật có. Kết thúc có. Và cách mà bộ phim trình hiện âm thanh lẫn góc nhìn từ nhân vật đã gây ra ít nhiều bối rối cho người xem.

Trong lần xem thứ 8 của tôi (có lẽ cũng là lần cuối), đã có 1 khán giả phát biểu về sự bối rối vừa nêu. Họ đinh ninh Phước (diễn xuất bởi Phạm Hồng Phước) là vai chính. Và kể từ đây, họ rơi vào tâm trạng lạc lối trong việc định vị đường dây tác phẩm. Và vì thế cho nên, cái kết của bộ phim không tạo được sự vẹn tròn trong cảm xúc. 

Đây là một buổi xem phim tại gia, không phải tại rạp, màn hình lớn nhưng không thể so với màn hình tại rạp. Nhưng hình ảnh, âm thanh theo tôi là tốt, tốt hơn khá nhiều so với các phòng chiếu cộng đồng mà tôi từng tham dự. Và tính hợp pháp cũng được đảm bảo vì có sự đồng thuận từ phía đoàn làm phim. Buổi chiếu mang tính chất học tập, tham khảo. Tôi không biết xuất thân và nền tảng của khán giả trong buổi này ra sao. Nhưng khi nghe một chia sẻ như vậy thì tôi hoàn toàn thông cảm. Vì đó cũng chính là một trong nhiều cảm giác của tôi ngay trong lần xem đầu tiên. 

Đây là lần xem thứ 8 của tôi. Tôi không rõ mình đã xóa đi cảm giác lạc lối từ lúc nào. Nhưng chắc chắn ở lần đầu đã có một thoáng mù tối trong nhận diện vai chính. Tuy vậy, cảm xúc sau khi rời rạp vẫn là sự thích thú. Tôi không có thói quen thưởng thức theo kiểu cưỡng bức, gia trưởng, bành trướng và thực dân. Nghĩa là lấy bản ngã, tự sự của mình để đàn áp bản ngã, tự sự của tác phẩm. Nếu có điều gì đó chưa hiểu, chưa vui, chưa thỏa thì tôi chờ vào lần xem sau. Tôi còn chờ vào sự bổ túc tri thức trong lãnh vực điện ảnh mà cụ thể là ở địa hạt kịch bản điện ảnh lẫn cốt truyện văn học. Quả đúng vậy, đến khi có thêm chút khai sáng từ các bậc thầy thông qua các tác phẩm luận giải được in giấy mà tôi mới hiểu được thêm ít nhiều, bớt đi những ngu si, mê muội chớm lóe trong lần đầu tiếp cận với tác phẩm này.


Trái tim của tác phẩm

Phản ứng lạc lối trong sự cảm thụ nhân vật chính trong tác phẩm Đảo Của Dân Ngụ Cư theo nhận định của tôi không phải chỉ rơi vào cá nhân 1 người như buổi chiếu hôm nay. Với tôi, đây là một trường hợp điển hình, đại diện cho 1 tâm lý hay thói quen nghe nhìn và thưởng thức điện ảnh. Thói quen gì? Đó là thói quen xem phim nhưng không hề có ý thức đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi. Câu hỏi ở đây không phải là câu hỏi với đạo diễn hay với đoàn làm phim. Mà là đặt câu hỏi với chính mình:

- Đâu là nhân vật chính của tác phẩm?

Nhân vật chính này không phải đặt trong tương giao chính / phụ ở nghĩa phân vai diễn viên. Vì đặt trong tương giao như vậy thì có thể sẽ có nam chính, nữ chính. Ở đây ý của tôi là “nhân vật trung tâm”, là trái tim, là nguyên ảnh “anh hùng”, chỉ có thể là 1 người. Một và chỉ một. Hoán đổi, chuyển giao và còn rất nhiều biến thể. Khán giả nào nếu yêu thích Carl Gustav Jung của ngành Tâm Lý Học Chuyên Sâu sẽ không có gì xa lạ với khái niệm nguyên ảnh hay mẫu tượng. 

Việc đặt ra câu hỏi là nước thứ nhất. Nước thứ hai là tìm kiếm những bằng cớ để giải mã. Không khác gì làm toán hay đánh cờ. Không thể nào theo cảm tình chủ quan. Đây là hoạt động của tư duy. Cần kiến thức, cần sự trao dồi. Và ai cũng có thể thành tựu. Chỉ cần chút kiến thức, sự kiên nhẫn, tâm khiêm hạ và cam kết tôi luyện liên tục. Như đường kiếm, múa quen thì thành ra uy lực. Có thể chặt chém bất kỳ một khối hình nào để tìm ra được lõi cốt bề sâu.

Nếu bỏ qua bước này, bước đặt và trả lời thì theo tôi sẽ rất dễ sa vào hầm hố của sự vô minh trong việc diễn giải 1 tác phẩm điện ảnh. Và nhất là với ĐCDNC, một bộ phim rõ ràng được cắt dựng theo hướng sáng tạo, không tuân theo trật tự tuyến tính và lề lối thụ hưởng thông thường của số đông. Nói sáng tạo nghĩa là mới lạ. Nhưng như nội dung của bài nhật ký này thì cũng không có gì mới lạ, không còn gì là mới lạ. Xét ở khía cạnh kể chuyện đơn thuần và nguyên chất thì tôi đã bắt gặp một hình thức hoán đổi vai chính như thế ở một tác phẩm trước đó. Và tác dụng của lối kể này là muốn tạo ra tính bất ngờ. Và kế đó cũng là tính tương phản. Chiều phát triển của 2 nhân vật hoán đổi sẽ nhiều phần là ngược trái nhau. 

Trong sự phân tích cách kể chuyện của ĐCDNC, tôi chỉ có thể nói rằng biên kịch, đạo diễn nơi phim trường lẫn đạo diễn dựng cắt phim này rõ ràng đã thật sự “chơi” trong công việc của mình. Họ đã dám “chơi”, dám “phiêu”, dám “nghịch”. Vậy nên, nếu xét ở phương diện này, nếu ai đó nói rằng tác phẩm này là một sự thỏa hiệp, nuông chiều thị hiếu thì tôi không thể đồng tình. Tôi nghĩ họ đã “dám” ở rất nhiều khâu. Và tính từ đúng nhất khi miêu tả về sự dám không thể nào là thỏa hiệp, hay chiều chuộng mà phải là dũng cảm.

Sau lần xem này (có ý nghĩa như là sự khép lại cho vòng sống của ĐCDNC) tôi bắt đầu đọc kỹ lưỡng những bài bình phim của những phóng viên chuyên vào mảng điện ảnh cũng như những nhà phê bình điện ảnh thì tôi có phần ngạc nhiên là khá nhiều nhận định cũng tương tự như ý kiến của bạn khán giả trong buổi chiều trước đó. 

Hóa ra đọc Kim Dung cũng có nhiều phần lợi ích!

#Nhiên
13.1.2019