Trang

19.1.19

Màu của thủy chung | TNĐG#8

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Trăng Nơi Đáy Giếng, Trăng Nơi Đáy Giếng, Nguyễn Vinh Sơn
Hôm nay thứ bảy, 19.1, tại số 51, Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, có buổi chiếu giới hạn và có tính chất giáo dục, nghiên cứu bộ phim Trăng Nơi Đáy Giếng (TNĐG, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn).


2 hướng phân tích

Đây là nơi tôi đã đến ít nhất là 7 lần. Điều kiện kỹ thuật (dù tôi không am hiểu) nhưng với hiệu ứng thị giác nhận được thì tôi đánh giá là tạm được. Khán giả phần đông theo tôi ở độ tuổi 18 đến 30 với xuất thân là những người đang theo học chuyên ngành điện ảnh hoặc đã tốt nghiệp. Sau buổi chiếu hôm nay sẽ có thêm phần bàn luận về chủ đề chuyển thể phim từ tác phẩm văn học. Trường hợp hôm nay TNĐG ở bản điện ảnh và bản gốc truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai sẽ là đối tượng truy xét.

Thật tiếc là tôi không thể tham dự! Không biết người chủ trì sẽ điều hướng phần tọa đàm theo hướng nào? Dưới góc độ 1 khán giả thì tôi cần nhận được sự phân tích về cấu trúc. Cấu trúc tự sự của truyện ngắn và cấu trúc tự sự của kịch bản điện ảnh. Ngôi kể được sử dụng như thế nào? Điểm nhìn của phim thuộc về ai? Vòng cung tâm lý nhân vật đi qua mốc điểm xác định nào? Nếu được thì có thể dẫn luận cả phần cấu trúc của kịch bản sân khấu. Vì TNĐG có đến 2 tác phẩm phái sinh. Một được chiếu ở rạp. Hai được trình diễn trên sân khấu kịch.

Ở 2 thể loại văn học và điện ảnh, cách kể khác nhau nhưng hẳn là đều có phần ẩn ngôn. Vậy từ truyện đến phim, ẩn ngôn có sự biến dịch nào hay không, đậm hơn hay nhạt đi từ vốn gốc ban đầu? Đây là điều thứ hai tôi có ước mong nhận được sự phân tích.


1 cách tiếp cận khác

Dù không thuộc về nội dung đàm luận nhưng có một cách tiếp cận khác về bộ phim mà theo tôi là vô cùng cần thiết. Đó là tìm hiểu hoàn cảnh khi bộ phim ra đời mà cụ thể là sự đón nhận của khán giả. 

Tại sao lại cần thiết? Trước hết, nhờ sự kiểm tra năm tháng, tôi biết được đường đi của bộ phim vào lòng công chúng. Và dư vị ở lại trong lòng họ thông qua các bài cảm nhận sẽ là bằng cớ giúp tôi hiểu được não trạng và năng lực cảm thụ của khán giả lúc bấy giờ. Sự phân tích phim chuyên sâu mở ra nhãn quan về tâm thức sáng tạo. Và phía ngược lại, sự đo lường việc đón nhận của khán giả phơi bày tâm thức thụ hưởng. Nhìn ở cả 2 phía giúp cho đôi mắt thấu được nhiều sự thật từ lịch sử và rút ra được nhiều bài học bổ ích cho tương lai. 

Theo sự tìm hiểu của tôi, TNĐG hoàn thành phần hậu kỳ vào tháng 10, 2008. Tại Việt Nam, phim được trình chiếu ở Idecaf (LHP Pháp ngữ - 17, 18.3.2009). Ngay sau đó, phim lên đường sang Mỹ với sự tài trợ từ Viện Văn Hóa và Giáo Dục Việt Nam (IVCE), quỹ Ford Foundation. Phim được trình chiếu dành cho sinh viên Việt Nam tại 10 trường Đại học Mỹ từ 20.3 đến 22.4 [1]. Sau đó, khoảng 6 tháng sau, vào 16.10.2009, phim chính thức công chiếu ở cụm rạp thương mại (3 rạp tại Sài Gòn) [2]. Phim trụ được 2 tuần với nhịp độ 4, 5 suất chiếu/ ngày ở tuần thứ nhất và 2, 3 suất chiếu/ngày ở tuần thứ hai. 

Số sinh viên và những người quan tâm tham dự tại Mỹ được thông báo là 1.000 người. Số vé bán ra tại cụm rạp Sài Gòn được thông báo là 2.000 vé. Tôi được biết phim còn tiếp tục trình chiếu tại 2 thành phố là Huế và Hà Nội. Vậy nên tôi ước chừng có ít nhất 3.000 người đã xem được phim này. Đây là sự thống kê ở phương diện lý tính. Còn về phần cảm nhận, tôi có thấy rải rác nhiều bài viết liên quan, khen chê lẫn lộn, nhưng thật lòng là tôi chưa hề đọc kỹ lưỡng bài nào. 

Ý kiến ở ngưỡng 10 năm về trước tôi sẽ lưu ý và đọc sau. Còn giờ đây tôi mong được nghe những ý kiến nóng hổi nhất, ý kiến của những người đương thời, đã xem phim hôm nay hay xem qua bản DVD chính thức và cũng có thể là đã xem bản phim trôi nổi bất hợp pháp (mà một tài khoản nào đó đã hồn nhiên thượng tải) trên mạng youTube.


Cảm nhận cá nhân

Tôi vẫn tự xác định là bản thân chưa đủ khả năng thẩm thấu phim này. Tôi chưa từng ở Huế đủ lâu để có thể hiểu được tính cách Huế hay bản sắc Huế mà theo tôi đây sẽ là yếu tố được thể hiện có khi lộ thiêng có khi trầm tích trong bộ phim.

Tháng 11 vừa qua, tôi có lưu trú tại Huế 5 ngày. Đó thật sự là khoảng thời gian quý giá. Được biết TNĐG khi ra mắt tại Huế đã được trình chiếu tại rạp Đông Ba. Tôi đã đến rạp này trong 2 đêm để xem 2 bộ phim trong tuần phim Châu Âu đồng loạt diễn ra trên cả nước. 9 năm trước không hiểu ra sao? Nhưng với những gì nhìn thấy thì tôi cạn nghĩ rạp này đã không còn phù hợp với ý nghĩa “rạp chiếu bóng” trong điều kiện hiện tại. Giả sử, ngay thời điểm này, nếu phim TNĐG chiếu tại đây thì chất lượng hình ảnh và âm thanh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 

Tôi cũng đã đến Đàn Âm Hồn để nhìn lại bối cảnh chính của phim (ngôi nhà và mảnh vườn cô Hạnh, nhân vật trung tâm của câu chuyện). Theo tôi đây là bước đi rất quan trọng bởi vì tư duy về không gian, kiến trúc nhà – vườn tại Huế thật sự là một kho tàng tri thức khổng lồ. Có một bề dày lịch sử và cao độ tư tưởng đằng sau từng chiếc cổng, mái ngói, khung cửa, cội cây, hoa lá. Chưa hiểu, chưa nhìn sâu thì không thể nào tiếp cận được với bộ phim. Cụ thể là phần mỹ thuật thiết kế. 

Tôi đã dọc ngang phố phường ở Huế bằng việc đi bộ, đi xe đạp và cả xe máy. Rất có thể tôi đã đi đúng một phần đoạn đường di chuyển của cô Hạnh. Điều này sẽ là phần ký ức lưu giữ quan trọng để về sau tôi có thể phân tích hành trình đổi thay về vị trí địa lý lẫn tâm tình tự sự của cô Hạnh cũng như các nhân vật khác. Tuy nhiên, tôi chưa có điều kiện dự sâu vào các lễ hội hay các sinh hoạt tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Huế. Trong khi đó, đây là một phần diễn biến rất quan trọng ở phim này. 

Khi va phải những biến cố trong đời sống thường nhật, con người cần những liệu pháp để thăng bằng thân tâm. Nếu những liên hệ cá nhân không thể giúp ích, y học không có cách hóa giải thì theo lẽ thường con người sẽ cầu viện, sẽ nương nhờ vào đức tin nơi văn hóa dân gian như là 1 cách để trị liệu. Lựa chọn của cô Hạnh dù là bị động hay chủ động theo tôi là một hiển bày về sự chênh lệch, chênh lệch giữa đau thương, bế tắc trong tinh thần của 1 cá thể so với năng lực hóa giải, điều trị ở mặt bằng gia đình và xã hội. 


Tím trên áo và tím trong tâm hồn

Tự suy xét về bản thân thì tôi thấy vẫn đang có những sạt lở rất lớn ở bề trong. Kiến thức về tính cách Huế, bản sắc Huế chưa đủ chiều sâu. Một khoảng loang lổ về sự thực trải đạo Mẫu. Mỹ thuật chưa qua lớp căn bản. Kiến trúc không một ý niệm nền tảng. Quả thật quá khó để tôi có thể thâm nhập vào tác phẩm này! 

Tôi chỉ biết chờ đợi và dành thêm thời gian bổ túc tri thức. Khi đã có vốn liếng đầy đủ hơn, có thể những gì tôi viết ra về sau sẽ không ngây thơ và nông cạn như lúc này.

Nhân sự kiện hôm nay, tôi có lục tìm lại thông tin về phim và nhận ra tấm ảnh dán tường (poster) của phim. Dĩ nhiên là tôi đã nhìn thấy nó từ lâu. Nhưng hôm nay tôi mới ngẫm nghĩ sâu hơn về tính chân / giả của nó. Có ít nhất 2 tấm ảnh giới thiệu về phim. Một tấm trở thành ảnh bìa của DVD, cô Hạnh mắc áo trắng, đội nón lá. Phía sau là ngôi nhà rường được tô mờ. Tấm khác cô mặc áo dài, độc một màu tím. Cô đứng nép sau cánh cửa. Tay đặt lên thành, có thể đang mở ra mà cũng có thể là đang khép lại. Vẫn là ngôi nhà đặc trưng kiểu Huế ấy. Và nhìn hình ảnh, tôi và có lẽ là nhiều người sẽ nhớ ngay đến cảnh cô tuần tự mở từng cánh cửa, mở từng cánh cửa rồi đóng từng cánh cửa, đóng từng cánh cửa. Đó là một trong những hoạt ảnh rất sống động, giàu ẩn ngôn và thầm kể bao điều về tình ý của tác phẩm, tình ý của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. 

Ngôi nhà (chính xác hơn là nhà + vườn) của cô Hạnh thầm nói bao điều về tính cách Huế cả ở khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực. Những cảnh có liên quan đến việc đóng / mở, cách dàn xếp ánh sáng / bóng tối theo tôi gợi một ấn tượng sâu đậm dù có thể tôi chưa thể hiểu hết mật ý và viết lại thành lời rõ ràng. Thế nên, khi nhìn ảnh dán tường với sắc tím đồng hiện giữa màu đen tràn chiếm tôi tin rằng đây mới thực sự là poster chính thức của phim. Giống như là ý niệm về ảnh đại diện (avatar) vậy. Tấm ảnh tím / đen gợi nên cảm xúc tương sinh ngay lập tức với bộ phim. Màu tím rõ ràng không cần phải qua một khóa Huế Học nào thì tôi cũng hiểu là màu đặc trưng của Huế. Khi nhớ đến Huế bằng ý niệm màu sắc, ngay lập tức tôi nghĩ đến màu tím. Theo tôi được biết ở khía cạnh mỹ thuật, hệ ngũ sắc dân gian ở Huế gồm Đỏ – Vàng – Tím – Lục – Xanh [3]. Tím đóng vai trung gian giữa 2 gam màu nóng / lạnh. Là màu áo của nữ sinh Đồng Khánh vang bóng một thời. Là màu đã đi vào văn thơ nhạc họa. Là màu của không gian. Là màu của thời gian. Là màu của một niềm riêng nào đó ý nhị, thanh tao và đằm thắm. Và hơn hết, màu tím là màu của thủy chung, của trước nay cho đến mai sau không đổi, là màu của tâm hồn biết gạn đục khơi trong, biết chọn sự trở về bề trong để gìn giữ sự thăng bằng nội tại.

Màu tím của Huế, màu của thủy chung, của đức dục, là màu áo của cô Hạnh. Tôi cần thêm thời gian để nhìn ra nhiều điều hơn về sắc màu ấy.

#Nhiên
19.1.2019


| Ghi chú về nguồn cấp |
[2<---]  TNĐG ra mắt tại cụm rạp thương mại Sài Gòn
[3<---]  Hệ ngũ sắc dân gian Huế, hàng 16, trang 10, quyển bút ký "Huế, di tích và con người" - Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Thuận Hóa, 1995