Trang

1.7.17

Talkshow | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +22

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên


Đầu tàu: #Mở


Tôi đăng bài “Để là một khán giả chân chính” vào ngày 16. Nội dung tóm lược có thể gói gọn là “muốn có một buổi nói chuyện chuyên đề về phim”. Cụ thể ở đây là phim Đảo Của Dân Ngụ Cư. Một tuần sau, ngày 23 tôi phải thu ngắn thời gian nơi quê nhà để về lại Sài Gòn. Nguyên do là ngày 24 sẽ có một buổi như thế, talkshow với nội dung y đúc như mong ước viết ra cách đó một tuần.

Sự ấy làm tôi bàng hoàng. Vì diễn tiến ứng khớp với gia ngôn của tôi, “viết và trở thành”. Mình viết ra cái gì, nếu thành tâm, thì ngay phút giây đặt dòng viết ấy mình đã thành cái đó. “Viết và trở thành” đã là một câu phát thệ của tôi xuyên suốt một năm qua. Nhưng rồi gần đây, tôi phát giác trong câu ấy ẩn tàng một lối nào đó có phần lộng ngôn, khoác lác và ảo tưởng. Vậy nên tôi bỏ, tôi xóa rồi! 

Đường tôi đi vốn dĩ chỉ có một, con đường tự suy xét mình. Thực sự là tôi chẳng có thể trở thành cái gì cả. Tôi chỉ có thể trở về với tôi để thành tôi, đúng hơn là trở về với tôi để tự suy xét tôi. Vì thế khi đặt lại gia ngôn, tôi giữ vẹn phần đầu và chỉnh đốn phần đuôi.

 “Viết và tự suy xét”. 

Câu này cho tôi cảm giác bình yên. Mà tôi vốn dĩ là người không thích sóng gió hay tạo ra sóng gió. 

Trên đây là chút dông dài đóng vai phần mở bài cho những dòng cảm nhận của tôi về buổi nói chuyện ngày 24 tháng 6 vừa qua. Những gì tiếp theo sau đây cũng sẽ không thể ngắn được. Như một đoàn tàu sắp lăn bánh. Đầu tàu đã ngân vang hiệu lệnh thì mời bạn hãy rời khỏi sân ga! Hãy dấn thân vào những toa tàu mang số hiệu #1, #2, #3, #4 và #5.



Toa thứ #1: #Bus


Tôi đến số nhà 19B bằng xe bus. Đến để lắng nghe một người P.H.Ạ.M trên con đường cũng là P.H.Ạ.M

Tôi đã trở lại với thói quen đi xe bus hơn một năm nay. Rẻ là lý do đầu. Thứ nữa là tôi được đào luyện khả năng đi bộ. Nhưng quan trọng hơn là nhờ bus mà tôi tăng cường sự quan sát. Nhìn ngắm dòng người như nhìn ngắm một dòng sông. Đã có thời kỳ tôi chuyên sâu vào nhìn ngắm dòng sông. Giờ thì đã đến cột mốc tôi chuyển sang một cảnh giới khác, tưởng như là động đó mà thực ra cũng có nhiều khi tĩnh tại. 

Tôi không cảm thấy đơn độc dù phần lớn các cuộc lữ của tôi là độc hành. Tôi có một bằng hữu, xa xăm đâu đó nơi Hong Kong. Anh thì không hề biết tới sự tồn tại của tôi. Còn tôi thì đã nhớ tên anh rồi và có thêm nhiều phần phủ phục. Không phải vì sự nghiệp lừng lẫy của anh, giai đoạn anh thăng hoa tôi còn chưa biết đọc chữ. Tôi yêu quý anh vì tính tiết kiệm, tính không phô trương. Và đặc biệt nhất, giải pháp giao thông của anh luôn là các phương tiện công cộng. Có lẽ tôi sẽ chuyên sâu vào cái tên ấy trong một dịp khác. Tôi chưa muốn nêu tên anh ra ở đây vì bài này, như một đoàn tàu, như một hoạt ảnh vậy, đã có vai chính rồi. Tôi kính nể anh nên thật lòng tôi không muốn đưa tên anh ra để làm nền.

Đi xe bus thì rất bất tiện. Nhiều xe lại có mùi, thứ hương vị ấy đã bị từ chối bởi một người bạn Hà Nội của tôi. Thật lòng là tôi có dày đặc nỗi nhớ nghĩ về cô gái có chất giọng dịu dàng ấy. Nhưng từ cái ngày tôi biết sự thật nơi lòng nàng thì hình như hai đứa chúng tôi cũng bắt đầu dần xa nhau. Có lẽ, nàng thuộc về một ốc đảo khác, một trạm dừng khác. Còn tôi thì cảm thấy không nơi nào cho mình một thế ngắm chân thật về thành phố ngoài những chuyến xe. Có khi trống vắng mà cũng có khi ngộp thở, những chuyến xe màu xanh!

À, tôi vừa nhắc đến chữ “bất tiện”, bất tiện lớn nhất là thời gian. Tôi thì cực kỳ tệ hại trong việc quản trị thời gian. Vài người đã thành thật tâm sự với tôi điều ấy. Sự thật thì luôn đắng ngắt và khiến con tim suy sụp. Quyết tâm với bus vì vậy càng lớn lao! Chuyện đứng trên thời gian, làm chủ thời gian cho tới giờ với tôi vẫn còn là một tệ nạn. Nhưng có một phần thưởng không ngờ cho việc đi xe bus. Đó là tôi dễ dàng đi vào trạng thái trống không. Nhắm mắt và thư giãn hoàn toàn! Dĩ nhiên là tôi còn phải canh chừng Thụy Miên nữa. Nếu không cẩn thận, Thụy Miên sẽ mang tôi vào miền mờ mê. Mà tôi thì cần Rỗng chứ không cần Mê.

Sáng 24, tôi đến với Trạm Dừng trên đường Pasteur khi kim đồng hồ đã dần nhích đến con số 6. “Sắp 9:30 rồi”, bước chân của tôi vì vậy không có chút thư thái nào. Thật buồn! Tôi đã không còn đủ “trống không”, phẩm chất “trống không” của tôi đã tan tành trước khi bước lên Cầu Thang Tối.



Toa thứ #2: #Sách


Tôi mang theo một quyển sách, bìa màu đỏ. Đó là một sự cố tình. Màu đỏ với tôi là màu của tin vui, của điềm may. Mang theo màu Đỏ như là cách để mang theo một dòng năng lượng của Hỷ Lạc. Tôi dùng cái cách vô ngôn đó để làm một lời chúc, một lời chúc mà cũng không cần được biết tới hay nhớ tới. Những gì càng lặng lẽ thì càng bền chắc, thứ chân lý ấy cắm rễ sâu hoắm trong lòng tôi. 

Đỏ là màu, là hình thức bề ngoài. Còn về nội dung, đây là một tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản. Tác giả là đờn ông mà phân tích xuyên thấu bao nhiêu tầng lớp tâm lý của những nữ sinh trong trắng. Tôi đọc văn của ông mà không thoát khỏi sự ngưỡng mộ ngỡ ngàng. Thắc mắc lớn nhất của tôi là trong lòng ông, liệu có khi nào dành riêng một góc nhỏ để thờ phượng sự biết ơn hay không. Thuật hiểu thấu trinh nữ hay phụ nữ của ông theo tôi là vì ông đã nhận được rất nhiều phong thư viết tay của họ. Họ tin tưởng ông nên họ lột trần mình. Giản dị là vậy! Bút lực trác tuyệt của ông cũng chỉ là mây khói nếu không có những bức thư tay thiệt thà.

Trong thời gian chờ buổi nói chuyện bắt đầu, tôi đã ngồi đọc sách với một nghi vấn duy nhất về tác giả như vậy. Mà tôi cũng không chuyên chú đọc sách lắm đâu! Thỉnh thoảng cũng lơ đãng ngó nghiêng khán phòng. 

Mục đích cầm sách của tôi không có ý tỏ ra là một người muốn gìn giữ văn hóa đọc hay là một biểu hiện của lối sống tri thức. Tôi mang sách đi, xin tác giả thứ lỗi cho tôi, là vì để kẹp tiền lẻ mua vé xe bus. Tôi không dùng ví. Tôi chẳng đeo mang kim loại. Tôi muốn giải phóng cơ thể khỏi những sức nặng không cần thiết. Sách với tôi giữ vai trò như ví. Đó là nơi kẹp tiền, có khi tôi còn kẹp cả tài liệu hay giấy tờ nữa. Có khi tôi quên bẵng đi rồi đến một ngày, “một ngày xuân rất xanh” nào đó mở ra một quyển sách và kinh ngạc thấy vài tờ tiền. “Sách là gia tài”, tôi rú lên mà lòng đầy khoái lạc.

Tôi còn tận dụng sách như một cách giết thời gian phòng trường hợp phải chờ đợi. Như là buổi hôm nay. Tôi có yêu thương gì sách đâu! Yêu thương gì mà chỉ thấy toàn những hành vi lạm dụng, tận dụng và lợi dụng như vậy! 



Toa thứ #3: #Chỗ


Khi đến một không gian, một căn phòng, tôi thường chọn một góc khuất tăm tối nào đó, ngồi trong góc chính là tôi. Danh thủ bóng đá của tôi nếu tôi nhớ không lầm cũng ưa cái lối đó. Có lẽ với một người như anh, anh luôn thích thú với một tầm nhìn bao quát. Anh thì nhiều tiền hoặc là từ bao giờ anh cũng không còn nghĩ đến tiền nữa rồi. Tóc anh màu vàng nhưng nhiều người nói anh tóc đỏ. Ý của họ là anh may mắn, may mắn khi còn quá trẻ. Tôi thì không tin. Con người ấy theo thiển cận của tôi là đang hoặc là đã nhìn đời bằng con mắt của một nhà đầu tư từ rất sớm. Anh đã ý thức rất sớm về thương hiệu cá nhân, ngay cái thuở mà anh tiếp nhận chiếc áo số 7 tại Nhà Hát Của Những Giấc Mơ. Còn tôi, tôi khác thần tượng mọi mặt, tương phản hoàn toàn. Tôi thích ngồi trong góc khuất, nơi tôi thấy tất cả và không ai thấy tôi. Con mắt của tôi, con mắt miền duyên hải không giống con mắt của anh, con mắt của một xứ đảo sương mù. Con mắt tôi là con mắt của loài chuột, đầy sợ hãi và luôn cần một điểm tựa, một thế trận để phòng thủ.

Tiếc là hôm ấy, những chiếc ghế gần tường lại quá nhỏ và cao, chúng gây cho tôi cảm giác yếu đuối và khó chịu. Tôi thích ngồi trên một mặt bằng phẳng, có thể dễ dàng thả lỏng và giữ lưng ngay ngắn. Vậy là tôi đã chọn một chỗ ngồi khác, tầm nhìn tốt, thế tựa vững chãi. Tôi an tâm với hai đặc tính ấy mà quên bẵng với cái thế trận phòng ngự mà người Ý thường gọi là Catenaccio.

Khi chương trình bắt đầu thì đã lỡ làng. Đôi khi tôi hoảng hốt, giật mình, dáo dác nhìn quanh để định vị. Sân khấu phía trên. Còn tôi là một điểm mà nếu cầm compass thì từ đó có thể vẽ nên một vòng tròn. Hồng tâm chính là tôi. “Mình khác gì con dê mà Miên sắp làm thịt”, cái suy nghĩ ấy khiến tôi bấn loạn. Dù tôi không nhìn rõ mặt những khán giả hôm ấy, chỉ thoáng qua nhưng tôi hồ nghi một số trong họ chẳng phải thường dân. Xung quanh tôi, nhiều phần là tàng long ngọa hổ. Tôi rớt vào một trạng thái ngược ngạo. Bình thản bên ngoài và hãi hùng bên trong. Con mồi là tôi và thập diện hiểm nguy đang mai phục. 



Toa thứ #4: #Lực


Sợ hãi là vậy nhưng niềm an ủi và cứu rỗi cho tôi là tiếng nói, tiếng nói từ trên ấy. Tôi không dám nhìn kỹ hay nhìn lâu. Tôi lắng nghe nhiều hơn. Quả là may mắn cho tôi! Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, tôi an lòng bỏ đi nhiều hoạt động gây phiền nhiễu chỉ để tôi luyện khả năng lắng nghe, lắng nghe tâm mình như lắng nghe một cơn mưa. Tôi đã trui rèn trong nhiều hoạt cảnh hay tĩnh cảnh khác nhau. Trải nghiệm lần này như một sự tiếp nối. Thật đặc biệt! Tôi chưa từng đến nơi này. 

Sự hóa hiện ra nơi này, hóa hiện ra một người dẫn chương trình ở hướng 1 giờ, một người viết nhạc ở hướng 10 giờ, hóa hiện ra một kịch bản các câu hỏi, hóa hiện ra nhiều khán thính giả với đủ loại tâm thức khác nhau chính là bằng cớ cho tôi khẳng định một cụm từ:

- Dũng lực tập trung

Cứ viết về Đảo, ngày nào Đảo còn ở rạp là ngày đó tôi còn viết. Dù rất căm ghét cái áp lực của thời gian hay những lời thề thốt nhưng rồi cuối cùng tôi phát giác, tháng 6 của tôi giống như một cuộc chạy đua vậy. Tháng 6 của tôi giống như một lời hẹn ước mà tôi chẳng hiểu tại sao phải thu hết tâm lực để viên thành. 

Tôi chẳng còn có thể nghĩ tới điều gì khác ngoài Đảo. Ngắn là vậy. Còn dài hơn là Đảo Của Dân Ngụ Cư. Tôi cứ viết như một con kiến tha mồi, như một con ong hút mật. Con kiến và con ong chắc hẳn cũng chẳng nghĩ ngợi gì về công trình thế kỷ của mình. Tôi cũng vậy tôi cũng lao vào những đường chạy, những đường bay của tâm tư chẳng vì một mục đích nào cả. Nhưng khác với kiến, khác với ong, tôi có những suy tư. Và đúc kết của tôi là tôi đang có sức mạnh, một dũng lực, hùng lực hay một giềng mối vô hình nào đó với bộ phim này, với kịch bản này, với những con người ở đằng sau.

Rồi một cảm tình không thể gọi tên cứ nảy nở, nảy nở. Tôi bắt đầu phát khởi những lo toan cho sự nghiệp của họ, cho phận số của bộ phim tiếp theo hay bài nhạc sắp tới. Thân phận của một nghệ sĩ tự do, một nghệ sĩ độc lập 9x, chủ đề ấy chẳng hiểu vì sao lại miên man trong tôi những ngày tháng 6. Về điểm này, con kiến, con ong hạnh phúc hơn tôi. Chúng không có suy tư. Chúng sẽ mãi vậy thôi. Cứ tiếp tục và chuyên tâm vào công việc mà tạo hóa đã xếp bày cho chúng.



Toa thứ #5: #Nhạc


Dũng lực tập trung. Tiếng nói từ trên ấy, ở hướng 12 giờ là đối tượng của sự tập trung nơi tôi. Trong sáng thứ bảy hôm ấy, ngoài thanh âm đó tôi không màng tới những gì khác nữa. 

Tôi cảm tưởng như mình đang dự một buổi trình diễn nhạc Jazz nào đó. Nhắc đến Jazz, tôi thấy xấu hổ lắm vì tôi cũng chẳng biết Jazz là gì và làm sao phân biệt được nó với những thể loại khác. Tôi chỉ biết là mình thích một ca nhân, những người chuyên môn nói cô hát Jazz thế là tôi dại khờ tin theo họ. Tôi chẳng có một định nghĩa nào về Jazz. 

Chỉ là cảm xúc thôi! 

Tôi nghe nàng hát và thấu được sự thư giãn trong đó. Dù hát về khổ đau hay về hạnh phúc, dù hát bằng trái tim của một trinh nữ hay thiếu phụ thì cách hát vẫn không đổi. Nội dung thì khác nhưng cách khởi đi của những thanh âm thì thật nhẹ nhàng. Dường như chẳng một chút gắng cố nào! Ban nhạc thì quây quần xung quanh, sự ấm cúng là có thật. Nhạc mộc và lời ca cũng mộc. Trang phục của người hát lẫn nhạc công thường cũng giản dị, không chủ đích gây khêu gợi, tấn công thị giác. Họ thường chọn tông màu tối, như muốn mời tri kỷ vào màn đêm. Chỉ còn là âm nhạc thôi! Vạn sự là vô nghĩa! Giải thoát mọi giác quan để trở về với dũng lực, dũng lực của sự lắng nghe, dũng lực của sự tập trung. Tôi yêu quý cô ca sĩ ấy là vì vậy. Hẳn nhiên, nàng đẹp, nét đẹp xao xuyến, nhưng nếu nàng có già đi, da không còn căng, tóc không còn xanh nữa thì chắc tình yêu của tôi cũng không đổi. Đơn giản là vì Jazz với tôi không phải là dục tính, là thân xác. 

Chỉ là cảm xúc thôi!

Tôi đã nghe suốt 3 giờ đồng hồ bằng một tâm lý như vậy. Nghe người ta nói như nghe người ta hát. Nói như hát mà hát cũng chẳng khác gì nói. Cả hai quyện hòa vì nhạc tính là thứ trường vốn đã có sẵn. 

Có lúc tôi nghe tiếng ấy như là tiếng của một gia nhân, nhẫn nại, nhún nhường giải đáp tất cả những câu hỏi mà nhiều khi tôi thấy bên trong những nghi vấn đó ít phần chiều sâu, huyên thuyên trời đất là phần nhiều. Có lúc tôi nghe tiếng nói ấy như là tiếng của một thương nhân, miệt mài với con đường gọi vốn, với âu lo về lượt xem, lượt đến rạp, và nhất là với những cơn khủng hoảng niềm tin nơi người khác về mình.

Có lúc tôi nghe tiếng ấy như là tiếng một tình nhân, thỏ thẻ, dịu dàng. Đâu phải dễ dàng gì để thể có tác động đến hành vi mua vé đến rạp! Giữa bao nhiêu là nhãn mác nước ngoài danh giá, tại sao, vì sao phải chọn lựa một văn hóa phẩm mang tên Việt Nam? Chỉ có thể dùng tình yêu thôi! Chỉ có thể dùng tiếng nói của một tình nhân để tìm thấy thêm một người yêu phim Việt. 

Dù có đau đớn khi chứng kiến tận mắt một đạo diễn phải kể hết tình tiết rồi dẫn ra những gợi ý, có khi mở tung hết mọi cánh cửa ẩn tàng nhưng tôi cũng đành phải băng giá trên ghế ngồi. Tôi có nhiều phần của Ahmed, một người an phận, đúng hơn tham vọng của ông là được nhìn ngắm mọi điều như nó vốn là. Ahmed hẳn là sướng vui? Không, thực là ông đau đớn, tôi tin đó là nhân vật đau đớn nhất của tác phẩm, nỗi đau chôn sâu vào bên trong. Có những cơn nổi loạn bùng phát. Nhưng cũng có những tiếng nổ ở tự tâm. Cái nào dữ dội hơn? Cái nào tàn phá hơn? Phải trải qua thì mới hiểu thấu.

12 giờ trưa, quá hơn một chút, tiếng nói của một ca nhân cuối cùng phải dừng lại. “2 tiếng đồng hồ rồi sao?”, tôi chẳng ngờ hơn 120 phút lại trôi qua vừa nhanh mà lại vừa cô đặc. Tôi tin là nếu có nghe đến chiều thì tôi vẫn có thể trụ vững. Tôi tin vậy. Người hát Jazz thường hát rất lâu. Tôi nghĩ họ chẳng mệt đâu. Hát bằng sự thong thả thì hát cũng như sống vậy. Chẳng cần phải lên gân hay gắng cố! Người nghe Jazz cũng thế! Đó là những giống loài chung tình. Nhưng cái gì đẹp thường không thể dài lâu mãi được. Tôi đành phải rời Trạm Dừng mang tên P.H.Ạ.M để trở về với con đường vốn dĩ thuộc về mình, con đường của những chuyến xe màu xanh. Bus Sài Gòn thường chỉ có màu xanh, xanh của lá cây. Và Bus Sài Gòn cũng có màu hồng nữa. Bus Sài Gòn cũng có màu xanh, màu xanh nước biển, màu xanh của một trái tim, trái tim xanh trong lòng biển xanh.

Đây không phải là văn học hay phim ảnh. Đây là thực tế. Vì thực là tôi đang ngồi trên một chiếc xe màu xanh, tôi đã ngồi rất nhiều lần. Xanh màu cây hay xanh màu biển, tôi đều đã ngồi. Câu văn ấy, hình ảnh ấy không phải là một dạng ước lệ thi ca hay ẩn dụ điện ảnh gì cả. 

Chỉ là cảm xúc thôi!
Cảm xúc thôi!
Nhưng Đảo không còn là Đảo. 
Đảo đã là Đời!


-Nhiên-
khởi sự 24.06, hoàn tất 01.07.2017

::: ::: ::: Trở về mục lục ::: ::: :::
(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)