Trang

30.6.17

P.H.Ạ.M | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +21

Phạm Duy, Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên

Tháng 4, tôi ngồi đọc Đặc Khảo Về Dân Nhạc Ở Việt Nam. Lòng chẳng đón chờ bất kỳ một sự mới lạ. 

4 quyển hồi ký cùng tất cả các trước tác đã được nhạc sĩ Phạm Duy đưa lên mạng. Đó là thuở mà ông chưa bán lại bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình. Ông thực là một hình mẫu về sức học, sức làm việc, sức làm mới bất chấp tuổi tác. Những ngày ấy tôi say mê không chỉ với những giai điệu mà cả những hàng chữ của ông nữa. Ở trong ông, ngoài thiên tài về âm thanh, còn có chất liệu của một sử gia, một nhà khoa học và một phượt thủ đáng nể. Tôi may mắn đã được theo dấu ông từ thuở blogger vẫn còn là khái niệm xa lạ. Hẳn nhiên, những quyển chuyên sâu của ông như Học và Hành hay Đường Về Dân Ca tôi chỉ lướt qua để thoả trí tò mò. Tôi rất ý thức rằng những tuyển tập đó chỉ thật sự phát huy tối đa hiệu lực trong không khí làm nghề. Thiếu loại thời tiết ấy, dù cho có lưu nhớ không sai một chữ, dù có thuộc làu cũng vô nghĩa!

Phần trên là nguyên cớ xa xưa cho sự không hồ hởi của tôi khi bắt gặp Đặc Khảo trong một hình hài mới. Tôi mang sách về với ý định chuyển gởi cho người bạn đang học nhạc và muốn đi sâu vào sáng tác. Tôi tự trấn an mình rằng chỉ đọc qua như ôn lại một kỉ niệm cũ rồi gói gửi về Bình Dương. Nào ngờ…

…sách có thêm phần lời tựa của anh Đức Trí. Hóa ra tôi và anh đã cùng đọc chung một tác phẩm và cùng khởi lên lòng quý kính tác giả. Anh khám phá quyển này lần đầu (bản in xưa) trong một hiệu sách cũ. Tôi thì đọc trên trang chủ của nhạc sĩ. Tôi đọc vào khoảng đầu những năm 2.000. Còn anh, tôi đoán hẳn là phải trước đó. Cầm sách giấy chắc chắn cảm giác sẽ chân thật hơn và chuyên chú hơn, lại còn có thêm tâm sự của anh nữa. Thế là tôi bỗng thấy tiếc nuối tràn trề. Tôi do dự. Không biết người nhận sách sẽ có chung một niềm riêng như tôi không? Cuối cùng tôi cũng trao gửi mà trong lòng thầm khấn một câu nguyện, "Mong bạn đón nhận sách như đón nhận một phúc lành".

Phúc lành ấy là một dòng từ trường. Nếu chuyển sang dạng ký tự rút gọn thì sẽ là, tôi đọc, "bê, hắc, a, em mờ". Tôi viết cẩn thận P.H.Ạ.M. 

Sách là giấy, là vật chất nhưng ẩn tàng là năng lượng, năng lượng mang tên, tôi lại đọc "...", tôi lại viết "..." P.H.Ạ.M, P.H.Ạ.M, đó... đó... là năng lượng của cảm tình thi cầm thiêng liêng.

Nếu nói về Tân Nhạc Việt Nam thì hai nhạc sĩ đã quyến rũ đôi tai tôi dữ dội nhất không ai khác hơn ngoài Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Người sau tuy sức sáng tác có thể không bằng người trước nhưng nếu xét ở tính đa dạng trong thể loại cũng như khả năng cảm thụ văn học thì thật khó để phân thấp cao. Nếu Phạm Duy nổi tiếng với những bài hùng ca, những bài nhạc phổ từ thơ rồi đến cả trường ca vinh danh sông núi thì Phạm Đình Chương cũng có Sáng Rừng, Đinh Hùng, Quang Dũng, Thanh Tâm Tuyền và Hội Trùng Dương làm điểm tựa. Đó là chưa kể một tiếng hát, như đến từ trời cao, mãi mãi hừng đông tâm hồn, tiếng hát Thái Thanh. Tên của họ đều bắt đầu bằng P.H.Ạ.M. Nếu được kể thêm một tập thơ có bìa màu vàng với tên gọi Động Hoa Vàng thì tôi lại có thêm bằng chứng thuyết phục cho ấn dấu P.H.Ạ.M trong quá trình điêu khắc tư duy mỹ lệ nơi mình.

Nếu dòng sông luôn là trình ảnh hoài niệm tắm táp tuổi ấu thơ thì có lẽ tôi sẽ gọi dòng sông đã thanh tịnh tinh anh mình bằng 4 chữ cái ấy, gọi rất khẽ, rất nhẹ:

- P.H.Ạ.M



o0o


Tháng 6, 2 tháng sau khi sự kiện như là điềm báo ấy, bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư với một câu chuyện đa nghĩa đa diện đa tầng xuất hiện. Có lẽ tôi không nên viết thêm gì nữa về bộ phim này. Nguyên do là tôi viết quá nhiều rồi. Tôi luôn tin vào sự nhỏ, vào sự ít ỏi. Lượng sẽ hại phẩm. Biết vậy, nhớ vậy, răn mình vậy mà không sao dừng được những dòng nhật ký, thứ văn chương vụn vặt nối dài. Và giờ, tôi có gì đây?

Giờ tôi đang có gì trong danh sách bạn bè vốn dĩ ít ỏi và thực lòng tôi cũng không mong mở rộng?

Tôi đang có thêm 2 biểu hiện của hành Hỏa. Hành Hỏa luôn luôn là trạng thái tiềm ẩn của một ngũ uẩn tứ đại sẽ đến và đi trong đời tôi để ngọt cứa, để thiêu đốt, trui rèn. Tôi tin sâu rằng, đây chắc chắc là hành Hỏa vì có chữ Hồng trong cái tên của họ. Hai người ấy đi một con đường khác tôi. Con đường điện ảnh, con đường âm nhạc. Còn tôi, chỉ có một đường, không còn con đường nào khác, con đường tự suy xét. Ba lối đi, ba phương hướng bất chợt gặp nhau trong một đêm tháng 6. Tôi dân quê. Họ sáng lóa. Hai bên đã lướt qua nhau. Họ đã lướt qua tôi như một thoáng chiêu dương hay sao trời lấp lánh. Để rồi gây nên trong tôi là bao thao thức không nguôi đêm ngày.

Cả hai con người ấy bên trong đều chất chứa nhạc tính. Ngày xưa, ngày xưa, đã có một khoảnh khắc tôi nghe được họ nói về quán cơm chay của mình. Dù chỉ là thoáng giây trên truyền hình nhưng tôi đã ghi nhớ chất giọng ấy, một chất giọng đẹp, ấm, trong và quá khéo léo nếu so bề tuổi tác. Ngày nay, ngày nay, tôi lại được dịp nghe chất giọng ấy trong phim rồi mới đây nhất là bao nhiêu sâu lắng trong một bài hát tình yêu xuyên thời. Đó là người em. Còn người chị, tôi tự hỏi không hiểu, chị có ý thức về nhạc tính trong giọng điệu của mình? Đó là nét quyến rũ nhất của chị, nét ấy sẽ bền bỉ với thời gian nếu không muốn nói là càng về sau càng là mật ngọt. Giọng thanh nhưng đuôi khàn, dư âm của nó là một sự trấn áp. Mềm mại đó mà cũng rắn cứng vô cùng. Tưởng như là mỏng manh mà lại có thể siết chặt không cho nhĩ thức một phương tháo chạy.

Là họ, là sự nối tiếp theo, là sự phục sinh của dòng năng lượng mang ký hiệu đọc là P, là H, là Ạ, là M. Lẽ nào là vậy? Lẽ nào dòng sông âm nhạc ấy đã hóa hiện thành một dáng hình khác, một con nước khác để là trường xuân, để là bất diệt xuân thì?

Nhiên.
30.6.2017