Trang

23.4.25

DƯỚI BÓNG GIAI NHÂN - LỐI THOÁT MÊ CUNG ĐỒNG HIỆN

#vudamnhien, #nhiên, #Vũ_Đạm_Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien, Vũ Đạm Nhiên bình kịch, Quang Thảo, Quang Thao, Hồng Ánh, pham thi hong anh, đình toàn, dinh toan, biên kịch Quang Thảo, đạo diễn Quang Thảo, Dưới bóng giai nhân, duoi bong giai nhan, công diễn Dưới Bóng Giai Nhân, kịch Idecaf, nhà hát Thanh Niên

 Ngồi coi Dưới Bóng Giai Nhân (DBGN), tôi bị choáng. Có lẽ chưa có vở kịch nào khiến bản thân phải nhiều lần ồ lên về mặt thị giác tới vậy!

 Đạo cụ, phục trang, phông nền tinh xảo, sáng lóa, sực nức mùi tiền (đầu tư) và có hẳn một lớp nghĩa biểu tượng sắc nét kết dính chặt chẽ với ý ngầm về màn, về nhân vật. Âm nhạc được dụng công tới mức có đôi lúc, trong nhiều thời khắc, ranh giới của một vở chính kịch và nhạc kịch như mờ đi.

  Tuy vậy, mong muốn ngồi sàng một “bồ chữ” đặng biểu đạt tâm tư của tôi về vở kịch này gặp nhiều ngáng trở. Niềm riêng ngổn ngang. Tình ý rời rạc. Nguyên nhân trước nhứt có lẽ do tôi đi coi kịch ít quá. Viết về phim, về kịch là khó. Nhưng với phim, độ khó ít hơn. Do là mình đi nhiều hơn. Trải qua nhiều và tập làm văn nhiều nên tích lũy một tầng bậc nhứt định. Lạc vô một chỗ mình ít trau dồi, hỏng giò là có thiệt.

 Hai nữa là Truyện Kiều đã “ăn” quá sâu trong ý thức. Hành trình Kiều là con đường trưởng thành về mặt tâm linh. Kiều đầu với Kiều cuối là từ không tu tiến lên có tu. Đó dường như là một mặc định. Nhưng trong DBGN, chủ đề, tư tưởng tác phẩm đã quẹo qua một đàng khác. 

  Theo mạch tự sự của nguyên tác, Kiều nhảy sông Tiền Đường là điểm rơi đúng, đủ hết 2 nghĩa vật lý lẫn ẩn dụ. Điểm này ở khoảng ⅔ thời lượng, cốt truyện được tái thiết đặng dần chuyển qua hồi kết. Truyện Kiều trong sự cảm tác của đạo diễn, biên kịch Quang Thảo kết ngay đúng sông Tiền Đường. Một nước đi thật sự táo bạo! 

 So về toàn bộ hệ thống nhân vật và hành trình của Kiều, đạo diễn vẫn cực kỳ trung thành với nguyên tác, thậm chí có ý tôn vinh các nhân vật thuộc tuyến phụ. Lời quảng cáo về vở kịch mà mỗi một màn đều có một nhân vật tỏa sáng là thật sự chơn thiệt. Thế nên coi vở này không khác một bài thử thách khó nhằn về thói quen cảm thụ. Khi mà “thanh bảo kiếm” của nhân vật trung tâm dường như không cầm bởi một người mà sang tay nhiều lần. 

 Cảnh kết của vở khiến tôi suy nghĩ. Việc này kéo dài nhiều tháng. Tìm một thuật ngữ đặng gói lại thật gọn khi rời rạp. Tôi có đáp án là “đồng hiện”. Biên cho đầy đủ là “đồng thời trình hiện”. Ở điểm này, tôi dứt khỏi kịch nghệ và quyết tìm ra nguồn gốc. 

 Tôi biết tới “đồng hiện” lần đầu tiên có lẽ là khi đọc một bài bình tranh. Tôi nhớ được người họa sĩ và loạt tranh đó nhưng không làm sao truy ra được bài gốc mà mình từng đọc. “Đồng hiện” do vậy tới với tôi trong khung cảnh của hội họa. Nghĩa gốc tới từ đâu, việc dựng chữ đã diễn ra trong ngữ cảnh nào. Âm gốc Hán Việt từ tiếng Trung, độ phổ biến trong tiếng Anh… đó là vùng mà tôi đã cố gắng soi chiếu cùng các công cụ A.I và cất lại kết quả nhiều tháng trong ngăn kéo trên đám mây điện tử.

 Khó mà dám nói tôi đã hiểu “đồng hiện”. Nhưng tạm thời quay lại với cảnh kết của vở kịch, tôi thấy có hai dòng thời gian. Trong một màn có sự chồng lớp. Đây là điều lạ trong trải qua của tôi với sân khấu. Sự “cảm tác” đã yếu đi và tinh thần “thể nghiệm” đương hiển hiện. Mong là trí nhớ của tôi đã không sai về khoảnh khắc “đồng hiện” đặc biệt này! 

 Cảnh mở đầu thì dường như cũng được dựng theo hướng này. DBGN bắt đầu bằng hình ảnh của Kiều và Hoạn Thư. Ngay sau đó, sự chồng lớp xảy ra, hiện tại quấn vào quá khứ, dòng hồi tưởng bắt đầu, cảnh trí tua ngược về để như làm ra một cảnh vui ngày xuân xưa đúng chất giáo đầu với Kiều và Kim Trọng. 

 Mở và kết đều bằng Thư - Kiều. Mong tôi nhớ không sai! Dù khoảng giữa DBGN thiên biến vạn hóa kéo cảm xúc, tư duy chạy đi muôn lối, nhờ neo đậu vào manh mối của cặp đối xứng (song song) Kiều - Thư, tôi tin mình vẫn còn một nẻo về với tư tưởng và tình cảm của tác phẩm.

Vũ Đạm Nhiên
Phú Lâm, 23.4.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét