Tôi chú tâm vào mùa phim Đức năm nay, KinoFest 2024. Tuy thời gian có hạn, không thể coi hết 10 phim, tôi cố gắng chọn lọc để coi được chừng nào hay chừng đó.
Ngay khi đọc tựa phim Nơi Điểm Mù (Im toten Winkel), trực giác thầm thì, “Không thể bỏ qua!”. Trực giác này - một phản ứng điện xẹt - là tổng hoà của vô thức cộng với việc coi qua bích chương và đọc lướt sơ mấy dòng nội dung trên IMDb. Đọc rồi quên vì còn nhiều việc bận tâm khác. Lúc tới rạp, tối thứ 6, đầu óc trống rỗng, không còn bất kỳ một thông tin nền nào.
Chỉ trong khoảng ba phút, đó là cảnh ngoại trên đường phố, một nhóm người đang bắt chuyện lướt qua màn hình, trực giác tiếp tục báo động lần nữa, “Phim hay! Phim hay!”. Càng có dữ kiện, lời thầm thì càng lớn hơn, rõ hơn.
Tới khi chiếc xe của đoàn phim chạy trên con đường núi non hùng vĩ và bất ngờ bị một viên đá ném vào làm nứt kính chắn gió thì cũng là lúc màn hình lên chữ tiêu đề:
- IM TOTEN WINKEL
Tôi tạm hiểu phần mở màn của phim vừa dứt. Dấu hiệu của sự ám muội, hiểm nguy nào đó đã hiện ra. Cú chấn động chắn ngang khung hình này kích hoạt chuỗi cảm xúc e ngại, lo âu và trong luồng hơi thở vào ra lúc này đã là không khí của một cốt truyện trinh thám hình sự.
Nơi Điểm Mù kể về một đoàn làm phim người Đức nhưng lại đang tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ (một đạo diễn, một quay phim và một phiên dịch viên người địa phương) cố gắng ghi lại hình ảnh đời thường của một bà mẹ quê mỏi mòn trong hy vọng thiết tha le lói. Bà lão ước mong được gặp lại đứa con trai đã bị bắt cóc chục năm dài đăng đẵng. Nhìn thấy đoàn phim xuất hiện trong các cảnh quay của họ, tư duy tôi phân loại và xếp kỹ thuật làm phim này thuộc về thể loại tài liệu tương tác (hay là dấn thân). Một phim tài liệu trong một phim truyện. Máy quay có lúc phải ngụy trang và càng về sau phương tiện chính để quay chỉ còn là điện thoại di động. Đây có thể nói là một những nét đặc sắc của phim - phong cách “giả tài liệu” - khiến tôi không thể nào rời mắt.
Khi coi Nơi Điểm Mù tôi nhớ liền tới 怪物 của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Cả hai đều sử dụng thủ pháp thay đổi điểm nhìn nhân vật. Monster mở đầu bằng góc nhìn của phụ huynh, sau đó là giáo viên và cuối cùng là học sinh. Còn In The Blind Spot, truyện bắt đầu từ góc nhìn của cô đạo diễn người Đức, rồi chuyển qua người cha và kết thúc bởi ánh nhìn của một em bé. Khác biệt nằm ở cách dựng phần kết. Bản Nhật, khi chuyển qua góc nhìn thứ ba, phần kết vẫn chưa được hé lộ, khán giả được dẫn dắt vào một cái kết mở. Bản Đức, phần kết được trưng trổ ngay khi phim vừa hết góc nhìn nhân vật thứ nhứt, tức mới đi khoảng ⅓ thời lượng hay như cách biên tập của đạo diễn là dứt chương 1. Ấy vậy mà bản Đức vẫn vô cùng hấp dẫn! Cảm xúc lạ kỳ và hồi hộp tới nghẹt thở được duy trì trong suốt những phút giây sau đó! Nhịp phim không lơi. Bất ngờ nối bất ngờ. Một cái kết mở và sức hút của cao trào kéo dài tới tận phút cuối cùng.
Vai trò nhân vật trung tâm được chuyển dời sang tay 3 lần và mạch phim khiến tôi tin rằng việc chuyển dời tiếp theo nữa vẫn có thể xảy ra. Điều tuyệt diệu nằm ở chỗ phản ứng cảm thấy, nghĩ thấy “có nhân vật trung tâm mà như không và đồng thời không mà như có” mà phim đã tạo được trong tôi. Các "điểm mù" được ẩn dấu, sắp đặt rất tài tình. Khi lộ sáng qua từng lần thay đổi góc nhìn nhân vật, tôi như được trở lại đầu phim. Phim như chiếu hết một lượt rồi tua lại 2 lần nữa. Như một cuốn phim dang dở đúng như các tập tin hình ảnh rời rạc đã được ghi hình trong phim. Chúng nằm ở nhiều nguồn máy khác nhau và chưa có bản dựng cuối cùng. Không hồi kết, chưa có kết thúc thật sự, một cuốn phim cứ chạy hoài, chạy hoài trong tâm trí, mà mỗi lần chạy là thêm một điểm mù được rọi sáng.
Vai trò nhân vật trung tâm được chuyển dời sang tay 3 lần và mạch phim khiến tôi tin rằng việc chuyển dời tiếp theo nữa vẫn có thể xảy ra. Điều tuyệt diệu nằm ở chỗ phản ứng cảm thấy, nghĩ thấy “có nhân vật trung tâm mà như không và đồng thời không mà như có” mà phim đã tạo được trong tôi. Các "điểm mù" được ẩn dấu, sắp đặt rất tài tình. Khi lộ sáng qua từng lần thay đổi góc nhìn nhân vật, tôi như được trở lại đầu phim. Phim như chiếu hết một lượt rồi tua lại 2 lần nữa. Như một cuốn phim dang dở đúng như các tập tin hình ảnh rời rạc đã được ghi hình trong phim. Chúng nằm ở nhiều nguồn máy khác nhau và chưa có bản dựng cuối cùng. Không hồi kết, chưa có kết thúc thật sự, một cuốn phim cứ chạy hoài, chạy hoài trong tâm trí, mà mỗi lần chạy là thêm một điểm mù được rọi sáng.
Cách phim khắc họa hình tượng phản diện khiến tôi liên tưởng tới các băng đảng mafia ở Ý, nơi các thành viên gắn bó như ruột thịt và tiếp nối nghiệp sát qua các thế hệ. Trong phim, khi một nhân vật muốn từ bỏ con đường tội lỗi, anh rơi vào thế “một mình chống mafia". Dù vậy, phim không đơn thuần dừng ở câu chuyện khủng hoảng cá nhân hay sự tan rã của một hội nhóm tội phạm kiểu “gia đình trị” mà còn một lớp nghĩa xung đột sắc tộc. Và khi có thêm sự can thiệp của yếu tố nước ngoài, căng thẳng lúc này đã ở mức quốc gia Đức - Thổ. Mối quan hệ của cặp nhân vật người cha và “ông trùm” cũng là một đầu mối giao đãi khiến tôi suy tư tới cặp nguyên mẫu “anh hùng” (chính diện) và “người thầy” (phản diện) tương tự trong Killers of the Flower Moon. Đa tầng là vậy nhưng chưa hết, phim còn áo thêm một lớp nghĩa siêu nhiêu thông qua liên kết giữa nhân vật Melek và người bạn tưởng tượng của em.
Melek (hình như trong phim là 7 tuổi), trong độ mà nhiều trẻ có xu hướng xây dựng trong tâm trí một “imaginary friend” (hay còn gọi là “imaginary companion”). Hiện tượng tâm lý có thực này đã trở thành một chất liệu đặc biệt được sử dụng trong việc xây dựng hồ sơ nhân vật. Khi phải chứng kiến quá nhiều những hình ảnh chết chóc vượt ngưỡng chịu đựng và sống cùng một người cha đang ở trong trạng thái rối nhiễu tâm lý, theo cách hiểu của tôi, việc ra đời một “người bạn tưởng tượng” là một cơ chế phòng ngự tự nhiên giúp Melek thăng bằng, vỗ về nỗi bất an và sợ hãi. Tình tiết này với tôi rất thuyết phục! Tuy nhiên, người bạn trong hư không của Melek lại không có tên và có hẳn một lý lịch đáng ngờ. Đặc điểm nhận dạng là đôi mắt xanh u huyền chất chứa oan khiên uất hận. Cậu bé không nói tên, không rõ mặt này có số phận tương tự như đứa con trai của bà lão ở đầu phim. Bị bắt cóc và không bao giờ có ngày về. Những cậu bé, chàng trai vô danh này vì sao lại bị vùi thây trong lòng đất, vì sao phải chịu đủ những hình thức thủ tiêu man rợ? Tính chất không danh tính của những thân phận như một lời tố cáo ngầm tới hệ thống nào đó đã dung dưỡng cho kẻ sát nhân, đẩy bao gia đình chìm trong hố sâu ly tán tang thương thống khố. Vừa hiện thực, vừa huyền ảo, cặp đôi bạn thân này tạo nên sức bật dũng mãnh vào giờ chót ở một thế giới mà cái ác dường như bao trùm, bóp nghẹt mọi ngã đường của thiện lương.
Thật vô cùng sung sướng khi được coi một phim hay tới mức thẫn thờ và trải qua những giờ phút quý giá để kiểm chứng và tôi luyện trực giác!
Vũ Đạm Nhiên
Q6, ngày 11.11.2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét