Trang

28.11.24

ÁNH XANH BIÊNG BIẾC TỪ CON CU LY CỦA TÔI

Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, book review, #vudamnhien, #nhiên, #Vũ_Đạm_Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien, Con Cu Ly Cua Toi, Con Cu Ly Của Tôi, con cu li cua toi, con cu li của tôi, Vũ Hùng, Cuộc Đời của Pi, Life of pi, Yann Martel, NXB Văn Học, 1989, Bìa sách Con Cu Ly Của Tôi, Bìa sách Con Cu Ly Của Tôi in năm 1989 của NXB Văn Học

  Đọc dứt “Con Cu Ly Của Tôi[1], tôi nhớ liền tới “Cuộc Đời Của Pi”. 

  Tư duy về mọi mặt, từ lượng chữ, hàm lượng kiến thức sinh học, địa lý cho tới phong cách kể chuyện, tác phẩm của Vũ Hùng thiệt sự khó sánh ngang với tiểu thuyết của Yann Martel! Nhưng lạ lùng làm sao, sau khi khép trang cuối, tình cảm với cả hai lại gần như ngang bằng! 

  Không quàng chụp 2 dòng tự sự nhằm gây “mù sương” tác phẩm. Không phơi bày thường thức hải dương học, động vật học đồ sộ. Không “giải phẫu” vào đức tin, tôn giáo. Đặt cạnh cuốn tiểu thuyết phiêu lưu huyền ảo “Life of Pi”, truyện của Vũ Hùng thật khiêm nhường, giản dị, cô đọng, gần như một tự truyện về khoảng thời gian 5 năm gắn bó với con cu li nhưng vẫn tỏa ra một vầng sáng dịu mát, lôi cuốn tâm can! 

  Tôi dò xét trạng thái của mình và đoán định nguồn cơn có lẽ tới từ dòng mạch tình cảm chủ đạo của 2 quyển. Đó là sợi “tơ tình” thủy chung giữa người và thú. Một bên là cậu bé Pi và Richard Parker (cọp). Một bên là anh bộ đội (đài trưởng) và LiLi (cu li). Tính đối kháng của cặp đôi trong “Cuộc đời của Pi” dữ dội và phức tạp khác rất xa với tình đồng chí, bằng hữu trong “Con Cu Ly Của Tôi”. Nhưng khi “bánh xe” của hai tác phẩm quay lăn những vòng cuối, mắt đọc đều phải chứng kiến một khoảnh khắc của chia ly, tan hợp đầy day dứt và đớn đau. Cùng theo đó là câu hỏi cứ mãi vang vọng: 

  - Sự thuần hóa có thật sự xảy ra, có là một dấu ấn trong năng lực cảm hóa loài vật nói riêng và chinh phục thiên nhiên nói chung của con người? Hay tất cả chỉ là một ảo tưởng đẹp đẽ? 

  Đây là lần thứ hai [2], tôi đọc một tác phẩm văn học về con cu li. Với đời Pi, cu li chỉ lướt qua trong khoảng vài trang đầu [3]. Trong khi đó, quyển viết bằng tiếng Việt đặt cu li vào mạch truyện chính (giữ vai trò nguyên mẫu là đồng minh của nhân vật trung tâm) mới thật sự là nguồn cấp giúp cho tôi có một góc nhìn cận cảnh, sinh động về tập tục và đời sống của giống loài này. Một con vật tưởng là bé nhỏ, chậm chạp, vô dụng nhưng thực chất chính là châu báu sơn lâm, là hộ thân của người đi rừng, là “khiên chắn” cho chiến sĩ. 

  Vũ Hùng không là nghiên cứu sinh cu li như cách mà Yann Martel bắt đầu thiên truyện. Xuất phát điểm của ông là người lính binh chủng thông tin liên lạc. Để sinh tồn giữa rừng sâu, để hoàn thành nhiệm vụ, để thoát vòng vây địch, ông cần một phương tiện thần kỳ. Và cu li xuất hiện như một tặng phẩm của tình quân dân. Đứng trước cu li, hiểu biết trong ông là con số 0 trắng trơn. Thế rồi từng ngày trôi, qua bao thử thách gian khó từ bên ngoài lẫn bên trong, có lúc kề cận cái chết, số 0 ấy trở thành ân tình. 

  Bằng óc quan sát, trí phán đoán, trực giác nhạy, tim yêu thương và những con chữ chơn phương, thiệt thà, ông đã gieo vào lòng tôi một niềm thương mến và kính trọng lớn lao về hình ảnh của người quân nhân ngàn chín năm mươi xưa đó:

 - Giàu tri thức, giàu lòng nhân.

Vũ Đạm Nhiên
Phú Lâm, ngày 28.11.2024

3 nhận xét:

  1. 2. KHÔNG PHẢI LÀ LẦN HAI

    Tôi ghi là lần 2, tức là đã đọc được 2 tác phẩm văn học có đề cập tới con cu li.

    Sự thật là lúc soạn bài này, trong ý thức tôi thì tới nay mới chỉ có đúng 1 quyển tôi đọc có đề cập tới loài vật này. Duy nhất quyển Con Cu Ly Của Tôi (Vũ Hùng).

    Tuy nhiên, trong lúc soạn xong bản nháp, tôi đọc được một bài đăng của dịch giả Trịnh Lữ (người dịch quyển “Life of Pi). Chú chụp hẳn các trang sách.

    Bài gốc có tại đây.

    Theo đó, “Cuộc đời của Pi” có đề cập tới con cu li. Tôi cũng từng đọc quyển này nhưng các trang đó thuộc về chương đầu tiên và chỉ có tác dụng giới thiệu về nhân vật. Tôi không nhớ lắm nhưng tin vào trang sách mà mình nhìn nên tôi đổi lại câu trong bài mình. Tính thêm “Life of Pi” nữa là hai.

    Nhưng tôi đã lầm.

    Trả lờiXóa
  2. 3. CON LƯỜI KHÁC CON CULI

    Sau khi đăng bài, tôi kiểm tra chéo. Lấy bản giấy tiếng Việt ra trước mắt. Đúng là có in “loài culi” ở 3 trang 23, 24, 25. Không biết có trang nào khác nữa không? Tiếp tục lấy bản giấy tiếng Anh ra đối chiếu thì thấy dịch giả đã nhầm lẫn.

    Bản gốc “Life of Pi” in rõ ràng là sloth. Tiếng pháp là paresseux. Đây là con lười, thuộc bộ Pilosa. Trong khi đó, cu li (slow loris, loris lent) thuộc bộ Primates. Chưa cần đi sâu vào các đặc điểm khác biệt, ngay từ tên, bộ đã khác nhau. Dù chưa từng thấy bằng mắt thường trực tiếp nhưng do xem nhiều hình nên tôi chắc chắn 2 con này là khác nhau. Chỉ cần nhìn lướt qua là phân biệt được.

    Điểm khác biệt quan trọng là cu li là giống bản địa có thể tìm thấy ở Việt Nam. Lười chỉ có ở Nam và Trung Mỹ. Thế nên, ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ cu li. (Ở đây tôi chưa đi sâu vào 3 phân loại 3 loài: cu li lớn, cu li nhỡ còn gọi cu li lùn và cu li nhỏ). Vũ Hùng có tới 2 quyển đề cập tới cu li nên tôi biết thêm một số tên gọi khác như:

    - cù lần
    - cù mì (cù mì củ mỉ)
    - xấu hổ

    Trả lờiXóa
  3. 1. Con Cu Ly Của Tôi (bản 1989)

    Theo sự tìm hiểu của tôi, không tính các bản được in lại vào thế kỷ XXI. Vào thế kỷ XX, tác phẩm này được in 2 lần.

    Lần 1 được in bởi NXB Kim Đồng. Tôi chưa cầm được quyển này nên không rõ năm in. Nhưng tôi đoán trong khoảng 1986-1988.
    Lần 2 đổi bìa khác, cũng là hình kèm của bài này, được in vào năm 1989 bởi NXB Văn Học.

    Trả lờiXóa