Vậy là tôi đã biết tên bông hoa tím xuất hiện ở giây thứ 66. Thật ra là hoa đã có mặt trong hình ảnh đầu tiên của phim “Listen Not”. Tuy nhiên tới giây 66 thì hoa được lập lại ở khung hình cận, ngay sau hình ảnh của tiên nga Tử Y. Thiết lập rồi đặt để như vậy đã chỉ ra rất rõ việc hoa tím giữ chức năng ẩn dụ cho A Tử, cho tình yêu của nàng với Thiên Bồng Nguyên Soái.
2 lần thử sức trong việc dò tìm ẩn nghĩa của hoa, tôi có kết quả là hoa diên vĩ (đuôi diều, iris). Dự liệu mình sai. Tôi mất thêm nửa ngày (25.9) ngồi rã băng buổi phỏng vấn trực tuyến của đạo diễn phim [1] này để chắc chắn. Đáp án là “Nguyệt Kiến Thảo”. 月见草, yuè jiàn cǎo. Chưa bao giờ nghe tới tên, biết tới hình, chạm tới cánh! Quả thực là được mở mang tầm mắt!
Cũng từ buổi này tôi có luôn xác nhận chính thức về tên 4 loài hoa đã xuất hiện trong phim, theo thứ tự (nguyên văn):
- nguyệt kiến thảo
- nguyệt quế (月桂)
- kim chẩn (金盏)
và hắc liên (黑莲)
Nguyệt quế [2] đúng hơn là mộc tê (木犀), hoa mộc và nếu liên quan tới cung trăng thì chia tiếp trong họ hoa này có lẽ là đan quế (丹桂). Từ lúc coi phim tôi tập trung vào hoa tím và hiểu rằng trong thế tương phản giữa 2 cô tiên Xanh / Tím thì đương nhiên sẽ có hoa khác đại diện cho Hằng Nga. Hình tượng cây quế đã quá kinh điển và phim này cũng đã tiếp tục khai thác. Không có gì mới hơn nên tôi không suy nghĩ nhiều về. Về sau tôi chỉ dùng danh tính quế hoa như một thông tin đầu vào cho lệnh tìm kiếm để ngó coi nhóm những loài hoa liên quan tới thiên giới còn có hoa nào khác để giải mã hoa tím.
Kim chẩn [3] là một hoa thuộc họ Cúc. Tên là Cúc Kim Tiền nghe cũng lạ tai với tôi nhưng đọc theo một tên gọi khác là Cúc Vạn Thọ thì tôi hiểu liền. Bông Thọ này tôi đã thấy ở phân đoạn ở xưởng nhuộm nhưng cũng không để tâm lắm.
Tới hắc liên [4] ở chỗ suối nước nóng thì đúng là khi coi đã bỏ lỡ, không hề phát hiện. 4 chỉ dòm thấy 3, coi phim chưa thật sự kỹ nên đã lạc mất bông sen này.
Có 4 bông nhưng tâm trí trước sau vẫn chỉ tập trung vào màu tím của hoa trong tương giao với nhân vật, cốt truyện phim và tựa đề chương 4. Tôi vẫn đoan chắc hoa tím giữ vị trí trung tâm. Nhưng nay đã hiểu rõ ràng phần dụng công của đạo diễn. Ông dùng tới 4 bông hoa luân phiên nhau để tạo cảnh, chuyển cảnh cũng như là tạo ý, dẫn ý. Nhìn lại diễn biến phim, lập tím, nhấn tím nhưng không kết bằng tím, rồi cách dụng 4 hoa, tính chất tâm điểm của hoa tím như vậy đã mờ nhạt đi khá nhiều so với suy luận của tôi.
Trở lại với Nguyệt Kiến Thảo, cùng với 3 hoa kia, tôi nhớ tới lời bài Đường Em Đi của Phạm Duy. Phim này lấy Trư Bát Giới là vai trung tâm. Cốt truyện tình yêu. Đường tình Bát Giới như vậy có 4 bông hoa lần lượt nở. Tôi tiến hành lưu hồ sơ danh pháp của cả 4. 3 hoa kia đã viết riêng trong các phần chú giải. Trong bài này, tôi giữ sáng màu tím.
Để tránh lặp lại hình kèm đã dùng ở bài trước, ảnh kèm bài này tôi tự tạo. Điền thông tin cho lệnh xuất tập tin, tôi ghi:
- Evening Primrose
- Hoa Anh Thảo Chiều
- 月见草属
- Oenothera Linnaeus
Ngoài ra còn có cái tên với lối lập từ ngồ ngộ Nguyệt Kiến Thảo Hường. Chắc là để phân biệt với Nguyệt Kiến Thảo Vàng? Nguyệt Kiến Thảo! Nguyệt Kiến Thảo! Thật sự rất phấn khích với viễn cảnh một ngày nào đó được nhìn thấy hoa này! Trước giờ chỉ biết có hoa Hướng Dương, nay mới hiểu ra còn một hoa khác có tính chất nở về đêm tạo thành một cặp đôi đăng đối với cái tên thật đẹp, Nguyệt Kiến! TÊN là vậy. Còn Ý, tính ẩn dụ của hoa thì đã có phần thực hành nghệ thuật ở phim này thể hiện. Khi rã băng, tôi lấy ra, tô đậm những chữ nguyên văn về tính ẩn dụ của hoa anh thảo cũng như 3 hoa kia trong tình yêu:
- ẩn bí (隐秘)
Một mối tình câm, một lòng yêu thầm thương kín của Tử Y với Thiên Bồng. Lời ngầm này chưa cần tới người làm phim phải ra mặt giải thích. Không có gì khó để người coi cảm nhận mà không cần biết tới tên gọi đích xác của tử hoa! Tuy vậy, việc nghe toàn bộ quá trình từ ý tưởng tới công đoạn thực hành sáng tác chắc chắn cho tôi rất nhiều ích lợi. Mình đã có những ghi nhận trong phản ứng khi coi và những suy luận đúc kết về thủ pháp. Coi như đã làm xong bài tập phần mình. Nay chính tác giả ngồi xuống trình bày để hai bên so đáp án của nhau. Không riêng gì với phim này, tác phẩm nào cũng vậy. Đi hết một quá trình lao động, có đáp án rồi đối chiếu. Đây chắc chắn là một sự học tuyệt vời, một sự học suốt đời luôn mang tới nhiều niềm vui chân thật.
4 đóa hoa được đặt trên đường tình Trư Bát Giới có tính chất là vật dẫn truyện, nối liền các cảnh và chuyển cảnh. Hoa vừa thiết lập bối cảnh vừa làm ẩn ngôn cho tình yêu Trư - Chu. Theo tôi, Trư cầm 2 bông. Chu giữ 2 còn lại.
Nguyệt quế hoa là cổ hoặc (蛊惑), một mối tình si có tính mê hoặc, cao xa, không thực, không bao giờ thành với Hằng Nga. Kim Chẩn Cúc, là mối tình đơn thuần, phổ thông (普通) bình thường với Cao Thúy Lan. Hoa Vạn Thọ là giai đoạn Bát Giới đã “đắp mộ cuộc tình”, bắt đầu một chương mới, yêu và cưới một người phàm. Anh Thảo Chiều là ẩn bí, yêu thầm, yêu đơn phương. Thiên Bồng đã ngang qua, lơ đãng, vô tâm không nhận ra đóa hoa chơn tình của Tử Y tiên nữ. Trải qua không biết bao kiếp luân hồi, phải tới ngày Tây Du, qua hồi thứ 72, bên những đóa Hắc Liên của dòng suối Trạc Cấu mới rõ mặt bóng hình cũ. Một đóa sen trắng đang dần ngả sang đen, từ tím Nguyệt Kiến giờ đã hắc hóa, tiên cô thành yêu vương nhưng sâu tận trong lòng Tử Chu Nhi tính thiện duy nhất còn lưu vết. Đó là tình yêu thủy chung, không dứt, không buông, không dời. Nguyên văn là “kiên trinh” (坚贞) và "chấp niệm" (执念).
Nếu nhìn vào cấu trúc, theo tôi ở điểm mốc hoa sen, sự đoàn viên, cảnh trao thân, hiện nguyên hình chính là cao trào. Bông quế, bông hường thuộc về hồi 1. Hường tàn là biến cố. Bông thọ thuộc hồi 2, sau khi chao đảo, thế quân bình của cốt truyện đã được thiết lập lại. Bông sen đánh dấu cho đoạn leo cao bùng nổ trong thang tâm lý / cấu trúc của mạch truyện. Sang tới hồi 3, không có bông nào. Hồi cuối tạo ra một cảnh thượng liền hạ và đặt nhân vật trung tâm vào khoảng giữa rất hay. Đoàn thỉnh kinh ở hướng thượng. 7 yêu nhện cùng Chu gia trang đã hoang tàn ở hướng hạ. Không có bông nào để nối cảnh, nối ý. Về logic, mạch dụng hoa tới đây bị đứt gẫy, tạo ra một lỗ hổng trong dàn dựng.
Về cấu trúc, thế chao đảo đã cân bằng trở lại lần nữa. Về tâm lý nhân vật, Bát Giới đứng trước một ngã ba đường. Lên hay xuống? Chánh hay tà? Và lão Trư chọn dứt tình. Có lẽ vì vậy mà không còn một bông hoa nào nữa. Cảm vấn lộ tại hà phương (敢問路在何方?) [5]. Xin hỏi đường nơi nao? Lộ tại cước hạ (路在腳下). Đường ngay dưới chân mình. Đường Thiên Bồng đã không còn những bông hoa tình yêu. Chàng ta đã trệch ra khỏi ái tình mê lộ. Đường không còn đôi ta, mà là đường huynh đệ thầy trò. Con đường chúng ta đi:
- Đường tu.
Vũ Đạm Nhiên
Trung Thu Giáp Thìn
[1] PHỎNG VẮN ĐẠO DIỄN PHIM “LISTEN NOT”
Trả lờiXóaTheo tìm hiểu của tôi, (có thể chưa chính xác) thì tên đạo diễn phim “Listen Not” là Phí Tư (费斯). Để thực hiện các bộ phim hoạt hình khép lại 6 chương chơi trong Hắc Thần Thoại: Ngộ Không thì hãng Game Science đã hợp tác với những hãng làm phim 2D trong khắp thế giới Hoa Ngữ. Studio cộng tác để tạo ra bộ phim này (có lẽ) tên là Big Firebird. Thông tin tên đạo diễn và hãng studio tôi sẽ còn kiểm tra lại về sau.
Đoạn phỏng vấn (phát trên nền tảng Bilibili) mà tôi đã mổ băng có lẽ cũng chỉ mới đăng tải cách đây 1 tuần lễ. Nền tảng này cũng là nơi chính thức đầu tiên đăng tải 6 phần phim vào ngày 20.9.2024.
[4] SEN TRẮNG, SEN ĐEN
Trả lờiXóaHắc liên (黑莲) ở đây có lẽ chỉ mang tính tượng trưng. Việc chuyển dần từ trắng (bạch liên, 白莲花, Nelumbo lutea) qua đen ngầm ý về sự rơi đọa từ tiên sang yêu của Tử Y lẫn Thiên Bồng.
[3] BÔNG CÚNG
Trả lờiXóaCái tên thông dụng nhất tại Việt Nam của hoa này có lẽ là Cúc Vạn Thọ, tên khoa học “Calendula officinalis”. Tra từ điển chỉ biết thông tin ngắn gọn hoa được trồng nhiều ở Trung Quốc để làm cảnh ở vườn nhà và công viên. Dựa theo phim thì cúc này được dùng để nhuộm vải. Ở Việt Nam, tôi viết gọn. Đây là bông cúng.
ẢNH KÈM: ANH THẢO ĐÊM RẰM
Trả lờiXóaTôi tiếp tục dùng công cụ Shakker AI để tự tạo ra tấm ảnh theo ý muốn của mình:
- Một đóa anh thảo đang hướng về trăng trong đêm rằm.
Đã tra cứu nhiều các ảnh thực tế nên tự nghĩ tấm này cũng không sai số qua nhiều. Hy vọng về sau sẽ chụp được trực tiếp từ hiện trường loài hoa này!
[2] HOA QUẾ CUNG TRĂNG
Trả lờiXóaKhông có chủ ý đi sâu vào ”Nguyệt Quế” nhưng danh từ này khiến tôi bối rối nhiều nhứt và rốt cuộc mất còn nhiều thời gian hơn so với việc tìm hiểu Nguyệt Kiến Thảo.
”Nguyệt Quế” (月桂, yuè guì) là nguyên văn trích từ buổi phỏng vấn đạo diễn Phí Tư. Không biết ở Trung Quốc thế nào chứ nếu bê y “nguyệt quế” qua tiếng Việt thì chắc chắn sẽ gây lầm lẫn.
Thứ nhứt, ngay ban công nhà tôi cũng có “Nguyệt Quế” bông trắng. Đúng ra phải gọi là ”Nguyệt Quới” (Murraya paniculata). Không hiểu vì sao người ta cứ gọi lẫn lộn qua lại, cuối cùng tạo ra sự ngộ nhận! Nếu đúng là bông này thì tiếng Trung có hàng tá tên gọi. Nhưng tra ở từ điển hoa Trung Quốc (Flora of China) thì thấy chỉ biên tên mỗi Thiên Lý Hương (千里香).
Thứ hai, có một “Nguyệt Quế” khác trong hình ảnh kết vòng nguyệt quế từ Hy Lạp. Danh pháp là Laurus nobilis. Bông này đương nhiên không phải là hoa trong phim.
Thứ ba, khi đã chỉ rõ 2 “quế” trên để bớt ra mà thật sự vẫn còn thấy mù mờ. Như đã viết rõ trong bài, “nguyệt quế” trong phim có lẽ là cây mộc hương, hoa mộc (Osmanthus fragrans). Chia nhỏ ra nữa thì có lẽ đan quế (O. fragrans var. aurantiacus) gần với hình ảnh của cây quế trong thần thoại nhứt.
Câu hỏi còn lại: Tại sao đạo diễn không gọi đích danh tên hoa mà vẫn là một cái tên chung chung “nguyệt quế”?
Theo phán đoán của tôi, từ trước tới nay, trong biết bao nhiêu truyện kể, thơ ca thì cây quế, lá quế, hột quế, hoa quế, tất tần tật những gì thuộc về cây quế đã được xây dựng là biểu tượng cho Cung Quảng Hàn và liên kết với hình tượng Hằng Nga. Nói cách khác, nhắc tới “nguyệt quế” thì đồng nghĩa là cung trăng, là trăng trời. Thử tìm vài ví dụ. Chẳng hạn trong bài “Ngâm nguyệt kỳ nhứt (吟月其一)” ở hồi thứ 42 của Hồng Lâu Mộng (紅樓夢) có 2 câu đầu tiên:
月桂中天夜色寒,Nguyệt quế trung thiên dạ sắc hàn,
清光皎皎影團團。Thanh quang hạo hạo ảnh đoàn đoàn
Dịch nhanh:
Nguyệt quế giữa trời đêm se lạnh
Sáng ánh trong trong bóng tròn tròn
Nguyệt quế ở đây như vậy không chỉ là cây, là hoa mà đại diện cho cả mặt trăng. Nguyệt quế là trăng, đồng nhứt với trăng. Hay 2 câu khác, trích từ Biệt ly (别离) của Quách Mạt Nhược (郭沫若):
晓日月桂冠,Hiểu nhựt nguyệt quế quan
掇之欲上青天难。 Xuyết chi dục thượng thanh thiên nan
Tả mặt trăng là “vành nguyệt quế”.
Lướt tạm 2 bằng cớ để thấy cung trăng cây quế vốn đã là hai hình ảnh đồng nhứt trong tập quán của nghệ thuật kể chuyện. Thế cho nên mới có từ “cung quế” (quế cung, 桂宮) tức cung trăng. Trong phim này, cây quế xuất hiện 2 lần và những cánh hoa bay bay ngay từ đầu phim là từ cây này. Không gọi thẳng một cái tên riêng mà vẫn giữ danh từ “nguyệt quế” tức có ý muốn nói hoa quế ở đây không phải quế nào ở hạ giới hết mà là hoa quế ở cung trăng. Đồng âm mà khác nghĩa có lẽ là vậy.
[5] ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI
Trả lờiXóaKhi thâu được 4 tên hoa thì lời bài “‘Đường Em Đi” (Phạm Duy, 1960) phát lên trong tâm trí. Tôi đã đưa mấy câu trích đoạn của nhạc phẩm này vào phần lời dẫn trên tường nhà. Bài nhạc gây cảm hứng cho tôi về một trục ngang hành trình nhân vật trung tâm. Từ đây tôi đã đặt được tựa đề cho bài. Chưa biết chính xác chưa nhưng tôi biên thêm tựa đề tiếng Trung nữa:
- 月见草和猪八戒爱情路上的四朵花
Tới khi viết tới những dòng cuối thì thêm một nhạc khúc nữa vang lên trong đầu. Bài “Đường Chúng Ta Đi”. Lời: Diêm Túc (閻肅), nhạc: Hứa Cảnh Thanh (許鏡清) của bản phim truyền hình Tây Du Ký (1986). Vậy nên nguồn cảm hứng cho việc lập ý “đường tình qua đường tu” chính là tới từ 2 bài hát này.