Trang

24.9.24

CHUYỆN TÌNH HOA DIÊN VĨ (?)

MÀU TÍM, MÀU CỦA MỘT TÌNH YÊU
hay là Chuyện Tình Hoa Diên Vĩ (?)
#blackmythwukong 
#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, vu dam nhien, dam nhien, #blackmywukong, Black Myth Wukong, Hắc Thần Thoại Ngộ Không, Khúc Độ Tử Uyên, 曲度紫鴛, Violet Spider, 紫蛛儿, Tử Chu Nhi, Tử Y tiên nữ, Cung Quảng Hàn, Suối Trạc Cấu, Động Bàng Tơ, 7 yêu nhền nhện, Tây Du Ký, Hậu Tây Du, Hắc Thoại Tây Du, Trư Bát Giới, Trư Cương Liệt, Vật Thính, 勿听, Đừng Nghe, Listen Not, Game Science, Châu Kiệt Luân, 黑神话:悟空, Trương Tử Ninh, 张紫宁),  Triệu Tử Hoa, 赵紫骅, Bạch Nguyệt Quang, 白月光, Chu Sa Chí, 朱砂痣, Rosy Cheek, Grey Hair, chapter 4 Black Myth Wukong, Cut scene animation, Thiên Bồng Nguyên Soái, Diên Vĩ, Iris, Cao Thúy Loan, Cao Gia Trang, A Bích, A Châu, A Tử, Kim Dung, Thiên Long Bát Bộ.
(Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình, trích đoạn từ phim "Listen Not" / Game Science / @blackmythgame)

Lâu lắm mới lại có một bài hát liên quan tới ánh trăng khiến tôi thẫn thờ, mê mẩn khủng khiếp tới như vậy! Phải 10 năm! Lực hút say đắm, ăn đứt, bóp nghẹt bài xưa xa. 

Bài của Châu Kiệt Luân [1] chỉ là tình yêu cõi Dục Giới. Còn bài này (“Vật Thính” - 勿听 - Đừng Nghe) chữ TÌNH đã mở rộng tới cõi Sắc Giới, đó là những thần tiên yêu nhau trên Cõi Trời bị giáng cấp thành yêu tinh.

Nguyên mùa trăng Trung Thu nghe đi nghe lại “cháy máy”. Mà tháng 8 âm lịch có lẽ cũng là thời điểm không thể hoàn hảo hơn để bật lên tác phẩm này. Tương tự như bài vừa nhắc (ca khúc trong phim), đây cũng là xuất phẩm “khung lồng khung”, một ca khúc nền cho một đoạn phim hoạt hình không thoại khép lại chương thứ 4 của trò chơi đang khuynh đảo thế giới 2 tháng nay (Hắc Thần Thoại: Ngộ Không, 黑神话:悟空).

Hành động đầu tiên của tôi là truy tìm tên hai tiếng hát đã hòa quyện như một mà chẳng phải một, rung rinh những ái ân trái ngang đuổi bắt đớn đau hữu duyên vô phận. Kết quả: nam Trương Tử Ninh (张紫宁), nữ Triệu Tử Hoa (赵紫骅). Rồi tới tên người soạn nhạc, người sản xuất. [2] Không biết chính xác chưa nhưng chữ Tử trong tên họ lại trùng hợp với tên chương này (Khúc Độ Tử Uyên, 曲度紫鴛) mà cũng là tên của yêu vương [3], một phản diện mà người chơi trong hình hài nhân vật trung tâm (chú khỉ Thiên Mệnh Hầu) phải đối đầu. Yêu vương đó là nhân vật chính trong bài hát và phim ngắn khép lại phần chơi. Tên cô cũng là Tử, màu tím, Nhện Tím, Violet Spider, Tử Chu Nhi (紫蛛儿). Sắc tím được điệp lại nhiều lần đó khiến tư duy tôi miệt mài lần leo vào những tầng lớp ý nghĩa mà bàn tay tác giả đã dụng công thêu dệt. 

Tôi trở lại với ấn tượng ban đầu. Giây thứ 66: Một đóa hoa rụng rơi. Hoa màu tím, gắn liền với một tiên nga trên trời, cũng ăn vận trong một sắc tím.

Không biết hoa tên gì. Dựa vào tựa đề “Khúc Độ Tử Uyên”, vốn được nhiều người chơi sành sỏi với các lệnh tìm kiếm đã chỉ ra là được lẫy nguyên văn từ một câu thơ của Lý Bạch [4], tôi đọc lại bài thơ để hiểu nghĩa. Rồi trở lại với ca từ bài hát. Trong bài này còn nhắc tới hoa quỳnh [5] trong một cặp nối nghĩa với hình ảnh “thương cẩu” vốn lẫy từ thơ Đỗ Phủ [6]. “Độ” là một từ tôi tiếp xúc nhiều trong Phật giáo. Thường là gặp 2 nghĩa, vượt qua, băng qua và cứu giúp. Còn trong ngữ cảnh này, “độ” có lẽ mang nghĩa chuyển tải hay là tấu lên. Ý muốn chỉ về việc trình tấu một bản nhạc. Bản nhạc nào? Bản Tử Uyên. Đầy đủ là Tử Uyên Ương, hoặc khúc Uyên Ương. Nhạc khúc hát về một đôi uyên ương. Ở đây có sự cố tình đề ra chữ “Tử” (tía, tím) rõ ràng là muốn ngầm chỉ tới nhân vật Tử Chu Nhi (Ương, vịt mái) với tình lang của mình là Thiên Bồng Nguyên Soái (Uyên, vịt trống). 

Chưa hết, “Tử Uyên Ương” vốn dĩ đã là biểu tượng phổ thông của một tình yêu son sắt, Chu (蛛 - zhū) và Trư (猪 - zhū) là từ đồng âm. Thêm một cặp đồng âm khác với Uyên (yuān - 鴛 ) và Diên (yuān - 鸢). Diên trong Diên Vĩ (鸢 尾), một loài hoa rất thường thấy với sắc tím. Những người làm nội dung của Game Science hẳn là rất ưa thích công việc dựng nên các hầm chứa ẩn nghĩa cho hình ảnh và ngôn từ.

Diên Vĩ hay còn có tên Iris, hoa đuôi diều, hoa huệ Nhật… theo tôi cạn nghĩ là đóa hoa giữ vị trí biểu tượng cho mối tình Trư Chu trong phim, trong nhạc phẩm này. [7]

Tới đây là lúc tìm về chân hình của một cốt truyện tình. Đây là cốt truyện game hành động, tính chất phiêu lưu kỳ ảo rõ ràng. Yếu tố tình yêu chỉ là phần phụ, lướt qua rất nhanh trong đường dây mạch truyện của chàng Khỉ. Đi tìm Lục Căn để hồi sinh Ngộ Không (Tề Thiên Đại Thánh) tới với chương thứ tư thì ứng với Thiệt Căn, tức nói về Lưỡi trong tương giao với Ngũ Dục, 5 vị ngọt thế gian. Có lẽ không khuôn mặt avatar nào hợp hơn lão Trư làm đại diện. Thế nên, mạch truyện phụ được đôn lên, được chuốt sắc ở tuyến Trư Bát Giới là một nước đi hợp lý, hợp tình. Và thực tế theo phản ứng của người hâm mộ, lao tác sáng tạo ở Black Myth: Wukong ở chương này đã thành công lớn.

Nhìn ngắm phần phim Khúc Độ Tử Uyên, tôi thấy rõ những yếu tố rất căn bản của thể loại romance. 2 người yêu nhau và thứ thúc đẩy kịch tính câu chuyện không gì khác là một người thứ ba. Tam giác tình yêu được thiết lập. Màu tím là đã có. Một màu khác được dệt. Xanh ngọc, màu rất gần với tím trên vòng tròn màu. Một cô áo màu tím, có thể là Tử Y tiên nữ [8] của Tây Vương Mẫu thuộc cung Dao Trì, hoặc có thể chỉ là một tiên nga không danh phận rõ ràng trên Thiên Cung. Cô còn lại là tâm điểm, giữ vị trí trung tâm trong Vũ Khúc Nghê Thường ở cung Quảng Hàn. Nổi bật với màu tóc ánh kim và y phục là sắc xanh ngọc bích. Cô là một trong những Hằng Nga [9], hay Thường Nga dưới trướng của Thái Âm Tinh Quân [10]. 

Từ phim khi ra mắt tới nay, đã có không biết bao nhiêu tranh luận về danh tính của 2 tiên nữ này. Còn hướng đi phân tích vào trang phục, hình như ít người tham gia hơn. Phim là hình. Đó là điều tôi quan tâm. Thế nên nếu nhạc cuốn hút đôi tai thúc đẩy ý nghĩ về ca từ thì hình say mê đôi mắt tạo nên những suy tư về màu dựng. Một cô tím, một cô xanh và y phục của Thiên Bồng là 2 lớp áo, xanh trong ngoài tím. 

Tam giác đã tạo. Tiếp theo là thủ pháp kinh điển không thể khác: Ái biệt ly. Chia tách rồi tụ hợp. Trò cút bắc này tạo ra hai hình tượng, đúng hơn là 2 thuật ngữ mô tả những hình tượng trong một truyện tình đối nhau là Bạch Nguyệt Quang (白月光) và Chu Sa Chí (朱砂痣) [11]. Một người là Mộng Cô, một người là Nương Tử. Cứ như vậy, tiếng hát của họ - cặp Trương Triệu - như một mà không một vẫn mãi là 2 lớp sóng nghĩa trái ngược. 

Trong lúc xem phim, có lúc tôi không khỏi nghĩ tới A Châu, A Bích, A Tử. Kim Dung xây dựng nhân vật đồng dạng trong tuyến tình cảm để tạo chiều sâu cho nhân vật trung tâm trong Thiên Long Bát Bộ. Ở Khúc Độ Tử Uyên, một thể thức đồng dạng như vậy cũng đã được xây dựng cho tuyến truyện của Trư Bát Giới. Ngoài Hằng Nga và Tử Y tiên nữ ở Sắc Giới thì ở Dục Giới thêm một nhân vật cõi người được tạo ra, tạm gọi là Cao Thúy Lan [12] (nhưng nếu xét theo phản ứng của Bát Giới trong mạch phim thì đây có lẽ chỉ là một nữ nhân xuất hiện trước thời gian Trư Cương Liệt chuyển đến Cao Gia Trang, tiếp nối ảo ảnh y phục màu xanh lơ mà lão Trư đuổi rượt).

Rất nhiều phân đoạn có thể phân tích thêm ở phim mà dường như các game thủ đã viết rõ hết nên tôi nghĩ mình chẳng cần phải bàn thêm. Lời cuối muốn viết về cái Si của cặp đôi. Ngu ngốc làm sao! Một đời mà đúng là hơn trăm kiếp rồi vẫn chạy cháy theo ái tình. Trư có một Bạch Nguyệt Quang trong lòng. Vẫn rượt theo một tà áo xanh. Ngờ đâu một chiếc áo tím vẫn chỉ mong ngóng mình. Một giọt nước mắt rơi trong ước mơ trở về phút ban đầu ở Hội Bàn Đào, giây phút chưa quên mình say sưa mà sau phạm luật Trời bị đọa trần gian. Giây phút cũng là khởi đầu của bão tình đẩy tiên nga Tử Y trót yêu phải giáng hạ. Mê mờ quá thể! Dù bao nhiêu kiếp yêu tinh vẫn chỉ mong được gần gũi ý trung nhân một lần. Yêu chàng, gặp chàng rồi ăn thịt chàng. Tình yêu không tô hồng bản năng háu ăn của 2 loài.

Từ cung Quảng Hàn tới suối Trạc Cấu là một hành trình hướng hạ, màu đen tối tăm ngập ngụa nhưng lạ thay bằng phép màu của âm nhạc, hình ảnh, thuật kể chuyện, thứ tình cảm chết chóc yêu ma được nối tiếp ở phần hậu truyện 2024 này lại ánh lên lấp lánh vẻ bi ai khiến người dõi theo thổn thức, tiếc thương, nhung nhớ! Nhờ vào ký ức và tình cảm sâu đậm sẵn có dành cho nguyên tác Tây Du Ký chăng? Hay là nhờ vào chính tính chơn thiệt của sự bất toàn, u mê và yếu đuối của tâm hồn một khi đã đưa chân vào biển ái?

#vudamnhien

6 nhận xét:

  1. [1] MOONLIGHT ON THE ROOFTOP

    Đó là bài 天台的月光 ("Thiên đài đích huệ quang", tạm dịch "Ánh trăng trên sân thượng"). Đây là một bài nhạc thuộc về tuyển tập nhạc nền cho phim 天台 (“Thiên Đài”) do Châu Kiệt Luân đạo diễn. Tôi không nhớ rõ mình đã nghe bản nhạc này từ khi nào. Tuy nhiên nhìn vào năm phát hành (2014) thì tôi đoán tầm 10 năm trước cùng thời điểm MV của bài này được phát hành.

    Con số 10 năm mới lại yêu thích một bài hát liên quan đến ánh trăng là được tính cho ca khúc có lời. Còn nếu xét nhạc không lời thì không lâu tới vậy. 6 năm trước, bản nhạc có tựa "The Landing" đã mê hoặc đôi tai sau lần đi coi "The First Man" ở định dạng IMAX.

    2 bài này cùng với 勿听 ("Vật thính") tôi lưu vào cùng một danh sách, tạm đặt Nguyệt Ca.

    Trả lờiXóa
  2. [7] CÓ ĐÚNG LÀ HOA DIÊN VĨ?

    Sau đợt ra ra sức đầu tiên và thu về cái tên Diên Vĩ, tôi tiến hành 3 bước để kiểm tra chéo. Bước 1, 2 đã viết rõ tại bài trên tường. Ở đây tôi viết về bước 3: Coi lại phim.

    Nếu tiên nga Tử Y được đại diện bằng một bông hoa thì theo logic Hằng Nga cũng sẽ có một bông hoa đăng đối. Không quá khó để tôi suy luận ra bông hoa biểu tượng cho Hằng Nga áo xanh.

    Coi kỹ lại thì thấy có ít nhất là 3 loài hoa xuất hiện trong phim này.

    Tôi thử khảo sát "các loài hoa thuộc về thiên giới" thì có rất ít manh mối liên quan tới Diên Vĩ.

    Với lần ra sức (đi qua 3 bước) có thể coi là đợt thứ hai này, có tới hơn 60% suy luận bông hoa xuất hiện ở giây 66 (hoa Diên Vĩ) là không chính xác. Do đó, tôi sửa lại ảnh kèm cũng như tiêu đề bài. Sửa bằng cách thêm vào dấu hỏi (?).

    Tôi chỉ còn công đoạn cuối cùng là dò tìm những thông tin (phát ngôn) từ chính nhà sản xuất. Và tôi đã có kết quả. Tôi sẽ viết rõ ở bài thứ hai liên quan tới Khúc Độ Tử Uyên.

    Trả lờiXóa
  3. [2] TÁC GIẢ 勿听

    Nhà sản xuất game (Hắc Thần Thoại: Ngộ Không) Phùng Ký (冯骥) cũng là người đã viết lời cho bài này (勿听). Phần nhạc do Vương Tinh Hạ (王星贺) soạn.

    Trả lờiXóa
  4. [6] BẠCH VÂN THƯƠNG CẨU

    Trong bài hát 勿听 ở phần Lời 2 có câu: 晚霜 朝露 昙花 苍狗 黑夜不过白昼 là một loạt các hình ảnh đồng dạng nối nhau, ý chỉ sự thay đổi của thời gian. Câu này có tính chất chuyển cảnh. Ở đây có cặp hình ảnh 昙花 - 苍狗, 昙花 đã biên ở chú giải [5], còn 苍狗 là một ẩn dụ nổi tiếng vốn có nguồn là 2 câu thơ đầu từ bài Khả thán (可歎) của Đỗ Phủ (杜甫) viết trong giai đoạn phiêu bạt Tây Nam (760 - 770):

    天上浮雲如白衣,Thiên thượng phù vân như bạch y,
    斯須改變如蒼狗。Tư tu cải biến như thương cẩu.
    Trên trời đám mây lơ lửng như áo trắng,
    Bỗng chốc biến đổi thành hình con chó xanh.

    Soi theo ý nghĩa đó, có thể dịch ý câu hát trong bài là:

    - Sương đêm sương sớm, quỳnh nở quỳnh tàn, ban đêm rồi qua ban ngày

    Trả lờiXóa
  5. [5] ĐÀM HOA NHẤT HIỆN

    Đàm hoa (昙花), hoa quỳnh, thường đi cùng cụm từ 昙花一现 (đàm hoa nhất hiện) ý chỉ sự bung nở chóng vánh. Ở Việt Nam có lẽ phổ biến hơn cả là hoa quỳnh trắng (Night Cactus, Epiphyllum oxypetalum).

    Trả lờiXóa
  6. [4] KHÚC ĐỘ TỬ UYÊN ƯƠNG

    Có nguồn cho rằng tựa đề của chương 4 (Hắc Thần Thoại: Ngộ Không) Khúc Độ Tử Uyên được lấy cảm hứng từ một câu thơ của Lý Bạch. Câu này nằm trong một bài thơ ngũ ngôn có tựa là Đại Biệt Tình Nhân (代別情人). Bài này có 18 câu. Câu trích theo thứ tự là câu 8. Để hiểu có lẽ cần phải trích ra 3 câu trước đó:

    我悅子容豔,Ngã duyệt tử dung diễm,
    子傾我文章。Tử khuynh ngã văn chương.
    風吹綠琴去,Phong xuy lục cầm khứ,
    曲度紫鴛鴦。Khúc độ tử uyên ương.

    Tạm dịch:
    Ta say vẻ đẹp ấy,
    Người mến văn chương này.
    Gió thổi đàn xanh vọng,
    Khúc uyên ương tím bay.

    Bài thơ này không danh chính của Lý Bạch. Ông được một người bạn nhờ viết. Có thể hiểu ông ẩn danh, chấp bút thay bạn mình để gửi cho tình nhân của họ. Thế nên về tính khả tín, đây có thật sự là thơ của Lý Bạch hay không thì tôi cần phải có thêm thời gian tra xét.

    Trả lờiXóa