Đây là phần ghi chú cho bài "LÀ MÌNH HAY LÀ HỌ?".
Các ghi chú này tôi soạn ra để ghi nhớ tiến trình suy luận tìm kiếm thông tin nền và nguồn gốc của các tư liệu mà mình tham khảo. Tôi rất quan trọng chuyện này. Ý nào, từ nào của người ta thì phải làm rõ. Đánh dấu, công nhận và loại bỏ để rút ra được cái ý nguyên chất của mình. Nhận định về tác phẩm phải là lao động của mình. Còn những đánh giá hay nhận xét của người khác, tổng hợp từ nguồn khác thì phải chỉ rõ và loại ra.
#vudamnhien
*
(1) Tôi xem phim theo nhịp hằng tuần. Một tuần xem một lần. Phim chiếu từ 20.10. Tôi xem ở tuần thứ hai. Rồi tuần thứ ba tôi xem lại để ghi nhớ kỹ diễn biến. Lúc này tôi đang tập trung làm bài phân tích phim này nên cảm thấy cũng không nhất thiết phải đi xem lại lần nữa. Trong lúc còn đang phân vân đi hay không đi ở tuần thứ tư thì nhìn lịch chiếu đã không còn thấy tên phim nữa. Nếu ở Sài Gòn, Hà Nội thì chắc chắn tôi vẫn kịp xem lần 3.
(2) Thuật ngữ "whodunit" được dùng rất phổ biến. Tạm hiểu là phim có cốt truyện "phá án". Không khó để tìm ra định nghĩa thế nào là một phim whodunit. Sự quan tâm của tôi ở đây (lệnh tìm kiếm) là thuật ngữ này được dùng lần đầu tiên khi nào. Kết quả tôi có là khoảng thập niên 30 thế kỷ trước. Một hướng quan tâm khác là phim nào gần nhất khớp đúng với định nghĩa này. Soi chiếu theo lịch sử xem phim ít ỏi của mình thì tôi thấy năm ngoái có phim 헤어질 결심 (Decision To Leave).
(3) Quá trình cải biên kịch bản khiến tôi đặc biệt để tâm. Trong việc phân tích tác phẩm, tôi cần thông tin nền. Rất vui vì tôi tìm được một trang thông tin đầy đủ! Đó là trang collider. Tôi đã ghim đường dẫn lên mục Cinema của instagram mình. Cũng từ nguồn này tôi biết được cách làm việc rất đáng học tập của đạo diễn Martin Scorsese. Biên kịch của phim là ông và Eric Roth đã cải biên từ tác phẩm gốc cùng tên của David Grann. Sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên, họ đã tổ chức gặp gỡ cộng đồng Osage để lấy ý kiến. Từ đây, kịch bản đã được thay đổi lần thứ hai.
(4) Cách gọi cốt truyện này theo Blake Snyder (trong quyển sách rất phổ biến trong giới biên kịch "Save the cat") gọi là "Institutionalized". Khi nghĩ đến một cái tên Việt Nam ngắn gọn và dễ hiểu thì tôi định chọn "tôi và chúng ta". Sau đó tôi nhớ một tựa tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là "Mình và Họ". Tôi thích cái tựa này và âm thanh mà nó tạo ra khi đọc nên chọn mặc dù tôi chưa hề đọc quyển đó.
(5) Theo tìm hiểu của tôi, đây là lần thứ hai phim của Martin Scorsese được chiếu rạp ở Việt Nam. Phim trước đó là "Shutter Island" (tháng 4.2010). Thời điểm đó tôi chưa có thói quen đi xem phim ở rạp. Thế nên trải qua tháng 10.2023 là lần đầu tiên của tôi với thế giới điện ảnh của Martin Scorsese. Danh mục phim của ông có thể tìm được trên các trang chiếu trực tuyến. Thế nhưng tôi không có thói quen xem qua màn hình máy tính hay điện thoại. Xem ở dạng máy chiếu phóng lên tường hay kiểu rạp mini tại nhà thì tôi không có điều kiện. Hiện tại tôi chỉ tập trung xem ở rạp. Tôi nghĩ với riêng việc phân tích "Killers of the flower moon", một tác phẩm lớn ở mọi nghĩa, cũng đã lấy hết thời gian và tâm trí.
Vũ Đạm Nhiên
11.11.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét