Chui vào hay tiếp cận là một cách diễn đạt. Nếu gọi đúng hơn là hiện tượng tâm lý đồng nhất giữa người xem và nhân vật trung tâm (NVTT). Nói cách khác là sự nhập tâm, nhập vai, thấy mình và NVTT không khác. Từ đó dẫn đến yêu thích phim ở các mức độ khác nhau từ cảm tình vương vấn cho đến mức thúc xô mãnh liệt.
XXX
Nếu chưa xem phim này (cần xem 1 lần hoặc tốt hơn là 2 lần trở lên) xin cảm phiền anh/chị dừng lại sự đọc. Việc đọc trước nội dung, đặc biệt là đọc kết quả lao động phân tích phim của người khác sẽ phá hủy tiến trình cảm thụ phim nguyên sơ của anh/chị.
Xin gợi ý anh/chị nếu đã xem, hãy ghi nhớ sự thích hay không thích phim của mình để đối chiếu trực diện với sự phân tích ở bài này, từ đó làm rõ sự thích hay không thích nơi chính mình. Khi đó, nếu không ngại xin anh/chị hãy nêu ra những ngả đường của mình để hòa nhập (hay bị nghẽn lối) vào tác phẩm này để tôi được dịp đối chiếu và kiểm nghiệm lại quá trình của mình.
XXX
*
Ngả,
hay lối,
hay đường,
hay hướng thứ nhất là qua ca khúc.
Bộ phim này sử dụng phần nhạc ở mức tối thiểu. Ở phần ca, có hai bài được sử dụng. Một của Ưng Hoàng Phúc (UHP). Đó là bài “Tôi đi tìm tôi” sáng tác bởi Nguyễn Hoài Anh. Tựa đề bài hát là một gợi ý không thể hoàn hảo hơn cho hành trình NVTT.
Âm nhạc của UHP có một giai đoạn rất phổ biến trong giới sinh viên. Bản thân tôi là người ở trong chính dòng thời gian mà anh thành danh và các ca khúc của anh bùng nổ. Trong một giai đoạn của cuộc đời, tôi cũng từng vào quán karaoke và chọn bài trên để hát. Đó thuộc vào danh sách bài tôi thích và hát được trọn vẹn.
Hành vi xưa, kỷ niệm cũ là chất xúc tác cho sự đồng nhất.
Theo xu hướng tâm lý, idol làm gì, fan theo đó. Nhạc của idol có trong phim thì chắc chắn fan cũng sẽ chú ý và thắc mắc.
Nhạc của anh được dùng. Tiền bản quyền sẽ trả về phía người làm ca khúc. Chắc chắn anh biết về phim này. Thắc mắc duy nhất và lớn nhất của tôi là UHP đã xem phim chưa, đặc biệt là cảnh có ca khúc của anh, một trong những trích đoạn được phát tán, lan truyền nhiều nhất về phim này. Đó cũng là một cảnh rất quan trọng. Nó nằm ngay ở khoảng giữa phim, một bước ngoặt trong tâm lý, trong cấu trúc truyện phim.
Thời điểm phim công chiếu, tôi có vào trang của UHP và tra tìm. Kết quả tôi không thấy có bài viết nào.
Bài thứ hai là của Phạm Hồng Phước. Tôi biết Phước từ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư. Lượng fan của Phước rất đông. Tuy không ở trong dòng thời gian mà bạn thành danh và cũng từng ngồi lẩm nhẩm mấy bài hát của bạn nhưng tính kết nối và kỷ niệm với ca khúc không có sức nặng như bài kia, thế nên sự đồng nhất với ca khúc không mạnh, gần như chỉ là thoảng qua.
Quán chay của Phước tôi từng đến một lần. Thời điểm ra phim 2017, tôi có mấy lượt bình luận qua mạng xã hội với Phước. Chuyện giữa tôi (fan) và idol chỉ dừng lại ở đó. Bẵng một thời gian tôi không cập nhật gì từ Phước. Đùng! Đến phim này, tôi thấy bài của Phước.
Phim công chiếu cho báo giới và yếu nhân vào ngày 8.8. Chỉ 2 ngày sau, vào tầm 9 giờ tối, thứ 5, ngày 10 là Phước đã lên bài đánh giá. Đó cũng là bài duy nhất tôi chọn đọc trước khi xem phim lần đầu vào thứ 6, ngày 11.8. Phước viết cẩn trọng và trung thực. Bài điểm phim giúp tôi hiểu nhiều về nội tâm của Phước và từ đây tôi đúc kết được cách thứ 2 để chui vào vỏ kén.
Ngả,
hay lối,
hay đường,
hay hướng thứ hai là qua sự tương đồng trong trạng thái rối nhiễu tâm lý.
Phước thấy mình ở trong NVTT. Xin trích lại (1) một số câu chữ xuất hiện trong bài của Phước:
- trăn trở & đau đớn, cùng cực nỗi cô đơn
- đang sống vì điều gì, lý tưởng & hiện thực, ước mơ xa không & những cú tát mộng mị?
- đang sống có vui không?
- là kẻ lạc loài, là kiểu sâu sắc nửa vời hay thiển cận hơn là cố tỏ vẻ sâu sắc?
- đôi lúc hoài nghi với những đáp án đời mình
Tình trạng của Phước chỉ có thể làm rõ nếu được lắng nghe đầy đủ và có bước phân tích tâm lý lâm sàng chuyên nghiệp. Trong đó có một bước tìm hiểu quan trọng đó là nhận diện cấu trúc gia đình. Ở đây tôi chỉ tạm phán đoán bạn Phước từng đi qua những biến cố mà năng lực xử lý của bạn không theo kịp với dung lượng thông tin từ biến cố đi ra. Ít nhiều bạn rơi vào trạng thái rối nhiễu ở mức độ nhẹ. Rối nhiễu vì không biết phải làm gì, không biết hỏi ai. Nhẹ là vì bạn chưa rơi vào sự rối loạn trong nhịp sống và ở mức độ nặng hơn là gây hại cho bản thân và người xung quanh.
Rối nhiễu ở đây có thể diễn dịch là mất phương hướng trong lối sống, không tìm thấy niềm vui trong lao động, học tập. Và tinh thần không có chỗ dựa. Phước có thật sự như vậy không? Tôi không biết. Còn về phần tôi là có. Đã có lúc tôi cũng ở trong một trạng thái như vừa nêu. Và tôi gọi đó bằng một cái tên khác là khủng hoảng. Khủng hoảng theo lứa tuổi và có thể xảy ra ở bất kỳ người nào.
Một truyện phim luôn cần thứ nguyên liệu căn bản này. Vì nếu không khủng hoảng thì cũng không có phim. Phim là một thực hành bằng hình thanh để xử lý khủng hoảng. Phước cũng là một nghệ sĩ sáng tác. Bạn có thể sẽ không ưa thích những cơn khủng hoảng của mình nhưng đó lại cũng là báu vật của bạn, vì đây chính là dưỡng chất cho tiến trình sáng tác.
Vì có chung hoặc gần tương tự một trạng thái rối nhiễu như NVTT nên sự đồng nhất của Phước xảy ra và rất tự nhiên bạn đồng cảm và có tình cảm đặc biệt với phim này.
Ngả,
hay lối,
hay đường,
hay hướng thứ ba là qua các cú máy dài.
Tiếp tục là Phước, “Mỗi cảnh hình như chỉ có một góc quay cố định, rồi sau đó nối liền như một cú máy dài. Điều đó khiến tôi thích thú, lạ lẫm & cảm giác như đang được đứng tại không gian đó, nhìn ngắm kĩ lưỡng & dõi theo.”
Phước tự thừa nhận “Tôi không chuyên về điện ảnh” nhưng chắc chắn kho phim của bạn nhiều hơn tôi. Bạn tiêu dùng các sản phẩm phim ảnh nhiều hơn tôi, tiếp xúc giới làm phim gần như là hàng ngày. Trải nghiệm phim ảnh của bạn phong phú và đương nhiên bạn đã quen thuộc với những cú máy dài. Cách bạn viết chứng tỏ bộ phim đã thành công với với chức năng căn bản của cú máy dài:
- Tạo ra phản ứng nhập vai cho người xem.
Phước đã có mặt trong khung hình. Bạn đã nhập vai. Và bất kỳ khán giả nào khác cũng hoàn toàn có thể trải qua trạng thái này.
Rất nhiều bộ phim chọn cú máy dài ngay từ cảnh mở đầu để làm gì? Thật không có gì khó hiểu, đạo diễn muốn đặt khán giả hiện diện vào trong thời tiết, khí quyển của phim. Ống kính sẽ nhiều khả năng đi theo NVTT hoặc một nhân vật có tính dẫn truyện để tạo cảm giác nhập vai, đồng hành.
Tạo ra trạng thái nhập vai cho khán giả. Một công dụng khác là giữ tính liên tục trong hoạt ảnh, lưu giữ thời gian thực. Xét thêm, xét nữa thì sẽ thấy tất cả cũng là để tạo nên sự đồng nhất giữa người xem và NVTT. Mà bộ phim này, phim BTVKV có rất nhiều cú máy dài. Thế nên tôi mới viết ở bài trước (bài #2 trong chuỗi bài chuyên đề BTVKV), đây là “dòng phim vì con người, phim vì khán giả”. Phim có chủ ý rõ ràng muốn thiết đãi một bữa tiệc cho sự đồng nhất.
Rất tiếc khi không thấy Phước có mặt trong buổi tọa đàm chủ nhật ngày 13.8! Buổi đó anh Cao Trung Hiếu đã liên tục khơi gợi về kỹ thuật dàn dựng cú máy dài. Đinh Duy Hưng (đạo diễn hình ảnh), đặc biệt là Lê Phong Vũ (diễn viên, chuyên ngành đạo diễn) và Phạm Thiên Ân đã dành một thời lượng đáng kể để tâm tình về những cú máy dài (mục đích, sự chuẩn bị, cách thiết lập, mánh vượt khó) trong phim này, đặc biệt là ở trường đoạn đầu hồi 2 và kết hồi 3.
Đến đây thì tôi tạm thời dành một khoảng lặng để nhìn lại 3 cách chui vào vỏ kén.
Một khán giả thông thường có thể sẽ không quá chú tâm đến sự di chuyển của máy quay, cách thiết lập góc máy hay các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thiết bị. Mấu chốt vẫn là sự đồng nhất. Một cú máy dài phải có đủ yếu tố đẹp, chân thực, gây ấn tượng, hấp dẫn về mặt thanh mặt hình nhưng rồi cuối cùng vẫn là câu hỏi có tạo được sự thích, sự cảm nơi người xem hay không.
Theo tôi, phải đến cú máy dài ở hồi 2, trường đoạn chạy xe máy đến nhà cụ Lưu thì mới thật sự là tạo ra sự thích thú nơi tôi. Thích thú này ở lần xem thứ I là khoảng 50%, đến lần xem thứ II thì vượt lên 60%. Cú máy dài trước đó ở đầu phim hay ở bệnh viện chỉ dừng ở ngưỡng 50/50 ở lần xem đầu. Lần xem thứ II thì bắt đầu vượt hơn 60%.
Xét lại 3 ngả. Nếu chỉ có [I], khả năng đồng nhất theo tôi dừng ở mức 20%. Nếu chỉ có [II] hoặc [III] xác suất đồng nhất ở ngưỡng 50/50. Nếu có [I] kết hợp [II] hoặc [III] thì sẽ vượt lên 60%. Có cả 3 thì đồng nhất đã ở khoảng 80%.
Bây giờ tôi xét đến ngả [V]. Đi theo ngả này thì đã ở ngưỡng hơn 50% một chút. Vấn đề còn lại thuộc về goût. Người xem có ưa thích cốt truyện gốc và cách xây dựng 3 hồi và nhân vật hay không. Nếu có hứng thú thì đồng nhất chạm đến 70%.
Ngả,
hay lối,
hay đường,
hay hướng thứ tư là qua cấu trúc 3 hồi.
Ở đây không thể chỉ xét cấu trúc 3 hồi. Đầy đủ hơn còn có xét cốt truyện gốc. Tôi còn phối hợp với việc xét nguyên mẫu. Nguyên mẫu bao gồm các thành phần sau:
- nhân vật
- sự kiện
- bối cảnh
- vật dụng
Nguyên mẫu là bản chất, là hình hài nguyên sơ. Đặt vào truyện phim thì đầu tiên là xác định NVTT - nguyên mẫu người hùng. Kế đó là nguyên mẫu đồng minh (người bạn, người thầy), người tình, người đối đầu (cái bóng của NVTT). Tất cả cũng chỉ nhằm trả lời sâu tận câu hỏi là ai, ở đâu, như thế nào và bằng cái gì.
Phương pháp của tôi là một sự vận dụng các lý thuyết tâm lý, tôn giáo, văn học từ 3 bậc thầy là C. Jung (Thụy Sĩ), J. Campbell (Mỹ) và V. Propp (Nga). Tôi đọc sách và bắt đầu thực hành từ 2017. Tính đến nay, nếu bỏ qua thời gian đại dịch 2 năm thì tôi có 4 năm lao động. Đương nhiên không thể liên tục vì tùy theo cảm hứng từ nguồn phim chiếu rạp. Bắt được phim hay là lập tức có dữ liệu đầu vào lý thú để thực hành. Thế nên gặp được một phim hay là rất vui mừng.
Ở trên tôi đã có trích bài của Phạm Hồng Phước. Tiên đồng thưa thì ngọc nữ dạ. Trong buổi công chiếu 8.8 tôi thấy phát biểu của Tống Khánh Linh, một idol, public figure khác. Bạn phát biểu sau buổi chiếu (2):
- Để mà có thể ngồi xuống và đặt hết tất cả những tâm tư cũng như ý niệm để xem một bộ phim như thế này thì nếu như bạn nào có thể dừng lại để quan sát cũng như là đối chiếu bản thân mình thì Helly thấy đây là một phim rất là hay. Và lâu lắm rồi mới có một bộ phim có thể làm cho mình có thể quan sát và đối chiếu liên tục bản thân mình.
Mỗi một yếu nhân trong sự kiện công chiếu chỉ có ít phút ngắn được thâu hình. Là một khán giả bên ngoài tôi không có điều kiện để hiểu hơn về sự thực hành “quan sát và đối chiếu” của bạn Linh.
Tôi thắc mắc:
- Kỹ thuật quan sát và đối chiếu như thế nào?
- Phương pháp luận của bạn là gì?
- Quan sát, đối chiếu mới chỉ là phần lao động trí nghĩ trong đầu. Kết quả bày ra trên mặt giấy là phần trí làm để người khác, là fan có dịp so sánh kết quả làm bài của idol.
Nhân dịp này tôi lần đầu tiên vào xem xét trang nhà của bạn. Tôi tìm theo từ khóa “phim” thì thấy không có bài nào bạn viết rõ kết quả của sự quan sát và đối chiếu của bạn cả. Có một bài ghi danh sách phim yêu thích. Nhưng đó chỉ là dạng liệt kê và tôi đếm thấy không có phim nào của Việt Nam.
Tìm phim thì không thấy nhưng trang bạn thì rất nhiều sách. Đáng tiếc là cũng không thấy cuốn nào mà cả hai (idol và fan) từng cùng đọc ở các khoảng thời gian khác nhau. Chắc chắn tôi cũng không thể đọc nhiều như bạn. Bạn là một người liên tục thâu nhận các luồng tư tưởng. Tuy nhiên, không biết bạn sẽ thải loại, thanh lọc để cái của người đi ra và cái của mình ở lại như thế nào.
Hoạt động viết theo tôi chính là để nhìn rõ những thứ thuộc về mình. Jung đã được dịch ở miền Nam trước 75. Propp đã cập bến Việt đầu thế kỷ XX. Còn Campbell thì đến 2021 đã thấy có bản dịch. Tôi vẫn chưa kịp mua và đọc cuốn đó. Như vậy đối với mảng phim điện ảnh, phương pháp luận của tôi hiện tại có nguồn từ 3 người này. Nếu đọc thì chọn 1 quyển từ họ để đọc, tổng thì là 3. Nếu rút ra tinh yếu thì chỉ có mấy dòng:
- 4 đầu mối tâm lý
- 12 đoạn hành trình
- 31 phần cổ tích
Chỉ chừng này thôi có thể tôi phải luyện hết đời. Không biết chừng nào mới tốt nghiệp. Và đành phải xếp xó quyển sách mà quăng mình vào rạp rồi điên đầu giải mã, viết báo cáo liên tục. Đến khi hoàn tất bài thu hoạch cho từng phim thì bắt đầu đem so kết quả với người khác để kiểm nghiệm và suy xét ngược trở lại năng lực của bản thân trong các thể thức như talkshow, workshop.
Trở lại với BTVKV, quá trình nhìn nhận cấu trúc 3 hồi của tôi diễn ra chủ yếu ở lần xem thứ II. Sự ấy càng rõ nét hơn sau buổi xem thứ tư tuần này. Nếu cần phân định ranh giới giữa các phần thì tôi làm dễ dàng. Đương nhiên sự phân định này chỉ có nếu mình thật sự hứng thú với tác phẩm.
Khi chiếc quan tài ở trên xe bắt đầu lắc lư thì đã là một sự vận động của cốt truyện từ hồi 1 sang hồi 2. Cảnh toàn thiết lập góc nhìn “Mắt Chúa” hay “mắt đại bàng” đánh dấu phim đã sang hồi 2. Cũng cảnh có cách thiết lập tương tự đánh dấu sự khép lại hồi 2 chuyển sang hồi kết. Cũng cần nói thêm về cách xếp góc tĩnh và nhìn xuống của phim này. Phải nói là rất hay. Hay ở chỗ tránh đi vào vệt bay flycam bình thường. “Mắt Chúa” là thuật ngữ thông dụng và ở phim các bạn đã biến thuật ngữ ấy thành đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa kỹ thuật và cả nghĩa ẩn ngôn.
Đoạn Trung dắt xe máy giao cho Thiện thì ngay lập tức khiến tôi có thể phân vai nguyên mẫu đồng minh - người hùng cho cặp Trung - Thiện. Chiếc xe không khác “phương tiện thần kỳ” như cách gọi của Propp và từ đây NVTT mới thật sự chủ động khám phá thế giới “luyện ngục” của hồi 2, nơi anh sẽ học những kỹ năng cần thiết để giải quyết rốt ráo vấn đề của mình. Vấn đề của nhân vật về mặt bên ngoài là lo tang sự chị dâu và chỗ ăn học cho người cháu. Vấn đề bên trong (phần chính yếu như mọi tác phẩm khác) mới là chủ đề, tư tưởng tác phẩm, đó là xử lý những thế kẹt trong nội tâm hay nói giản dị là như gợi ý karaoke “Tôi đi tìm tôi”, nhận dạng bản ngã, hiểu được mình.
Ngả,
hay lối,
hay đường,
hay hướng thứ năm là qua tư duy hệ sinh thái.
Đầy đủ là vào kén qua phép luyện tư duy hệ sinh thái. Cách thực hành này có thể không hề liên quan đến kiến thức về điện ảnh.
Đã có một bài dài đầy đủ về phép này (3). Ở đây tôi chỉ viết ngắn gọn.
Thiện cũng như bao người. Bạn có nhu cầu. Bạn cần không gian để thỏa nhu cầu. Muốn vậy bạn cần trải để đọc rõ nhu cầu, gọi đúng nhu cầu và tìm đúng không gian. Không gian là cảnh, là vật chất. Nhưng không gian sống là nhờ có người giữ hồn, là tinh thần. Thế nên để hiểu chốn thì phải tìm đúng người.
Cái cần của Thiện do vậy là một chuỗi không gian và từng người giữ hồn trong không gian ấy. Bạn cần là cần một hệ sinh thái. Mất mát của bạn hiện tại là mất mát hệ sinh thái.
Vậy nên có thể thấy phim cũng là một thực hành xây dựng hệ sinh thái của Phạm Thiên Ân cho NVTT của mình.
Xuất phát điểm của Thiện là gì?
Hồi 1 (địa ngục)
- có quán nhậu, một dạng hội quán bạn bè.
- có nơi tẩm quất
- có nhà thương
- có nhà mình (cũng là nơi làm việc)
Nơi Thiện rèn luyện ở hồi 2 bao gồm những nơi nào?
Hồi 2 (luyện ngục)
- có nhà thờ
- có nhà họ hàng
- có “bảo tàng ký ức”
- có nhà trường
- có “lâu đài tình ái”
- có “quán bên đường”
Hồi 2 là phần đặc sắc, là điểm hút của tác phẩm khi bạn Ân đã dựng nên những không gian tạo nghĩa tuyệt vời cùng các nguyên mẫu đầy sức sống qua diễn xuất vừa có dạng tài liệu nguyên chất, vừa có dạng già dặn lão luyện, kết hợp thoại hay, giàu văn học và một cuộc chơi tay nghề cầu kỳ trong chuyển động camera. Tất cả tráo trộn đã biến hồi 2 của bạn thành một thức dâng kỳ ảo, viên mãn trong giác quan.
Và kết quả của Thiện như thế nào? Hồi 3 có gì?
Hồi 3 (thiên đàng)
- có một khu vườn
Cứ thế, nếu đi sâu vào công năng của từng không gian theo tư duy hệ sinh thái thì theo tôi, chỉ cần bước qua chừng 2 không gian trong phim thôi là đã đủ liều lượng cho sự đồng nhất (hơn 60%). Nếu còn kết hợp thêm cả ngả [V] thì sự đồng nhất phải còn vượt 100% và tạo ra hiện tượng choáng ngợp, say men. Có lúc ngồi đọc lại các bài của mình về phim này, tôi cũng sợ hãi, “Chẳng biết có viết quá sự thật trong lòng mình không?”. Hay lo âu, “Mình có đang thiếu trung thực với chính mình không?”.
Làm bài phân định rõ ràng 5 ngả đường vào phim, tôi đã câu trả lời:
- Không!
Không lo âu, không sợ hãi. Tôi đo lường được những % và biết những ngả nào đang luân chuyển, đang ôm quàng.
Vũ Đạm Nhiên,
#vudamnhien, dành nguyên ngày thứ bảy để viết
Quận 6, ngày 19.8.2023
*
Các nguồn cấp:
(2) Cảm nhận sau buổi chiếu 8.8 của Tống Khánh Linh (từ 1:04 đến 1:24)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét