Hành trình tạo ý hay là hành trình tạo biểu tượng, cách thức (sự xếp chữ, dàn cảnh) tạo ẩn dụ trong Minari của Lee Isaac Chung.
Minari là tựa phim. Trong cách chuyển ngữ của bản phát hành tại Việt Nam là (rau) cần nước. Chưa biết chuẩn hay không nhưng “cần nước” hiệu quả mặt về thính giác và tạo nên tính nhất quán với tình huống kịch của phim. Một người nông dân cũng cực kỳ cần nước. Không có nước, anh ta mất trắng vụ mùa và cũng mất tất cả. Ngã ba tâm lý của nhân vật trung tâm cũng là tìm nước, lựa chọn nước. Nước cho sinh hoạt gia đình hay là nước cho tưới tiêu. Gia đình hay là nông trại.
Minari hẳn là biểu tượng hay là tư tưởng của phim.
Một hạt giống Hàn gieo trên đất Mỹ. Để sinh tồn, Minari cần nước, cần bùn (đất) và người (gieo, chăm sóc). Người ở đây là 3 thế hệ qua hình tượng người bà – người rể - người cháu.
Ngữ pháp mà Lee Isaac Chung đã dùng để tạo ý, để xây dựng biểu tượng Minari?
Xét ở bối cảnh, tất cả đều là cảnh ngoại, ngày, diễn ra ở một bờ suối.
Xét ở tình huống, Minari xuất hiện ở cảnh kết. Còn trước đó thì đều nằm ngoài đường dây chính của cốt truyện. Xung đột của phim diễn ra ở bối cảnh khác. Thế nên nếu xét theo tình huống thì có lẽ hợp lý hơn sẽ là xét trên những lần Minari xuất hiện.
Có 4 lần.
Lần đầu có thể hiểu như là sự dự báo (chuẩn bị), Minari được nhắc tới trong 1 câu thoại.
Lần hai là lần đầu tiên xuất hiện, có tính giới thiệu. Cảnh không thoại, hình ảnh người bà.
Lần ba là lần lập quan trọng, tô điểm, tạo ý nghĩa. Có thoại giữa 2 nhân vật bà cháu.
Lần bốn, cảnh kết phim là lần lập thứ hai, mang tới nhận thức mới cho nhân vật trung tâm, vốn dĩ đầu phim chỉ có một đức tin duy nhất (tin ở mình) thì nay cùng với Minari đã được điệp 2 lần, qua 3 nhịp mở-thân-kết, anh có thêm đức tin mới (tin người, có thể hiểu là tin vào kinh nghiệm của người đi trước - người Hàn, tin vào kinh nghiệm của người địa phương - người Mỹ).
Như vậy, Minari nếu xét theo số lần lập ý thì đều xuất hiện ở hồi 2, xung lực của Minari tạo ra bởi người bà (nhân vật phụ, tuyến bổ trợ cho nhân vật trung tâm - người cha và một dự ảnh của nhân vật trung tâm - người cháu).
Muốn suy ngẫm về tính hiệu quả trong việc lập ý (hình ảnh biểu tượng của phim xuất hiện ở hồi 2) có muộn hay không rõ ràng không thể không phân tích toàn bộ hệ dọc phân ba. Điều này cần thêm thời gian.
Xét ở máy quay, các cảnh có Minari đa phần dùng cảnh toàn, trung, không phô diễn các động tác máy. Xử lý kỹ thuật chủ yếu ở cảnh kết, rời từ toàn sang trung và tập trung ở chủ thể là nhân vật trung tâm.
Theo tôi, việc xử lý bối cảnh có Minari vẫn còn thiếu điểm nhấn, nhất là mặt âm thanh. Nếu thiếu nước là một vấn đề lớn của nhân vật trung tâm thì ở con suối luôn luôn có nước. Nước chảy, hình ảnh nước luôn luôn lưu chuyển và quan trọng là âm thanh của nước dường như vẫn còn có thể nhấn mạnh. Và cảm giác của sự sống, sức sống, cảm giác trở về với suối nước trong khi đời sống khô, tâm lý đang là sa mạc, thứ cảm giác này tôi nghĩ vẫn chưa được khai thác tối đa...
... trong hành trình tạo ý...
... cho Minari.
#Nhiên
14.4.2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét