Trang

22.10.19

CẦU THANG | JokerMovie#6

Cảm nhận Joker 2019, Joker 2019, Joaquin Phoenix, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Joker, Todd Phillips, dựng thanh, Hildur Guðnadóttir, Scott Silver, Jeff Grofth, Þórarinn Guðnason, âm nhạc Joker, dựng thanh Joker, Joker OST

Trong tuần lễ thứ 3 của Joker tại Việt Nam, tôi không thu xếp được thời gian để xem phim lần 5. Bận việc một phần. Một phần khác là tâm trí bị lấn chiếm bởi trích đoạn công văn số 637/ĐA-PBP vào ngày 23.9 của Cục Điện ảnh nhận xét về bộ phim Ròm (đạo diễn và kịch bản Trần Dũng Thanh Huy):

"Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. 

Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam."

Vụ việc này có lẽ là tin tức nóng nhất trong tháng 10 ở lĩnh vực điện ảnh. Không chỉ tại Việt Nam mà liên đới đến Hàn Quốc rồi sau đó là Trung Quốc. Án phạt cùng những tranh luận về mặt pháp luật tôi sẽ dành thời gian đào sâu ở một dịp khác. Trong toàn bộ diễn biến liên quan, nhận xét của Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện về phim Ròm đã được lan truyền, nhân bản ra đến mọi ngóc ngách trong đời sống và trở thành tiêu điểm trong những cuộc bàn luận. Có lẽ không phải lúc nào khán giả đại chúng như tôi mới đọc được những nhận định từ hội đồng kiểm duyệt nghe nói có tổng cộng 11 thành viên này. 

Bất ngờ lớn nhất là khi đọc trích đoạn tôi không thấy, không cảm được tính chuyên môn nào ở đây cả. Suy nghĩ của tôi đó là đây tựa như một góc nhìn mang tính áp đặt từ bên ngoài chứ không phải là một nhãn quan hướng vào giá trị nội tại của tác phẩm. Nhìn bề ngoài cũng được thôi nhưng trước tiên phải là sự nhìn từ bề trong. Nếu chỉ nhìn từ ngoài thế thì ý nghĩa của mấy tiếng “thẩm định và phân loại” nằm ở đâu?

Ròm tôi chưa xem. Có lẽ chẳng bao giờ như khán giả bên Hàn Quốc tại Liên Hoan Phim Busan cũng vào tháng 10 năm này. Họ được xem, thưởng thức trọn vẹn cũng như chứng kiến giây phút tác phẩm này được vinh danh. Thế nên, tôi đành dừng lại những nghĩ suy của mình với Ròm tại đây. 

Tôi quay lại với bộ phim Joker, một tác phẩm có khuynh hướng tương tự như Ròm trong việc chọn đề tài, đó là khai thác mặt tối của những thân phận yếm thế.

Trong sự thưởng thức của một khán giả như tôi, khi tiếp cận một tác phẩm điện ảnh, thứ tôi trông chờ nhất từ một bộ phim đó là một khoảnh khắc điện ảnh. Có thể nhiều hơn hoặc chỉ cần một là đủ. Một khoảnh khắc giàu chất điện ảnh, thể hiện sáng rõ ngôn ngữ điện ảnh. Giây phút đó nếu có sẽ đưa tới lần xem thứ hai. Kể từ đây, từ ấn tượng, từ thiện cảm ban đầu, tôi bắt đầu nhìn kỹ vào cấu trúc tác phẩm. Song song, tôi có thể suy ngẫm về việc dựng tiếng, dựng hình trong từng cảnh hay từng hồi. Đánh giá về tác phẩm do vậy càng về sau sẽ càng bớt đi sự tùy tiện hay được dẫn dắt bởi cảm xúc mà có sự dung hòa nhiều hơn giữa lý và tình, giữa giá trị nội tại của phim và cảm quan nghe nhìn của người khán giả. 

Nếu có sự liên hệ nào đó với hiện thực đây có lẽ là bước đi sau chót của tư duy. Nhưng tôi không nghĩ sự liên hệ sẽ dễ dàng xảy ra. Nguyên do là vì quá trình phân tích những giá trị lõi đã tiêu tốn một lượng thời gian rất lớn cũng như bào mòn vô vàn tâm lực và thể lực. Hoặc chỉ xảy ra khi phim tệ. Nghĩa là nếu phim không thật sự tốt, có sức quyến rũ thì khán giả sẽ nhanh chóng bị phân tán trong quá trình xem và bắt đầu nghĩ ngợi về những chuyện bên ngoài. 

Cũng trong dòng thời gian tìm hiểu về phim, nếu tôi khám phá ra những sự thật (được kiểm chứng) liên quan đến đạo đức làm nghề thì có thể tôi sẽ bỏ qua phim này, không xem tiếp, không luận bàn như một cách tẩy chay và loại bỏ nó khỏi tâm trí một cách vĩnh viễn. Đạo đức làm nghề có thể lấy ví dụ như đạo diễn dùng diễn viên chưa đủ tuổi quy định của pháp luật trong các cảnh quan hệ tình dục. Hay đạo diễn cho phép đưa vào phim bản đồ tranh chấp chủ quyền quốc gia không được luật pháp quốc tế công nhận. Với tôi những người làm phim nào phạm những lỗi này thì họ đã không còn phải là người làm phim chân chính. Họ không xứng đáng được nhắc tới hay bàn tới.

Joker lôi cuốn tôi ở điều gì? 

Trả lời thêm một lần nữa, đó là một khoảnh khắc điện ảnh, một phân cảnh giàu ngôn ngữ điện ảnh. Đó là đoạn Joker nhảy múa tại một cầu thang bộ công cộng. Anh này di chuyển theo chiều hướng xuống. Khoác một bộ trang phục sặc sỡ, nổi bật. Tay cầm điếu thuốc, thỉnh thoảng lại rít lên, phả khói vào không trung. Không có câu thoại nào. Joker nhún nhẩy hoang dại theo thứ âm nhạc kích động có lẽ chỉ mình anh nghe được (một dạng ảo thanh trong tâm trí của một kẻ loạn thần). 

Cầu thang được sử dụng làm bối cảnh dĩ nhiên là có dụng ý rõ rệt. Đây là một công trình có thật ngoài đời. Và dĩ nhiên sẽ là vô lý nếu nói việc chọn bối cảnh là có ẩn ý đến đời sống chính trị - xã hội. Nếu có bất kỳ ẩn ý nào thì trước tiên phải xét đến ẩn ý ở khía cạnh nghệ thuật. Cầu thang có ý nghĩa gì, là ẩn dụ gì trong đường dây tâm lý nhân vật hay cấu trúc tác phẩm? Đây mới là câu hỏi cần suy ngẫm chứ không phải tình hình thời sự bên ngoài và phim có gì liên quan. 

Xem Joker, tất cả đều thấy rõ cầu thang xuất hiện rất nhiều lần. Ngay đầu phim đã có. Giờ là ở phần cuối phim. Với riêng bối cảnh cầu thang công cộng, vị trí này xuất hiện ít nhất là 2 lần. Cách xuất hiện của Joker ở từng lần khác nhau hoàn toàn. 

Khác về dáng đi, chiều đi (đầu phim hướng lên, cuối phim hướng xuống), thái độ đi (lầm lũi, nhảy múa). Khác về trang phục (thường phục, trang phục đi quay). Khác về thời gian (đêm, ngày, u tối, rạng rỡ). Khác về quang cảnh. Cứ thế, hàng loạt sự khác nhau chắc chắn là để tạo ra sự tương phản về mặt thị giác hòng nói lên sự tương phản về mặt tâm lý nhân vật.

Đó là phần hình, còn phần tiếng? Sự dựng thanh diễn ra như thế nào? Ngay khi Joker bước đi từ nhà, âm nhạc đã cất lên. Đây là một bài nhạc nền đã phát hành nay được tái sử dụng vào phim. Đến khi bước xuống bậc tam cấp của cầu thang bộ, Joker bắt đầu thi triển các kỹ thuật nhảy múa. Càng về cuối, anh càng vung chân cao hơn. Đúng lúc Joker tung cước, đá vào hư không thì khâu hậu kỳ đã tăng tính hiệu quả bằng cách lồng trộn vào tiếng chuông. Theo tai nghe của tôi là tiếng chuông, nhiều phần là chuông nhà thờ. Ít nhất 3 lần chuông vang lên khớp với 3 cú tung cước của Joker. 

Tôi không rõ trong một ngày nhà thờ điểm chuông mấy lần? Nhưng chắc chắn tôi đã từng nghe chuông nhà thờ vào buổi chiều. Joker đang trên đường đến đài truyền hình để ghi hình cho buổi phát sóng vào buổi tối. Thế nên thời gian thực của cảnh này có lẽ đúng là vào buổi chiều. Tiếng chuông xuất hiện ở đây theo tôi có tác dụng kép. Đó là tiếng ngoài hình, để giãn nở không gian. Bộ phận âm thanh chọn tiếng chuông có lẽ để tăng lên tính tả thực cho cảnh, đồng thời tạo ra chiều sâu cho bối cảnh. Tác dụng thứ hai là sự kịch tính. Tiếng động lồng trộn với bàn chân cho thấy tính chất thách thức đạo đức khuôn mẫu và sự nổi loạn, phi nhân tính của Joker. 

Hơn nữa, những cú đạp của Joker đã được sắp đặt trước đó. Giờ đây điệp lại với cường độ, cao độ và sự dựng thanh có lẽ đã đạt tới ngưỡng cực đại. Âm nhạc (phần nhạc đã phát hành) cộng hưởng bởi phần hiệu quả ở khâu hậu kỳ, vừa là âm thanh bối cảnh, vừa là tiếng ngoài hình mà cũng là tiếng nội tâm, là tiếng động tăng chất kịch tính. Ngay sau chuỗi âm này là phần nhạc gốc (soạn riêng cho phim). Tôi thấy gần như mọi tài nguyên âm thanh đã được huy động trong cảnh này. Tiếng và hình như vậy hợp nhất, gây nên một ấn tượng điện ảnh sâu đậm. Ngay lần xem đầu đã quyến rũ cả mắt, tai và trái tim người xem!

Thế nhưng nếu chỉ có một khoảnh khắc điện ảnh thì chưa thể kết luận về giá trị tác phẩm! Cần có nhiều thêm những khoảnh khắc như thế và quan trọng hơn là tính hợp lý của nó. Nhưng chỉ cần một mỏ neo như cảnh vừa phân tích thì ấn tượng thị giác, thính giác đã được đóng ấn và dẫn đến hành vi mua vé để xem phim thêm lần nữa. 

Trong các lần xem sau, tôi bắt đầu dành thêm thời gian để ngẫm nghĩ về cảnh này. Khi về nhà, tôi làm thêm bài tập phân tích cấu trúc. Tôi tốc họa diễn biến phim để phân định 3 hồi tác phẩm. Theo sự suy luận của tôi, cảnh nhảy múa ở cầu thang bộ công cộng rơi vào mối nối giữa hồi 2 và hồi 3 của bộ phim. Nghĩa là sau khi đặt vấn đề, phát triển vấn đề thì cảnh này nối liền phần phát triển vấn đề và giải quyết vấn đề. Cách để định ra vị trí chức năng trong cấu trúc phim truyện lẫn vòng vận động tâm lý nhân vật của tôi là hình ảnh của một đường biên, một dạng ranh giới cần phải vượt qua. Mối nối giữa hồi 2 và hồi 3 là một sự hình tượng hóa của một đường biên phân ly 2 địa phận, tưởng chừng là giới hạn nhưng nhân vật đã băng xuyên. Ngay sau khi vượt ngưỡng, một nhận thức mới ra đời, nhân vật lúc này đã trở thành một con người khác. Cuối hồi 2 thông thường là một cao trào và sau đó là phần hệ quả (dàn xếp, căng thẳng rồi đến thư giãn). Trước khi đến cầu thang thì những gì xảy ra tại nhà riêng của Joker quả đúng là một cao trào. Không còn Arthur (thiện) nào nữa mà là Joker (ác) đã ra đời. Cảnh ở cầu thang vì vậy có ý nghĩa như một màn giới thiệu là kết quả của hồi 2 mà cũng báo hiệu cho một phần thiết lập mới ở hồi 3. 

Chiếu theo tư duy này thì tôi thấy hình ảnh cầu thang chính là ẩn dụ cho sự vượt qua. Trong Joker, cầu thang bộ (tàu điện ngầm) cũng là mối nối giữa hồi 1 và hồi 2. Đến phiên chuyển giao thứ hai trong cấu trúc 3 hồi, cầu thang bộ nơi Joker nhảy múa tiếp tục đóng vai trò biểu tượng cho sự phát triển trong tâm lý lẫn địa vị nhân vật. Không còn là Arthur lê chân lầm lũi nhọc nhằn mà là một trạng thái hưng phấn và kích động. Cầu thang vì vậy cũng là ẩn dụ cho sự vượt cấp, sự thay đổi thân phận. Không còn là anh hề hoạt náo viên bị kỳ thị mà giờ đã trở thành một khách mời của một chương trình truyền hình ăn khách. Người xem thấy rõ sự đổi đời và cả phần chuyển đổi về mặt nội tâm của Joker.

Nhưng đây vẫn đang là chiều đi xuống. Joker không phải đang bước lên mà là bước xuống. Từ sở làm anh đã bước xuống. Từ rạp phim anh đã bước xuống. Từ bệnh viện anh đã bước xuống. Và giờ anh cũng đang bước xuống. Có sự thoải mái, thỏa thuê nhưng mà đó là hành trình dấn sâu vào tội ác, leo thang bạo lực. Có một nỗi ngang trái, nghịch đảo ở đây trong tâm lý nhân vật. Điều này hẳn là đạo diễn đã có ý đồ khi hóa trang mặt cười mà vẫn có giọt lệ chảy dài trên mí mắt của Joker. Ý nghĩa hài kịch bi kịch xen lẫn, buồn vui tréo ngoe. Và người xem hiểu rằng đây vẫn đang là con đường tha hóa của một ác nhân, của một đại ma đầu. Ngay từ đầu bộ phim, nhân vật trung tâm đã được giới thiệu là một người có vấn đề thần kinh. Càng về sau, những điểm tựa vật chất lẫn tinh thần của anh dần bị tước đoạt. Câu chuyện đi theo chiều nghịch, đi theo mặt trái. Và đó đã là lựa chọn của nhà làm phim, ngay từ đầu. Không chọn hồng, không tô hồng mà là chọn đen, tô đen. 

Joker là một phim có ý hướng phản ánh mặt trái đen tối của một con người muốn đổi đời nhưng thực chất không có đủ tài năng. Hơn thế nữa, con người đó lại gặp bất lợi về mặt sức khỏe. Và rất tiếc là trong phim này, người xem cũng không thấy cảnh nào thể hiện năng khiếu thật sự của Joker. Không có tài, không có khiếu, cũng không thấy sự cố gắng nỗ lực nào. Thay vào đó là quá nhiều nghịch cảnh từ bên ngoài lẫn bên trong tâm lý nhân vật! Tôi hiểu nhưng không thể đồng cảm với nhân vật này. 

Tôi không phải là 1 khán giả thụ động, ngồi xem Joaquin Phoenix diễn và có thể đi tìm một cầu thang bộ bắt chước những hành vi múa may của diễn viên này được. Cảnh đó rất hay đối với tôi. Tôi yêu thích nhưng yêu thích ở đây là tôi phục tài của biên kịch, của đạo diễn, của quay phim đã cho ra một sáng tạo phẩm rất thuyết phục về mặt nghệ thuật. Họ có một ẩn ý, họ có một hàng chữ và họ đã kể chúng rất xuất sắc ở phương diện hình ảnh và âm thanh. Chứ tôi không có nhu cầu bắt chước hay nghiện ngập đến mức phải tái diễn cảnh này ngoài đời. Nếu có điều kiện, tôi có thể đi thăm bối cảnh thực. Không hơn! 

Joker là một tác phẩm đã chọn màu đen và màu sắc ấy đã được vẽ rất tốt. Nhưng nếu có một chút ánh sáng hay có thể là nếu ấn một dấu nhấn nữa vào trong tiến trình phát triển tâm lý của Joker thì có lẽ phim sẽ trở nên hoàn hảo. Và rõ ràng là với những gì trông thấy bộ phim này rất dễ gây ngộ nhận. Một nhân vật trung tâm lấy những nguyên cớ bên ngoài cho sự thất bại của bản thân được hóa thân quá tốt rất dễ tạo ra tâm lý thần tượng và ngưỡng mộ. Thế nên đây là tác phẩm cần phải được thảo luận kỹ lưỡng giữa các thành viên trong một gia đình, giữa các nhóm bạn bè. Và chắc chắn không được khuyên dùng cho những ai đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên những chuyện này là thuộc về sự suy xét của khán giả chứ không phải là nhà làm phim. Họ đã chọn đen và họ đi tới cùng với sự lựa chọn đó. Vấn đề không phải là đen hay hồng. Vấn đề là họ tô như thế nào? Tô có đúng chức năng cấu trúc của phim truyện và đúng tâm lý nhân vật hay không? Đây mới là câu hỏi tiên quyết của tôi. Nhà làm phim có thể bàn về mọi vấn đề của xã hội. Dù dựa trên câu chuyện có thực hay là dựa trên một tác phẩm văn học thì sang đến khung hình điện ảnh đã là một tác phẩm phái sinh, nó đã có một đời sống khác, vận động theo một nguyên lý khác. Và dĩ nhiên, mọi người đều hiểu đây là một tác phẩm hư cấu. Dù có chém giết bao nhiêu người thì tính mạng thực tế của diễn viên luôn được bảo đảm. Dù có tăm tối ra sao thì đó cũng chỉ là trên giờ 2 giờ trên màn ảnh rộng. Hết phim, rời rạp, sự sống thực tế đang chờ chúng ta ngoài kia. 

Hiện tại phim Việt Nam đang rất thiếu những tác phẩm đi vào mặt tối, đi vào những thân phận yếm thế, dễ tổn thương, ít được trợ lực. Trong khi chắc chắn một điều, phần trăm những con người như thế luôn áp đảo trong dân số. Điện ảnh vẫn là một ngành kinh doanh. Điện ảnh có muốn đông khán giả không? Và điện ảnh phục vụ ai? Không lẽ chỉ có thể làm phim về giới giàu có thượng lưu, về bố giàu con giàu số ít mà không phải những câu chuyện thuộc về số đông bố nghèo con nghèo? 

Tệ nạn có thể tràn ngập xuyên suốt bộ phim, vấn đề ở đây là tính hợp lý trong quan hệ nhân quả của tình tiết? Xuất hiện bao nhiêu cũng được vì đây là đề tài lựa chọn của nhà làm phim. Họ đã chọn thì họ phải kể sao cho hay? Tâm điểm ở đây không phải là đề tài, là mặt trái, là sự đen tối mà là cách đặt vấn đề, phát triển, giải quyết như thế nào? Có hay hay không? Trước hết là có đúng phẩm chất điện ảnh hay không?

Joker là phim chọn một ác nhân, một tên điên loạn làm trung tâm. Khán giả đã biết đến nhân vật này qua truyện tranh và một loạt các bộ phim trước đó. Hầu hết đã đoán biết hành tung của Joker, đều có thể mường tượng độ quái, độ ác của nhân vật. Thế mà Joker vẫn có thể kéo khán giả đến rạp để ngồi xem, ngồi nghe câu chuyện cuộc đời mình. Nguyên do chỉ có thể là tài năng kể chuyện. Nếu không có tài, đạo diễn không thể thuyết phục khán giả mua vé. Giới chuyên môn đánh giá thấp. Khán giả thờ ơ. Các giải thưởng uy tín không dành trao. Tự bản thân giá trị lõi sẽ quyết định số phận của một tác phẩm. 

Kết phim có nhất thiết phải luôn tươi sáng, nhân văn? Kết phim như đã nói đó là phần giải quyết vấn đề. Kết như thế nào thì tùy thuộc về mở đề và phát triển vấn đề. Tính liên tục, tính hòa điệu, tính hợp lý, tính mạch lạc, tính điện ảnh. Tôi nghĩ đến những thuộc tính này nếu có suy xét về kết thúc bộ phim. Chứ tôi không tách rời kết phim ra một góc để vội vã quy chụp và dán nhãn. Một bộ phim như một chuỗi tràng hạt. Tách rời từng hạt để soi sáng chỉ là một giai đoạn. Giai đoạn tiếp theo là ráp nối trở lại mà nhìn cho được sợi dây xuyên suốt đã kết nối toàn bộ chuỗi hạt. Nếu chỉ chia tách hạt mà bỏ qua sợi dây thì theo tôi đó mới chỉ là sự thẩm định nửa vời.

Joker xảy ra ở thành phố giả tưởng Gotham hay ở Sài Gòn thì cũng vậy. Phim đã là hư cấu. Đây không phải phim tài liệu báo chí. Chuyện xảy ra ở đâu thuộc về lựa chọn nghệ thuật, phụ thuộc vào những câu hỏi, bối cảnh có phục vụ gì cho câu chuyện hay không, có ăn khớp với cấu trúc, với ẩn ngôn, với tâm lý nhân vật hay không.

Chính quyền và cơ quan chức năng gần như thờ ơ với một số phận như Joker. Cảnh sát không hề xuất hiện trong những lần nhân vật thủ ác. Cuối phim cũng không có sự trả giá nào. Đây là lựa chọn kể chuyện của nhà làm phim. Với cách kể này, người xem thấy được toàn bộ hành trình chuyển biến của cái ác với xuất phát điểm là lương thiện. Vấn đề của câu chuyện là bạo lực hay bạo loạn từ một cá thể sẽ lan rộng thành một tập thể. Người xem thấy được hình dáng, chiều sâu, sự giãn nỡ của bạo lực. Và một người có tâm hồn thiện lương khi xem phim này hẳn là đã có bao nhiêu thu hoạch cần thiết để biết mình cần làm gì, cần ứng xử ra sao để tránh không để cho một tư duy Joker thành hình. Còn nếu ngược lại, một khán giả khi xem phim này mà cái tôi hận thù được nhân lên, có cảm giác muốn trở thành một “anh hùng” giật dây cho những trò phá hoại hay lây nhiễm sự ngụy biện đổ lỗi cho hoàn cảnh thì rõ ràng họ rất cần nhận được những trợ giúp y tế về mặt tâm lý. 

Đánh giá cho đến lúc này của tôi về phim Joker vẫn chưa thay đổi. Đây là một phim hay nhưng chưa xuất sắc, đủ nhưng chưa đầy, đạt nhưng chưa chạm. Cấu trúc của phim rất vững chắc, dựng hình và dựng thanh rất hiệu quả, diễn xuất tuyệt vời. Chọn một nhân vật thuộc dòng phim siêu anh hùng nhưng lại không lạm dụng kỹ xảo điện ảnh. Phim không “ra tay động chân” quá nhiều, không huyên náo, cháy nổ đì đùng. Thay vào đó là đặc tả hoàn toàn vào tâm lý. Phim nhiều khả năng tạo ra một lối thưởng thức mới, một lớp khán giả mới trong dòng phim về những nhân vật siêu nhiên. Nhìn vào cách tổ chức của phim này, tôi tin rằng nhân sự Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một xuất phẩm không hề kém cạnh. Thế nhưng thử thách lớn nhất có lẽ là tư duy thẩm định và phân loại của hội đồng kiểm duyệt tại Việt Nam. 

Còn những nghĩ suy như đầu bài thì đến bao giờ Việt Nam mới có thể có được một tác phẩm như Joker, có một cầu thang như Joker, đi từ một chiến thắng ở liên hoan phim uy tín nước ngoài để đến với một sự trình chiếu rộng khắp?

#Nhiên
22.10.2019


*Ảnh đầu bài: Ảnh Joker (Joaquin Phoenix) nhảy múa tại bối cảnh West 167th Street, The Bronx, New York, USA (nguồn ảnh)