Trang

19.4.19

TIẾC LÀ… | Chung cư

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Chung Cư, Việt Linh

Thuở nhỏ xem CHUNG CƯ qua truyền hình, chỉ nhớ đoạn ghen lầm của cô gái (Hồng Ánh thủ diễn) với anh cán bộ cách mạng (Quyền Linh thủ diễn). Trí nhớ rơi rớt thế nào mà chỉ còn vương đọng lại cảnh ấy. Cũng là một lớp diễn thể hiện sự biến đổi tâm lý của nhân vật từ thái cực này sang thái cực kia, từ vô vọng sang hy vọng. Có lẽ vì sự tương phản sắc nét ấy mà đoạn phim in hằn trong ký ức.

Tựa phim cũng rất mơ hồ nhưng vì chuyện phim gần như chỉ xảy ra trong 1 không gian chung cư nên mặc định tên phim cũng là nơi chốn. Chưa hề biết đây là một phim truyện, một tác phẩm điện ảnh. Cũng chưa thể hiểu việc trình chiếu trên màn ảnh nhỏ sẽ triệt phá tính thẩm mỹ đa tầng của bộ phim và sự cảm thụ của khán giả thế nào. Hẳn nhiên bấy giờ vẫn chưa thể phân biệt sự khác nhau giữa phim truyền hình và phim truyện. Thị hiếu ngày ấy có lẽ nhiều phần bị hoen rỉ bởi những băng đĩa video ăn liền tràn ngập. Cũng chẳng thế nhớ nổi xem phim vào năm nào. Nhưng ít nhất phải cách nay về trước 15 năm. 

Một ngày tháng 4 của thời này, CHUNG CƯ được trình chiếu trong khán phòng của một ngôi trường đại học ở cách đường Nguyễn Khắc Viện 2 ngã tư. Đã mấy lần định tham gia vào những buổi tọa đàm tại ngôi trường danh tiếng này. Nhưng phần vì đường xa ái ngại. Phần vì mặc cảm luống tuổi. Phần vì trì trệ ù lì. Để rồi cuối cùng cảm tình điện ảnh, ước muốn nối lại ấn tượng của tuổi thơ đã giúp bước chân vượt qua những rào cản.

Tiếc là căn phòng sáng nay không đủ tối. Tiếc là màn hình máy phát không đủ to. Trải nghiệm thị giác có lẽ chỉ khá hơn thuở xưa một đòn gánh. Thật may, chất lượng âm thanh phần nào bù đắp cho sự thiếu hụt phẩm chất hình ảnh. 

Phim khởi đầu bằng một hoạt ảnh đầy triển vọng. Đó là góc nhìn thâu nhỏ của hai người đàn ông. Họ đứng sát nhau trong bóng tối, đầy lo âu, nhìn ra khe hở. Bên ngoài, phố phường rộn rã hoan ca hát mừng. Bên thua cuộc co mình trước sự biểu dương của bên thắng cuộc. CHUNG CƯ khởi đi như thế và rõ ràng toàn bộ câu chuyện là góc nhìn của một lão ông ở tầm tuổi 50, một người ở lại, hay chẳng thể có một kế hoạch nào khác trong biến cố của năm 1975. Với nhiều người, con số đó hẳn nhiên là niềm vui. Với người khác, đó là nỗi buồn, là sang chấn mà vết thương vẫn chưa liền da, vẫn để lại những nhức nhối sâu hoắm đến tận đương thời. 

Khách sạn được chuyển đổi công năng để trở thành chung cư. Rồi cuối cùng của thiên trả địa, khách sạn lại trở về đúng dáng hình nguyên sơ của nó. Giữa hai cuộc đổi thay trong một giãn cách thời gian của 15 năm từ Thống Nhất đến Đổi Mới, bao lớp người đến / đi, bao thân phận chỉ xác định tạm trú rồi chờ ngày rời khỏi, chỉ mỗi lão ông là thế đứng bất dịch. Thân có thể đứng yên nhưng tâm thì không thể. Ông gắn kết với khách sạn / chung cư như một phần hồn, như có một cam kết chung thân không lời với nơi đây. Thế nên trước bao lượt vào / ra, trước bao lần bất nhất giữa nói năng và hành xử của thiên hạ, trước sự biến hóa khôn lường của lòng người, trước sự phình nở của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, ông chới với, ông nghiêng ngả.

Dự cảm đầy triển vọng từ cảnh mở màn của phim nối dài theo suốt chiều dài của dòng tự sự điện ảnh. Nhưng rốt cuộc không có gì gây điên đảo mắt nhìn ngoài sự xác nhận lại ký ức tuổi thơ và biết tên nhân vật nữ (Minh Ly). 

Lão ông gần như một đời trung thành với vị trí gác cửa. Hiểu biết của ông gói gọn trong thế giới bên trong chung cư / khách sạn. Tầm nhìn của ông có thể chỉ là một ánh nhìn vào phố xá ngoài kia. Giây phút ông bước lên sân thượng. Phát hiện quang cảnh xung quanh ở tầm cao toàn rộng và nhận ra sự bề thế chỉ thuộc riêng chung cư này. Khắp nơi là những mái nhà xập xệ, tạm bợ. Đó là một bước chuyển rất lớn trong nhận thức, mở đầu cho một loạt những bước ngoặt khác trong dòng chảy nội tâm của lão ông. Nhưng tiếc là cách xử lý hình ảnh, sự dàn dựng bối cảnh, sự di chuyển camera, sự xắp đặt tình tiết lại không thể đưa tới một cảm giác tương xứng trong lòng người, hay chính xác là 1 người đang ngồi xem. 

Hẳn nhiên, bộ phim này tràn hiện một thực tế rất rõ ràng. Những người chiến thắng ở thời điểm 1975 có đầy đủ năng lực ứng phó với mọi diễn tiến của chiến tranh. Tuy nhiên khi chuyển sang thời bình, cần có thêm những kỹ năng khác. Chẳng hạn như tri thức về quy hoạch đô thị. Cụ thể là cách thức sử dụng các công trình dân sự và bộ quy tắc ứng xử phù hợp theo kèm. Sự thiếu vắng nguồn tri thức này được phô bày rõ ràng trên phim và dường như sai lầm của thuở ấy vẫn còn dài kéo những tàn dư đến tận hôm nay. Không biết có thể gọi đây là phần thời sự của bộ phim, một lược sử cần nghiêm túc nhìn nhận để tránh có thêm nhiều hậu quả tương tự? Tuy vậy, chất đời, chất hiện thực phong phú trong CHUNG CƯ có lẽ cần được luận bàn xếp sau chất tình, chất kịch tính trong tự sự của nhân vật trung tâm và các nhân vật vệ tinh khác. Tự thân câu chuyện và quan trọng là cách kể phải tạo ra một phản ứng hừng đông để rồi ánh sáng từ đó mới đủ khiến lý trí người xem tiếp tục tìm kiếm những lớp tầng ẩn ngôn khác. 

Tiếc là với một lần xem, tưởng như khi nhắc đến những ấn tượng thị giác thì lại không có ý tình bàng hoàng nào để phân tích và khai triển. Có lẽ phải chờ đến một lần xem khác, với màn hình tốt hơn. Dẫu sao, đây vẫn là một bộ phim quan trọng trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam, bộ phim Việt Nam (sản xuất 1998, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Hồ, đạo diễn Việt Linh) được phát hành thương mại đầu tiên tại Pháp. Bản DVD hiện tại có giá 19 eur dành cho những người yêu điện ảnh có điều kiện. Còn với những ai muốn xem cùng một số đông, có lẽ phải kiên nhẫn chờ một buổi chiếu cộng đồng trong một thời gian tương lai không hề xác định.

#Nhiên
18.4.2019