Trang

19.4.19

CHÀNG TRAI CỬU LONG | TN#2

Chàng Trai Cửu Long, Thủy Nguyên, cảm nhận quyển sách tranh Chàng Trai Cửu Long, Góc O, Góc Nghệ, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên

Nhận sách từ 25.3, tính đến nay cũng đã gần 1 tháng. Cứ chần chờ đợi cho vốn liếng từ ngữ lẫn cảm xúc đủ đầy mà tưởng như mãi ở mức nông cạn. Không thể viết hay chưa thể viết. Bên trong là nỗi sợ, sợ tạo ra một văn bản có tính chất đối phó ngoại giao. 

Khái niệm “cảm nhận sách” mới ngày nào tưởng dễ mà ngày nay hóa ra không hề dễ. Quan trọng nhất là tri thức về tự sự học. Ở phương diện này thì còn kém cỏi nên tâm trạng luôn ở ngưỡng dùng dằng khi có ý định bày tỏ thành lời những phản ứng nội tâm trước một tác phẩm. Ở đây lại là sách tranh. Văn học kết đôi cùng mỹ thuật. Văn học đã hằn chứa một mặc cảm thiếu hiểu biết. Đến mỹ thuật thì hạ giáng thêm một bậc: không hiểu biết.

Vậy thì phải chờ đến bao giờ mới có thể viết ra những dòng cảm nhận về quyển này,  quyển “Chàng trai Cửu Long”?

Nếu có thể, nếu ngay liền, có lẽ chỉ là những gì thiên về ký ức.

Còn nhớ vào hồi tháng 1. Thủy Nguyên ngồi yên nắn nót từng chữ ký tặng kẻ xin chữ xa lạ. Lần đầu tiên trong khoảng nửa năm được một nữ tác giả ký tặng sách. Lại là trực tiếp, không thông qua ai, không phải nhờ một thế thân hay ảnh tử. Nếu xét theo yếu tố đó thì có lẽ là chưa-bao-giờ cách nay về trước, một trải nghiệm chưa từng. Phần lớn người cho chữ là đàn ông. Ở họ hẳn nhiên không thể có được sự dịu dàng, nhu nhuyễn đang lan tràn trong không khí. Và còn nhiều những niềm riêng không tên mà chưa thể tìm được một cách viết giản lược để miêu tả.

Nhìn vào hàng chữ đề tặng của tháng 3, ký ức vẫn còn mới tươi bên trên được nhuận sắc thêm lần nữa. Nhìn vào dạt hoa súng ở bức tranh bìa, nhớ về một tác phẩm nhiếp ảnh của Việt Nam đoạt giải thưởng lớn ở phạm vi quốc tế. Cũng cùng một cách chọn bối cảnh nhưng khác ở góc nhìn, toàn rộng thay vì toàn hẹp. Nhìn vào tiêu đề phụ “câu chuyện dòng sông”, ký ức về một tiểu thuyết mát xanh cõi lòng thuở-ưa-nuôi-những-mộng-đẹp dậy thì. Nhìn vào thế giới của những sông những nước, nhớ đến tháng ngày lặng lẽ đạm nhiên nghe-mình-nhìn-mình-soi-mình-sửa-mình.

Cứ như thế, dòng ký ức mới/cũ/gần/xa/cũ/mới lặng lắng đưa người đọc vào một hải trình xấp xỉ 3 vạn dặm đường thiên lý cùng con sông Mẹ, dòng Mekong. Nhưng điểm đặc biệt, khác lạ ở đây là dòng sông không phải là chỉ là đối tượng nhận thức mà đã được nhân cách hóa, trở thành một nguyên ảnh linh dương (animus) trong tâm tư của người viết. Dòng sông giờ là một chàng trai vươn những sải tay dài lội bơi khắp bốn bể, mang trái tim yêu sự sống nồng nàn. Thủy Nguyên chọn ngôi trần thuật thứ nhất, dưới góc nhìn của một thiếu niên để từ đó những đoản văn không dứt về Cửu Long được nối dài, từ nguồn gốc, tên gọi, hình hài, căn tính, đến tài nguyên, năng lực và sự cống hiến. 

36 trang viết theo cùng các bức tranh của Ru-oi, Nhật Vũ, Yến Ngọc, “Về Miền Tây” trở thành một trải nghiệm thị giác sống động, đánh thức những thương yêu trầm tích dành cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Những thương yêu tiềm ẩn được phơi sáng, những thương yêu sẵn có được thắm nhuộm về một “linh dương” mang tên Cửu Long chỉ có cho đi mà chưa hề đòi hỏi phải nhận lại bao giờ. Và nếu tỉnh táo trong một vài khắc giây, không khó để nhận ra người-cho ấy, hành-động-cho ấy, khối tình đơn phương ấy sẽ không thể bền lâu mãi mãi…

… trước lòng tham, sự ích kỷ, vô tâm và u mê của con người.

Sách cùng tranh có lẽ chọn hướng đến đối tượng áo trắng. Nếu vậy, đây sẽ là tư liệu bổ ích cho bộ môn địa lý. Sách cùng tranh có lẽ chọn hướng đến vị trí trên đầu giường. Nếu vậy, đây sẽ là những giờ phút đầm ấm cha kể con nghe, mẹ kể con nghe. Nghệ thật tối giản trong câu chữ và những đường vẽ khối màu có thể cung cấp một nguồn thông tin toàn diện, phong phú, bắt mắt về Cửu Long Giang chỉ trong một tích tắc thời gian. Nhưng những ai đã trót yêu một dòng sông, đã lớn lên cùng một dòng sông, đã được dưỡng nuôi những gì đẹp, lành và chân thật trong tâm hồn nhờ bởi sự hiện hữu của một dòng sông hẳn sẽ nhìn thấy một viễn cảnh mà cũng đang rất gần kề:

- Chàng trai ấy đang dần chết và sẽ chết nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉ nhận về mà không một phút nào thắc mắc về sự cần phải đáp đền, về sự đã đến lúc phải đáp đền, về sự đáp đền với tư cách của một tập thể.

Viết đến những dòng cuối bỗng nhớ đến một dòng sông, một chàng trai khác xứ ở New Zealand. Có lẽ chưa nơi đâu có một tiền lệ như vậy, một tiền lệ rất cần trở thành một thông lệ. Một dòng sông được khoác lên mình tư cách pháp nhân. Nghĩa là ở đây đã không còn là câu chuyện của nghệ thuật tự sự, của thủ pháp nhân cách hóa mà đã là một diễn biến dân sự. Không còn là nguyên ảnh trong văn học dân gian. Dòng sông giờ được nhìn nhận như một thực thể, có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Dòng sông có người giám hộ và hẳn nhiên được quyền khởi kiện bất kỳ ai đã có những hành vi xâm hại đến hình hài và nhân phẩm của mình.

Một giả định được đặt ra: 

- Nếu sự thật cần thiết vừa nêu ứng hiện với Cửu Long, dài xa hơn nữa là Mekong thì số lượng bị cáo phải đứng ở bục khai báo sẽ là bao nhiêu con người?

#Nhiên
19.4.2019

 Chàng Trai Cửu Long, Thủy Nguyên, cảm nhận quyển sách tranh Chàng Trai Cửu Long, Góc O, Góc Nghệ, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên