Trang

18.10.18

Tôi và Naoko | NW#4

Norwegian Wood, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Haruki Murakami, The Beatles, Trần Anh Hùng
“Tôi đã từng có cô ấy”.

“Hay cũng có thể nói, cô ấy đã từng có tôi.”

Đó là 2 câu đầu tiên mà John Lennon đã viết trong bài nhạc bất hủ Norwegian Wood. Tiếng Việt tỏ ra bất lực trong việc chuyển một ngữ nghĩa tương đồng theo dạng cô đọng. “Có” không đủ sức diễn đạt hết tình ý của câu hát này.

Vừa là sự sở hữu hay chiếm hữu. Vừa là sự dẫn dắt, làm chủ. Trong liên hệ tình cảm này, người mở ra (và khép lại nếu muốn) là chàng trai (nhân vật trữ tình) mà đó cũng có thể là cô gái (đối tượng trữ tình). Nói thế này hoặc nói thế kia đều đúng. Tức là không có sự xác định rõ ràng. Không biết hoặc không thể xác định. Và chuyện tình này là sự đã rồi, đã từng. Tất cả đã là một quá vãng lùi xa và chắc chắn gây đau nhức mỗi khi nhắc lại.

Toru trong tiểu thuyết NW đã xuất hiện ở trang đầu tiên bằng ký ức về mối tình với Naoko. Giai điệu của bài hát NW chính là nguồn cơn. Run rẩy và choáng váng là cảm giác chân xác của chàng.

Đã từng. Toru không khác John. Đúng ra là một phục sinh của John trong dáng hình Toru. Chàng đã từng tin rằng mình nắm bắt được Naoko, mình có thể xúc chạm, có thể thấu hiểu. Nỗ lực, nỗ lực. Nhưng hiện thực khốc liệt gởi đến một đáp án khác sai hoàn toàn. Vị thế dẫn dắt là Naoko. Là nàng. Là cô ấy.

Đến với phiên bản điện ảnh, tính nhất quán trong tâm lý nhân vật được giữ nguyên. Sự biểu đạt không còn là chữ mà là hoạt ảnh, sự chuyển động. Naoko luôn đi trước. Toru theo sát đằng sau. Tưởng như bắt kịp nhưng không sao bắt kịp. Ở thành thị là vậy. Mà cả chốn sơn lâm, hình ảnh ấy lại tiếp diễn trong một cú máy đẹp ngỡ ngàng. Chúng ăn khớp toàn hảo với bài hát và tiểu thuyết.

Theo tiến trình của dòng chảy âm nhạc, nàng đưa chàng về phòng, về thế giới riêng tư của nàng. Căn phòng không ghế, nội tâm của nàng cũng không một điểm tựa. Không thể dò xét, không thể lý giải. 

Nàng vẫn đang trong dư chấn kinh hoàng từ những cái chết của người thân và người yêu. Nhưng đó chỉ là một lý do. Buồn vui vô lối đâu phải chỉ là biểu hiện của một trạng thái trầm cảm. Trái tim phụ nữ từ muôn đời đã là sự-không-thể-nắm-bắt. Không thể! Không thể hiểu!

Tâm lý phụ nữ và tất cả những biểu hiện từ thể tánh của họ cũng đã từng là thao thức của tôi. Tất cả chấm dứt vào tháng 9.2016. Tôi đã gặp được một quyển sách thần kỳ. Có chung nội dung với hàng loạt sách về tánh nữ nhưng cách khai triển của nó tạo cho tôi ấn tượng sau cùng: đừng cố nắm bắt một sự-không-thể-nắm-bắt. Lòng tôi bình an. Tưởng như bỏ xuống ngàn cân sắt nặng. Đã từng gắng cố, đã từng điên đảo rồi mới hiểu sự buông xả có ý nghĩa chữa lành thế nào.

Tôi đã tĩnh. Điều đó không có nghĩa là tôi chẳng làm gì. Tôi vẫn động. Theo một cách khác. Nghe nhiều hơn. Nhìn nhiều hơn. Và suy xét nhiều hơn. Quan trọng nhất vẫn là niềm tin kiên cố: không nắm bắt một sự-không-thể-nắm-bắt.

#Nhiên