Trang

7.4.18

CHU | ĐCDNC#47

cánh diều vàng, Đảo của dân ngụ cư, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi xem ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ cũng đã hơn 9 tháng. Nhân dịp phim có 2 suất chiếu miễn phí tại Hà Nội vào lúc 18:00 ngày 10.4 và 9:00 ngày 13.4.2018, tôi bổ sung thêm một bài nữa vào mục lục nhật ký cảm nhận về tác phẩm này.

Lần này tôi viết Ngọc Thanh Tâm, về Chu.

Khuôn mặt của Tâm không gây nên thiện cảm ở cái nhìn đầu tiên. Xem các đoạn phỏng vấn khiến tôi có một cảm giác là diễn viên này chỉ phù hợp với các biểu trưng tĩnh tại. Tính đến thời điểm này, theo tôi tìm hiểu, Tâm đã có 3 phim điện ảnh. Tiếc là tôi chỉ mới xem được 1. Thế nên tôi chưa có đủ dữ kiện để kiểm nghiệm đoán định của mình. Tất cả những gì tôi viết ra về diễn viên này gói gọn trong duy nhất một gầm trời. Đảo của dân ngụ cư.

Cấu trúc xương hàm dưới của Tâm theo tôi là nguyên nhân tạo nên sự không thiện cảm. Đó thuộc phần nhìn, phần thị giác. Biểu cảm của cơ mặt, của khuôn miệng, sự chuyển động của nhân dáng không nên lồng vào những nhân vật hướng ngoại. Đó thuộc về phần tưởng, phần trực giác. 

Phần trực giác của tôi khi xem phim không có cơ hội được kiểm định. Vì lẽ Ngọc Thanh Tâm vào vai Chu, một cô gái tật nguyền với bao nhiêu phức cảm dồn nén. Còn về phần thị giác, đôi mắt tôi như được thay mới hoàn toàn. Chu tức Ngọc Thanh Tâm đẹp như cổ tích. Đây là một bộ phim được đánh giá vượt trần về phần hình ảnh. Dẫu vậy, tôi không tin rằng sự bàng hoàng của mình là do hiệu ứng của hóa trang hay ánh sáng. Cũng là một góc nhìn chính diện, trung cận, giây phút Chu ngồi trước gương, thắp lên ánh sáng, cô đẹp đến nghẹt thở. Ý thức về thân phận, về tang thương bầm tía trên khuôn mặt cũng đồng thời tràn tới theo tia lửa. Viên mãn và bất toàn kiềm cặp tạo nên một chớp lóe ma mị, mê hoặc. Căn nhà u ám, những con người u uất, tất cả như được sắp đặt để Chu lấp lánh tỏa chiếu. Trong từng khung hình. Trong từng sát na.

Nếu tôi nhớ không sai, tiếng nói của Chu đặt trước sự xuất hiện của Chu theo dòng thời gian. Khi Phước xin vào làm việc tại quán Đêm Trắng, ấn tượng trước tiên về Chu là giọng hát vẳng lại từ căn gác. Thanh âm trên cao, tiếng nói ngoài hình. Phải lặng nghe, phải ngước nhìn. Trong ước nghĩ của Phước và của cả người xem, khoảnh khắc đó, một thế giới khác, siêu thế, vượt ngoài không gian tù túng và tối tăm, đang nên hình. 

Khi dõi theo mạch phim, tôi đinh ninh Phước là vai chính. Nhưng không…đến thời điểm này, sau một khoảng dài suy ngẫm, tôi liều dại cam đoan Phước không phải. Lý do xếp vào chính phụ trong thành phần của một đoàn phim chỉ đơn giản là thời lượng chiếm giữ khung hình. Ở đây, tôi tư duy một góc khác, khía cạnh nguyên bản. Đó là nội dung câu chuyện. Tác phẩm nào cũng vậy, cũng như cơ thể vật lý, chỉ có một trái tim. Ở Đảo, trái tim ấy là Chu. Ngọc Thanh Tâm như một cơ duyên thiên mệnh, với cái tên Tâm, lại giữ đúng vị trí hạt nhân. Sự biến đổi của Chu, mọi hóa hiện từ năng lực diễn xuất của Ngọc Thanh Tâm là chiếc khóa then chốt mở cửa cho ẩn ngôn cũng như quyết định sự thành bại cho phiên bản điện ảnh.

Nhân vật trung tâm có khi được gọi là anh hùng. Họ có một nhiệm vụ xuyên suốt. Và chính vì đuổi theo nhiệm vụ ấy, họ lột xác, biến đổi nội tâm và biến đổi ngoại giới. Đó là cách hiểu giản dị của tôi về khái niệm “anh hùng”. Với tôi, Chu là một người hùng thật sự. Cô có một ước mơ. Ra biển. Đón gió trời. Nếm vị mặn. Cô khao khát tự do. Phước, cũng như bao người khác, nối nhau xuất hiện. Anh trèo lên mái ngói. Anh băng qua những thanh chắn. Phước vì thầm thương, vì yêu xiết đã đến, như một tình nhân, như một bạn chung đường. Phước không khác với Xiếm Hoa, với Miên, với Ahmed là một đồng minh. Và họ, bằng cách này hay cách khác, đã cố gắng hiện thực hóa mong mỏi “đi thăm biển”. Nhưng Phước cũng như bao người khác, nối nhau xuất hiện, tình có đó nhưng không đong đầy, dũng có đó nhưng chỉ là thoáng qua. Chu không thấy ai rõ ràng, không ai thật sự là mái chèo ung dung, là bờ vai che chở. Cuối cùng Chu chọn Chệt Liếm, người cha có khi hà khắc, hung tàn, là kẻ thù đã bao lần xiềng xích, tra tấn mộng ước tự do. Chu đã chọn chính kẻ thù làm đồng minh

Thật khó để thốt ra một lời chê trách nào nơi Ngọc Thanh Tâm. Cô đã biểu đạt tròn vẹn thanh sắc mẫu tượng “anh hùng”. Người nữ anh hùng sanh không đúng thời cuộc, không một đồng minh đúng nghĩa, đã không ngồi chờ số phận an bài. Chu tự quyết trong cơn bi phẫn mà cũng là thống khoái. Chiếc xe lăn, tưởng như định mệnh, chung cuộc chỉ là trạm dừng. Quán ăn Đêm Trắng không còn lưu giữ bóng hình Chu. Đêm Trắng không còn là Đêm Trắng. Khối liên minh nơi đó đã vỡ vụn. Và biển xanh thay Phước, sắm vai chứng nhân. Để nụ cười Chu trường cửu. Chu hay là Châu? Viên ngọc không nằm nơi tay ai hay tù ngục nào. Viên ngọc ấy thuộc về đại dương.

#Nhiên