Trang

5.12.17

Quý khách vui lòng ngồi yên cho đến khi xe dừng hẳn tại trạm | JFF#2

Liên hoan phim Nhật Bản

Thoại không phải là yếu tố hằng đầu khi suy xét về chất điện ảnh của một bộ phim. Câu "Quý khách vui lòng ngồi yên cho đến khi xe dừng hẳn tại trạm" cũng không hẳn là thoại. Đó chỉ là âm thanh nền, là vang vọng của cuộc sống thường nhật được ghi lại và trình chiếu trên màn ảnh. Thế nhưng, đây lại chính là khơi nguồn cảm hứng cho bài đầu tiên của tôi về liên hoan phim Nhật Bản.

Tôi yêu thích câu nói bình thường ấy và thực lòng mong đợi đó sẽ là sự thật tại Việt Nam, cụ thể hơn là sự thật xảy ra trên những chuyến xe bus Sài Gòn.

Tôi đã đi xe bus thường xuyên trở lại trong vòng một năm nay. Chuyến tôi vẫn đi giờ đã đổi dòng xe mới. Phần lớn các tuyến khác cũng vậy. Hệ thống âm thanh tự động báo tuyến sắp đến được lắp đặt. Khách đi khi gần đến trạm dừng chỉ cần ấn vào các nút bấm ở gần chỗ ngồi của mình để thông báo cho tài xế. Tuy vậy, ngay sau khi thông báo trạm dừng thì hành khách cũng đồng thời vội vàng đứng lên để đi ra cửa xuống. Nếu không đứng thì tiếp viên cũng nhắc. Mọi thứ dường như là một cái gì đó hối hả, bất an và thuộc về phần nghĩa vụ "phải như thế", "là như thế". 

Xe vẫn chạy và nếu thắng gấp thì trường hợp người lớn tuổi hoặc người chưa đủ tầm thước với tới tay cầm treo ở trần xe hoặc không đứng gần vị trí thuận lợi để bám víu thì việc té nhào là chuyện xảy ra rất nhiều lần. 

Tôi không biết từ bao giờ nhưng có lẽ thói quen đứng lên, đi đến cửa xuống trong khi xe vẫn còn đang chạy của tôi đã được hình thành như một phản xạ không điều kiện. Thêm nữa là đôi khi hành khách xuống xe bus khi xe chưa thật sự dừng hẳn. Nguy cơ tai nạn luôn tiềm tàng với tình trạng đường đông, xe cộ bên ngoài di chuyển vô lối. Đây có lẽ cũng là điều ngăn ngại nhiều người sử dụng loại hình giao thông công cộng này.

Tôi tự hỏi:
- Từ bao giờ câu nói ấy, "quý khách vui lòng ngồi yên cho đến khi xe dừng hẳn tại trạm" sẽ ngân lên trên một chuyến xe bus ở Sài Gòn?