5.7.25

BRAD PITT TRONG F1 CÓ THIỆT SỰ LỢT NHOÈ?

#vudamnhien, #nhiên, #Vũ_Đạm_Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien, Vũ Đạm Nhiên bình phim, điện ảnh, review phim, F1, F1 the movie, Brad Pitt, Leonardo DiCaprio, Once upon a time in Hollywood, Ad Astra, Bullet Train, Babylon, diễn xuất Brad Pitt trong phim F1, f1 phim IMAX, Vũ Đạm Nhiên nhận xét diễn xuất Brad Pitt, dien xuat Brad Pitt


 Khi coi xong F1 lần đầu ở rạp IMAX, cảm giác về diễn xuất của Brad Pitt trong tôi không có gì đặc quánh. Không một cảnh nào gây đặng ấn tượng thảng thốt. Bình bình, lợt lợt dù trong diễn tiến quả thiệt cốt truyện cuốn hút quá trời đất. Phim mần đặng một điều căn bổn (mà nhiều khi cả đống phim cũng đốt tiền ngang ngửa mà mần hổng xong) đó là đẩy thành công độ căng, độ cao cảm xúc ở phần kết.

 Nhìn vô dàn diễn viên, thậm chí tuyến phụ tôi thấy Javier Bardem trong vai nguyên mẫu “sứ giả” và “đồng minh” còn có những phút thể hiện thăng giáng rõ rệt nội tâm nhân vật, bất chấp thời lượng ít ỏi. 

 Nếu so với chánh chủ, tôi lục lại dữ kiện các phim coi rạp trước đây: 
- Once upon a time in Hollywood 
- Ad Astra
- Bullet train

 Còn một phim nữa là Babylon, lúc đó kẹt tiền hay thời gian gì đó mà không đi coi, thiệt là đáng tiếc! Nếu lấy bốn mẫu này ra xếp lên bàn, OUATIH với tôi là hay nhứt. Không cần phải suy nghĩ hay đo lường tình cảm chi cho mệt, tên phim bật ra như lò xo, nhân vật hiện ra như sấm sét. Cái kiểu ngầu ngầu, thô ráp, đờn ông không chỉ trên bề mặt hình thể. Sự phấn khích, rung rinh, nhốn nháo có ngay trên hàng ghế chớp bóng mà không cần tới hiệu ứng 4DX.

 Nếu lấy đúng phim này mà so vai chánh F1 với Leonardo DiCaprio, cũng chung tình cảnh một ngành nghề với một người bị đào thải cố gắng giựt lại spotlight thời chèn ơi, sao mà thể hiện của hai bên so le dữ dội quá!

 Bước đầu nhận xét là như vậy. Song tôi nghi là mình có điểm mù. Là bởi tôi đương tách riêng diễn xuất vai chánh ra mà chưa hiệp vô cấu trúc, thể loại, dàn dựng. Cái ô Brad Pitt này đặt lại trong khối ô F1, tôi thấy gì?

 Tôi thấy:
- Trò chơi
- Vật chơi
- Sân chơi
- Người chơi

 Trò chơi, đây là môn đua xe. Phim đặt tên F1, như ngầm ý muốn kể câu chuyện lớn hơn của ngành. Tất nhiên phim luôn dựa vô vai chánh để “lăn bánh xe” tự sự. Nhưng Sonny Hayes - người chơi - giống như chỉ đặng dựa, mượn xác để kể về trò chơi. 

 Đối thủ của người chơi không ở đội khác mà là cùng đội. Qua đó tạo ra một cuộc đấu chiến về thể lực và tâm lý theo mô thức kinh điển (bổn cũ soạn lại) giữa kinh nghiệm và sức trẻ, giữa già rơ và sao mai. Một đối thủ khác theo ý nghĩa tinh thần mà cũng thuộc chủ đề của phim là “bóng ma” ám ảnh quá khứ. Đó mới thiệt là thứ người chơi cần vượt, vượt qua chấn thương tâm lý và vượt qua cơ chế phòng ngự của nguyên mẫu (mẫu tánh cách chơi solo, không ham chơi theo team trong một trò chơ thể thao cần tánh đồng đội), một thứ nằm trên chiếc cúp, huy chương, tiền thưởng. 

 Trong phim, sân chơi (trường đua) là bối cảnh. Đâu đó cũng phải tầm 10 cái sân (Mỹ, Anh, Ý, Hà Lan, Bỉ, Nhựt Bổn, Mễ Tây Cơ, Ả Rập…) đặng dọn ra. Và thứ quan trọng là vật chơi, chiếc xe đua Formula One. Thời lượng lớn của phim dành cho vật chơi với muôn màu trạng thái trong buồng lái và ảnh hưởng từ sân chơi (thời tiết, các đội chơi đối thủ, đồng đội…). Điểm chết chí mạng của F1 cũng là đây, hổng thấy hành trình phát triển tâm lý của người chơi.   

 Chắc chắn nhiều chê bai sẽ “nổ đơn” ở điểm này. Khi mà rời khỏi rạp, đọng lại trong đầu người coi là một câu hỏi bự chảng, “Ủa, vậy ông Pitt (Hayes) đâu có thay đổi gì trong phim này, từ đầu tới cuối ổng cũng là ổng?”. 

 Lời đáp vọng lại từ vật chơi:
- Cái xe đó. 

 Đủ mọi sắc thái của vật chơi qua các bản nâng cấp, qua cháy nổ, bầm nát, tan tành đã thế ngôi cho người chơi.

 Vì dàn dựng có nhiều mục tiêu, dựng thế tương phản cho người chơi, dựng sân chơi, dựng phản diện “trùm cuối (nhà cái) và nhứt là tập trung kỹ thuật quay phim vô vật chơi nên đương nhiên ánh sáng dành cho người chơi trung tâm Sonny Hayes bị chia bớt. Nói khác đi, đàng vô nội tâm của người chơi bị lái qua cái bùng binh của vật chơi, sân chơi và trò chơi. Thành ra tôi có thể tóm lược phim này:

- Xe lấn người. Vật lấn chủ. Phương tiện giao thông lấn người điều khiển giao thông.

 Vậy đây có phải là sự mất kiểm soát hay yếu tay của người dàn dựng hông? Chắc hông. Nhiều khi đó là chủ đích (?). Họ muốn tạo ra sự thưởng ngoạn mỹ mãn về mặt thị giác cho trò chơi. Giữa các yếu tố sân chơi, vật chơi, người chơi là một tỷ lệ phối trộn sao cho đạt đặng cái gọi là điểm cân bằng: giải trí. 

 Mạch phân tích của tôi là như vậy. Một hướng chuyên sâu vô phần thể hiện của Brad Pitt. Một hướng liên kết với các khối khác trong F1 để đánh giá lại. Dù là hướng nào đi nữa, tôi cần một sự thảo luận với người làm nghề. Hướng một là diễn viên. Hướng hai là đạo diễn. Không tìm đặng đàng thảo luận thời mãi kẹt cứng ở điểm mù.

Vũ Đạm Nhiên
Phường An Lạc, 5.7.2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét