Mùa phim Đức năm nay, bộ phim đầu tiên mà tôi chọn tới rạp để coi có tựa tiếng Anh là The Dust of Modern Life (Bụi Của Cuộc Sống Hiện Đại). Phim do nữ đạo diễn người Đức Franziska von Stenglin hoàn thành vào năm 2021. Điểm đặc biệt là phim quay hoàn toàn tại vùng Tây Nguyên Việt Nam với nhân vật chính là anh Liêm, một người Sedang. Ngôn ngữ của phim do vậy phần lớn là tiếng Sedang và kế đó là tiếng Kinh.
Cách dùng từ “dust” (bụi) làm tựa đề và dùng màu hồng tô chữ trên bích chương [1] khiến tôi nghĩ tới từ “hồng trần” (紅塵). Hiểu nghĩa nhanh gọn là bụi đỏ, là cõi đời, ô trọc, trần tục. Hiểu theo liên văn bản thì tôi nhớ tới một trích đoạn trong bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” của Nguyên Ngọc (2012):
- Có một người Xơ Đăng ở núi Ngok Link nói với tôi rất buồn: Bây giờ mình bẩn hơn, ngày càng bẩn… [2]
Tựa đề nguyên gốc của phim là “Pa Va Hêng”. Tôi không hiểu nghĩa là gì nhưng khi coi xong phim thì tôi tin rằng nội hàm của cụm từ này rất gần với “Mùa Ninh Nông” mà tôi đã đọc trong quyển sách đã dẫn ở trên.
Với cách dàn dựng như đã thấy tối chủ nhật tuần rồi, theo tôi hiểu đây là thể loại tài liệu quan sát. Có thể tóm lược phim bằng một câu. Một chuyến đi, ăn ở dài ngày ở trong rừng của nhóm bạn 4 người đàn ông Sedang. Đây cũng là một tập tục truyền thống của dân tộc này, sau một mùa vụ canh tác trong năm, họ biệt ly gia đình, dứt bỏ hết mọi ràng buộc của cái gọi là “văn minh, hiện đại” để trở vào rừng, sống dựa hoàn toàn vào săn bắt, hái lượm như lối của tổ tiên xưa. Xấp xỉ nửa tháng, có khi hơn, khi đã cảm thấy được núi rừng “gột rửa”, bớt bẩn, ít dơ hơn lúc trước, họ lại quay về chốn mê lộ hồng trần.
Nguyên Ngọc [3] viết rằng 50 năm trước khi ông tới núi Ngok Linh, tục về rừng này vừa mới mất dấu. Còn như ngày nay thì đã biến mất hoàn toàn. Nhưng độc giả yêu mến ông nếu ngồi coi phim này thì có lẽ sẽ sung sướng mà hét lên rằng, “Vàng còn!”. Viên bảo châu dù đã sứt mẻ không ít nhưng vẫn còn. Mừng lắm! Vui lắm! Minh triết, trí tuệ Sedang vẫn còn được thực hành. Rừng dẫu bị hủy hoại rất nhiều nhưng vẫn còn một khoảnh rừng để mà trở về. Sự quy hồi của nhóm người Sedang đó cũng là một gợi ý (nẻo thoát) lấp lánh cho khán giả trước những khủng hoảng đảo điên đang là của thế giới đương thời. 20 năm nay, cái gọi là chương trình, những ngày tu, những kỳ nghỉ “retreat” tưởng chừng là một trào lưu tân thời được nhập cảng từ phương Tây. Nào ngờ đâu ngay tại đất nước mình, chuyện này đã là một nếp sống của dân tộc từ hằng trăm năm rồi! Được ngồi coi “Pa Va Hêng” cảm giác cũng không khác gì nhân vật trung tâm, như bắt được một đoá hoa đời rực lửa giữa bao la thượng ngàn.
Các cặp tương phản ô nhiễm (dơ) / thanh lọc (sạch), ồn ào / tĩnh lặng trong phim được chủ ý sắp đặt thông qua hình ảnh biểu tượng (loa phường) và sau đó là không gian biểu tượng (lễ hội tại nhà rông). Những bản nhạc đời, những âm thanh của thế gian với ZARA và những bài tập thu âm sẵn “thở ra… thở vào” không khác gì nhân vật phản diện đang o ép, nuốt chửng từng phút giây của sự sống. Để rồi chỉ khi về với thiên nhiên, với bản nhạc rừng tinh khôi, với âm thanh của cỏ cây muông thú, với mùa săn thần tiên đã từng cùng người cha thuở ấu thơ, nhân vật trung tâm mới lại trở lại là mình, một người Sedang chân chính, tự do, vô ưu, vui bước giữa đất trời.
Khối béton sừng sững của chủ nghĩa tiêu thụ như đã bao vây bốn phương ngộp thở mà người hùng của tôi đã sẵn có một con đường xanh mát, thênh thang, sâu thẳm của tối giản, của bền vững để tránh thoát. Có thể anh vẫn chưa biết phải làm gì để đương đầu, thậm chí chưa có một ý niệm gì về thứ mà mình đang đương đầu nhưng trí tuệ của tổ tiên, cái vô thức tập thể nghìn xưa vẫn đang có mặt trong anh giục giã anh lên đường, một lần rút khỏi cõi tạm, để được trầm tư tự phản, để thiết lập lại giềng mối giữa mình một với muôn vàn, để được ngơi nghỉ, phục hồi. Ai biết được ánh sáng đại nhật một ngày kia sẽ tới, huy hoàng, chói chang, sáng lóa cõi lòng anh!
Vũ Đạm Nhiên
Q6, ngày 2.11.2024
[1] Bích Chương Phim
Trả lờiXóaTôi chụp tấm hình bích chương phim tại bàn điểm danh. Tôi là người tới sớm nhất. 19:00 phim chiếu. 18:00 tôi có mặt.
Bích chương này thiết kế bởi Michael Pfrommer.
Tôi bổ sung hình và lưu tại tường nhà.
[2] Nguyên Ngọc viết về người Xơ Đăng
Trả lờiXóaMuốn tìm nội dung liên văn bản giữa phim và văn theo trục ý từ khoá: bụi (dơ) - tắm - về rừng - người Sedang - Nguyên Ngọc ngay lập tức tôi nghĩ tới quyển “Các Bạn Tôi Ở Trên Ấy” của Nguyên Ngọc. Quyển này ra mắt năm 2012 (NXB Trẻ). Tôi chỉ có bản in năm 2014.
Tôi dùng google để search nhanh. Tuy nhiên, chỉ ra được đoạn ”Có một người Xơ Đăng ở núi Ngok Linh nói với tôi, rất buồn: Bây giờ mình bẩn hơn, ngày càng bẩn…” mà vẫn không biết chính xác thuộc về bài nào, ở trang số mấy.
Tìm tới tìm lui cuối cùng cũng phải lôi quyển sách khoảng 300 trang ra đọc. Nếu có sách điện tử thì chắc chắn “xoẹt” một cái là có được thứ mình cần. Nhưng chỉ có bản sách giấy nên đành phải dùng kỹ thuật đọc lướt, quét nhanh từng trang. Mươi mười phút có được kết quả.
Câu trên trích từ bài ”Tây Nguyên, mùa lễ hội”, dòng thứ 19, 20 thuộc trang 268 của tập bút ký. Bài này đọc lại vẫn thấy vô cùng lôi cuốn nên tôi ngồi chậm lại từ đầu thêm mấy lần nữa.
Đó là đầu ngày, tới cuối ngày, tôi dùng ChatGPT với câu hỏi “Nguyên Ngọc đã viết gì về tục về rừng của người Xơ Đăng?” và thêm một số câu khác về nguồn cấp thì thấy bạn robot này trả lời sai hoàn toàn. Trước đó cũng có hỏi bạn về “Pa Va Hêng” nhưng câu trả lời của bạn cũng khiến tôi không mấy tin tưởng. Đành phải dành thêm thời gian bổ sung dữ liệu để bạn cập nhật, tránh gửi câu trả lời sai cho người sau.