15.4.24

ĐÊM 8 - ỨNG PHÓ TRONG NHỮNG NGÀY KHÔNG HOÀN HẢO

Perfect Days, Vũ Đạm Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien, Đạm Nhiên, 2024, HIFF, HIFF 2024

Trong HIFF, duy nhất một lần tôi rủ bạn đặt vé coi phim. Đó là bạn Hoàng Ngọc Phố. Dựa theo bài nối tiếp của bạn (đăng rồi xóa) thì tôi thấy có người vì đọc bài mà đã đặt vé coi phim. Tệp của tôi (của chúng tôi) có lẽ là nhỏ lắm. Nhưng vì buổi chiếu này (phim Perfect Days, cũng là ngày cuối cùng của HIFF) lại gặp sự cố và nhận được rất nhiều lời phàn nàn. Dù tệp nhỏ nhưng thấy mình cũng có liên can (vì đã vô tư chia sẻ về việc mua vé) nên tôi lên bài này. 

Buổi chiếu hôm qua (13.4) ở Thảo Điền tôi phải ngồi ở sàn (ngồi ở bậc tam cấp) dù đã mua vé (có trả tiền) từ trước. Tình trạng rạp ở khoảng 15 có khi đến 30 phút sau khi bắt đầu giờ chiếu khá lộn xộn. Điều này sở dĩ xảy ra là vì có 2 hệ thống đặt vé. Một đặt qua trang web của ban tổ chức (BTC) HIFF. Và một đặt qua trang web của cụm rạp (có thể đặt trực tiếp hoặc có thể mua trực tiếp tại rạp nhưng khả năng mua trực tiếp là lớn hơn vì thông tin về phim cũng chỉ có trong khoảng 1, 2 ngày trước buổi chiếu).

2 hệ thống đặt vé và 2 hệ thống này không đồng bộ. Hệ thống HIFF không có phần đặt chỗ ngồi nên sẽ không có số ghế. Thư xác nhận đặt vé thành công do vậy chỉ có các thông tin về giờ chiếu, địa chỉ rạp và mã QR. Đến khi vô rạp thì nhóm mua qua hệ thống này được xếp ở từ hàng A đến E. Ngồi tự do. Tôi chưa điều tra sức chứa của rạp này là bao nhiêu. Nhưng thời điểm 1 ngày trước giờ chiếu thì vé bán trên trang của HIFF đã hết. Không thể đặt thêm và tổng số vé bán qua đây nếu tôi nhớ không lầm (không chụp màn hình) là khoảng trên 200 vé. Tôi đã kịp đặt từ trước nhưng vẫn theo dõi hằng giờ qua web lẫn app vì đã duy trì thói quen này ngay từ ngày đầu tiên của LHP. 

Phần ghế trống còn lại trong rạp sẽ thuộc về người mua sau và mua qua hệ thống của rạp. Mua qua đây đương nhiên có số ghế. 

2 hệ thống không liên quan gì nhau. Không thành vấn đề nếu số lượng người coi ít. Nhưng không cần phải là một người hiểu biết thời sự điện ảnh, chỉ cần nhìn số lượng vé đặt cũng sẽ hiểu phim này hút khách. Và đương nhiên không có chuyện nhóm mua ở hệ thống 1 sẽ đếm sớm rồi nhóm mua 2 sẽ đến sau. Đâu có đơn giản vậy! Người vô sớm, người vô trễ. Và tình trạng hỗn loạn xảy ra là tất yếu. Cụ thể như thế nào thì có thể phỏng vấn những người đã trực tiếp đến coi. Tôi không bình luận thêm về diễn biến này. Chỉ muốn nói là các em tình nguyện viên trong BTC sau buổi chiếu đã đứng xếp hàng, cúi đầu xin lỗi khán giả từng người một. 

Với tôi chuyện “vỡ trận” ở một suất chiếu trong liên hoan phim (LHP) Việt Nam như thế này không có gì lạ. Tôi đã lường được và viết về điều này ở bài đầu tiên liên quan đến HIFF.

6 năm trước, tại HANIFF, khi đi coi Shoplifters, tôi cũng gặp y hệt. Dù đã có vé giấy (xếp hàng lấy từ 1 buổi khác), dù đến đúng giờ nhưng khi tới thì đã thấy hàng người rồng rắn ở rạp. (Trùng hợp thay 2 buổi ở Hà Nội và Sài Gòn đều cùng thuộc về 1 cụm rạp!) Và kết quả là tôi cũng phải ngồi ở sàn rạp mà coi. Có thể hình dung quang cảnh lượng người quá tải chen chúc nhau ở mọi khoảng trống còn lại của rạp, có người còn phải ngồi sát màn hình, có người còn phải đứng coi. 

Trải nghiệm này với một số người có thể là bất tiện nhưng do đã từng kinh qua nên có thể tôi đã quen. Hơn nữa tôi muốn tập trung vô phim và may quá 2 buổi coi cách nhau 6 năm của tôi đều là phim tốt nên tôi cũng bỏ qua mọi sự!

Việc gặp trục trặc ở việc tổ chức buổi chiếu, cũng như liên quan đến chuyện đặt vé, lịch chiếu trong HIFF thì tôi không chỉ gặp ở một buổi này. Nhưng tôi cũng cho qua vì tôi thấy ở đợt này trong số 6 phim tôi coi ở  hạng mục tranh giải (cũng đã đắn đo từ trước vì không thể sắp xếp coi toàn bộ) đều là phim tốt và tôi cảm được tình yêu nghề thiết tha, sự trân trọng khán giả của những người làm phim nước ngoài. Có thể đây đều là phim đầu tay hoặc phim thứ hai của họ và họ chọn Saigon là một trong những nơi đầu tiên để giới thiệu nên tôi thấy lửa nghề trong họ mạnh lắm. Họ quan tâm thật sự đến phản hồi nơi người coi. 

Những giờ hỏi đáp, giao lưu không có nhiều thời lượng. Thế là nếu đang dang dở thì đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch lại tiếp tục ra ngoài sảnh đứng hoặc kê ghế ngồi trò chuyện với khán giả. Đến khi đã hết câu hỏi thì mới chấm dứt. Tôi thấy rất ấm lòng vì mình chỉ là một khán giả thông thường nhưng được ở một cự ly rất gần với họ. Ít nhất là tôi thấy có 3 buổi như vậy. Và tôi chợt nhận ra họ cũng như mình, tha thiết được lắng nghe, được công nhận với câu chuyện mà họ muốn kể. 

Người khán giả họ có thể họ không có chuyên môn, không có tiền đầu tư bỏ vốn cho phim, không có mối quan hệ để giúp phim quảng bá nhưng họ là thành phần đông nhất. Tổ chức một LHP thiết nghĩ rất nên chú ý vô trải nghiệm người dùng của nhóm này. Nếu khán giả tập hợp được và cùng cất tiếng nói thì sự ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến một đoàn phim là hoàn toàn có thể xảy ra. Ở kỳ tổ chức này tôi không thấy hòm thư nhận ý kiến của khán giả ở đâu hết. Và tôi không biết có tồn tại một nơi như thế không. “Hòm thư” trong ý của tôi là cả vật lý lẫn điện tử. Và nếu có hòm thư thì cần có người thật sự chuyên nghiệp trực (không chỉ am hiểu về phim mà còn giỏi trong mảng chăm sóc khách hàng) để phản hồi hoặc ít nhất là lắng nghe. Tôi có nhắn tin vô fanpage nhưng không hề thấy trả lời. Tất cả đều thông qua hình thức mail tự động. Cá nhân tôi gặp khá nhiều tình huống khó hiểu trong LHP và tự mình xử lý. Đây chính là nguy cơ lớn tạo ra sự giận dữ tập thể. Nếu không có nơi để gởi gắm một cách chính danh và được giải tỏa từ nhân sự của BTC thì nhiều khả năng sẽ có những nhóm tự phát, tự giải tỏa cho nhau và cái gì tiêu cực thì dễ lan truyền. Trong khi đây là LHP lớn của thành phố, cũng là thị trường điện ảnh lớn nhất nước, khác gì những trải qua ở đây cũng là trải qua đại diện cho quốc gia. Tôi nghĩ không thể coi nhẹ công tác xử lý trải nghiệm người dùng.

Trở lại với chuyện đặt vé thì theo tôi hướng giải quyết là sự đồng bộ. Các rạp đều có cơ sở dữ liệu thì BTC nên dùng, tránh tạo ra quá nhiều bước chuyển tiếp gây bất tiện cho khán giả. 

Như năm ngoái, cũng tầm thời gian này, tôi có dự LHP Ba Lan ở Saigon. Đó là một LHP nhỏ, chỉ thuần túy chiếu phim. Họ có 5 phim. Chiếu từng ngày và chuyện đặt vé là mua qua mạng hoặc mua trực tiếp tại rạp. Dù vé miễn phí (vé 0đ) nhưng cũng phải tiến hành đặt mua. Người mua nếu muốn có chỗ ngồi tốt thì phải mua trước nên sẽ cần đăng ký tài khoản và trở thành thành viên của cụm rạp đó. Như vậy đây là tình huống cùng thắng cho BTC và rạp. Khi mua qua hệ thống của rạp thì sẽ ra vé có số ghế rõ ràng. Sẽ không có tình trạng tranh giành, mạnh ai nấy ngồi ở giờ vô rạp. Ai số nào ngồi số ấy. Minh bạch, rõ ràng và công bằng! Đối với nhóm mà khán giả không quen với việc đặt qua mạng (thường là những người lớn tuổi) thì có thể bố trí luôn đường dây nóng hướng dẫn hoặc hoàn toàn có thể làm thay giúp họ luôn. Theo tôi bất cứ cơ hội nào được tiếp xúc trực tiếp với khán giả (tiếp xúc giữa người với người chứ không phải qua máy móc, thuật toán, AI) đều là những cơ hội quý để truyền tải tinh thần của điện ảnh, tinh thần của LHP.

Tôi không biết điều này (sự đồng bộ) có dễ dàng về mặt kỹ thuật hay không. Nhưng theo tôi, đó là cách giải quyết tận gốc cho chuyện không vui trong ngày chiếu Perfect Days.

#vudamnhien

* Cập nhật:
- Tôi sẽ còn mở rộng chủ đề trong một bài khác (có tính chất đánh giá toàn diện về HIFF 2024). 
- Ngày 16.4, BTC HIFF đã gởi thư xin lỗi và tổ chức thêm 1 buổi chiếu "Perfect Days" vào ngày 17.4. Một hành động kịp thời cho thấy sự lắng nghe và thấu hiểu của BTC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét