Trang

30.4.23

6 ý về "Những Đứa Trẻ Trong Sương"

Children of the mist, Những đứa trẻ trong sương, Hà Lệ Diễm, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, phim tài liệu

Sau khi xem phim đủ 2 lần, tôi tiến hành phân tích. Khác với các bài viết trước, lần thực hành này tôi đã đợi một quãng dài để thu thập rất nhiều các bình luận dài ngắn của khán giả đối với "Những Đứa Trẻ Trong Sương" ("Children Of The Mist”, COTM). Thế nên tôi được dịp soi chiếu toàn diện những cảm giác, cảm xúc, tư duy, trực giác của mình.

Khởi ý trong vòng 1 tháng và tập trung viết trong khoảng 1 tuần. Việc viết luôn nặng nhọc và căng thẳng đối với tôi. Trong lần này, tôi chọn không gian công viên. Buổi sáng khi dừng thì đến giờ ăn. Buổi chiều khi dừng thì cũng đến giờ ăn. Quãng đường từ nơi viết đến nơi về ăn, nghỉ là khoảng nửa giờ đi bus. Nếu đi xe đạp thì chọn quãng đường 15 phút. Giãn cách này giúp tôi thăng bằng trở lại. Đợt viết này tôi cũng xem như là lần tự đánh giá kiểm tra năng lực. Tôi tạm chia bài thành 6 ý lớn kèm theo những từ khóa tiếng Anh. 



1.
Chuyện phụ đề (subtitle)


Một trong số những than phiền sớm nhất về COTM là chuyện phụ đề. Có thể tìm đọc trên mục bình luận phim ở IMDb. Tôi còn tìm thấy ít nhất 2 bài than phiền khác ở facebook. Tất cả đều chỉ trích phần chuyển ngữ tiếng Hmong sang tiếng Anh là không chính xác ở một tỷ lệ rất cao. Đó đều là ý kiến của những người Hmong. Khác biệt vùng miền và khác biệt giữa các tộc người Hmong có thể tạo ra tiếng địa phương khác nhau nhưng giữa người Hmong với Hmong họ vẫn nghe ra được và hiểu được những gì người Hmong ở khu vực Sapa nói với nhau trên phim. Và họ không bằng lòng. 

Bản phim chiếu ở Việt Nam mà tôi xem ở rạp không có phụ đề Anh ngữ. Các đoạn thoại tiếng Hmong có phụ đề Việt. Tôi cũng không hề biết tiếng Hmong nên không thể kiểm chứng các chỉ trích đã nêu ở trên.

Ở đây tôi sẽ viết về cảm nhận của mình. Tôi không có bức xúc về chuyện phụ đề phim. Vốn liếng tiếng Hmong bằng 0 khiến bản ngã và sự phán xét của tôi không có cơ hội được hình thành. Nhưng tôi tin rằng từ ngôn ngữ này chuyển sang ngôn ngữ khác thì rất khó để chuyển tải trọn vẹn nội dung câu chữ. Thật may, đây là phim! Tôi còn có ngôn ngữ điện ảnh, còn có ngôn ngữ cơ thể để có các đầu mối khác giúp tôi bớt đi sự hiểu sai về COTM. 

Từ Hmong sang Việt là một chuyện. Đó là phụ đề ở chân màn hình. Còn từ Hmong sang Việt ở ngay trong trí óc của nhân vật thì sao?

Những người Hmong trên phim khi nói tiếng Việt thì họ cũng đang tự phiên dịch cho chính họ. Vốn từ của họ không thật nhiều. Không có từ ngữ hoa mỹ, rất chân phương và nhiều khi có phần ngô nghê. Âm sắc cũng thật khác biệt. Tất cả tạo nên sự thiện cảm ngay tức thì. Nghe một kiểu nói chuyện như vậy, tôi thấy sự chân thật bên trong mình dễ dàng bước ra để chào đón họ. Chắc chắn là cách dùng từ ngữ Việt Nam của họ cũng nhiều lúc không chính xác. Nhưng tôi vẫn thích. Thích nghe. Không hẳn là vì lời nói mà là thích vì được thấy một trạng thái thiệt thà, chất phác đang hiển bày. 

Thử lấy ví dụ là một mẫu thoại trích ra từ phim. Đó là câu mẹ Say nói với Di là sẽ "bán rẻ mày". Tôi không nhớ đây là lúc nói tiếng Việt hay tiếng Hmong. Đây là một câu đùa. Nếu không nhìn ngữ cảnh và ngôn ngữ cơ thể thì sẽ hiểu sai ý nghĩa ngay lập tức. Mà ở đây việc "bán" là bán qua biên giới hay là "bán" trong ý nghĩa số tiền thách cưới? Hơn nữa, "bán", việc mua bán và xa hơn nữa là suy nghĩ về kinh doanh, về tiền bạc, về giàu nghèo trong tư duy của người Hmong khác rất nhiều so với tư duy của người Việt. Thế nên, lối xem phim của tôi không thể chỉ bám chặt vào lời thoại, vào từ ngữ. Còn có những yếu tố quan trọng như đã viết ở trên. Và còn có giai đoạn tìm hiểu thêm sau khi xem phim. 

Được biết, người chịu trách nhiệm cho phần phụ đề của COTM là Má A Nủ (sinh năm 1994). Chắc chắn bạn là người sẽ để ý đến những than phiền về phần phụ đề Anh ngữ hay Việt ngữ của COTM.



2. 
Chuyện đạo diễn tác động vào tâm lý nhân vật, không tôn trọng nhân vật (genres hoặc types)


Đây có lẽ là phàn nàn nổi bật nhất, dễ thấy khắp mọi khu vực có đăng tải những bình luận về COTM. Không còn là người Hmong nữa, rất nhiều người Kinh có nhận định này. 

Tác động ở đây là khán giả chứng kiến nhiều mẫu đối thoại (tiếng ngoài hình) của đạo diễn Hà Lệ Diễm với Di. Họ tin rằng đạo diễn có ý muốn dẫn dắt tư duy và thay đổi suy nghĩ của Di. Thế nên họ cho rằng bộ phim không còn giữ được tính khách quan. Không tôn trọng là ở việc Di bảo Diễm dừng quay nhưng Diễm vẫn tiếp tục ghi hình. Điều này dẫn tới sự chất vấn về ứng xử, về mặt đạo đức làm nghề.

Một lần nữa, tôi không bận tâm quá nhiều về chuyện này. Khi đối diện với những phàn nàn kiểu này thì tôi ngay lập tức nghĩ đến việc cần phải định danh dòng phim hay thể loại phim (genres hay types) trước đã.

Khi phân nhánh phim tài liệu, có ít nhất 6 thể loại. COTM rõ ràng là một phim tài liệu quan sát (observational documentary). Sự phân nhánh là dựa vào những đặc trưng của từng dòng phim nhưng tôi nghĩ điều đó không có nghĩa người đạo diễn sẽ tự giới hạn mình trong những thủ pháp đặc trưng của mỗi dòng. 

Ở COTM, phim có lời dẫn nhập ngoài hình ở đầu phim. Đó là một thoáng qua khiến tôi nhớ đến thể loại tài liệu mô tả (expository documentary) rất phổ biến, nhất là trên truyền hình. Tiếp nối mạch phim, một số đoạn đạo diễn trò chuyện (ẩn mặt) với nhân vật chính và đặc biệt là tình tiết ở cuối phim, rõ ràng có sự tham gia của đạo diễn (vẫn ẩn mặt). Ở những phút như vậy trong thời lượng, với việc (cố ý) cho thấy sự tham gia của đạo diễn và cách đạo diễn tác động vào mạch phim, bộ phim đã mang dáng dấp của một phim tài liệu tương tác (interactive documentary). Hẳn nhiên, COTM không phải là một tác phẩm lai giữa 2 dòng. Việc đạo diễn lùi sau màn hình, giữ một khoảng cách nhất định và để nhân vật chính giữ vai tâm điểm vẫn là thủ pháp chủ đạo. Cho nên tôi đánh giá dẫu có một số pha tương tác, COTM vẫn là một phim tài liệu quan sát.

Hiện thực trên một tác phẩm điện ảnh tài liệu theo tôi luôn luôn có tính chủ quan. Việc chọn khung hình nào, sự kiện nào, việc chọn cắt dựng đoạn nào, bỏ đoạn nào rõ ràng đã mang theo cái tôi cá nhân của đạo diễn trên thực địa hoặc đạo diễn trong phòng biên tập phim. Thế nên phim có khách quan hay không, đạo diễn có tham gia vào quá trình làm phim hay không, những câu hỏi dạng này thật sự rất kỳ lạ, chúng không bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi. Điều tôi quan tâm là ý nghĩa dụng công. 

Trường hợp COTM, người dựng phim là Swann Dubus đã không cắt bỏ những đoạn có tính chất tương tác. Trong một phim thuần quan sát nhưng tính tương tác được giữ ở một vài phân đoạn. Ý nghĩa ở đây là gì? Điều đó hé lộ gì về liên hệ giữa Diễm và Di? Có điều gì ngụ ý về tác động của cái tôi chủ quan của đạo diễn đối với hiện thực của phim? Những câu hỏi này mới là điều tôi để tâm.

Về chuyện một khi đã có yêu cầu dừng ghi hình từ phía nhân vật nhưng đạo diễn vẫn tiếp tục. Diễn biến này phụ thuộc vào 2 bên. Đó là câu chuyện nội bộ. Chắc chắn giữa họ đã có sự đồng thuận. Từ lúc ghi hình, cho đến phòng dựng hậu kỳ rồi phát hành là một quá trình dài. Tôi nghĩ giữa đạo diễn và những người được quay đã có nhiều phiên làm việc để đi đến sự đồng thuận. Hơn nữa hãy thử xét lại thật kỹ đoạn phim này. Theo tôi, động tác máy không dừng theo ý kiến của Di có sự đồng nhất với ý nghĩa của cảnh phim. 

Khán giả ở thời điểm này nhìn chung theo tôi quan sát là có một số cá nhân rất dễ nổi giận. Mạng xã hội giúp lan nhanh và biến đó thành một cơn giận tập thể. Nguyên do cơn giận có thể dấy lên chỉ từ một câu thoại, một cảnh phim. Cơn giận còn có thể có nguồn gốc từ những chấn thương tâm lý chưa lành từ trước hoặc từ một trong ba mặc cảm phổ biến. 

Ở trong kinh nghiệm của mình, để đối trị với những trạng thái tiêu cực như thế này khi tiêu thụ một văn hóa phẩm, cách của tôi luôn là truy cứu từ types của phim ở mặt tổng quan và đến từng cảnh thì sẽ xét đến ẩn ý (subtext). Nếu một điểm chạm thị giác khiến tôi khó chịu trong cảm xúc và suy nghĩ thì tôi lui ra, tìm cách nhìn tổng thể tác phẩm rồi mới xét lại tiểu tiết. 



3.
Chuyện nội dung. Phim về tục kéo vợ. (DNA, logline)


Đây là một bình luận phổ biến. Rất nhiều tranh cãi chỉ xoay quanh chủ đề kéo vợ.

Tôi lại suy nghĩ khác. Đúng là việc kéo vợ có xuất hiện trên phim. Nhưng kéo vợ không phải là nội dung chủ đạo. Càng không phải là chủ đề hay tư tưởng của COTM.

Bản thân tôi không hiểu nhiều về tục kéo vợ. Khi xem phim, điều thu thập rõ ràng nhất với tôi là kéo vợ chỉ là một phần nhỏ nằm trong mối liên kết tình yêu, hôn nhân và gia đình của người Hmong. Từ một cái nhỏ rất được quan tâm và thường xuyên gây tranh cãi ngay trong nội bộ người Hmong đến một cái lớn hơn, rộng hơn.  Sự khai mở tầm nhìn này là một điều mà bộ phim đã làm được và tôi nghĩ là đã làm rất tốt. 

Để có thể trả lời rốt cuộc đây là phim về cái gì tức là xét đến DNA của cốt truyện, tôi thực hành viết logline của phim. Cũng phải mấy lần xé nháp mới viết được. Tuy chưa ưng ý nhưng tôi tạm dùng để phân tích COTM:


"Sau khi bị bắt (tục kéo vợ) ở lễ hội mùa xuân tại Sapa, Di (15 tuổi, một cô gái Hmong ngây thơ) phải đối diện với hôn sự mà cô chưa thực sự sẵn sàng và tìm cách giữ quyền tự quyết đời mình.”


Trước khi viết logline, tôi đã làm 2 bài tập về việc xác định cấu trúc phim và đường dây tâm lý nhân vật trung tâm. Nhưng phải đến khi viết logline thì mới có thể nhiều phần khẳng định COTM là một phim về tâm lý lứa tuổi, phim về sự trưởng thành. 

Có những ngưỡng quan trọng trong đời người như là sự sinh ra, sự chết. Ở giữa đó là các lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, trung niên… Rồi có tuổi vào đời, tuổi lập thân, tuổi thành thân. Ở từng ngưỡng tuổi luôn cần phải đưa ra các quyết định quan trọng và tâm lý ở trong một trạng thái hỗn loạn, khủng hoảng trước khi có quyết định sau cùng. Đây là chất liệu hiện thực có nhiều tính kịch mà các nhà làm phim thường khai thác.

Trường hợp COTM thì ngay khi đang ở ngưỡng dậy thì, tuổi đi học nhưng nhân vật chính đã phải đối diện với chuyện kết hôn (tuổi thành thân). Tâm lý lứa tuổi, sự vượt qua xung đột ở ngưỡng phân kỳ lứa tuổi mới là nguyên mẫu cốt truyện. Đây mới là gốc rễ. Còn kéo vợ chỉ là hoa lá cành. Nhờ đặc tính nguyên mẫu nên phim mang tính phổ quát, có cái chung để khán giả dễ tiếp cận. Các yếu tố như kéo vợ nói riêng và văn hóa Hmong nói chung là phần nổi, là cái riêng tạo nên sự khác biệt cho phim. Như vậy, khi xem COTM, nhờ một số bước thực hành như trên, tôi hình dung cái chung và cái riêng, cái gốc và cái ngọn trong nội dung phim này. Thế nên, việc bàn quá sâu vào tục kéo vợ theo tôi chỉ là bước nên làm sau đó. Trước tiên cần xét kỹ đến nguyên mẫu cốt truyện, cấu trúc cũng như những yếu tố nội tại của tác phẩm. 


4. 
Chuyện nhân vật trung tâm. Không thể đồng cảm với nhân vật trung tâm. (protagonist)


Có một số khán giả Hmong hải ngoại (nói tiếng Anh) không thích Di và một khi đã không thích nhân vật trung tâm thì họ cũng không thích phim này. Số lượng không biết bao nhiêu. Nhưng đã có ít nhất một bài dài bày tỏ sự phẫn nộ. 

Luồng dư luận này khiến tôi thêm một lần nữa hiểu được tầm quan trọng của một việc. Đó là làm gì làm nhất quyết phải tạo được sự đồng cảm (và tốt hơn nữa là trạng thái tâm lý tự đồng nhất) nơi khán giả với nhân vật chính. 

Sự chê bai có nguyên do phần lớn là khán giả không thể kết nối với nhân vật (sau đó là sự phát triển tâm lý của nhân vật) trong phim. Kết quả này cần phải xét từ 2 phía người xem và bộ phim.

Tôi dò lại phản ứng của mình. 

Tôi không thật sự quá yêu thích phim này. Điểm số dành cho phim là 7/10. Xem sau 2 lần thì vẫn không đổi. Khác biệt về dân tộc, khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa đã gây cản trở ít nhiều. Nhưng cản trở thật sự là khác biệt về giới tính và về độ tuổi.

Sự kết nối trong tôi dù không rõ rệt nhưng vẫn diễn ra. Về đồng cảm và xa hơn là đồng nhất thì không có. Đó không phải là phản ứng tự nhiên ở mặt cảm xúc. Phải cố tư duy mới có. Sự thích thì không nhiều. Sự hiểu thì sau đó dần dần xuất hiện.

Giờ thì xét phim, COTM có kết cấu khá cân đối. Phim có nhân vật trung tâm và hành trình nhân vật rất rõ ràng.

Sau khi xem lần đầu, tôi suy nghĩ nhiều về nguyên mẫu nhân vật thì thấy Di phảng phất hình ảnh của Persephone trong thần thoại Hy Lạp. Có thể không cần biết về cốt truyện liên quan đến Persephone. Vấn đề ở đây là nguyên mẫu tâm lý nhân vật. Di hay Persephone là đại diện cho mẫu thiếu nữ thơ ngây. Họ nhìn đời có phần đơn giản, chưa biết cách ra quyết định và cam kết rõ ràng. Họ ham chơi, thích tự do…

Phim tài liệu đương nhiên không có hư cấu. Thế nên Di là "the maiden" trong đời thực. Xem Di tôi có thêm dữ liệu về nguyên mẫu này. Nỗi sợ hãi, các mối quan tâm, động lực, sự chuyển hóa trong tâm lý Di cho tôi những thông tin sống động để bổ sung vào hồ sơ "the maiden". Sự thích thú của tôi là nằm ở điểm này.

Hồi 1 của tác phẩm cho tôi một cảm giác đạo diễn rất dày công trong việc thiết lập điểm xuất phát trong hành trình nhân vật. Đầy đủ 3 không gian trường - nhà - vườn hiện lên. Di trong lao động, Di trong học tập, Di trong nếp nhà. Thế giới vật lý thiết lập đầy đủ. Thế giới tâm lý nổi bật là chuyện yêu đương đậm tính ẩm ương của tuổi mới lớn. Hà Lệ Diễm sử dụng nhiều các chuyển cảnh của mùa màng, cỏ cây và sinh hoạt để ẩn ý về sự đổi thay dần dần trong thân tâm của một cô gái từ giai đoạn thiếu nhi sang thiếu nữ. Di có xu hướng được xây dựng như là một nhân vật xám. Trong sự thiết lập này, có một diễn biến rất đặc biệt. Đó là Di, một cô bé dân tộc thiểu số có gốc rễ bản địa nhưng khi tiếp xúc với Internet (báo đài chuyên mua bán kinh doanh chuyện đời tư) thì bắt đầu có biểu hiện của một người bị Kinh hóa.

Câu chuyện về Di như vậy đã được xây nền rất kỹ, thậm chí có thể nói là dư. Vì ngoài Di còn có thêm sự giới thiệu về gia thế và sinh hoạt cộng đồng của người Hmong. Ở bài trước, tôi đã đề cập đến phân đoạn trò chơi trên núi. Theo tôi đó chính là phần hình chất chứa chủ đề tác phẩm. Mở đề, trình đề, giới thiệu, những bước cơ bản trong nghệ thuật tự sự được sắp xếp mạch lạc. Thế quân bình của câu chuyện được thiết lập để chờ điểm nổ. Và đó là sự kiện lễ hội mùa xuân. Sự thăng bằng của cốt truyện chao đảo. Từ đây bánh xe câu chuyện thật sự khởi lăn và tiến nhanh vào hồi 2.

Chỉ mới nhìn vào cấu trúc hồi 1, tôi đã thấy sự hoàn thiện và chăm chút kỹ lưỡng của người làm phim. Chưa kể đến một lượng lớn thông tin về thế giới quan của người Hmong nói riêng và sự thực hành vượt qua khủng hoảng tuổi thiếu niên trong tiến trình thành nhân càng về sau càng đặc sắc khiến phim vừa có giá trị xã hội mà cũng không hề thiếu tính giải trí. Thật khó để có thể cho điểm thấp phim này! Vấn đề còn lại là sự đồng cảm. Làm sao để có thể đẩy mạnh được thật sự phản ứng đồng nhất nơi người xem ở đủ mọi độ tuổi? Vẫn còn có thể nâng cấp hay phim đã đạt tới ngưỡng không thể làm gì hơn? Cần thêm thời gian mới có thể trả lời. Hiện tại, tôi mới chỉ đi được đến bước "giải phẫu" hồi 1 và truy nguyên nhân của trạng thái không đồng nhất với nhân vật trung tâm. Trong lúc đợi suy tư chín muồi, một giải pháp là tôi sẽ tìm một tác phẩm kinh điển có nguyên mẫu cốt truyện tương tự và xem người kể đã trải qua thao tác nào để khiến cho người xem say mê quên mình.


5. Chuyện đoạn kết (finale)


Cốt truyện luôn cần một trục ngang (xương sống) để nhân vật biểu đạt sự chuyển hóa tâm lý từ đầu đến cuối phim. Trên trục ngang này có những điểm quan trọng. Điểm mở, điểm kết là 2 đầu tương phản. Các điểm bên trong tôi quan tâm gồm điểm nổ, điểm chạy, điểm giữa, điểm rơi, điểm bật, điểm chết. Có thể chia thành 3 điểm, 5 điểm, 12 điểm… Chia càng nhỏ càng dễ phân tích phim. 

Khán giả COTM bình luận rất nhiều đến đoạn kết của phim. Ứng với sự hiểu của tôi là điểm chết. Ở đây sự quan tâm của khán giả là động tác máy. Đạo diễn Hà Lệ Diễm như đang lao vào sự kiện của phim và bị ngăn cản nên khung hình rung giật một lúc. Một thoáng giây của hỗn loạn. Và rất nhiều người cho rằng với hành vi này cùng một số khác đã được ghi nhận từ đầu phim thì Diễm đã can thiệp sâu vào phim. Điều này tôi đã viết ở phần 3. Ở đây không viết lại. 

Thêm một luồng ý kiến nữa. Khán giả cho rằng đạo diễn không hiểu văn hóa Hmong nên mới có phản ứng. Người nhà của Di đứng yên như chờ chính Di ra quyết định. Cớ sao Diễm lại xen vào? Từ đây thổi bùng lên những chỉ trích và có thể tạm phân thành 2 ý chính nổi bật. 

Thứ nhất, chiếm dụng văn hóa. Một người Tày kể chuyện của một người Hmong tức đã xảy ra việc chiếm dụng văn hóa. Để tránh rơi vào những diễn đạt bề mặt, phiến diện thì người kể chuyện cần phải nghiên cứu rất sâu về văn hóa mà họ định kể. Nếu không hiểu rõ hoàn cảnh và đối tượng, ý tốt trở thành phản tác dụng.

Thứ hai, mặc cảm (complex) hơn người. Có nơi ghi rõ mặc cảm "cứu tinh của người da trắng" (White Savior). Tôi hiểu giản lược đó là trạng thái bề trên, ý thức hoặc vô tư tin rằng mình là người hùng và đối tượng được kể là con tin, là nạn nhân cần được mình giải phóng. Mặc cảm này chuyển sang COTM có thể tạm hiểu là mặc cảm “người Kinh thượng đẳng”.

Đây là 2 ý nổi bật không chỉ dành cho COTM mà là 2 dạng bình phim rất phổ biến ở thời này. 

Một lần nữa, theo tôi cần xét trước tiên đến nội tại của bộ phim. Những chuyện như trên dù rất lý thú thì xếp sau. Phim có thể được nhìn ở tư duy nhân học, tâm lý học… Nhưng phim cần được xét ở nghệ thuật kể chuyện bằng hình để lấy ra tư duy đơn ngành. Các ngành bên ngoài có thể góp ý để có thêm tư duy đa ngành. Rồi từ đây tìm được sự liên hệ để tiến tới tư duy liên ngành. Phim và người xem ảnh hưởng lẫn nhau. Và cần định ra thật rõ sự giao nhau ấy là gì trước khi có những luồng tư duy đa ngành xen vào.

Về ý nghĩa chiếm dụng văn hóa, theo tôi đây là một lời nhắc nhở rất cần thiết để bất kỳ ai khi thực hành sáng tác đều phải trải qua giai đoạn nghiên cứu nghiêm túc. 

Trở lại với Diễm và văn hóa Hmong, thời gian Diễm đi thực tế là 3 năm. Trong từng tháng bạn có ít nhất 1 tuần sống cùng gia đình Di. Mức độ như vậy là rất sâu. Nhưng tôi không nghĩ 3 năm là đủ để hiểu một nền văn hóa. Và tôi cũng không kỳ vọng Diễm chỉ trong 3 năm đã trở thành một người Hmong chính hiệu. Xem phim, tôi chỉ thấy tình thương mà Diễm dành cho Di và gia đình. Tình người dẫn đường cho tất cả. Tôi không có nhu cầu khắt khe chất vấn về vốn hiểu biết của Diễm.

Chính vì tình người nên trong đoạn kết phim, khi cao trào nổ ra, có thể nói là giây phút sinh tử giữa một Di - tự do, tự quyết và Di - an phận hay là Di - được đi học và Di - phải lấy chồng quá sớm trong mắt Diễm, trong một sự giằng co của số đông đối với mỗi mình Di thì theo tôi khi đó Diễm đã ở trong trạng thái tự đồng nhất (Identification). Diễm và Di là một. Theo phản xạ tự nhiên, Diễm (vẫn chỉ là một người ngoại tộc) nhìn vào tình huống thì cho rằng là nguy hiểm nên phản kháng.

Cũng trong cảnh này, tôi thấy rằng khung hình rung giật cũng là góc nhìn của Di, phản ánh tình trạng tâm lý của Di. Khoan vội phân tích vào tâm lý đạo diễn, yếu tố hình, sự chuyển động của camera (một tai nạn va đập) lại diễn đạt đúng chức năng tâm lý và chức năng cấu trúc của đoạn kết tác phẩm.

Không ai có thể độc quyền tư tưởng. Sẽ có khán giả nghĩ khác tôi hoàn toàn. Họ thấy một cô gái Hmong bị quăng quật, tha lôi, bị định giá như một món hàng. Mặc cảm không bằng người bên trong tâm lý của khán giả được kích hoạt và dẫn họ đi rất xa, đến với những kết luận thời thượng ở trên. Nhưng hãy trở về với câu hỏi cốt lõi. Đây là câu chuyện của ai? Đây đâu thể nào là câu chuyện của Diễm để rồi Diễm phóng chiếu mặc cảm hơn người và thể hiện hành trình của Diễm giải cứu Di! Đây là chuyện của Di. Và sau cùng chính Di phải vươn vai, thẳng người để xác lập một kết cuộc. Người Hmong giải quyết chuyện người Hmong. Cô gái thơ ngây có quyền tự quyết chuyện hôn sự và cô không thể tránh né, chạy trốn. Và một khi cô đã lên tiếng xác quyết thì không ai có thể cưỡng ép. Bài học của Di không chỉ đơn thuần là nói to có hay không mà còn là có hay không làm sao để giữ được thể diện cho những người liên quan. Định hình cái tôi tự do. Không chỉ có vậy mà còn là hòa điệu giữa cái tôi cá nhân ấy với các cái tôi cá nhân khác, với cái tôi tập thể (cái tôi gia đình 2 bên).

Ý niệm về một bản ngã để rồi có mặc cảm so sánh hơn kém bằng. (A). Hay một tâm điểm đã được thiết lập, phát triển và giải quyết trong COTM. Đó là sự thành toàn của một bản ngã non nớt trong tình yêu và mơ hồ trong căn tính (B). Chọn A hay B, sự lựa chọn thứ bậc suy xét là tùy thuộc người xem.


6. Chuyện uống rượu (Cups)


Thêm một phản ánh nổi bật về COTM. Đó là hình tượng người cha nát rượu.

Khi xem lần đầu, tôi cũng có một ấn tượng không tốt với người cha của Di, anh Má A Pho. Thời lượng xuất hiện của anh không nhiều nếu so với vợ và thường gắn liền với việc say xỉn. Tuy nhiên đến khi xem lần 2, ấn tượng của tôi trở về mức trung tính. 

Nhắn đến (bia) rượu, bản thân tôi là người xa lánh. Tuy nhiên tôi hiểu rằng rượu là một chất dẫn quan trọng việc thiết lập quan hệ xã hội. Đặc biệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số, điều này càng rõ ràng. Qua những chuyến đi, các lần tiếp xúc và trò chuyện, tôi thấy rằng người dân tộc họ uống rượu rất nhiều, ngay trong ngày, chứ  chưa cần đến buổi đêm và là ngày thường chứ chưa cần đến dịp lễ lạt. Muốn kết thân, muốn tìm hiểu đời sống của họ, rượu là phương tiện. Bằng không, chỉ có thể lấy được thông tin qua người trung gian (uống rượu thay mình) tức là đã không còn sự trải qua kinh nghiệm trực tiếp. Không chỉ là chất xúc tác khiến cơ chế phòng thủ trong giao tiếp bị giảm trừ, rượu đi liền với ca hát còn là cách một cá nhân giải tỏa những căng thẳng tâm lý, những dồn chứa bị giam hãm bởi lý trí. Đương nhiên trong nhiều trường hợp rượu luôn bị lạm dụng, gây ra nhiều hệ lụy.

Ở COTM, rượu khiến tôi liên tưởng đến bộ Ly (Cups) hay là nguyên tố  nước. Đỉnh cao hình ảnh của rượu có lẽ là ly rượu chia tay. Rượu có mặt trong những thời khắc quan trọng nhất trong hành trình nhân vật. Và suốt chiều dài phim, rượu đã xuất hiện với đầy đủ tác dụng như đã liệt kê ở trên. Cả 2 mặt phải trái của rượu đều được diễn bày. Hình ảnh say xỉn của những người cha và cả người mẹ vì vậy chỉ là một phần thuộc về mặt trái.

Trở lại với cấu trúc phim, sau khi sang hồi 2, một người  giữ vai trò nguyên mẫu “người thầy” cần xuất hiện để hỗ trợ cho nhân vật trung tâm. Trong COTM là mẹ Say. Thông thường con gái sẽ liên kết với bố để tạo thế đồng minh. Nhưng với gia đình Di, điều này không xảy ra. Sự hỗ trợ của bố Phò trong tiến trình thành nhân của Di cũng có nhưng ít hơn mẹ Say nhiều. Thế nên có cảm tưởng người cha mờ nhạt hơn và những hình ảnh say xỉn hay câu thoại cợt nhả dễ gây ấn tượng và khiến người xem quên mất sự đóng góp của người cha, người mà tôi nghĩ có khi sự hiện diện (trong tình trạng tỉnh táo) không thôi cũng đã là một sự nâng đỡ.

Gia đình Di tôi thấy rất tuyệt vời. Bố Phò hoàn toàn có thể cùng mẹ Say tạo nên thành một cặp nguyên mẫu "the mentor" cho "the maiden" Di. Tuy nhiên, có thể Diễm không muốn và cũng không có đủ dữ liệu về hình để biên tập. 


#vudamnhien
30.4.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét