28.3.23

HÀNH TRÌNH NGƯỜI XEM "CHILDREN OF THE MIST"

Children of the mist, Những đứa trẻ trong sương, Hà Lệ Diễm, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, phim tài liệu

1. Thời gian viết bài cảm nhận


Chiều thứ 3 là buổi xem phim đầu tiên. 


Ý tưởng viết thành một bài cảm nhận ẩn hiện trong tâm tư trong thứ 4, thứ 5. 


Tôi dành một ngày (thứ 6) đọc thêm các nguồn thông tin tham khảo. 


Tiếp theo là dành ra 1 ngày (thứ 7) để soạn bài. 


Tôi đăng bài vào tối cùng ngày.  

Tạm đặt tựa là “Con đường tình mù sương”.


Sau khi rà soát, tôi chỉnh sửa 2 lần. 

Lần 1, sửa "coj nyab" thành "coj nyaab".

Lần 2, sửa “H’mông” thành “Hmong”.



2. Đánh giá trên IMDb 


Vào thứ 5, tôi chấm phim 7 điểm trên thang 10 của IMDb. Nếu là thang 5 thì tôi chấm là 3,75. 


Cảm nhận ngắn, ban đầu về phim này của tôi như sau:


"Rich content, not cultural appropriation, an inside look at the bride kidnapping custom of Hmong people. A young girl who chose a thorny and beautiful path to the misty summit:  Free will."


Đoạn này tôi nghĩ nhanh và sau đó biên tập lại từ google translate. Có lẽ còn chưa chuẩn về câu từ. Khi viết tiếng Anh tôi vẫn thường bối rối trong việc dùng mạo từ a hay the. Dù ngoại ngữ hạn chế nhưng tôi cũng không ngại đặt đoạn nhận xét này lên instagram. Tôi xem đây như mốc điểm đầu tiên để phát triển thành bài viết về sau.



3. E ngại về cultural appropriation


Thuật ngữ này dường như rộ lên trong thời gian gần đây. Cách đây ít nhất 4 năm tôi đã tiếp xúc với thuật ngữ và nội hàm của "chiếm dụng văn hóa" thông qua nhiều bài của nhà văn Viet Thanh Nguyen.


Tôi hiểu giản dị "chiếm dụng văn hóa" là việc một người đến từ một ngôn ngữ khác, văn hóa khác, dân tộc khác (có tính áp đảo với phía còn lại) nói thay, viết thay tâm tư của người bản địa. Và thông thường mặt trái của diễn tiến này là việc nói, viết không chính xác, có khi sai lệch hoàn toàn. Nói, viết là mô tả giản lược vì thật ra còn rất nhiều hoạt động khác. 


Bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" do một đạo diễn cùng là dân tộc thiểu số như nhân vật trung tâm của phim. Hà Lệ Diễm là đạo diễn hiện trường. Còn Swann Dubus (Pháp) là đạo diễn (biên tập) trong phòng dựng hậu kỳ. Thử thách cho những nhà làm phim ngoại tộc là làm sao thuyết phục được khán giả Hmong.


Còn đối với tôi - người xem, thử thách là luôn phải xét mình để không rơi vào bẫy tư duy “cultural appropriation” trong việc cảm thụ phim. Hiểu biết của tôi về “chiếm dụng văn hóa” còn rất đơn sơ nên đây là dịp tốt để tôi trở lại và đào sâu vào chủ đề này. 



4. Lý do muốn viết một bài cảm nhận hoàn chỉnh


Khi xem phim lần đầu, tôi nhìn thấy thấp thoáng hành trình anh thư (heroine’s journey) và nguyên mẫu “nữ thần mùa xuân” Persephone trong Di, nhân vật trung tâm của phim. Điều này khiến tôi khá hứng thú.


Tôi cũng nhớ đến một trang viết trong quyển “Miền đất huyền ảo” (Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2003). Nội dung của trang mô tả về những nguyên mẫu trong một cộng đồng tộc người thiểu số ở khu vực Tây Nguyên. Với tôi, đó có lẽ là trang quan trọng nhất và cực kỳ hữu dụng vì nhờ đó tôi học được một kỹ thuật để tìm hiểu một cộng đồng.


2 kỹ thuật: Một xoáy vào structure, protagonist của phim. Hai xoáy vào archetype của Nhân học. Chúng bắt đầu xoay quay trong trong tâm trí. Chỉ xem 1 lần theo tôi là chưa đủ trải qua để viết thành 1 bài cảm nhận phim. Nhưng rồi thì khi soạn bài hôm thứ 7, chữ cứ chạy. Cuối cùng tôi có 1288 từ.



5. Các nguồn tham khảo vào thứ 6


- Để có cái nhìn tổng quan về người Hmong, tôi tra trên wikipedia.


- Để hiểu về thể loại tài liệu quan sát, tôi tra thông tin trên mạng. Tôi cũng đọc lại phần nội dung liên quan đến thể loại này trong quyển “Nghiên cứu phim” (Warren Buckland, Phạm Ninh Giang dịch, NXB Tri Thức, 2011).


- Về tập tục “coj nyaab”, tôi đọc các bài liên quan trên trang của Tuam Khaab.


Tôi cũng đã liệt kê một số đầu sách văn hóa Hmong. Tôi sẽ đọc dần vào các tuần sau. Danh sách trước mắt có 2 quyển. "Những đỉnh núi du ca (một lối tìm về cá tính Hmong)" và "Dân Ca Hmong". Một quyển về tiếng Hmong. Ít nhất 3 quyển do chính người Hmong viết về văn hóa, lịch sử của họ. Có lẽ tôi sẽ đọc một tiểu thuyết của Ma Văn Kháng.


- Tôi đọc 1 bài điểm phim "Đi qua sương mù, tới bầu trời tự do" và 1 bài phỏng vấn Di "Trong 3 ngày, em chỉ nghĩ mình phải tự do" của Nghĩa Dũng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số ra cùng này thứ 6 (17.3.2023). Có lẽ ở thời điểm này, 2 bài trên đã được đưa lên báo điện tử.


Theo tôi để có một bài điểm phim 1.000 từ thì ít nhất nên đọc khoảng ở ngưỡng 10.000 từ tư liệu từ các nguồn khác nhau. Đây là bước nghiên cứu cần thiết để không đi vào hướng tiêu cực của chiếm dụng văn hóa. Trong tuần đầu xem phim, tôi tránh các dạng bài điểm phim. Đến tuần thứ hai, sau khi xem phim được 2 lần, tôi sẽ bắt đầu đọc các bài đó. Tôi mong phim giữ được sự hứng thú của tôi thật lâu để tôi còn có thể tiếp tục hướng đến mục tiêu 10.000. Nếu không, tôi dừng sau tuần 2.



6. Chủ đề phim nằm ở đâu?


Trong bài “Con đường tình mù sương”, tôi đã nhắc đến hình ảnh mang tính chủ đề của phim. 


Sau khi xem phim lần II vào chủ nhật, tôi suy nghĩ lại. Hình ảnh đó đã rơi ở hồi 2. Đó có lẽ là phần đánh đầu chuyển tiếp sang hồi 2 hoặc đã thuộc hẳn về hồi 2. Thường thì chủ đề phim được cài cắm sớm hơn. 


Hình ảnh mà tôi mang ra phân tích chỉ là một sự nhấn mạnh hoặc phát triển từ chủ đề đã được nêu ra ở hồi 1. Hay thật ra nó có thể thuộc về mạch phụ chạy song song với mạch chủ đạo của phim.


Vậy yếu tố hình nào của phim đã ẩn tàng chủ đề tác phẩm? Theo tôi, đó là đoạn các em nhỏ chơi trò kéo dâu.


Các dạng trò chơi nhập vai là một điều kiện cần thiết trong quá trình hình thành nhân cách. Và đối với những trường hợp gặp chấn thương tâm lý trẻ em thì trò chơi nhập vai lại rất hữu hiệu trong lộ trình trị liệu. Phụ huynh rất cần phải học để hiểu nguyên lý rồi từ đó thực hành và có năng lực tự chế hoặc biết các dạng trò chơi nhập vai nào có thể dùng được để giúp con em mình hoặc tự chữa lành cho những chấn thương của chính mình. 


Trong bộ phim này, tôi thấy các em tự chơi với nhau. Phụ huynh vắng mặt. Các em chơi theo một hình thức tự phát, có tính ngẫu hứng nhưng hoàn toàn logic vì đó là những trải qua mà các em chứng kiến thường xuyên và là một dạng cảm xúc, tình cảm rất mạnh. Các em đã bị thu hút nên giờ tái lập lại thành một trò chơi trong quá trình định hình bản ngã. 


Con nít chơi trò người lớn. Và Di trong phim cũng có nhiều giây phút khiến tôi thấy em lúc thì là con nít, lúc thì là người lớn. Em cứ đi qua đi lại giữa 2 lứa tuổi trong lúc phải đối mặt với một quyết định hệ trọng: kết hôn. Và đặc biệt là cha mẹ Hmong trao quyền cho con cái. Đương nhiên là họ không hề vắng mặt. Họ vẫn có đó, vẫn dõi theo nhưng mức độ trao quyền là rất lớn. Và đây là điều thật đáng suy ngẫm.


Trong quá trình trưởng thành về mặt nhận thức ở các độ tuổi khác nhau của con em, phụ huynh nên xuất hiện (và can thiệp) ở một mức độ là bao nhiêu? Đây một trong nhiều câu hỏi ở lại trong tôi sau khi xem phim này 2 lần. 



7. Chiếc điện thoại màn hình chạm


Quan sát từ phim và các chuyến đi thực địa ở Tây Bắc, Đông Bắc, tôi thấy trẻ em ở đây có một vùng không gian hoạt động rộng lớn hơn rất nhiều so với trẻ em thành thị. Nếu nhận định có phần chủ quan thì tôi có thể so các em với chính tôi. Các em vận động nhiều hơn rõ ràng. Từ nhà, đến vườn, đến trường, đến đồng lúa, đến núi đồi. Cả một vùng trời cho chân sải bước. Cảm giác và vận động tương hỗ. Các em lại ở độ tuổi phát triển nên càng vận động thì trí óc, cảm giác càng được kích thích. Lại còn tham gia lao động từ sớm nên nhận thức lại càng tăng tiến.


Giờ đây lại có điện thoại di động và sóng Internet. Nhà nghèo cỡ nào nhưng điện thoại màn hình chạm thì ai cũng có. Hình ảnh Di bên bếp lửa và tiếng ting ting của tin nhắn bạn trai là một thông điệp khá rõ ràng. Sự liên lạc với bạn đồng lứa dễ dàng và từ đó một thế giới tri thức lẫn tiêu thụ, lành mạnh lẫn dục lạc bày ra ngay trước mũi.


Tuổi dậy thì đến và nhiều khi là đến rất sớm, được đẩy nhanh hơn trong một bối cảnh như đã mô tả. Câu hỏi lại lập lại: Khi mà bản ngã sẽ phóng chiếu ra thế giới bên ngoài để tìm cách tự khẳng định thì vòng tay cha mẹ sẽ siết và thả ra sao để các em không rơi vào tai nạn? Chủ đề này chắc hẳn không phải là chuyện của một gia đình Hmong.


#vudamnhien

28.3.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét