11.12.22

Sau 2 lần xem "Tro Tàn Rực Rỡ"

Mai Thế Hiệp, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Ngọc Tư, Juliet Bảo Ngọc Doling, Tro Tàn Rực Rỡ, Củi Mục Trôi Về, Góc Nghệ


1. Lần xem đầu

Đã nghĩ “Tro tàn rực rỡ” khó mà trụ lâu ở rạp nên đến tuần 2 của phim tôi đã mua vé để xem. Mua qua ví điện tử, đến cửa quét mã mà không có in ra vé giấy. Lần xem đầu để lại trong tôi một cảm giác lưng chừng. Chắc chắn là không hề thích thú, có phần hơi nghiêng một chút về sự bực dọc và chán nản. Nhưng chưa thể nào chuyển hẳn thành tình cảm ghét bỏ.

Sau đó lên mạng, tôi có ý đi tìm kiếm những bài có tính phê bình. Nhưng đọc nhanh thì thấy một là ngợi ca quá đà. Hai là nếu có chê thì cũng nhắm vào những điều tôi không mấy quan tâm.

Năm nay tôi xem phim Việt không nhiều. Mỗi tháng đặt ra “hạn ngạch” chỉ xem 1 phim nên thường bỏ qua phim Việt. Năm nay có phim “Đêm tối rực rỡ” (Ui chà, lại “rực rỡ”, năm nay không hiểu tại sao xuất hiện khá nhiều “... rực rỡ” dễ khiến tâm lý tiêu thụ văn hóa phẩm bị bội thực và dị ứng), tôi thấy rất được. Và đến “Tro tàn…” thì đúng là đã tạo nên 1 cặp phim Việt rất xứng đáng đến rạp trong năm nay.


2. Sức khỏe tâm lý không tốt thì không nên xem phim này

Lần 2 của tôi thì rạp này có in thành vé sau khi quét mã QR nên tôi có tấm vé quý kỷ niệm và giữ lại để có ảnh chụp đầu bài.

Đến lần 2 xem phim thì tôi nghĩ trạng thái bực và nản của tôi đã được đền bù. Đây là phim bi kịch, hành trình phát triển nhân vật đi theo hướng hạ. Tăm tối và không lối thoát như vậy thì đúng là không nên xem phim nếu sức khỏe tinh thần không khang kiện. Nếu tâm lý tiêu thụ phim ảnh vững vàng thì cũng dễ rơi vào sự ức chế với chiều chuyển động của truyện phim. Chẳng phải vì đoán được điều trên nên đạo diễn đã cài nhiều tình huống chửi thề thường xuyên để giải tỏa cho người xem?


3. Cảnh kết xứng đáng

Cảnh kết phim có lẽ chỉ khoảng chưa tới 5 hay 10 giây. Nhưng đó là một những yếu tố về hình đã cứu bộ phim này. Tôi đã xem “Sống trong sợ hãi” ở ngay tại phòng chiếu TPD của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Và đến với phim này tôi nghĩ những ấn tượng tốt đẹp từ phim trước đã được bảo toàn trong cảnh kết của “Tro tàn…”

Nhưng chỉ duy nhất 1 cảnh như vậy thì quả là chưa đủ. Để có một vài giây bùng nổ cảm xúc thì cần có những bậc thang trong suốt chiều dài tự sự. Tiếc là một khán giả như tôi chưa nhận được độ cao dần lên trong thời gian xem phim. Hẳn nhiên hành trình nhân vật có sự phát triển nhưng các ấn tượng thị giác có tính đánh thức các giác quan của tôi thì không. Cứ đều đều, bình bình như mặt nước hồ Thiền Quang. Cho nên đến cảnh kết, cú ngoặt xuồng đột phá của Hậu (diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling) chỉ là chút gợn gợn trong lòng tôi rồi cũng chìm hẳn sau khi rời rạp.


4. Xây dựng tuyến phụ rất hiệu quả

Có lẽ đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã lường trước chiều hướng hạ của tuyến chính không phải là cách truyền thống để tạo nên sự ưa thích với số đông khán giả. Thế nên đạo diễn cũng là người biên kịch phim này đã xây nên tuyến phụ với chiều hướng thượng với đúng chức năng tâm lý  cứu chuộc, tháo gỡ sự bế tắc và nghẽn mạch từ tuyến chính.

Nhân vật thầy tu (diễn viên Mai Thế Hiệp), đúng ra là thầy cúng thì có lẽ chính xác hơn, khiến tôi cảm thấy phấn khởi lên đôi chút. Một "thầy chùa lửa" nhưng ý thức được mình “không nên nết” quả là một điểm sáng trong hành tinh trầm buồn não nề của Nguyễn Ngọc Tư. 

Tạo nên một tuyến phụ 2 nam với phẩm chất “biết mình” đối với tuyến chính 2 nam “giam mình” là một lối sắp xếp theo tôi là hợp lý. Nhưng 2 luồng tư tưởng lại không va mạnh vào nhau. Sự u mê cứ thế lăn tròn xuống vực sâu. Mà những vòng chuyển động đó lại chỉ dừng lại ở hình ảnh để thấy, chứ chưa gây rung cảm thật sự. Liệu nếu đặt hai đường dây chính phụ ở tuyến nhân vật nam có va quẹt mạnh thì sao? Cũng là chiều hướng hạ nhưng cái “biết mình để sửa” có thể xô lệch cái “nhốt mình để phá” và tạo nên những huy hoàng rực rỡ khi tỉnh mê đối đầu? Không thể biết được! Phim đã chọn một lối bình thản dẫn dắt vào miền u minh khiến tôi ngơ ngác. 2 khối tương phản ở riêng một góc chật.   


5. Lửa đẹp lắm!

Lúc mua vé, tôi thấy câu “Lửa đẹp lắm!” chèn ngay ở dưới bích chương. Có lẽ đó là câu tagline tóm lược của phim này. Câu ấy là thoại của Hậu. Hậu còn nói nhiều về mùi của lửa. Mùi thì chỉ có thể cảm qua tưởng tượng từ thoại. Màu của lửa thì được thấy dễ hơn qua hình. Nhưng sự đẹp của lửa thì có lẽ tôi đã bị “đơ”. Bão hòa rồi! Trần Anh Hùng đã đốt trong “Cyclo”. Trần Thanh Huy đã đốt trong “Ròm”. Danh sách sử dụng tình tiết đốt trong phim ảnh có lẽ đã nhiều nên thành thực là ngay từ đầu tôi đã lãnh đạm với những dự đoán về lửa trong “Tro tàn…”

Tôi hào hứng hơn với việc khám phá cách đạo diễn đưa “nhiên liệu” cho khối lửa của mình. Những tầng nghĩa được cài đặt, sự chuyển giao từ ghét sang đồng cảm rồi từng lượt tiếp tay “gom củi” trong tuyến chính. Nhưng một lần nữa là nồng độ không đủ. Với người khác có thể gọi là tiết chế, là vừa vặn. Còn với tôi là chưa đủ. Chiều sâu trong khung hình, độ giãn nở trong từng khoảnh khắc hệ trọng và thêm nữa là sức mạnh của nhạc phim. Thật tình, tôi không thâu nhận được trong lối biên tập của Julie Béziau. Và đến điểm này tôi rơi vào một khó khăn khác.


6. Khó xác định nhân vật trung tâm

Lần xem đầu hơi phân vân không định được nhân vật trung tâm. 3 cặp nam nữ yêu đương. Loại 1 trong tuyến phụ. Còn 2 trong tuyến chính. Xét cảnh đầu, cuối. Xét tiếp hành trình nhân vật. Đến lần 2, sau khi ngẫm thật kỹ thì tôi nghĩ nhân vật trung tâm là Hậu. Phim xây dựng trên góc nhìn của Hậu. Hậu cũng là người dẫn truyện. Nhưng bánh lái của truyện phim thì không hẳn là Hậu mà có lúc chuyền sang tay Tam rồi Nhàn. 

Theo tôi sự phân định vị trí trung tâm với đạo diễn có lẽ không cần thiết. Sự rượt đuổi trong ái tình của Hậu với Dương phụ thuộc hoàn toàn vào “nhiên liệu” từ chuyện của Tam và Nhàn. Thế nên câu hỏi quyết định: Hậu - Dương phải chăng cũng chỉ là bóng đen phóng chiếu từ Tam - Hậu? Không phản ánh trực tiếp nhân vật trung tâm mà dùng phản chiếu từ nhân vật chung cốt khác dạng? Dù là gì đi nữa thì thời lượng của nhân vật trung tâm sẽ phải chia sớt. Điều đó khó lòng tạo đủ thời gian gây đồng cảm với nhân vật trung tâm nơi khán giả. Cái thích bị chia chẻ, cái thích bị ngắt quãng thì làm sao làm thành sự thương sự nhớ?


7. Ánh sáng xanh dịu mát

Tôi thích phân cảnh ngồi uống rượu của tuyến phụ ở hàng hiên chùa Thổ Sầu. Thứ ánh sáng trên cao rót xuống sao mà dịu mắt mát lòng đến vậy? Phải chăng là ánh sáng của đêm trăng, thứ ánh sáng hiền? Nếu đời điêu tàn quá thì đâu chỉ có lửa nóng hủy hoại mới thắp được chút vui thỏa mong manh. Còn có trăng mà! Còn có sông dài trời rộng với sức bao dung và tái tạo vô hạn. Thật tiếc khi phim đã chọn nghiêng mình về một cán cân khác! Tôi không tin nghệ thuật thật sự chỉ dừng lại ở việc chuyển tải cái thật, cái đen tối của đời sống. Và cứ ung dung, nhịp nhịp như vậy. Thế còn ánh sáng mở đường trong nghệ thuật ở đâu?

Nếu cũng không khác gì đời sống khắc nghiệt và tuyệt vọng vậy thì nghệ thuật kể chuyện còn mang tới điều gì nữa? Trong “Tro tàn…” tôi vẫn thấy những sắp đặt mang tính chữa lành nhưng theo tôi hiểu chúng không phải là mạch ngầm chủ đạo. Tình cảm thật sự của tôi sau 2 lần xem là không có nhiều cho phim này, tôi có nhưng ít và không giữ được lâu.

Vũ Đạm Nhiên
11.12.2022 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét