Trang

24.4.21

CAO TRÀO, ÂM NHẠC, HỒI I VÀ TAROT | Minari#2

Minari, Khát vọng đổi đời, Lee Isaac Chung, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Nhiên, góc nghệ, Oscar 2021, cảm nhận phim Minari, các xây dựng biểu tượng, phân tích hồi I phim Minari, Tarot Minari

1.

Khi xem Minari lần đầu, đọng lại trong tôi là cao trào cùng một suy nghĩ:

- Khuôn sáo!

Lee Isaac Chung (sinh năm 1978) đã kỹ lưỡng dùng phép bội tam. Hai phân cảnh lần lượt ở hồi I, hồi II và điệp thêm lần cuối để dọn đường cho cao trào. Một bối cảnh khác (nhà máy) cũng được điệp hai lần như một cách cảnh báo cho cao trào. Như vậy, tổng là 5 phân cảnh. 2 trực tiếp và 2 mang tính ẩn dụ (gián tiếp) để dẫn tới cao trào. Đường đi bội tam của 2 cảnh trực tiếp là rất rõ ràng.

Về nguyên lý, cao trào rất chuẩn mực. Nhưng về mặt thể hiện thì không mới. Hoặc có lẽ tôi bắt gặp cách tổ chức dàn dựng này quá nhiều lần nên tôi không mấy ấn tượng. 

Nếu cần bàn luận thêm một điều gì đó ở điểm cao trào này thì tôi nghĩ đến sự đồng thời kết thúc cho cốt truyện chính và cốt truyện phụ (chính thức khởi động ở hồi II). Đây là phim xử lý tốt ở cốt truyện phụ. Vẫn là sự khéo léo, cân đo thời điểm kỹ lưỡng!

2.

Đến lần xem Minari thứ hai, âm nhạc ở lại trong tôi.

Đường của băng tiếng, đường của băng hình, cả hai hòa điệu nhịp nhàng trong một số phân cảnh. Âm nhạc trong phim được sử dụng rất hiệu quả. Các rãnh nhạc chảy vào đúng những điểm “đắc địa” của truyện phim. Điều này góp một phần không nhỏ trong việc giữ lại điện ảnh tính của tác phẩm này. Sự hay và đúng thời của nhạc trong những khoảng lặng của hình khiến tôi nhớ tới những trải qua cùng Joker. 

Hơn 1 năm đại dịch không được xem phim nhiều. Nếu có xem thì cũng thấy thiếu vắng những xúc cảm đậm chất điện ảnh như vậy. Minari phần nào đó cho tôi được nguồn dưỡng chất mà mình muốn khi tìm tới màn ảnh rộng. Hẳn nhiên, nếu xếp thứ bậc thì so với Joker, Minari, trên mọi phương diện, còn cách một khoảng phía sau.

Tôi nhớ mãi trường đoạn người cha lái chiếc máy cày John Deere. Nhạc, hình, dựng, cắt, diễn xuất, tất cả thật sự rất hoàn hảo. Sự hoàn hảo bắt đầu bởi sự đúng. Theo sự nhìn nhận của tôi khi xem, đây là khoảng giao thoa, chuyển tiếp giữa hồi I và hồi II. Một vận hội đang mở ra cho hành trình của nhân vật trung tâm. Hân hoan, hy vọng, cảm giác khởi hành, đặt một bước hiện thực giấc mơ được chuyển tải rất chính xác và đúng nghiệp vụ.


3.

Để kiểm chứng cho suy luận của mình (Đó có phải là phần khép lại hồi I và bắt đầu hồi II không?) tại rạp, tôi dựa vào 3 nguồn cấp.

Thứ nhất, tôi kiểm tra trong bản thảo kịch bản. 

Nếu đánh số cảnh rồi so với tổng số cảnh thì đây là 37/162. 

Nếu đánh số trang thì đây là 25/97. 

Lee Isaac Chung thậm chí khi viết cảnh này còn dùng dấu gạch dướiin nghiêng

Thứ hai, tôi vẽ lại cấu trúc hồi I và định rõ bảng phân vai nhân vật. 

Bảng phân vai của tôi lúc này bao gồm:
- Người cha, “Jacob”, giữ vai người hùng, người đi tìm chủ động
- Vì tính chủ động, người cha cũng giữ luôn vai người truyền tin (sứ giả)
- Người vợ, “Monica”, giữ vai người gác cổng (cản đường)
- Người giữ gậy, “Dan”, giữ vai người thầy
- Người trao xe máy cày, “Paul”, giữ vai trợ thủ (đồng minh)

Sau khi có một bản nháp phân tích thì tôi đối chiếu với nguồn 3. Đó là các quân bài Tarot.

Trong Minari cũng có một bộ bài được sử dụng như một đạo cụ và cũng có thể gọi là đó là một hình thức hoán dụ trong hành trình của nhân vật người con “David”. Đó là bộ bài hoa hwatu (hanafuda). Bộ bài này tôi chưa tìm hiểu nhưng quả thật nhìn vào mặt bài tôi không thấy được hành trình nhân vật (một cốt truyện). Với Tarot thì hoàn toàn khác. Mọi thứ tương đồng. Nếu không muốn nói thực hành phân tích cấu trúc phim có thể dựa vào trật tự tuyến tính của Tarot. 

Kết hợp 3 nguồn, tôi khẳng định trường đoạn lái máy cày chính là đoạn chuyển giao giữa hồi I và II. Hay có thể dùng một thuật ngữ ngắn gọn, đây là bước ngoặt đầu tiên.


4.

Do tôi (xét trên toàn bộ truyện phim) đã xác định nhân vật trung tâm, người hùng Jacob nên các nhân vật khác (nếu không ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình của người hùng) tôi tạm thời chưa đi sâu..

Bản nháp phân tích của tôi và 11 quân đầu (ứng với hồi I) trong bộ Thiên Định của Tarot bổ túc cho nhau mật thiết. Rất nhiều lá bài đã lật (lộ diện)!

Lá X (Wheel of fortune) là bước ngoặt 1! Bánh xe câu chuyện đã khởi động từ trước (lá VII – The Chariot) nhưng gặp vật cản (lá VIII – The Strength). Cần thêm một nhịp trợ lực từ lá IX (The Hermit) để người hùng chính thức lên đường.
 
Thật ra, bánh xe Minari đã quay ngay từ phút đầu tiên. Một trường đoạn di chuyển, 2 xe nối đuôi nhau. Kết bằng ngôi nhà trên bánh xe (mobile home). Hình dáng ngôi nhà lại gây liên tưởng đến container và thân phận của dân nhập cư gốc Á. 

Jacob đưa gia đình vào cảnh sống mới ngay từ đầu phim. Cảnh sống cũ không hề có hình ảnh nào, có chăng là qua các lời thoại rải rác sau đó. Như đã viết, nhân vật trung tâm là người đi tìm chủ động nên không cần thêm một nhịp thúc đẩy nào. Thế nên để tạo xung đột kịch, sự chặn (ngăn cản) được thay thế cho sự đẩy (tiến lên). Ai cản nhân vật trung tâm? Sự kiện nào giữ chức năng cản trở? Câu hỏi kịch tích chọn A hay B (trắng hay đen) khi nào được đặt ra?

Sau 2 bối cảnh ở nông trại (ngoại/nội, đêm/ngày), trại gà (nội/ngoại, ngày) cùng một hình ảnh dự báo hiểm nguy (ẩn ý cho một bi kịch), 3 câu hỏi trên được trả lời.

Hãy thử xét các ẩn dụ giữa Minari (điểm nút, biến cố, bước ngoặt) và Tarot (lá VII, VIII, IX).

- Máy bay giấy / Cỗ xe
- Câu hỏi A hoặc B / Cặp nhân mã trắng đen
- Cảnh cự cãi / thuần hóa sư tử
- Giếng nước, chiếc gậy / ngọn đèn, chiếc gậy


5.

Điều thú vị ở cảnh cự cãi giữa Jacob và Monica đó là sự xuất hiện hiện của đạo cụ “máy bay giấy”. Hai đứa trẻ xếp máy bay, ghi câu “Don’t fight” và phóng vào phòng khách. Kịch bản ghi rõ những chiếc máy bay bay trong không gian, chạm vào Jacob. Rất tiếc là khi xem phim (bản chiếu rạp), không thấy cảnh (cú va chạm ngắt đường bay) này! Hình dung theo câu chữ là rất mãn nhãn. Nhưng có thể thực tế quay, dựng, biên tập không cho ra được đúng hiệu ứng như mong muốn. Muốn biết sự thật thì có lẽ phải có trong tay các bản phim nháp của phân cảnh này. 

Máy bay giấy chấm dứt đường bay khi va phải người cha (đúng ra là nên va phải người mẹ). Một cảnh rất mạnh về hình và giàu về nghĩa. Chọn máy bay giấy là một lựa chọn tuyệt diệu. Đây là cảnh mở ra biến cố, cũng là điểm thắt nút. Mong muốn, động lực của người hùng đã rất rõ. Xung đột kịch giữ chức năng là thử thách đầu tiên. Về hành động kịch thì đây là ngăn chặn, cản đường. Nhân vật tạo ra hành động kịch này khoác chiếc mặt nạ (đóng vai) người gác cổng. Cổ mẫu của vai này là sư tử. Không thể thắng người gác cửa bằng bạo lực. Sức mạnh thật sự để hóa giải là sự vuốt ve, giảng hòa (thuần hóa). 

Monica không phải giữ cánh cửa tương lai (tiến) mà là giữ cánh cửa quá khứ (lui). Cảnh sống cũ là cảnh ở California, là cảnh thành thị, nơi thuận tiện khi gần trường học, bệnh viện và dễ tìm được người chăm con. Đó cũng là nơi dễ tìm việc, có thu nhập ổn định. Cảnh sống mới mà Jacob đang hướng tới tại Arkansas hoàn toàn ngược đảo. Tiến hay lui? A hay B? Làm sao để điều phục 2 con nhân mã chạy cùng 1 hướng? Những sự tương ứng của lá VII và VIII với Minari là rất rõ. Kế hoạch lên đường như vậy phải trải qua một nhịp trì hoãn. Sự điều đình đưa tới một giải pháp. Giải pháp này được giới thiệu bằng thoại, bằng hình và chính thức xuất hiện ở hồi II. 


6.

Trì hoãn, hòa hoãn là một cách người hùng “uốn mình” để lách qua cổng gác. Ở Minari đó là một thỏa hiệp, một sự nhượng bộ để tiếp tục tiến lên. Thông thường Lá VIII và IX là sự bổ sung cho nhau. Để vượt qua cơ chế phòng thủ (tâm lý) hoặc người gác cửa thì cần nguồn lực từ bên ngoài. Nhưng Jacob, người đi tìm chủ động, bên trong không có phản ứng phòng vệ và bên ngoài cũng chẳng cần tới nguồn lực. Khi nguồn lực đến, phản ứng và hành động của Jacob luôn là sự khước từ hoặc chấp nhận một nửa. 

Cây gậy của lá The Hermit ứng với cây gậy tìm nước trong Minari. Nhân vật cầm gậy khoác chiếc mặt nạ người thầy đại diện cho trí tuệ của người dân bản địa. Jacob khước từ gậy chỉ đường, đồng nghĩa không cần người thầy. Cũng chẳng cần tới ánh sáng nào ngoài ánh sáng nội quán, ngoài “his mind”. Qua đó, hiện rõ sau chiếc mặt nạ người hùng là một người Hàn Quốc vô cùng kiêu ngạo, có xu hướng không muốn cộng tác với với bất kỳ dân tộc nào. Đó là mô tả theo hướng tiêu cực. Còn nhìn nhận ở hướng tích cực thì Jacob là người chỉ có một đức tin duy nhất, tin ở chính mình. 

Điều này lại được khẳng định ở lần gặp gỡ đầu tiên với người giữ chiếc mặt nạ trợ thủ, anh cũng thờ ơ với đề nghị hợp tác. Chỉ nhận phương tiện thần kỳ là chiếc xe. Mà đó là một cuộc mua bán (sòng phẳng). Thái độ với trợ thủ là sự coi thường. Điều này càng nhấn mạnh hơn tính chủ động, đức tin của vai anh hùng và cũng là điềm báo cho một thảm kịch về sau hay là bài học mà người hùng sẽ phải kinh qua để tiến tới sự thành toàn.    

Phân tích hồi I theo chiều xuôi (tạm thời thuận theo cách sắp xếp của đạo diễn, chưa thực hiện cách phân tích nghịch) trong sự đối chiếu với Tarot có lẽ cần hình ảnh, đồ hình, thuyết minh sẽ hiệu quả hơn là soạn ra thành câu chữ. Sự suy ngẫm là quan trọng nhưng trước tiên cần yếu tố trực quan. Một hình ảnh tạo ra sức mạnh truyền đạt tốt hơn. Chủ đề ở đây vì vậy là chủ đề biểu tượng, sức mạnh của biểu tượng. Một bộ phim muốn ghi dấu có lẽ điều đầu tiên cần xét tới là cách thức xây dựng biểu tượng của phim. 

Không muốn bài trở nên quá dài! Tôi dừng tại đây. Với lá X.

- Đạm Nhiên -
24.4.2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét