Trang

26.9.19

MƯỜI NĂM | TNĐG#12

Trần Thùy Mai, Trăng Nơi Đáy Giếng

Sáng ngày 22, trời âm u, mưa nhỏ to nhiều đợt. Tuy vậy, đây không phải là nỗi lo cho sự kiện ngoài trời vào ban chiều. Chất lượng không khí mới thật sự là chướng ngại cho bàn chân.

Với sự nhạy cảm của một lồng ngực ưa hít thở khí trời tự nhiên (không quen với máy điều hòa nhiệt độ), tôi tin rằng chất lượng không khí của thành phố đã thật sự có vấn đề, diễn biến theo chiều hướng rất xấu. Đã vài ngày trước ngày 22 và kéo dài sang cả 3 ngày sau đó, bầu trời luôn giăng phủ bởi sương mù. Buổi sáng đã đành mà có người thông báo đi giữa chạng vạng vẫn thấy một quầng xám bao phủ. Hẳn nhiên đây không phải là tình cảnh lãng mạn “người ngồi xuống mây ngang đầu” như câu hát của Trịnh Công Sơn. Đây không phải là vùng núi B’Lao mà là đồng bằng thấp thuộc hạ lưu của 2 con sông Đồng Nai, Sài Gòn. Chẳng cần đến một kiến thức sâu rộng về địa lý, chứng kiến hiện tượng kỳ dị trong gần 1 tuần lễ, ai nấy đều biết rằng đây là sự ô nhiễm, là khí độc và chắc chắn để lại di chứng trên da thịt và đường hô hấp. 

Nếu không vì mưu sinh hay một lý do thật sự đặc biệt nào đó, không ai muốn ra đường lúc này.

Một nguyên do khác ngáng trở bàn chân đó là vị trí tổ chức sự kiện. Nếu chưa từng thì có thể sẽ đến để biết, đến vì tò mò. Tôi đã không còn ở trong trạng thái này. Đây vốn dĩ là một con đường được dành cho việc đi bộ. Việc tổ chức một sự kiện ra mắt sách ở đây chưa bao giờ là một trải qua thích thú đối với tôi. Rất bất tiện! Dù với địa vị nào, là người tổ chức (giả định) hay là người mến mộ một quyển sách (thực tế là tôi) thì đều rất bất tiện.

Đầu tiên là sự phân tán. Có quá nhiều sự nhiễu loạn, hỗn loạn. Có khi là tiếng chuông nhà thờ. Có khi là những người khách bộ hành. Họ qua lại sau lưng, bàn tán, chụp ảnh. Không hẹn mà đến. Có thể nhập cuộc mà cũng có thể đứng lên bỏ ngang bất kỳ lúc nào. 

Thứ hai là vì không gian mở. Vậy nên tạo ra tính loãng rất lớn trong việc truyền đạt thông tin từ phía tổ chức. Quán xá bày biện ngay bên cạnh. Nhân vật trung tâm phải chia sẻ ánh nhìn từ dưới lên với những khách hàng đang làm việc riêng, tâm tình riêng, ăn uống, nói năng loạn xạ. 

Vì đã trải qua rất nhiều sự bất tiện cộng thêm nguyên do to đùng thứ nhất, chắc chắn tôi không bao giờ đến nơi này. Trừ khi…

Trừ khi là một trường hợp thật sự đặc biệt. 

Trừ khi là một dự định ấp ủ mãi chưa viên thành.

Tôi đã xem phim Trăng Nơi Đáy Giếng từ 2017, xem qua đĩa DVD, chưa từng trải qua cảm giác được ngồi xem tại rạp Đông Ba (xem ngay tại Huế) bộ phim này. Thông tin ra mắt từ 10 năm trước chỉ là những ước định mơ hồ trong tâm trí. Nhưng dù băng qua sự khiếm khuyết về mặt hình ảnh, trong một khung hình bé nhỏ của máy tính cá nhân, âm thanh lại không đạt, ngay lập tức tôi đã dành cho tác phẩm này một cảm tình đặc biệt. Vậy là một hành trình được phác thảo, hành trình về thân lẫn tâm. 

Về thân là đến đúng bối cảnh mà đạo diễn đã dàn dựng, là tìm đủ những văn bản viết đã làm nền chất liệu văn học cho bộ phim truyện dài. Về tâm là thu gom kiến thức chuyên ngành để có thể phân tích giá trị nội hàm của phim, là chia sẻ tâm tư để có thể chiêu cảm thêm nhiều con tim đồng điệu.

Một số dự định đã thực hiện, một số vẫn chưa vẹn tròn. Trong đó có việc xin chữ ký của tác giả đã viết ra truyện ngắn nguyên bản: nhà văn Trần Thùy Mai. Từ 2017 đến nay cũng đã 2 năm. Mất 2/3 khoảng thời gian đó để tìm thấy sách. Và giờ là hôm nay, ngày 22.9, tôi được nhìn thấy thủ bút của tác giả.

Tôi sẽ đặt tên bài nhật ký này là “Mười Năm”.

#Nhiên

*Ảnh chụp đầu bài: Sớm Mai


Trần Thùy Mai, Trăng Nơi Đáy Giếng


T/B: Phần trên tôi hoàn thành vào 26.9. Ngày 26.9 cũng là ngày tác giả tiếp tục có một buổi giới thiệu sách tại Huế để hoàn thành tuyến đường chu du Hà Nội – Sài Gòn – Huế cho đợt ra mắt tác phẩm mới nhất. Còn dưới đây là mấy dòng ghi chép vào tối ngày 22.9.

Một loạt sự kiện ra mắt sách của nhà văn Trần Thùy Mai nằm ngoài sự hay biết của tôi. Đến khi Lan Hồ thông báo thì mới để ý và thấy một đường đi xuyên Việt từ Hà Nội đến Sài Gòn rồi ra Huế của tác giả.

Tôi chưa hiểu lắm về kế hoạch của phía nhà xuất bản. Vì từ tháng 4 đã thấy ra mắt. Nay lại tiếp tục một chuyến giới thiệu lớp lang ở cả 3 miền cho tác phẩm. Dẫu vậy, tâm trí lúc này cũng như 2 năm qua vẫn chỉ dành cho một truyện ngắn mang tựa Trăng Nơi Đáy Giếng. 

Vẫn chưa khám phá hết những trầm tích bên trong tác phẩm nguồn lẫn tác phẩm phái sinh. Thế nên việc có mặt buổi chiều hôm nay chỉ với một mục đích giản dị: 

- Xin chữ ký của tác giả cho tập truyện ngắn này!

Vậy là đã chẵn tròn 10 năm tính năm ra đời của sách. 2009-2019. Ở bìa gấp mặt sau, có in mấy tấm ảnh chụp từ bộ phim cùng tên. Phim ra mắt năm 2018. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bắt đầu dựng bối cảnh từ 2005. Có lẽ đạo diễn đã đọc được truyện ngắn in trên báo Nhà Văn số 6-2001 hoặc báo Văn Nghệ số 13 (30-3-2002).

Tuần này tôi lấy ra bộ đĩa DVD để xem lại bộ phim này. Đạo Mẫu, căn tính Huế, cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi, bao nhiêu ẩn tàng vẫn chưa thể giải mã.

2018, 10 năm kể từ khi ra mắt (bản phim điện ảnh chuyển thể được gởi đi các liên hoan phim), tôi đến đúng bối cảnh tại Huế.

2019, 10 năm kể từ khi ra sách (bản in của nhà Thanh Niên), tôi đã có chữ ký tác giả.

Năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm phim được công chiếu tại Sài Gòn. 

#Nhiên
22.9.2019