Trang

29.9.19

5 CHIẾC VÉ | CLTNNC#32

Cải lương, trăm năm nguồn cội, Thanh Tuấn, Quang Thảo, Việt Anh, Đình Toàn, Ngọc Đợi, Quế Trân, Điền Trung, Đạm Nhiên, Góc O, Người tình trên chiến trận, Đình Toàn
Chụp vội 5 chiếc vé để lưu lại khoảnh khắc, tôi yên vị trong ghế ngồi để trải qua lần 4 cùng các suất diễn Cải lương – Trăm năm nguồn cội (CLTNNC). Nếu tính theo trật tự của Ban tổ chức, đây là suất diễn thứ 8 trong 3 tháng đã qua.

Trong suốt 3 năm, nếu tính bạn thì có lẽ tôi chỉ kết thêm được 3 người. Mà bạn đúng nghĩa thì với tôi phải là có chung căn tính. Ít nhất là lắng nghe và ghim giữ những gì tôi đã nói trong riêng tư. 

Tôi rất mừng là trong dịp này đã mời được người bạn theo ý nghĩa như thế để cùng đi với mình. Bạn gặp phải một chấn thương ở chân mà vẫn không sai hẹn. Lúc đến thấy bạn ngồi, về sau mới phát hiện cặp nạng mà không khỏi ngỡ ngàng. Đã hứa là phải thực hiện! Bạn cũng đã đến kệ sách để đọc một buổi. Như vậy ở bạn tôi thấy rất nhiều cơ may cho một khối liên minh vững bền.

Đã xem đến lần này, sự có mặt của tôi tưởng như chỉ là đồng hành, trở thành nhân chứng cho lần xem cải lương đầu tiên trong cuộc đời của bạn. Tôi vẫn giữ nỗi tưởng đó bên trong, lợi tha nhiều hơn, tự lợi ít hơn. Nào ngờ, ngay từ tiết mục mở màn mà có thể gọi là trình đề (không biết đã chuẩn trong cách dùng từ của tôi), âm nhạc, lời ca lôi cuốn tâm trí ngay lập tức. Vẫn chưa có gì đã trở nên quen thuộc hay lờn mòn! Sự cảm thụ được làm mới ngay lập tức và tôi biết mình đã không uổng phí một lần đi.

Tôi vẫn chưa có nhận định gì về tư duy không gian của đạo diễn Quang Thảo. Bố cục, màu sắc, ánh sáng, luồng di chuyển của diễn viên, những điều này tôi hẹn một dịp khác. Ở lần này, tôi nói đến đạo cụ cây tre. Đây là một lựa chọn xác đáng, hợp tình. Cách chọn nhạc hai bài phối hợp tân cổ thật sự hoàn hảo. Và nhất là cách hát, cách tạo ra điệp khúc và cao trào khép lại thật sự làm tâm hồn người nghe bồi hồi, cảm động và phấn chấn dâng trào. Trong lần nghe tưởng như là đã cũ trong thính giác và thị giác này, tôi thấy như tình cảm với đất nước trở nên thắm tươi gấp thêm nhiều lần.

Đêm nay có lẽ là đêm diễn hay nhất đối với tôi. Gần như không có điều gì để chê trách. Có lẽ việc tập dợt và lên đèn liên tục đã tạo ra khối gắn kết vững chắc và mềm mại giữa các diễn viên và toàn bộ nhân sự liên quan. Có vài đoạn tôi bị phân tán tư duy. Nhưng bất kỳ lúc nào quay trở lại với hiện tại thì cảm xúc nghe nhìn lại đầy tràn ngay lập tức. 

Ở phần khách mời, chú Thanh Tuấn xuất hiện với một bài tên gọi “Người tình trên chiến trận” (nếu đúng theo trí nhớ của tôi). Theo lời chú, đây là bài thuộc về năm 1966 khi ra mắt lần đầu. Chàng trai mười tám năm xưa giờ đang đứng đây với tuổi tác và bệnh tật quằn vai. Nhưng khi tiếng hát cất lên mọi gánh nặng trĩu mang nhòa xóa. Bốn bề pháo tay vang dội. 

Lẽ ra vì sức khỏe chỉ có một tiết mục. Nhưng chú đã gắng cố để thực hiện thêm một lần hát nữa. Tôi nhìn chú mà tưởng như một trang sách xưa, xuất bản vào thập niên nghìn chín sáu mươi ở Sài Gòn. Nhìn một quyển sách xưa luôn gợi nên một xao xuyến đặc biệt trong tôi và nhìn thấy chú nghe chú hát tôi cũng có một trạng thái nội tâm tương tự. Cũng con người đó, khi lên cầu thang rạp, chân bước nặng nhọc. Cũng còn người đó, khi cầm micro, miệng nói thều thào vì căn bệnh chưa dứt. Thế mà khi cất lên tiếng hát, khi những tràng vỗ tay rợp phủ không gian, tôi thấy một người khác đang tái sinh, sức sống bừng bừng.

Đêm nay, chị Ngọc Đợi vẫn dạt dào tình cảm trong “Dạ cổ hoài lang”. Có lẽ bản hát chuẩn đã thật sự ở trong tôi. Đêm nay, chú Việt Anh nhả ra những chữ mới trong câu thoại. Hoặc cũng có lẽ là nhấn nhá theo một kiểu khác khiến cho tôi thêm những ghi nhớ đặc biệt. Phải nói là cách ra thoại của chú tạo nên một điểm nhấn rất khó quên! Trong mọi suất của trích đoạn Đời Cô Lựu, Việt Anh vẫn là cái tên mà phần thoại kịch và diễn xuất gây cho tôi ấn tượng bất biến. Đêm nay, anh Đình Toàn tỏa sáng. Màu của đêm diễn là màu gì? Là màu trắng, màu kết nối liền mạch các phần tiết mục đến từ những ứng đối mạch lạc của anh. Màu ấy đã từ một lưu giữ trong mắt trở thành một khối tình ở lại trong tim người mộ điệu. 

Và “Xử án Thượng Dương” với cặp đối kháng của Quế Trân và Điền Trung vẫn là phần giá trị lõi tạo ra nhiệt lượng bùng cháy của đêm diễn. Quả đúng là khi nhìn vào đây tôi như thấy hết tinh túy, thấy hết những vẻ đẹp của thơ, ca, diễn, múa, kịch! Chị Quế Trân càng về sau càng biết cách phân bổ sức lực. Tôi không thấy sự hụt hơi của chị trong lần này. Hoặc cũng có thể là sự nhập vai đã mức chín tới khiến cho óc phân tích của người xem đã hoàn toàn tê liệt chỉ còn là sự thâu nhận đơn thuần. 

Càng ngày niềm tin của tôi càng được củng cố. Đây là một chương trình có chiều sâu, có sự đầu tư kỹ lưỡng và ngay lập tức chỉ trong vòng vài tháng đã gây được uy tín và thiện cảm rất lớn. Có đi xem một chương trình khác, với rất nhiều tuyên bố phóng đại thì mới nhận ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 luồng tư duy, cách thức tổ chức và đạo đức làm nghề. Sẽ là một thảm họa trong cảm thụ nghệ thuật và tôi sẽ là tội nhân nếu chẳng may đưa bạn bè vào một trải nghiệm đầu tiên như thế.

Trong đêm nay, chắc chắc ác mộng ấy đã không xảy ra. Tôi tận hưởng niềm vui lần tư mà cũng như lần đầu. Và hạnh phúc thêm vun đắp khi đọc những dòng tin nhắn sau đêm diễn của những bạn đi cùng. Có thể họ không thể trải lòng ra thật nhiều hàng chữ nhưng tôi biết họ đã tự thấy không uổng phí thời gian và có một lần thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn.

Thật khó để diễn tả hết sự tâm đắc của mình với CLTNNC! Chỉ biết rằng nếu vẫn tìm thấy thêm bạn đồng hành, tôi sẽ lại có mặt trong các suất diễn sau mà theo thông báo là vào các ngày 4, 5 tháng 10 sắp tới, tức 1 tuần lễ nữa.

#Nhiên
28.9.2019