Trang

21.8.19

BÍ MẬT CHƯA THỂ KỂ | tmcđ#9

Thưa mẹ con đi, Thưa mẹ con đi review, Thưa mẹ con đi movie, Cảm nhận thưa mẹ con đi, Đạm Nhiên, Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Góc Nghệ
Lần thứ 3 với Thưa Mẹ Con Đi có lẽ mới là lần xem đọng lại nhiều dư vị nhất.

Nguyên do cho sự trở lại thêm lần nữa là vì muốn kiểm chứng. Tôi muốn có thêm bằng cớ về hiệu ứng đối với khán giả từ tuyến phụ của chuyện phim. Và tôi xác nhận vai bà nội và bà cô được khán giả yêu mến thật sự. Rạp tôi xem hôm nay là một rạp mới lập. Mọi thứ vẫn như mới nguyên. Lần nào đến tôi cũng cảm giác được lìa khỏi những dòng người và xe cộ đen đặc ở khu trung tâm. Suất hôm nay là 20:30, khán giả đông hơn dự liệu. Không đầy kín nhưng cũng ở ngưỡng trên dưới 2/3. Từng đó người là đủ tạo ra những phản ứng tập thể mà một người không cần phải quá mức tinh tế cũng có thể ghi nhận được. 

Sự ưa thích bật ra thành tiếng nhờ tuyến phụ thì đã rõ chắc. Phần còn lại và quan trọng hơn là tuyến nhân vật chính. Họ có thật sự để lại những niềm thương lắng sâu trong lòng người? Câu hỏi này thật khó mà trả lời nếu không có sự can thiệp của phỏng vấn hoặc thống kê khảo sát. 

Với riêng tôi, trong lần xem này, chuyện định ra ai mới thực sự là nhân vật trung tâm đã rất rõ ràng. Ban đầu tôi còn hơi lưỡng lự giữa cậu con trai và người mẹ. Nhưng với lần xem thứ ba thì tôi chắc chắn đó là cậu con trai. Phải rõ ràng, ít nhất trong 1 lần suy xét tác phẩm chứ không thể nào có một thái độ lập lờ. Không thể nào vừa là chuyện của mẹ là hạt nhân mà đồng thời cũng là chuyện của con.  

Tóm lược về tác phẩm này theo tinh thần trên với tôi là “bí mật chưa thể kể”. Vấn đề của tác phẩm là bí mật sẽ được người con kể ra như thế nào. Đi theo chiều dài của bộ phim, khi mà người con đã vài lần do dự thì đã có một loạt những bí mật khác chen ngang. Bí mật của từng người thân trong gia đình, bí mật của cả gia đình và gây ảnh hưởng nhất hẳn là bí mật của người mẹ. Tiến trình này đã gây ra một nhận thức hay đúng hơn là một trưởng thành trong nhận thức của người con sau 1 lần về thăm quê. Và trong phân đoạn người con đứng ở nhà chờ sân bay, tôi tưởng như suy nghĩ của anh cũng đang nở ra, dần tràn theo khung kính hình chữ nhật. Chuyện bây giờ không còn là “bí mật chưa thể kể” nữa mà là những ưu tư về mẹ. Bí mật đã kể ra rồi mà lòng chẳng nhẹ hơn bao nỗi. Vì lẽ là mình một nơi, mẹ một nơi. 

“Thưa mẹ con đi” có một nền tảng kịch bản đầy dụng tâm, cố gắng khai thác đến tận ngõ ngách đời sống của một gia đình Nam Bộ. Đây có lẽ là một tác phẩm có chất liệu văn học thuần Việt với đúng ý nghĩa thuần Việt hiếm hoi trong số các tác phẩm Việt Nam ra rạp cho đến thời điểm này của năm 2019. Khi xem, có lẽ ít ai không thấy được hình bóng quê nhà thấp thoáng, dáng hình gia tộc mình thấp thoáng đâu đó theo dòng tự sự của tác phẩm. Khởi đi từ chính đời sống và nỗ lực biểu hiện bằng nét diễn chân phương, sâu lắng, nhiếp thâu vào bên trong. Nhìn theo phương hướng này, tôi thấy hình tượng người mẹ có phần sáng ánh hơn cả.

Trong tháng này, trên những biểu ngữ rao mời, trong những âm thanh quảng cáo, đã rất nhiều lần danh từ “Vu Lan” vang lên. Một số nơi tôi đã dự phần. Một số nơi tôi chưa dám. Tôi thất vọng với những gì đã trải. Tôi hồ nghi với những gì chào bán. Dường như trong lĩnh vực nghệ thuật đã có một vụ mùa bạc lóa mang tên Vu Lan. Nếu thực vậy thì tôi cần thái độ hành nghề nghiêm túc và cẩn trọng. Chứ không phải là những sản phẩm dựng nhanh, đóng vội, khóc mướn thương vay và hút rỉa ý nghĩa của những đóa hoa màu hồng. 

Trong sự trải nghiệm nghe nhìn cùng “Thưa Mẹ Con Đi” tôi thấy ít nhiều khác biệt với phần còn lại. Thật lạ lùng! Sau từng lần xem, bộ phim như đẩy đưa tôi vào một sự thẩm thấu nhiều thêm hơn. Hệ thống sự kiện của bộ phim tưởng như thiếu tính hành động, thiếu tính xung đột nhưng giữa chúng là những khoảng trống… lặng. Và chỉ khi yên hơn, lắng hơn, người xem mới dần dần nhìn ra những bí mật chưa kể. Đã kể rồi mà như vẫn còn tàng chứa những tầng khuất dạng. Trong một thoáng giây, tôi cảm tưởng, “Đây mới là tác phẩm đáng xem nhất trong mùa Vu Lan năm này!”

#Nhiên
20.8.2019