Trang

18.7.19

KẾ HOẠCH SỐ 6 | CLTNNC#3

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Phạm Duy, Cao Văn Lầu, Tình Ca, Dạ Cổ Hoài Lang

Đây mới là lần đầu tiên tôi thử đi hết chiều dài của con đường Cao Văn Lầu. Nguồn cơn đến từ sự kiện #Cảilương_Trămnămnguồncội sẽ tổ chức cuối tuần này (ngày 7.7.2019). 

Hành trang gọn nhẹ. Chỉ là 1 túi vải và quyển nhạc phổ Phạm Duy có bài Tình Ca (hay có khi được gọi là “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi”) bên trong. Chiều dài con đường có lẽ chưa tới 1 km. Chi phí chuyến đi là 6.000 vnd cho 1 lượt xe bus. Lúc ra về tôi đi bộ. Không rác thải. Không ồn ào. Tổng thời gian di chuyển tính luôn cả những khoảng ngừng nghỉ, nghĩ ngợi là khoảng 2 giờ đồng hồ. 

Thâu nhận của tôi sau hành trình không hề ít ỏi. Và tôi biết: mình chưa thể khai phá hết tất cả những xúc cảm trầm tích từ những cuộc lữ thế này, những cuộc lữ đưa nhấn tha nhân, xuyên thấu vào hiện hữu kề bên, ngay xung quanh mình. Có đi mới hiểu vì sao tôi luôn lưỡng lự trước những gì thuộc về xa xôi thiên lý. Một cảnh quan tại chỗ, một vùng trời trước mặt còn chưa thấu tận, còn chưa thấy kỹ thì có đi bao xa, có trải bao nỗi cũng phí hoài!

Từ cổng B Bến Xe Chợ Lớn, bước thẳng, bỏ một ngã tư, gặp ngã ba. Đó là điểm đầu xuất phát trên con đường mang tên ông Sáu Lầu. Vượt qua 5 ngã tư, ngang qua 1 công viên nhỏ là đến điểm cuối, đại lộ thênh thang miên mải mang tên ông Sáu Dân. Có những đoạn hàng quán tấp nập như 1 phần bành trướng của hệ sinh thái Chợ Lớn, có những đoạn cây xanh che phủ tạo thêm dư dôi cho tâm hồn. Có những đoạn con người được ngồi xuống, thư giãn, giao lưu. Những nơi đó, những nơi con người có thể đến được với nhau mới thực sự là hồn của cảnh, là trọng tâm trong quy hoạch đô thị. Và hẳn nhiên không thiếu những đoạn bất an trước tốc độ, tiếng ồn và sự xâm lược của các phương tiện cơ giới. Tựu trung, Cao Văn Lầu là một con đường “nhỏ xíu anh thương”, xứng đáng để vài lần nhọc công đưa đón, nhất là ở phía cuối đường tình có báu châu nằm chờ. 

Kênh. 
Bầu trời. 
Tiếng xuồng ghe. 
Con nước vẫy gọi.

- Ra khơi.

Ở ngã tư nào tôi cũng dừng lại nhiều khắc. Dò xem những mạch ngầm bên trong có đang chảy trôi theo một giai điệu nào đó. Của họ Phạm? Hay của họ Cao? Không ai cả! Trong hôm nay, chỉ có chân bước, mắt nhìn, chỉ có tiết trời dịu mát và bất giác là những mặc niệm xen kẽ về những dáng hình quá vãng.

Tình Ca qua tiếng hát Thái Thanh đến với tôi và không thể rời đi có lẽ là vào khoảng thời gian ngoài 20 tuổi. Chưa đến 25. Trong khoảng đó, có lẽ đó là giai đoạn quyết định, là ấn dấu trong cảm thụ của một người thanh niên. Yêu cái gì ở độ ấy thường khó quên, khó dứt về sau. Với Thái Thanh thì đúng vậy. Một số bài của cô như đinh đóng, không ai lay chuyển. Có Tình Ca. Và dường như đó cũng là khúc hát giao duyên mỗi khi cần một lời tự bạch bằng âm nhạc với bằng hữu. Không có khúc ca nào xứng đáng hơn! 

Dạ Cổ Hoài Lang chẳng rõ ai hát. Yếu tố ca nhân ở đây dường như mờ nhạt hơn. Giai điệu thì len lỏi, buộc trói, cấm cửa con tim từ lúc nào. Đó là hạnh phúc khi được giam cầm vì không cần phải lung lạc nơi nào khác. Nguồn sống là đây! Cần thiết là đây! Đâu đó ngoài 30. Tự dưng là người ta hiểu thế nào là nguồn sống, là cần thiết. Và đó cũng là cái tên xuất hiện đầu tiên mỗi khi cần tới âm nhạc để giao duyên, để tự tình. Và cũng chẳng có cái tên nào xứng đáng hơn. Tân và Cổ. Chỉ có 2 trời ấy, 2 thời tiết ấy! Không có ngoài! Nhất là khi rơi vào thế phải truy xét đến căn tính, khi buộc phải chìa ra một căn cước để định nghĩa mình. 

Chưa bao giờ tôi có ý định đặt 2 bản nhạc phổ cạnh nhau. Bản Cổ thì chưa từng nhìn thấy tận mắt và không biết liệu có một in ấn ở dạng phổ thông nào không? Bản Tân thì thật may khi có một ấn bản của năm 2005. Mặc dù vẫn thích 1 tờ nhạc, 1 bản in lần đầu của năm 1953, thủ bút, son triện. Nhưng tự biết không thể chen chân vào giới cổ ngoạn! Vậy là đành chấp nhận với kế hoạch khiêm nhường: một túi vải, một tập nhạc, bách bộ từ Chợ Lớn đến Tàu Hũ. Trên dưới 300 năm. 300 này đến 300 kia, đất liền đến sông nước và con đường ở giữa, mang tên người đã viết bài hát cũng đã chẵn tròn tuổi trăm.

Đưa tập nhạc Phạm Duy vào chung một khuôn hình với tấm bảng tên đường Cao Văn Lầu gợi nên một niềm riêng khó tả. Trong giác ấy, thời ấy, tình cảm, lòng yêu tiếng Việt như một khẽ thanh âm linh phong thoảng nhẹ. Ngân vang, ngân vang, bung tỏa như đóa hoa mà cũng trượt dài… sâu… vào tâm khảm.

Chưa thể biết được sự kết hợp giữa Tình Ca và Dạ Cổ Hoài Lang trong đêm 7 của tháng 7 và hiệu ứng thực sự từ đó. Những nhận định, đánh giá, ghi nhận, suy tưởng sẽ chỉ có thể biên chép sau đêm diễn. Giờ vẫn đang là buổi chiều nhiều mây, hơi lạnh ngấm loang trong luồng gió, tôi đã đến cuối con đường. Băng qua một làn xe, bước lên bậc tam cấp của cầu đi bộ số 6. Từ chợ tôi đã tới kênh. Từ Quận 6 tôi đã vượt ngưỡng sang tới Quận 8. Lần xê dịch mang tên “kế hoạch số 6” như vậy đã đến hồi mãn cuộc, nhưng thâm tâm tự biết: khối tình dân tộc / bản sắc quốc gia / ý nghĩa Tổ quốc, con đường ấy là mãi mãi, là chẳng thể nào có điểm dừng chân.

#Nhiên
4.7.2019

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Phạm Duy, Cao Văn Lầu, Tình Ca, Dạ Cổ Hoài Lang