Trang

9.5.19

Quả cảm!

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Yên Nhiên, Yên Nhiên, cảm nhận phim Không Chiến Việt Nam: Những cánh én đầu tiên, Xưởng Phim Én Bạc, silver swallows studio, Không Chiến Việt Nam: Những cánh én đầu tiên, Đại Học Duy Tân, trung đoàn Sao Đỏ
Em đã ghi chú về sự xuất hiện của phim này, phim “Không chiến Việt Nam: Những Cánh Én Đầu Tiên” từ tháng 1. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian không theo dõi trang của Xưởng Phim Én Bạc và phần nhiều vì tính lơ đễnh nên ở thời điểm trước buổi chiếu 2 ngày em mới nắm bắt thông tin lịch chiếu chính thức tại Đà Nẵng. 

Đăng ký muộn màng nhưng vẫn bám víu chút ít hy vọng vào những dòng tin nhắn gửi trễ. Em được thêm một dịp chứng kiến những bậc thang cảm xúc lên xuống xuống lên trong nội tâm và kết thúc bằng niềm vui vỡ òa khi vẫn còn vé dành trao từ Ban Tổ Chức.

Cầm chắc 2 vé trong tay, em đến rạp với tâm thế thoải mái, không vội vã vì trễ hoặc thiếu ngủ hay bụng đói cồn cào. Em dư dả thời gian và sự thảnh thơi để quan sát xung quanh. Hầu như là những người trẻ, nhưng đúng như em dự đoán, có sự hiện diện không ít của những người trung niên và cao niên trong không gian này. 

Vì được vớt vát sau cùng nên em không quá bất ngờ với vị trí ngồi trong rạp. Nó nằm ở hàng A, dãy ghế đầu tiên. Và hai mắt phải rướn lên trong suốt một thời gian dài. Đây quả thật là một sự vô cùng bất tiện!

Phim bắt đầu đúng giờ, không có hoạt động giới thiệu trước khi khởi chiếu như em từng nghĩ. Có lẽ ấn tượng từ trailer vẫn còn quá mạnh nên trí óc em vẫn ngỡ như đây sẽ là một phim truyện, được vẽ bằng đồ họa. Sẽ là một phim chiến tranh kể lại trận đánh trên không tại địa danh cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) năm 1965. Dựa trên hiện thực nhưng có phần hư cấu và theo cùng đó là những tự sự cá nhân mang nét dáng tâm tình tuổi trẻ. Phải đến sau hơn 10 phút, những mộng tưởng trong em mới được đẩy lùi. 

Em trở lại với hiện thực, “Đây là phim tài liệu lịch sử!”, mà cảm xúc chủ quan đã cố tình che lấp. Xung quanh em lúc này cũng bắt đầu có những tiếng rì rầm bàn tán.  Chẳng hiểu có bao nhiêu người (như em) trôi trong 2 miền mơ thực bởi tác động từ trailer?

30 phút đầu tiên, nguyên liệu được sử dụng là những trang ký ức. Chúng được thuật lại qua lời kể của phi công trực tiếp chiến đấu, các sử gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực không quân. Một loạt những khái niệm mới lạ giăng mắc vào tư duy em nào là kĩ thuật chiến đấu, nào là đường bay, nào là sơ đồ tác chiến. Em nghĩ rằng khối dữ liệu này không hẳn chỉ là tài nguyên quá vãng mà giá trị của chúng vẫn nguyên vẹn trong hiện tại đối với không quân và nền quốc phòng của nước nhà. Lần lượt bóng hình của bốn phi công trẻ trong độ tuổi xuân xanh, những anh hùng đã tạo nên những vẻ vang ngời sáng, trình hiện. Vẫn là những lời thoại nối tiếp nhau, nhưng em đoán lúc này đã là giọng nói chân thực từ những người phi công trực tiếp tham gia trận không chiến. Tiếng nói đó có lẽ được trích xuất từ hộp đen của máy bay, chuyên chở theo những phương ngữ mà có lúc em nghe không rõ, tiếng được, tiếng mất.

“Cháy rồi!” 

Tiếng hô to, giọng nói miền Trung quen thuộc, gói gởi niềm hân hoan khi phe Bắc Việt hạ được một máy bay Mỹ Quốc. Âm nhạc dồn dập, tiếng đạn bom rền vang. Thi thoảng là những khoảng lặng. Sự đặc sắc trong thuật kể chuyện, một trong những thú vị nằm ở điểm này, đó là cách đặt để những rãnh âm hữu thanh và vô thanh xen kẽ nhau. Tuy nhiên, em chưa kịp truy vấn vào phẩm chất thật sự trong dàn dựng âm thanh thì hình ảnh cô gái với tà áo dài trắng tràn chiếm khung hình. Đó cũng là khoảnh khắc sinh tử cận kề của người phi công trẻ. Một dạng lồng ảnh trong ảnh để chuyển cảnh. Kỹ thuật dựng phim quen thuộc được sử dụng phổ biến mà chưa bao giờ mất đi tính hiệu quả trong ấn tượng thị giác. Liên tiếp những khung hình đặc tả biểu cảm, sự thay đổi trên cơ mặt người phi công khi trải qua từng giai đoạn nguy khó trong chiến đấu. Đó là lòng quả cảm không lùi bước, là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là thoáng nhớ nhung yêu đương thường tình khi tình yêu đất nước hàm tàng tình cảm nam nữ. 

Trong em, bao nhiêu cảm phục, bi thương, tự hào, xót xa, phấn chấn, kinh hãi, hai thái cực, hai đỉnh đáy của tâm lý như quàng xiên trộn lẫn vào nhau. Có lẽ đây mới là lần đầu em được chứng kiến một trận không chiến giữa quân lực Bắc Việt và Hoa Kỳ được vẽ tả một cách vừa mỹ lệ vừa chân thực đến vậy. 

“Không chiến Việt Nam: Những Cánh Én Đầu Tiên” là xuất phẩm màn ảnh rộng đầu tay của những người làm phim trẻ đến từ trường Đại Học Duy Tân. Trong vai trò của một khán giả, em đã chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng. Không kỳ vọng, không đòi hỏi và sẵn sàng cho những cảm giác tiêu cực. Nhưng với lần xem đầu tiên này, ham muốn chê trách không nảy nở trong em. Chúng không có cơ hội khi mà diễn tiến phim đã thực sự xô đẩy em đắm chìm hoàn toàn trong dòng thời gian của câu chuyện về trung đoàn Sao Đỏ. 

Kết thúc phim, em quay sang hỏi người bạn đồng hành. Và câu trả lời em nhận được là “lòng quả cảm”. Phim xúc chạm, đã xúc chạm, đã khơi dậy phần quả cảm trong tâm hồn. Trải nghiệm này là chưa từng, chưa từng xảy ra trong những thể loại khác, trong những bộ phim khác.

Với em, bộ phim này là một khối tri thức bằng hình ảnh lôi cuốn và sinh động về một phần lịch sử oai hùng và đau thương chỉ mới đây thôi, chưa hề xưa cũ, của dân tộc. Rất xứng đáng để dành thời gian chứng tri, chiêm nghiệm và luận giải! Và dù đây chỉ mới là một góc nhìn, của một bên tham chiến nhưng rất cần xem, rất cần thưởng thức, nhất là những người trẻ. 

Lúc di chuyển ra bên ngoài, em thấy có sự xuất hiện của những người trong bộ quân phục của Không quân Việt Nam. Có nhiều người đang đứng trả lời phỏng vấn. Nếu họ nói về cảm xúc, có lẽ em đoán được nội dung. Còn về chất lượng bộ phim, không biết có sự phân tích nào không? Về phần mình, câu hỏi ấy em sẽ trả lời trong lần xem phim thứ hai tại Sài Gòn. 

Trong khoảnh khắc sau cuối tại rạp, em dành nhiều suy nghĩ về Xưởng Phim Én Bạc và thầm chúc cho sự phát triển dài lâu của xưởng. Hy vọng nơi đây sẽ là môi trường ươm mầm và tôi luyện những nhân tài điện ảnh miền Trung để điện ảnh Việt Nam có thêm một điểm tụ hội tinh hoa hòa cùng 2 đầu Nam-Bắc Hà Nội, Sài Gòn. 

#YênNhiên
Đà Nẵng, 26.4.2019