Trang

19.4.19

SÂN THƯỢNG | roma (2018)

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim ROMA, roma (2018), Alfonso Cuarón

Tôi dùng thử Netflix cũng là vì hiếu kỳ về ROMA. Nhưng nhìn vào đoạn phim ngắn giới thiệu thấy bao nhiêu tầng sâu trong cảnh được dàn dựng thì tự hiểu xem qua màn hình máy tính thật sự là một nỗi thua thiệt. Chẳng ngờ lại có một buổi chiếu cộng đồng.

Nếu tôi không lầm thì ảnh chụp ở đầu bài viết này cũng chính là lúc anh Trần Anh Hùng chấm dứt việc xem phim này. Anh đã bàn nhiều về sự di chuyển camera và nói rõ sự không ưa thích của mình với các quyết định về hình ảnh trong phim này. Anh dừng xem khi phim đi chưa được 1/10 thời lượng. Tôi đến buổi chiếu với những nhận xét của anh Hùng lơ lửng trong tâm trí. Và đến phân cảnh tại sân thượng tôi nhận ra ngay lập tức.

Đây là một cảnh ngoại - ngày. Không gian quy chiếu là sân thượng của một tòa nhà nằm ở một khu phố có tên là Roma (Mexico). Đây là một gia đình trung lưu trí thức ở thời điểm thập niên nghìn chín bảy mươi. Không gian chức năng của cảnh này là trình hiện chuỗi hành động của 3 nhân vật. Cô giúp việc giặt đồ. Hai em nhỏ chơi trò bắn súng. Rồi 1 em tách ra đi xuống dưới lầu. Em còn lại trò chuyện đôi câu với cô giúp việc rồi cả 2 nằm phơi nắng.

Đạo diễn Alfonso Cuarón chọn sử dụng một cú máy dài cho cảnh này. Ống kính tĩnh tại vị trí của cô giúp việc, lia phải rồi sang trái, dừng lại tại trụ gạch phơi nắng rồi hướng lên.

Đối với cá nhân đạo diễn Trần Anh Hùng, sự kiên nhẫn của anh với việc xem phim dừng lại là bởi cảnh này. Từ đầu phim đến đây là khoảng hơn 10 phút nhưng câu chuyện không gây cho anh cảm xúc. Nói về cảnh này, anh dùng chính xác câu chữ là “miêu tả” hay là “minh họa”. Lựa chọn không gian sân thượng không có một ý nghĩa nào khác. Chỉ là một không gian địa lý, là khung nền để câu chuyện diễn ra mà không hơn. Không thấy được nội tâm của nhân vật. Cuộc đối thoại về sự sống / cái chết lẽ ra phải đẩy người xem đi vào cảm giác của nhân vật. Và cái cảm giác ấy theo Trần Anh Hùng là phải “thoát ra”, bay lên theo sự di chuyển của camera. Đằng này không hề có. Từ đây dẫn đến hành động bỏ dở, không xem và đánh giá ROMA chỉ là một bộ phim bình thường.

Tôi xem với một đám đông khoảng hơn 100 người và có lẽ chưa bao giờ tôi bỏ dở nửa chừng. Khi đã quyết xem phim nào thì cố gắng xem cho hết. Nếu là xem một mình thì cũng hiếm khi ngừng xem. Sự ngừng có khi là để lúc sau xem tiếp chứ ít khi ngừng hẳn. Theo dõi hết thời lượng của ROMA thì tôi nhận thấy phải đến nửa sau của phim tức là tầm hơn 1 giờ phim mới bắt đầu lôi cuốn. Cảnh ở bệnh viện và cảnh ở bãi biển gây được cảm xúc thật sự. Để rồi từ đây tôi xâu chuỗi các hình ảnh thì mới thấy sự liên kết (thật ra thì tính liên kết cũng không mạnh) với nhiều cảnh ở phần đầu phim, trong đó có cảnh sân thượng. Tuy nhiên, sau khi xem phim này tôi cũng đồng tình (có suy xét chứ không phải dựa theo ý kiến của người có uy tín và tầm ảnh hưởng) với nhận định về phân cảnh trên sân thượng.

Cảnh này có không gian quy ước, không gian chức năng nhưng đến lớp ý nghĩa về không gian tạo nghĩa thì không có. Tính hiện thực, tính hành động đã được dàn dựng nhưng tính ẩn ngôn thì không có. Sự thiết lập bối cảnh ở phút thứ 10 chỉ dừng lại ở ý nghĩa thiết lập một không gian quy ước về mặt địa lý. Cách di chuyển camera, lựa chọn khung hình, chỉ đạo diễn viên chỉ có tính cung cấp thông tin về sự kiện đang diễn ra trong khu vực địa lý đó. Ý nghĩa ẩn ngôn của việc lựa chọn không gian, diễn xuất của diễn viên hay dụng công trong sự sắp đặt đạo cụ, thiết kế mỹ thuật không bật ra trong khung hình. Về mặt cài đặt như vậy ở đây chỉ đạt được 2 phần trên 3 phần yêu cầu (quy ước, chức năng và tạo nghĩa*).

Hẳn nhiên với tôi, ROMA vẫn là một trường hợp cần phân tích thêm ở nhiều cảnh khác và nhiều khía cạnh khác chứ không thể dễ dàng bỏ qua. Bài học mà tôi rút ra được là tầm quan trọng của việc tạo nghĩa trong sự lựa chọn không gian cho từng phân cảnh.

#Nhiên
1.3.2019

(*) Đây là các khái niệm tôi học được từ quyển "Đọc Truyện Ngắn" (Daniel Grojnowski, 2017, NXB Hội Nhà Văn)