Trang

8.1.19

Khuyết mà đầy | ĐCDNC#62

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo Của Dân Ngụ Cư, Cảm nhận về giải thưởng Efebo d'Oro
Khi biết tin Đảo Của Dân Ngụ Cư đoạt giải thưởng này vào tháng 11.2018, tôi chú ý vào 2 chi tiết. 

Thứ nhất là tên gọi của giải thưởng. Tôi chưa hiểu Efebo d’Oro nghĩa là gì. Thứ hai là hình ảnh của chiếc cúp vàng. Dáng hình của một thiếu niên bị cụt chân chiếm đến khoảng ¾ khối hình của chiếc cúp. Tôi nghĩ ngay đến sự bất toàn hay một tư duy bất đối xứng trong chọn lựa tạo hình ấy.

Dự định của tôi là truy xét thật kỹ lưỡng về 2 dòng tâm ý. Thế nhưng, tôi không có nhiều thời gian lẫn nguồn tham khảo nào ngoài tên miền chính thức của ban tổ chức. Vậy nên có lẽ hiểu biết của tôi sẽ rơi vào khoảng chừng mực gói gọn trong bài nhật ký này.

Tách rời câu chữ Efebo d’Oro thành hai thì bên trái dẫn nghĩa về một chàng trai, tuổi chừng 17 đến 20. Ở khoảng tuổi này thì theo phân loại của tôi, đây là tuổi thanh niên, thời kỳ đầu tiên, giai đoạn sung mãn nhất trong đời người. Bên phải của sự phân tách có ý nghĩa là vàng, làm bằng vàng. Hiệp chung lại, tôi tạm hiểu tên gọi của giải thưởng nghĩa là “chàng trai vàng”. Đó là hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất của câu từ. Nhưng tôi chưa ưng lắm. Nhất là yếu tố giới tính. Với tôi, nam hay nữ không quan trọng. Chính yếu ở đây là tuổi trẻ. Và nếu hiểu theo nghĩa thoát ý này, vàng không còn là ý chỉ về kim loại hay nguyên tố hóa học nữa mà là sự rực rỡ, sục sôi, nhiệt huyết, hoài bão, cống hiến, dựng xây. Những thuộc tính này quả đúng là luôn song hành hay ẩn chứa trong thể phách, trong tinh anh của tuổi trẻ.

Efebo d’Oro là một sự công nhận mang tầm quốc gia về những xuất phẩm nội địa lẫn thế giới (chủ yếu là Âu Châu) có giá trị ở địa hạt văn chương và điện ảnh. Giải thưởng này có bề dày 40 năm, ra đời từ 1979 và được hậu thuẫn bởi Bộ Văn Hóa Và Di Sản của nước Ý. Theo cảm nhận của tôi, ban tổ chức đề cao giá trị văn học nhiều hơn và lòng quan tâm đến điện ảnh của họ cũng xuất phát từ tình yêu văn học. Câu chữ tĩnh trên trang giấy được tái sinh trên khung hình động và nếu bộ phim gìn giữ được tính nhất quán trong tư tưởng, phong vị đã từng hiển bày nơi tác phẩm gốc thì chắc chắn sẽ được lưu tâm và đề cử. Giải này dù rõ ràng được mở ra để tuyên dương các tác phẩm quốc nội và Âu Châu nhưng càng về sau thì tính rộng mở lại càng trương nở. Không chỉ giới hạn trong cựu lục địa mà đã lan sang cả Mỹ Châu và Á Châu. Để rồi giờ đây, trên bảng vàng lịch sử lần đầu tiên ghi khắc một tựa phim Việt Nam. Có 7 đề cử cuối cùng cho ngôi nhất. Và Việt Nam đã vươn lên, vượt qua cả 2 đại diện của chủ nhà để lên ngôi vô địch.

Giữa 1 bảng tên độc một kiểu chữ latin với các danh xưng xa lạ, bất chợt ở hàng thứ 40, ánh nhìn bắt gặp những ký tự đã được bỏ đi huyền sắc đặc trưng nhưng đó vẫn là một tiếng gọi Việt Nam, tiếng nước tôi. Cảm giác ấy sẽ thế nào trong hôm nay, trong ngày sau, trong trăm năm nữa?

Efebo d’Oro đã qua 2 lần chuyển dời địa điểm. Từ 1979 đến 2013, Agrigento, thủ phủ của tỉnh Agrigento, vùng Sicily là nơi tổ chức trao giải. Cách đó đến nay, chiếc cúp được trao tại Palermo, một thành phố cách Agrigento ước chừng trên dưới 150km. Tại Agrigento có một bảo tàng khảo cổ lưu trữ vô số hiện vật trải dài từ thời kỳ Hy Lạp đến La Mã cổ đại. Một trong số đó có bức tượng đính tên “Người thanh niên Agrigento” (“The Agrigento Youth” hay “Statue of a Kouros”). Tuổi đời của tượng được xác định là vào khoảng 2480 năm. Theo sự suy luận nông cạn của tôi, nghệ nhân Hy Lạp xa xưa tạc đẽo nên khối hình này là để vinh danh những con người đã hy sinh cho Tổ Quốc, hay ít nhất là khát vọng được được hoàn thiện, được trưởng thành.

Thanh niên Agrigento khi qua tuổi thiếu niên thì bắt đầu tách mình khỏi vòng tay bảo bọc của gia đình. Họ tiến vào những vùng đất hoang dã, cô tịch để tôi luyện kỹ năng sinh tồn. Và đó hẳn nhiên không thể nào là những dạo chơi nhàn hạ. Mục đích của sự thoát ly gia đình là để làm gì? Là để có thể trở về với sự trưởng thành trong nhân sinh quan và hoàn thiện trong kỹ năng chiến đấu để có thể bảo vệ quê hương trước bất kỳ một âm mưu thôn tính nào của ngoại bang. Ra đi nguyên vẹn và trở về sau những cuộc lữ với chi chít thương tích và mất mát. Nhìn toàn thể bức tượng, tôi thấy cả tứ chi đều đã tật nguyền. Nhớ tới câu thơ của Hoàng Cầm, “sao xót xa như rụng bàn tay”. Ở đây “rụng” thêm cả bàn chân. Cẳng chân, cẳng tay cũng bị cắt lìa. Nhìn kỹ vào khuôn mặt, tôi thấy thêm một vết sẹo lớn kéo dài từ mắt, cắt ngang mũi và xuống tận đến miệng. Một bên mắt bị hủy hoại hoàn toàn. Trưởng thành là một nỗi đau. Và nỗi đau ở đây được thể hiện sắc nét, chân thật đến kinh hoàng. 

Đối với người Ý, đó gọi là Vàng. Trong con mắt, trong tư duy, trong tâm hồn của người Ý, những chàng trai ấy mới thực là chân nhân, là những công dân thứ thiệt. Một khuôn mặt đầy sẹo, một cơ thể đầy vết cắt, một tâm thức đã kinh qua hàng ngàn thử thách khốc liệt của đời sống độc cư giữa núi rừng nơi biên ải. Với người Ý đó mới thực sự là tuổi trẻ hoàng kim, là thanh xuân rực rỡ. Để làm gì? Để được trưởng thành, để được lớn lên và để được sống, chiến đấu, để được chết, để được bảo vệ mỗi khi quê hương cất lên lời hiệu triệu.

Xuyên vào những màn ẩn nghĩa của bức tượng mà dáng hình đã được cô đúc trên chiếc cúp vàng gửi về cho bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư, tôi không thể nào không liên kết giữa “Chàng Trai Vàng” và cô gái Chu, nhân vật chính của bộ phim. Có quá nhiều tương đồng giữa tinh thần của biểu tượng giải thưởng và vai nữ chính trong bộ phim được trao giải. Bên này là chàng trai cụt chân. Bên kia là cô gái không bao giờ có thể bước trên đôi chân của chính mình. Cả hai đều là những hình hài đã bị dày xéo bởi bao nhiêu giẫm đạt tàn khốc. Nhưng Chu cũng như tuổi trẻ Agrigento, cô không chấp nhận sự kềm tõa của gia đình. Những vòng tay thân thuộc của huyết thống không thể giúp cô đạt tới hạnh phúc viên mãn. Cô muốn ra biển, muốn nếm vị ngọt lẫn đắng trong những cuộc lữ nơi cuộc đời rộng lớn. Cô muốn tự do. 

Cô gái đó đã không có một đồng minh đắc lực nào. Nhưng cô vẫn tiến lên. Và cô đã chọn, đã chủ động chọn thử thách lớn nhất để chạm tới biển khơi.

Từ Ý đến Việt, tưởng thật xa. Từ những chiến binh thời Hy Lạp hai nghìn năm trước đến một huyện lỵ nào đó ở miền duyên hải Trung Bộ đất Việt của thập niên nghìn chín chín mươi, tưởng thật xa. Mà hóa ra cũng thật gần. Xa đó và cũng gần đó. Thật xa mà cũng thật gần! Những con người bất toàn xác quyết băng qua đau thương để được thành toàn. Khuyết mà không khuyết. Khuyết mà tràn đầy, vẹn nguyên.

#Nhiên  
8.1.2019