Trang

13.1.19

Đặng Nhật Minh và Đảo | ĐCDNC#67

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo Của Dân Ngụ Cư
Tháng 8, 2017, tôi có cơ hội lần đầu được lắng nghe đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trước đó, tôi chưa hề biết ông là ai và có vị trí thế nào trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Để chuẩn bị cho buổi tọa đàm, tôi nhanh chóng (và cũng may mắn) tìm được quyển sách hồi ký của ông. Tôi đọc vội trong đêm để bắt lấy những nội dung chính. Sáng ngày hôm sau, tôi kịp xem bộ phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười trước khi đến với sự kiện. Ở lần đó, tôi được nghe trực tiếp và đặc biệt là xem cùng ông với một lượng khán giả vừa đủ 2 bộ phim khác của ông là Thị Xã Trong Tầm Tay và Trở Về.

Tháng 10, 2018, khi vào Rạp Tháng 8 để xem chùm phim Iran trong Liên Hoan Phim (LHP) Quốc Tế Hà Nội lần V (#HANIFF2018), tôi thấy ông ít nhất 2 lần từ hàng ghế khán giả. Hết 1 phim thì ông lại lên xe máy có người chờ sẵn bên ngoài để chạy đi ngay. Tôi chẳng biết là đi đâu. Tôi phán đoán hẳn là ông di chuyển sang 1 rạp khác. 

Và vào những ngày cuối năm của tháng 12, tôi lại có cơ hội gặp ông thêm lần nữa… cũng cùng trong 1 không gian văn hóa như cách hơn 1 năm về trước. Thật tiếc là buổi này không có trình chiếu phim! 1 tháng sau buổi này, phim Mùa Ổi của ông sẽ được trình chiếu ở Trung Tâm Chiếu Phim Quốc Gia. Nếu gọi đúng là một rạp chiếu quy chuẩn thì tôi chưa xem được phim nào của ông cả. Và tôi tự hỏi, “Liệu rằng sẽ có một tuần lễ phim Đặng Nhật Minh hay không?”. Hay là đã từng có mà tôi không biết. Đọc trên báo chí tôi thấy đã có một dạng sự kiện như thế diễn ra ở nước Pháp. Chẳng hạn như tại LHP Quốc tế Amiens, ông đã đã được trao giải Thành Tựu Trọn Đời (hay là Lincorne d’Or / Kỳ lân vàng). Và quan trọng là cả 8 bộ phim của ông đã được trình chiếu có khán giá ái mộ. Không biết là đến khi nào mới có một dạng lễ hội phim tương tự tại Saigon để tôi dự phần?

Trong lần tái ngộ này, tôi không thể làm gì hơn là lắng nghe 2 giờ và xin chữ ký vào cuối giờ. Quyển Hồi Ký (in 2011) tôi đã có chữ ký. Nhưng quyển hồi ký ấn bản năm 2005 thì chưa. Tập truyện ngắn của ông bao gồm các tác phẩm gốc trước khi được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh có tựa “Ngôi Nhà Xưa”. Quyển này tôi tìm được sau lần gặp đầu. Tôi cũng mang tới để có được bút tích của đạo diễn.

Sau phần độc thoại là giao lưu. Tôi gửi đến ông 2 câu hỏi. Một về cảm nhận các phim Iran tại HANIFF. Hai là về nhận định của ông đối với tác phẩm Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC).

Với câu hỏi 1, ông không bàn vào chất lượng của phim nào mà chỉ bày tỏ sự tiếc nuối khi không xem được phim “Căn Phòng Tối” của Iran. Phim này về sau được trao giải Phim Hay Nhất tại LHP.

Về câu hỏi 2, trước khi hỏi, tôi có đề cập đến giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh quốc nội. Đó là giải Phim Hay Nhất của LHP Việt Nam lần 20 (Bông Sen Vàng 2018). Danh sách đề cử bao gồm 16 cái tên. Về sau, theo tôi được biết, từ 16 đã rút gọn thành 5 tựa phim để vào vòng chung khảo cuối cùng bao gồm:

- Cha cõng con 
- Cô hầu gái
- Đảo của dân ngụ cư 
- Em chưa 18
- Hotboy nổi loạn 2

Ban giám khảo của LHP tôi không biết bao nhiêu người. Nhưng đứng đầu và giữ vai trò chủ tịch chính là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Dựa theo tất cả kiến thức và trực giác từ hồi ký, phim ảnh và những lần lắng nghe ông, tôi vô cùng băn khoăn và rất muốn biết kết quả minh bạch của từng người trong hội đồng xét giải. Dĩ nhiên, tôi đã không nói ra hết tâm ý của mình. Tôi chỉ viện dẫn giải thưởng Bông Sen Vàng để mở đầu câu hỏi. Vì là giám khảo nên chắc chắn ông đã xem phim ĐCDNC. Vậy nên câu hỏi của tôi không phải hướng vào việc điều trần kết quả giải thưởng mà là nhận định của ông về riêng tác phẩm này. Những ưu / khuyết, được / chưa được trong cách kể chuyện, cách dựng hình.

Dường như hiểu được ẩn ý trong mở đề của tôi, đạo diễn nói rõ về quy trình chấm giải ở Bông Sen Vàng. Ông bày tỏ những bất tiện trong đời sống của mình vì đã bao nhiêu lần phải thanh minh sau khi kết quả của Bông Sen Vàng được công bố. Rất nhiều người đã dựa vào sự nghiệp điện ảnh của ông, những cảm xúc từ các tác phẩm của ông mà chất vấn vì sao 1 bộ phim thuần túy thương mại như Em Chưa 18 lại được giải Phim Hay Nhất.

Phần trả lời câu hỏi số 1 cũng như sự trần tình vừa nêu ở trên tôi không ghi âm nên sự diễn bày bằng câu chữ theo kiểu gián tiếp trong bài này rất dễ gây ra sự hiểu lầm, hiểu sai. Và với tôi, thông tin cũng không mấy quan trọng. Điều tôi cần nhất là giá trị thật sự của phim ĐCDNC trong con mắt của ông. Vậy nên tôi đã cẩn thận ghi âm lại toàn bộ những thanh âm liên quan. Dưới đây là phần phiên tả của tôi. Cách mở đóng ngoặc vuông là do tôi thêm vào để rõ ý. Vì đây là văn nói nên một số từ đệm nếu bỏ đi thì cũng không ảnh hưởng đến ngữ nghĩa cho nên tôi cho vào ngoặc đơn.


~~~ Ý kiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh về bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư ~~~

“Một người làm phim tương đối gọi là có kinh nghiệm như tôi… thì tôi cảm thấy (thế) này… Người nữ đạo diễn này [Hồng Ánh] làm… đôi khi… cảm thấy sợ, sợ rằng không hấp dẫn khán giả (nên) cho những pha này vào, có pha này kia để hấp dẫn người xem… theo (cái) thị hiếu bây giờ.

(Thì) Tôi thấy là… nếu… bản lĩnh hơn nữa, bình tĩnh hơn nữa, mình chỉ nói những vấn đề mình cần nói. Và không cần thêm râu ria, những cái gì khác để hấp dẫn người xem… thì tôi thấy (cái) phim [Đảo Của Dân Ngụ Cư] còn hay hơn nữa.

Hai nữa là có những (cái) cảnh (mà) tôi thì yếu bóng vía. Mà cô Lê Na [người dẫn chương trình tọa đàm] thì cũng giống như tôi [cười]. Là chặt những cái đầu những con gì đấy hả …con… à con dê. Trông ghê quá, máu me ghê quá! Mà tôi biết cô bảo, cô [Hồng Ánh] nghĩ rằng làm như thế này là hấp dẫn, hấp dẫn khán giả. Khán giả thích đấy. Thế nhưng mà ráng bớt những cái đó. Bình tĩnh hơn nữa! Mình chỉ nói về những vấn đề nhân văn, vấn đề con người. 

Cho nên tôi cũng xin nói thêm là những bạn trẻ [người làm phim] hay bị chấp chới giữa nghệ thuật với thương mại. Chấp chới. Ta đi theo đạo nào thì cứ đi theo đạo nấy. Theo đạo Phật thì thôi đừng nên vào nhà thờ, vào nhà thờ thì thôi không theo đạo Phật. Ta theo một đạo, một tôn giáo thôi.

Nay bạn hỏi thì tôi trả lời những suy nghĩ này. Tôi chưa nói với cô Hồng Ánh. Vì cô ấy chưa hỏi [cười]. Tôi rất quý Hồng Ánh… Tôi rất quý Hồng Ánh, một diễn viên có tài. Nghị lực rất lớn. Và làm đạo diễn thì rất vất vả, không hề đơn giản.”

| Trích xuất từ tập tin ghi âm vào ngày 22.12.2018
Tại không gian văn hóa “Cà phê thứ bảy Trẻ”
264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P8, Q3, Tp Hồ Chí Minh |

Với tôi, đoạn ghi âm này rất quý giá. Ý kiến của ai khác tôi có thể lơ là. Chứ ý kiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì tôi đưa lên tuyến đầu. Tâm thức của ông không những là tâm thức làm nghề của người có trình độ chuyên môn  mà còn là tâm thức của một thế hệ. Do thời lượng giới hạn, ông không nói nhiều. Nhưng chỉ chừng này cũng đã đủ để tôi mổ xẻ và có thêm tri thức trong hành trình đi tìm giá trị thật của bộ phim này.

Đi ngược theo dòng thời gian của đoạn ghi âm, sự ví von “nhà thờ / chùa, Phật Giáo / Cơ đốc giáo” là ít quan trọng nhất. Đây chỉ là một sự diễn ý, kéo dài câu chữ cho ý lớn và ý chính mà ông đã lập lại nhiều lần. Có những từ rất quan trọng cần phải gạch đỏ. 

Đầu tiênnghệ thuật / thương mại và sự chấp chới giữa 2 lằn ranh. Chỉ chọn 1, không nước đôi, không đi 2 đàng. Vậy thế nào là làm phim nghệ thuật? Thế nào là làm phim thương mại? Tư duy nghệ thuật? Tư duy thương mại? Những câu hỏi này thật tình là không dễ để trả lời khúc chiết và thực tế đã có những tranh cãi không dứt. Tôi tạm thời không muốn đi sâu.

Thứ hai là cảm giác sợ, sợ không đủ hấp dẫn khán giả. Ở đây ông muốn nói đến 2 thái độ. Đó là dứt khoát / thỏa hiệp. Dứt khoát trong việc kể chuyện bao gồm cách dựng hình, cách chôn ý (ẩn ngôn), cách nổi âm (âm nhạc, âm thanh), cách thổi gió (phong vị). Thỏa lòng mình chứ không đi theo hướng chiều chuộng cảm xúc của số đông, chạy theo thị hiếu. 

Ông nhìn ra nỗi sợ, sự chấp chới và tính hai mang trong phim ĐCNDC. Điều này có lẽ cần sự đối chất giữa 2 bên. Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức cần gặp nhau để trao đổi và làm rõ. Người khán giả như tôi không thể xen vào.

Thứ ba là phần tôi nghĩ mình có thể can dự. Ông viện dẫn cảnh chặt đầu dê. Đây là phân đoạn Chệt Liếm sau khi tìm được chiếc bật lửa ở phòng cô Chu. Nghi ngờ nhưng không hề biết ai là người đã đột nhập vào phòng con gái mình. Không thấy tận mắt mà chỉ có tang vật. Chệt Liếm đi ra khu bếp và chém đầu con dê để dằn mặt toàn bộ người làm. Trong đó, ý định dằn mặt với Miên (1 người làm đã lâu năm) là rõ nét nhất. 

Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, cảnh này (và có thể rất nhiều cảnh làm thịt dê trong phim) là man rợ và không cần thiết. Từ đây, tôi đoán rằng cũng sẽ không ít người như ông. Họ cảm thấy bộ phim có chiều hướng bạo lực với động vật và còn rất nhiều cảnh bạo lực khác trong phim. Tính bạo lực của phim này có thể đã dẫn đến cảm giác ác cảm.

Trong tư duy dàn dựng của 1 đạo diễn, chắc chắn ông sẽ không bao giờ chất vấn con dê có bị làm thịt thật không. Hay có bao nhiêu con dê bị giết? Đó là tư duy của 1 khán giả phổ thông, ưa lấy cảm xúc chủ quan để áp đảo ý chí của người làm phim. Họ còn có thể đi xa hơn, đó là nhân danh đạo đức, nhân danh tôn giáo và một loạt những nhân danh khác để chất vấn những cảnh giết hại thú vật. Nhưng đây đâu phải đời sống. Đây là thế giới của nghệ thuật thứ bảy. Và nghệ thuật thì có ngôn ngữ riêng biệt. Bước vào rạp nghĩa là một lần đồng thuận ra khỏi thực tại ngoài kia để bước vào một thực tại khác với luật lệ, ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Và chắc chắn không 1 người làm phim nào muốn tạo ra sự ghét bỏ nơi khán giả với chính đứa con tinh thần của mình. Lắng một chút, lặng một chút, nhìn kỹ hơn, nghe kỹ hơn, để ý nhiều hơn, buông thả nhiều hơn. Thả buông đi những mặc định của mình với thế giới ngoài kia, kiên nhẫn với ngôn ngữ của thế giới trong này. Có khi những ẩn ngôn sẽ hiển thị.

Với tôi, con dê cũng là 1 nhân vật trong bộ phim này. Nếu bỏ con dê, tức loại ra hết các cảnh liên quan thì mọi ý đồ cùng tác phẩm, tính nhất quán so với giá trị văn học cũng phá sản hoàn toàn. Bỏ con dê cũng đồng nghĩa đập nát tác phẩm và làm lại từ đầu. Vậy nên, theo phán đoán của tôi, ý của đạo diễn Đặng Nhật Minh không phải là chuyện cắt đầu dê mà ông muốn nói đến tính bạo lực trong phim. Và với ông thì không nhất thiết phải có những cảnh bạo lực tả chân và trực diện như vậy. Theo ông là sẽ có những cách diễn đạt bằng hoạt ảnh khác.

Bạo lực trong phim ảnh chỉ là một cách thức để diễn đạt ẩn ngôn. Nếu dàn dựng kém thì hẳn nhiên sự phản cảm ban đầu sẽ còn nhân lên gấp 2 gấp 3. Khi xem phim này, tôi cũng đã từng không ưa thích và đặt dấu hỏi về tính cần thiết của những pha chém giết. Không chỉ với thú mà lan cả sang người. Và cấp độ kinh khiếp không chỉ dừng lại ở sự chặt đầu. Đó còn là bạo hành, bạo dâm. Nếu phim này chỉ có bấy nhiêu thì có lẽ tôi đã rời rạp giữa chừng. Nhưng không, chỉ cần 1 cảnh chèo thuyền thôi, cảm xúc của tôi đã cân bằng. 

Cảnh chặt đầu có 1 đối cực là cảnh cõng con. Nói rộng hơn, các cảnh liên quan đến biển, đến thuyền trong phim này theo tôi đã tạo ra 1 vòng cung cảm xúc đầy đặn. Rớt / đậu, thấp / cao, chìm / nổi, dữ dội / dịu êm, chiến tranh / hòa bình, bóng tối / ánh sáng, giam cầm / giải thoát. Với riêng tôi thì những phân đoạn đó đã cứu thoát mình khỏi những vũng lầy, những vùng tối từ các pha đầy rẫy máu me tang tóc. Và tôi chợt nhận ra một nguyên lý dựng hình, dựng thanh rất cơ bản đã được cài đặt trong phim này. Đó là TƯƠNG PHẢN. Phẩm chất trong sự dàn dựng để tạo ra tính tương phản ở tầng mức nào? Tôi chưa bàn. Và chắc là tôi cũng chưa đủ khả năng để bàn. Nhưng vì đã nhìn thấy được, đồng cảm được nên tôi không gặp vấn đề gì với chất bạo lực trình hiện. Trái lại, tôi nghĩ những gì nhìn thấy là vẫn còn ít, vẫn còn khá nhẹ so với sức chịu đựng của tôi.

Vì sao? Vì bạo lực nẩy ra từ nhân vật Chệt Liếm theo tôi là còn phải tăng cường thêm. Đây là nhân vật phản diện, là mẫu tượng Bóng Âm trong chuyện kể. Nhân vật chính diện, nguyên ảnh Anh Hùng có vụt sáng, có bật lên hay không là nhờ những thách thức, ngáng trở từ nhân vật chính diện. Để tạo ra một sự cải biến, một sự tiến hóa trong tâm thức của Anh Hùng từ đầu phim đến cuối phim thì cần có những bài kiểm tra chất lượng từ Bóng Âm. Nói khác đi, Chu có đẹp hay không là nhờ Chệt Liếm. Chu là nhân vật chính, cô cần đẹp. Và cái đẹp đó không chỉ đến từ ngoài da mà còn là bề trong và là xung lực đối kháng từ nhân vật phản diện. Chệt Liếm cũng cần phải đẹp. Hay Chiệt Liếm có đẹp hay không là nhờ bóng sáng trong nhân vật này? Nếu bóng âm quá mạnh, đè bẹp bóng sáng thì nhân vật phản diện này trở nên tầm thường, đơn điệu và chắc chắn tạo ra sự ác cảm. Còn nếu diễn xuất tốt, dàn dựng tốt, người xem có ghét mà cũng có thương, có sự đồng cảm. Nếu chỉ tạo ra 1 nhân vật phản diện để người xem chỉ trích thì với tôi là một sự sáng tạo quá giản dị.

Vậy nên để kết luận về phần nhận xét của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi sẽ lưu tâm ý kiến của ông. Cất giữ và tiếp tục chiêm nghiệm. Ở ý thứ ba mà tôi đã liệt kê ở trên, thật tiếc là hiện tại tôi không đồng tình với ông. Tôi có một nếp nghĩ khác.

#Nhiên
22.12.2018