Trang

24.12.18

Phép màu | TG#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Tokyo Godfathers,Tokyo Godfathers
Tên phim Tokyo Godfathers khiến tôi liên tưởng đến một phim băng đảng hành động ly kỳ. Dù đã đọc trước lời dẫn trước khi vào rạp, liên tưởng đó hãy còn hằng hữu. Và tưởng chừng như phát tỏa khi một nhân vật bố già của băng đảng yakuza xuất hiện. Nhưng không! Yếu tố tội phạm chỉ hiển bày chớp nhoáng để rồi nhanh chóng trả lại phong vị phiêu lưu và điểm xuyến sự hài hước thổi tràn toàn bộ tác phẩm.

Trung tâm của bộ phim là quãng đường tìm về gia đình của 1 đứa con bị thất lạc. Nhưng theo cạn nghĩ của tôi lạc hay đoàn tụ không phải nội dung chủ đạo của tác phẩm này. Một điều gì đó lớn hơn. Khó mô tả hơn. Chẳng hạn như là tinh thần Giáng Sinh. Với một người không hít thở thường xuyên không khí Cơ Đốc Giáo như tôi thì việc viết ra một điều gì đó về tinh thần Giáng Sinh có lẽ là bất khả.

Về cách dẫn chuyện của bộ phim, tôi cảm giác như không có 1 nguyên ảnh anh hùng nào. Cả 3 nhân vật, 1 bé gái vị thành niên, 1 phụ nữ lỡ thì, 1 ông chú trung niên hợp thành 1 khối tình thay nhau dẫn dắt câu chuyện. Sự tiến hóa trong nhận thức, tình cảm của họ dường như sau cùng cũng chỉ là để thể nhập vào tinh thần của Giáng Sinh. Tôi lưu tâm vào cô gái chuyển giới có tên Hana mà khi cần lại xuất khẩu thành 1 bài thơ in đóng trong gió thoảng. Hana nghĩa là Hoa. Hoa nhưng không phải Hoa nên chính thực là Hoa. Tư duy Bát Nhã trong tôi lên tiếng. Suy ngẫm của tôi về Hoa Truyền Thư khai mở. Nhưng đó chỉ là thói quen của tâm thức chủ quan. Còn về bộ phim hoạt hình Nhật Bản thì vết dấu của Phật Giáo hay Kịch Nō là gần như vắng bóng. Để nhường chỗ cho ánh sáng Thánh Linh mà thỉnh thoảng cứ ngẫu nhiên chớp nhá. Và rồi những lần ngẫu nhiên ấy cứ cách khoảng lại xuất hiện. Đã không còn gì là ngẫu nhiên nữa!

Như biểu tượng đôi cánh trên chiếc xe taxi góp dự vào hành trình tìm mẹ. Ánh vàng, dang ôm và phát sáng. Đến, đi. Không chỉ một lần. Và còn nhiều dấu hiệu khác nữa. Rất nhiều tình tiết giải cứu cứ đột ngột hóa thành. Tôi thử truy cứu theo logic rồi về sau chẳng cần thêm truy cứu nào nữa. Tôi quy tất cả vào một hiện thực vượt thoát và thầm gọi, “Phép màu!”. Như là tình yêu nở trổ trong tim người. Như là lòng thương sau bao mùa băng giá bỗng nhiên hé nụ. Kỳ diệu hơn, nở trổ và hé nụ ấy lại từ giữa lồng ngực của những tâm hồn không nhà, những phận đời không nơi nương náu, những con ngưỡi đã đứt gãy giềng mối với gia đình ruột thịt.

Một hài nhi đang cất tiếng trong gian lều nghèo nàn, xập xệ. Âm thanh đó, tiếng cười đó phải chăng là ẩn ngôn cho tinh thần Giáng Sinh? Tôi chưa hiểu, như đã viết, tôi không tắm táp trong thời tiết ấy nên tôi không thể hiểu bộ phim này. Nhưng tôi đã thấy những dãy nhà cao, kiên cố, hiên ngang giữa trời. Ánh sáng sang giàu, sung túc đó hẳn là mơ ước của bao người, trong đó có tôi. Nhưng ánh sáng êm ấm trong bộ phim này lại không đến từ phương cao ấy. Ở một nơi thấp hơn, tưởng như chạm đáy xã hội, mỏng manh hơn, thiếu tiện nghi hơn trăm phần và hiển nhiên là thiếu an ninh. Tệ hơn nữa là vô pháp luật.

Tựa đề bộ phim có thể dịch thành Người Cha Đỡ Đầu ở Tokyo, người cha nuôi, người cha tinh thần. Như đúng câu thoại ở phần kết. Đứa bé đã về lại đúng nơi sinh thành, đã yên vị trong vòng tay của mẹ cha huyết thống. Nhưng tâm hồn trẻ thơ ấy vẫn luôn cần 1 người cha khác, hay đúng hơn là một người chị khác, 1 người mẹ khác, cần thêm 1 gia đình nữa, thứ tình cảm xuyên qua giai tầng, xuyên qua cách khoảng giàu nghèo và sự kỳ thị đối xử. 

Trẻ em cần nhất tình yêu. Và tình yêu có thể giáng sinh từ những nơi không ngờ.

#Nhiên

T/B: 
Tôi ngồi nhẫm lại thì đếm được con số 19. #TokyoGodfathers (#TY) là bộ phim điện ảnh thứ 19 của Nhật Bản tôi xem trong năm nay, tính tại cụm rạp thương mại và các điểm chiếu phim cộng đồng. Có lẽ chưa bao giờ tôi xem nhiều phim Nhật đến vậy trong cùng 1 năm. Cái nhìn về điện ảnh Nhật vì vậy mà có thể trở nên bớt giản dị và ngây ngô. Phim đầu tiên trong 2018 cũng là một phim hoạt hình nhưng thất vọng. Còn phim khép lại 2018 cũng là một phim hoạt hình nhưng thật may là có điều để viết lại. Khép lại 1 năm dài, có lẽ Truyền Thuyết Cây Cừu (The Scythian Lambs) là phim Nhật giàu ngôn ngữ điện ảnh nhất đối với tôi. Mong là có đủ thời gian và tâm ý để phân tích tác phẩm này.