Trang

16.10.18

Trống | TFP#1

The Florida Project, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Trừ các tác phẩm đã có sẵn tình cảm, trong thời gian này khi xem phim, tôi luôn nghĩ đến “tiền”. 

Suy rõ hơn, đó là nghĩ về yếu tố phục vụ đám đông. Phim có dễ hiểu không? Đó là một câu hỏi. Phim có giàu hình ảnh không? Đó cũng là một câu hỏi. Yếu tố phục vụ cũng có thể hiểu là yếu tố giải trí.

Tôi bận lòng khá nhiều với những suy tư này. Khi xem phim tôi không tin rằng một lần xem là đủ. Thường phải là 2 lần trở lên. Thế nên lần đầu luôn là lý trí. Nếu phim thuyết phục được tôi thì sẽ có lần 2. Và với lần 2, tôi buông lỏng mình hơn, xem bằng cảm xúc. Lần một nghiêng nhiều về lý trí. Lần hai nghiêng nhiều về cảm xúc.

Tôi đã xem The Florida Project với đúng ý tâm thế vừa nêu. Và sau khi kết phim, tôi hoàn toàn trống rỗng. Lúc này, tôi còn bận để tâm về quãng đường đi bộ sắp tới. Tôi sẽ rời điểm chiếu này và đến một điểm chiếu khác để xem tiếp một bộ phim khác. Tôi chưa có một cảm xúc đặc biệt nào với TFP cả. Thế mà micro lại chuyền đến đúng chỗ tôi. Có lẽ người tổ chức muốn biết cảm nhận của một người lần đầu đến nơi này.

Tôi đành phải trả lời sự thật. “Trống rỗng”, tôi không có gì để phát biểu cả. Và những gì nói sau đó thật ra chỉ là một sự lấp đầy khoảng trống của một lần nói. Tôi có nói về cấu trúc ba hồi, điểm châm ngòi. Tôi chẳng thể xác định được các ngoặt cua chính trong phim này. Vấn đề thật sự của phim là gì quả là tôi không biết!

TFP nằm trong nhóm phim tôi quyết định không tìm hiểu bất kỳ thông tin nào trước khi xem. Một là tôi không có nhiều thời gian. Và nếu có thời gian thì tôi cũng không tìm. Với phim này, tôi muốn để xem tự thân bộ phim có tác động gì đến tôi không. Tự thân mà không cần bất kỳ một thông tin xoay quanh.

Tôi còn nói gì nữa trong bài phát biểu ngô nghê của mình? Tôi có nói đến sự phân hóa giàu nghèo và tính hiện thực trong quy hoạch đô thị ở nước Mỹ. Chấm hết! Rất tẻ nhạt và vô vị! Đó là phần cảm nhận bằng văn nói của tôi.

Giờ đây, 21:41 ngày 16 tức là đã 2 ngày sau khi xem phim, cái kết bắt đầu tan ngấm trong tôi. Cả một bộ phim dài với tôi tưởng như không có đáng bàn thì cái kết đến và tạo thành một thế đối xứng rất rõ ràng. Tôi không biết phải mô tả cụ thể như thế nào nhưng kết thúc của TFP làm tôi nghĩ ngay đến bộ phim Manchester By The Sea. Dư lượng cảm xúc ở lại trong tôi từ kết thúc của 2 bộ phim là gần như ngang nhau. Hẳn nhiên tôi dễ thâm nhập vào tình cảm và tâm lý nhân vật trong MBTS hơn. Lý do là vì TFP chọn điểm nhìn là các em nhỏ. Bộ phim chính là thế giới quan của những đứa bé ở dãy nhà trọ hay là chung cư (tôi không biết phải gọi tên gì cho đúng) màu tím. Tôi phải mất một giai đoạn để chuyển đổi đôi mắt của mình thành đôi mắt của thiếu nhi để có thể hiểu được bộ phim này. Và giai đoạn tự nhiên đó là 2 ngày.

Có một cảnh quay đang trở lại trong ký ức của tôi. Một cú máy dài theo sát những bước chạy của các cậu bé, cô bé. Các em chạy trên hành lang từ góc phải khung hình sang góc trái. Chạy mãi, chạy mãi, không gian tưởng như dài xa vô tận. Trong khi đó, thực tế thì đó chỉ là một dãy nhà chật hẹp, xuống cấp và dơ bẩn. Một cảnh quay với tôi là tiêu biểu để minh chứng cho thủ pháp hình ảnh trong TFP.

TFP phơi bày hai diễn tiến tâm lý hoang hóa song hành của 1 cặp mẹ con. Sự hoang hóa của người lớn có thể gây nên cơn phẫn nộ. Nhưng còn sự hoang hóa của trẻ con? Nếu không có một tác động nào khác thì tôi tin rằng đứa bé kia sẽ là người mẹ của ngày mai. 

Trẻ em cần có tuổi thơ, cần có một thế giới thần tiên. Và trách nhiệm dựng tạo thế giới ấy thuộc về cộng đồng. Bộ phim có một kết thúc rất đắt giá nhưng theo tôi cái kết này chỉ nhấn mạnh vào sự cần thiết của tuổi thơ, của thế giới thần tiên.

Còn tạo dựng như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai thì đó là câu hỏi mà mỗi khán giả sẽ mang về nhà. Và tôi tin rằng nỗ lực của một cá nhân là không thể cứu vãn tình trạng. Sức mạnh tập thể, hiệu ứng tập thể rất cần xuất hiện ở ngay đây, ngay lúc này.

#Nhiên