Trang

22.10.18

Tết | ĐTP#29

Đi Tìm Phong, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Cảm nhận đi tìm Phong
Tôi ngồi thử nhẩm đếm từ cột mốc 2 tháng 10 đến phút này. 21 ngày! 21 ngày rồi! Và sẽ còn thêm nhiều ngày nữa! Vẫn còn ít nhất 2 rạp tại Saigon dành những suất chiếu chiều tối cho bộ phim tài liệu quan sát Đi Tìm Phong.

Giờ đã là tuần thứ 4 của tháng 10. Trong suốt 30 ngày qua, vẫn chưa có một bộ phim nào, trong số lượng 15 phim điện ảnh cả nội cả ngoại đã trải, khiến cho tôi nặng lòng nhiều như Đi Tìm Phong.

Dù mang hình hài của thể phim tài liệu nhưng ĐTP vẫn là một chi phần của điện ảnh. Trong dịp ghi dấu chẵn tròn 3 tuần lễ tính từ đêm premier, tôi ngồi nhắm mắt tự hỏi, “Đâu là ấn tượng điện ảnh của phim này?”

“Giả sử nếu chỉ nhìn hình và tắt tiếng hoàn toàn đâu sẽ là dư ảnh trong tôi?”

Đáp án của tôi là con số 2. Có 2 hoạt ảnh mà theo tôi là đong tình, là gợi hình. 2 hoạt ảnh nhưng được điệp lại. 2 nhân 2 trở thành 4.

Đầu tiên là cảnh giao thừa. Không biết là Tết Tây hay Tết Ta? Dựa trên những gì nhìn thấy, Tết Tây sẽ nhiều phần đúng hơn. Mình Phong ngồi đó, thu lu trong góc tối, giọng trầm, nỗi buồn đặc quánh, đơn côi. Pháo hoa tung nổ. Nhưng ánh nhìn chơi vơi. Và khung trời tưởng như loang lỗ, xiêu vẹo.

Cái Tết sau. Cũng là Phong. Nhưng không còn mành lưới nào giam giữ! Phong giờ như con nai thoát khỏi cảnh tù đày. Quăng mình vào sự sống rộn rã vui vầy! Không cần phụ đề. Không cần thoại kể. Chỉ cần hình động là đủ để thấy cũng là cái Tết, cũng là pháo hoa mà trái-tim-xưa nay đã mới tươi trở lại! Vẫn chưa có một can thiệp y học nào! Mà có lẽ cũng chẳng dao kéo, thuốc thang nào có thể đổi được niềm hạnh phúc chứa chan khởi phát từ thẳm sâu tâm hồn! 

Thứ hai là cảnh băng đường. Những chiếc xe lạnh lùng vút nhanh. Tựa như dòng đời bạt xô xuôi ngược. Ở đó chỉ có mình Phong xuyên vượt. Động tác nhanh nhẹn, đôi chân thoăn thoắt và nét sáng rỡ, hân hoan từ không khí ngày Tết vẫn còn lan tràn nơi đây. Dáng điệu ấy, dung nhan ấy cũng là biểu trưng của bộ phim này. 

Lần thứ hai, áng văn bằng hình ảnh tiếp tục sử dụng biện pháp điệp ngữ. Vẫn là con đường ấy, vẫn là dòng đời xuôi ngược bạt xô. Vừa mới trải qua một nỗi đoạn trường, người con gái mang tên Ánh Phong không còn có thể xuyên vượt một mình nữa. Lúc bấy giờ có chị, có anh, là chị dắt, là anh dìu. Hai con người (mà lòng quan tâm và nghĩa nặng được thể hiện theo những cách khác nhau, sắc nét của tánh nam và tánh nữ) đã cùng xuất hiện bên tả bên hữu. 

Tết xưa Tết nay, mạch dẫn từ đầu phim vẫn chưa hề đứt quãng. Tươi sáng đầy dâng của thời khắc giao thời lại thêm lần nữa dâng đầy bằng ý nghĩa của đoàn viên. Cũng trên chính con đường này là Ánh Phong sắp thành nhưng đơn độc. Cũng trên con đường này là Ánh Phong đã thành. Vẫn trong một tâm cảnh giao thời nhưng lồng trong tình anh, tình chị, trong sự đoàn viên.

Thời tiết ấy, thời tiết của những ngày Tết hay là những mắt-môi-đang-Tết ấy sẽ là dư ảnh khó quên, không thể nào quên.

#Nhiên