Trang

25.9.18

PHÊ | CRA#1

Crazy Rich Asians, Con nhà siêu giàu châu Á, Phê Phim, Đạm Nhiên
Phê! Đây không phải là cảm giác của tôi về bộ phim Crazy Rich Asians (CRA) hay có tựa Việt Nam là Con Nhà Siêu Giàu Châu Á. Tôi chưa có cảm giác phê phim này. Dù là chớm phê, vừa phê hay cực phê.

Phê ở đây là một nhóm chuyên có những cảm nhận theo dạng tự quay phim, tự biên tập. Tên nhóm là Phê Phim. Tôi vừa biết đến nhóm này không lâu nhờ sự giới thiệu của một người bạn 29 tuổi. Hai bài cảm nhận đầu tiên mà tôi theo dõi là về 2 bộ phim Việt. Đó là Song LangChàng Vợ Của Em. Đây cũng là 2 phim mà tôi chú ý trong khoảng 1 tháng gần đây. Và với thói quen chưa từng tích cực hay chủ động đi tìm các bài cảm nhận từ người khác thì có thể nói Phê Phim chính là nguồn cấp cảm nhận đầu tiên mà tôi chăm chú lắng nghe rồi sau đó quay lại thêm vài lần nữa.

Cảm giác đầu tiên của tôi là “sốc”. Đúng ra hơi giận dữ! Sự yêu thích Song Lang và Chàng Vợ Của Em từ tôi đều có những nguyên do và căn cứ rõ rệt. Tuy nhiên khi nghe một dạng cảm nhận theo thể thức đối thoại và tranh luận giữa 2 bạn trẻ (tôi đoán nhỏ hơn tôi tầm 10 tuổi hoặc ít nhất phải 5 tuổi) thì tôi không mấy vui vẻ. Không phải vì nội dung của các bạn mà là vì thái độ của các bạn. Nhất là thái độ đối với phim Việt Nam. Dĩ nhiên, sự quay lưng với phim Việt và có phần xem trọng văn hóa ngoại bang của thanh niên Việt Nam là điều tôi không lạ. Nhưng có lẽ do từ lâu tôi rời xa các không gian tranh luận công cộng nên đúng là sốc thật và giận thật. Tôi vào xem mục lục các bài cảm nhận thì thấy hầu như chỉ toàn là phim ngoại. Đặc biệt là phim Mỹ. Cảm giác sau chót của tôi là buồn bã. Tôi không thể nào trách cứ hay lên án các bạn. Tôi không muốn nói về kết quả hôm nay và tôi muốn nhìn vào nguồn cơn hôm qua. Tôi không muốn nhìn vào tiểu cảnh mà là toàn thể bức tranh lớn. 

Vì sao lại ra nông nỗi này? Trách nhiệm thuộc về ai? Tôi không muốn bàn nhưng tôi thấy ít nhiều gì cũng có mình trong đó, dù chỉ là một phần bé tẹo tí hon. 

Hẳn nhiên tôi không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thế nhưng trong tư duy của tôi mỗi khi hướng về phim ảnh thì yếu tố Việt Nam luôn là ưu tiên hằng đầu. Bởi một khi đã tư duy thì tôi sẽ dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, phân tích và đúc kết. Một quyết định xem 1 bộ phim của tôi luôn dẫn tới rất nhiều sự đầu tư thời gian và không gian. Thế nên tôi không muốn phải cho ra một kết quả nằm ngoài văn hóa bản địa. Dĩ nhiên tôi không từ bỏ cơ hội được xem một bộ phim hay, sản xuất bởi một đội ngũ đến từ một đất nước khác. Nhưng tôi không thể tự dối lòng mình. Chỉ nên làm những điều mà mình yêu. Còn những thứ không phải tình yêu, hoặc yêu chưa nhiều hoặc yêu xa thì tôi không muốn bàn luận đào sâu.

Dù sốc, dù giận, dù buồn, nhưng tôi phải công nhận rằng những nhận xét với Song Lang và Chàng Vợ Của Em của các bạn là rất có căn cơ. Các bạn đã trở thành một nguồn tư liệu tham khảo xứng đáng cho tôi. Có thể hiểu các bạn như một lớp khán giả “tinh hoa”, có học thức, được học trường quốc tế, giỏi ngoại ngữ và theo sát những diễn biến thời sự điện ảnh quốc tế. Muốn biết cái gì đương thời thì có thể tìm tới và lắng nghe các bạn. 

Tôi đã hơi dài dòng nhưng tôi nghĩ phải viết ra hết và thành thật như vậy. Vì sao? Vì tôi nhìn thấy Phê Phim và có thể Phê Phim cũng sẽ nhìn thấy tôi. Chúng tôi thấy nhau trên một cánh đồng ảo. Nhưng những gì tôi gieo trồng tôi muốn chúng thật. 

Trưa nay tôi thấy Phê Phim có thả tim cho một đoạn bình luận của tôi có liên quan đến CRA. Tôi tin rằng đó là một cú nhấp tay, một cú nhấp thật. Đó cũng là lý do cho bài viết này. Giá trị nối kết giữa 2 bên theo tôi cũng là sự thật, sự chân thật.

Có lẽ sẽ có rất nhiều phim Mỹ hay phim nước ngoài tôi không bao giờ xem. Và vì vậy tôi không thể hòa cùng dòng chảy tâm ý với Phê Phim. Nhưng CRA là một trường hợp ngoại lệ. CRA có cách đặt vấn đề rất sát với tâm tình của phương Đông. Đây cũng là bộ phim có nhiều diễn biến mang tính chất “lịch sử” hay tạm gọi là “điệp khúc đầu tiên”. Đi cùng với nó có rất nhiều cái gọi là “đầu tiên”. Phim gây được sức hút, phim gây được dư luận. Và tôi thì đang trong một trạng thái gọi là “hòa nhập xã hội”. Tôi có những câu hỏi. Không biết những người trẻ tuổi ở độ 15 đến 28 họ đang nghĩ gì? Thanh niên ở 2 đô thị lớn nhất Sài Gòn và Hà Nội, họ đang thích được nghe một chuyện kể như thế nào?

Vậy là tôi đã nghe trọn vẹn phần trình bày của Phê Phim. (Tôi đã viết phần nhận xét khá nhanh. Thế nên tôi sẽ viết lại ở Góc Nghệ đầy đủ hơn!). Bạn trình bày một mạch với tốc độ nhả chữ tôi tưởng như cơn mưa rào ở Sài Gòn vào chiều 25.9. Ào ạt, xối xả, dầm dập. Tôi chưa kịp nhớ bạn nói điều gì. Hoặc có lẽ cũng chưa có điều gì quá ấn tượng với tôi trong nội dung mà bạn nói. Tôi chỉ thấy tình yêu trong bạn thôi. Tình yêu chơn thiệt. Rất thiệt! Chỉ có yêu thiệt mới có thể đưa tới một cách như vậy. Tôi không biết bạn đã soạn trước nội dung ra sao. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi (không biết có cạn cợt không?) chỉ khi yêu, yêu thiệt, người ta mới có phản ứng tương tự.

CRA đưa ra rất nhiều vấn đề và rõ nhất chính là sự kỳ thị. Mà vấn đề ở đây là gì? Chính người da vàng kỳ thị nhau. Tình trạng không biết nơi nào là quê nhà, tâm hồn không có quê hương chắc chắn là thực tế của nhiều người da vàng. Kịch bản với khá nhiều lời thoại cho thấy mức độ nghiên cứu nghiêm túc và sâu sát khi đưa ra rất nhiều hình ảnh ví von mà chỉ có ai đã từng trải mới hiểu. Chẳng hạn như là hình ảnh trái chuối. Ngoài vàng trong trắng. 

Nghe rất bình thường nhưng đó là một cú đấm, một cú tát vào người nghe. Có đi qua mới hiểu. Mà có thực trải mới thấu. Tôi nghĩ Phê Phim chắc chắn là đã có một dư chấn hay nhiều dư chấn với sự kỳ thị này. Về phần tôi, tôi có thể nói chẳng đâu xa cả. Ngay cả phim Hàn nói riêng và văn hóa Hàn Quốc nói chung, vốn dĩ đang được thanh niên Việt Nam mến chuộng. Nhưng có thể các bạn không biết rằng có một sự kỳ thị khá lớn hoặc nếu không lớn thì rất rõ của người Hàn dành cho người Việt. Tức là chung một màu da vẫn kỳ thị nhau như thường. Bằng cớ không thể nào tẩy xóa được. Hãy thử xem một bộ phim Hàn và có yếu tố Việt Nam trong kịch bản. Sẽ thấy gì? Sẽ thấy không ít, đúng hơn là có nhiều hơn 1 bộ phim dành phần xấu xí về phía người Việt. Cái nhân vật hắc ám hay là những tuyến truyện thứ cấp sẽ xuất hiện các câu chuyện có yếu tố Việt Nam. Đặt ra cái xấu để làm nền cho cái đẹp. Đặt ra cái dơ bẩn để minh chứng điều sạch sẽ. Nghĩ rằng mình lớn, mình giàu, mình mạnh là cho mình cái quyền chèn ép những con người ở thế yếu hơn. Thậm chí đưa ra rất nhiều chi tiết phi lý. Đó không phải là toàn bộ nhưng vì những cái nhỏ xuất hiện quá nhiều cho nên từ cái nhỏ người ta (khán giả đại chúng) nghĩ rằng cái toàn bộ cũng không khác cái thiểu số. 

Trở lại với nội tâm của bạn trẻ trong Phê Phim, tôi hoàn toàn có thể hiểu được bạn (dù tôi tin rằng tôi cũng chưa thể nào đặt chân trong đôi giày của bạn để biết rằng bạn đã đi qua những gì) nhưng chắc chắn bạn đã chứng kiến quá nhiều kỳ thị. Ít nhất là những bộ phim, những văn hóa phẩm. Từ riêng, đến cái chung, từ Việt Nam đến toàn bộ dòng giống da vàng. Đời xơ xác, hồn sa mạc nên có thể hiểu rằng sự xuất hiện của CRA hay sự vùng lên của các giá trị da vàng, chỉ nội diễn tiến ấy thôi (chưa cần bàn đến giá trị thật của tác phẩm này) cũng là đã là cơn mưa rào tắm táp cõi lòng bạn.

Không biết tôi còn có thể viết thêm bài nào nữa về CRA không? Nhưng tạm dừng ở đây. Và không quên nhắc lại. Phần cảm nhận của bạn tôi cho điểm 10 luôn. Hào phóng như vậy đó! Một sự đánh giá hoàn toàn dựa trên cảm xúc. Chưa có lý trí chen vào. Vì bạn thật nên bạn cao điểm! Vì bạn có tình yêu. Mà đó là yếu tố quyết định.

Có tình yêu thiệt nên không cần soạn, không cần diễn, nó RA HẾT!

#Nhiên